1. Cựu Giám đốc tình báo NATO kêu gọi phương Tây bóp nghẹt dầu mỏ của Nga để nước này trao ra Putin cho Tòa án Hình sự Quốc tế

Trong bài “Putin's Achilles' Heel: Ex-Intel Chief Urges West to Choke Russian Oil”, nghĩa là “Gót chân Achilles của Putin: Cựu Giám đốc tình báo NATO kêu gọi phương Tây bóp nghẹt dầu mỏ của Nga”, đăng trên tờ Newsweek, cựu giám đốc tình báo nước ngoài của Estonia, và cũng là cựu Giám đốc tình báo của NATO, Mikk Marran, nói với Newsweek rằng phương Tây nên thực hiện nhiều biện pháp trừng phạt hơn và áp giá dầu xuống thấp hơn nữa để gây thêm áp lực kinh tế, tạo điều kiện cho các thay đổi sâu rộng trong xã hội Nga.

Gót chân Achilles là một câu ngạn ngữ nổi tiếng nói về điểm yếu của mỗi con người. Theo thần thoại Hy Lạp, Achilles là con trai của Peleus và nữ thần biển cả Thetis. Chàng sở hữu một sức mạnh phi thường nhưng không thể bất tử như người mẹ của mình, và điểm yếu của chàng là gót chân. Achilles đã chết trong cuộc chiến ở thành Troia khi bị Paris bắn trúng gót chân.

Hôm thứ Sáu 18 tháng Ba, Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ra lệnh bắt giữ Vladimir Putin vì các tội ác chiến tranh. Nếu ông ta tránh không đi du lịch đến 123 quốc gia thì ông ta có thể không bị đưa ra trước tòa khi còn đang tại vị. Tuy nhiên, ông ta không thể nắm quyền mãi mãi; và một khi ông ta mất quyền mọi chuyện đều có thể diễn ra, trong đó viễn cảnh khả thi nhất là một chính quyền mới của Nga sẽ nộp ông ta cho ICC để đánh đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà nước Nga đang phải còng lưng gánh vác vì sai lầm của Putin.

Marran cho rằng Nga đang chịu áp lực của các lệnh trừng phạt và mức giá cao nhất đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển là 60 USD một thùng do Liên minh Âu Châu và G7 đặt ra.

Vì thế, các quốc gia phương Tây và các đối tác G7 của họ nên tăng cường các cuộc tấn công vào doanh thu xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch béo bở của Nga và hạn chế khả năng tài trợ cho cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine của Mạc Tư Khoa.

Marran nói: “Chúng ta nên bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt hơn, chúng ta nên hạ giá dầu. Chúng ta nên áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt hơn đối với các ngân hàng hàng đầu ở Nga, bởi vì vẫn còn những ngân hàng hùng mạnh chưa bị phương Tây trừng phạt, ví dụ như Gazprombank, một trong những ngân hàng lớn ở Nga.”

“Phương Tây đã làm khá tốt khi hỗ trợ quân đội Ukraine và nhà nước Ukraine, nhưng chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa với tư cách là một tập thể phương Tây để gây áp lực tài chính nhiều hơn cho Nga,” Marran nói. Ông nói thêm, các đồng minh phương Tây “đang gần đến đích” trong việc thiết lập một đường lối cứng rắn hơn đối với Mạc Tư Khoa.

Oleg Usenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói với Newsweek rằng việc giảm giá dầu là ưu tiên hàng đầu.

“Tôi thực sự tin rằng chúng ta phải tiến xa hơn, và chúng ta phải giảm mức giá cao nhất này xuống đến mức thấp nhất có thể. Chúng ta phải bảo đảm rằng người Nga không có sẵn tiền mặt để tài trợ cho bộ máy quân sự của họ.”

Usenko đề xuất mức giá cao nhất là từ 10 USD đến 20 USD mới thùng. Những người ủng hộ giới hạn giá thấp như Ba Lan, Estonia, và Ukraine đã lưu ý rằng Nga đã tiếp tục bán trong thời kỳ sụt giảm do COVID-19 khiến dầu thô Urals giảm xuống 16,6 USD một thùng vào tháng 4 năm 2020. Điều này cho thấy Mạc Tư Khoa có thể bị ép giá thấp hơn nhiều.

2. Đức tuyên bố các cơ quan thực thi pháp luật được lệnh bắt giữ nghi phạm Putin ngay khi có điều kiện

Mykhailo Podolyak, cố vấn của người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, nói rằng “tuyên bố quốc tế phải được tuân thủ” một cách chặt chẽ.

Ông nói tiếp: “Điều mang tính biểu tượng là Đức là nước đầu tiên nói rõ rằng nếu 'nghi phạm Vladimir Putin' xuất hiện trong khu vực tài phán của họ, ông ta sẽ bị bắt ngay lập tức.”

Tưởng cũng nên nhắc lại là hôm thứ Sáu 18 tháng Ba, Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ra lệnh bắt giữ Vladimir Putin và ủy viên quyền trẻ em của ông ta vì các tội ác chiến tranh. Với lệnh truy nã này, Putin trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị phát lệnh truy nã, và bị coi là một tên tội phạm bị tầm nã.

Andriy Kostin, Tổng công tố Ukraine, nói rằng Tổng thống Putin “chính thức mang tư cách của một nghi phạm trong việc thực hiện một tội phạm quốc tế.”

Kostin nói thêm: “Thế giới đã nhận được tín hiệu rằng chế độ Nga là tội phạm và lãnh đạo cũng như đồng phạm của nó sẽ bị đưa ra trước công lý.”

Kostin, trong một tuyên bố được phát hành trên Telegram, nói rằng Văn phòng Tổng Công tố Ukraine “đã đệ trình hơn 40 tập tài liệu cho ICC – hơn 1000 trang.”

“Tổng cộng, quá trình tố tụng mà Văn phòng Tổng Công tố cung cấp hướng dẫn về thủ tục đã ghi lại việc trục xuất hơn 16.000 trẻ em từ các vùng Donetsk, Luhansk, Kharkiv và Kherson.”

Chính quyền Kyiv đã tìm được 300 trẻ em Ukraine và đưa về quê hương. Nhiều em sẵn sàng đưa ra các chứng tá cho thấy các em đã bị người Nga bắt cóc, đưa ra khỏi cố hương hàng ngàn dặm, và bị ngược đãi bao gồm lao động cưỡng bức và lạm dụng tính dục.

3. Chính quyền Biden hoài nghi về ý định của Tập trước hội nghị thượng đỉnh với Putin

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Bẩy, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh, nói rằng Trung Quốc tôn trọng các quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC. Tuy nhiên, chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình đã được lên kế hoạch trước và vẫn sẽ được tiến hành như đã dự trù.

Tưởng cũng nên nhắc lại là hôm thứ Sáu 18 tháng Ba, Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ra lệnh bắt giữ Vladimir Putin vì các tội ác chiến tranh. Với lệnh truy nã này, Putin trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị phát lệnh truy nã, và bị coi là một tên tội phạm bị tầm nã.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hồi đầu tuần cho biết ông dự định sẽ nói chuyện “sớm” với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhưng trước khi các nhân viên của ông bắt đầu lên kế hoạch cho cuộc điện đàm, một cuộc họp khác đã diễn ra: nhà cầm quyền Trung Quốc thông báo rằng ông Tập có kế hoạch tới Nga vào ngày thứ Hai để tham dự hội nghị thượng đỉnh ba ngày với Tổng thống Vladimir Putin, khi ông Tập đang cố gắng thể hiện mình là một người có thể kiến tạo hòa bình trong cuộc chiến Ukraine.

Tại Washington, các quan chức xem các ý định của Tập với thái độ hoài nghi sâu sắc; Trung Quốc đã từ chối lên án cuộc chiến và thay vào đó tuyên bố rằng Mạc Tư Khoa đã bị khiêu khích khi xâm lược Ukraine. Sau khi Trung Quốc công bố chuyến thăm Nga của ông Tập bằng cách nói rằng ông ấy đi “vì mục đích hòa bình”, Tòa Bạch Ốc đã nỗ lực ngăn chặn các nỗ lực coi cuộc gặp giữa ông Tập và ông Putin là một sứ mệnh hòa bình, cho thấy bất kỳ khuôn khổ nào do Bắc Kinh đưa ra sẽ có trọng lượng đối với Nga và xấu cho Ukraine.

“Khi họ bắt đầu lên kế hoạch cho chương trình nghị sự của mình, chúng tôi chắc chắn muốn bày tỏ sự quan ngại của chúng tôi đối với bất kỳ đề xuất nào từ Trung Quốc vì chúng phiến diện và chỉ phản ánh quan điểm của Nga,” Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia nói.

Ông cho biết một đề xuất như vậy của Trung Quốc có thể bao gồm một số hình thức ngừng bắn, mà ông cho rằng sẽ chỉ cung cấp một phương thế để Nga tập hợp lại trước khi tiến hành một cuộc trả đũa tàn bạo hơn.

Ông nói: “Một lệnh ngừng bắn hiện nay thực sự là sự phê chuẩn cuộc xâm lược của Nga”.

Bản thân hội nghị thượng đỉnh Putin-Tập không gây ngạc nhiên cho Tòa Bạch Ốc, vì đã có báo cáo rằng một cuộc gặp như vậy có thể diễn ra trong nhiều tuần. Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại sâu sắc về mối quan hệ đối tác “không giới hạn” mà Tập và Putin đã củng cố trong các cuộc gặp trước đó có thể trở nên sâu sắc hơn trong các cuộc đối thoại trực tiếp.

Và ngày càng có nhiều lo ngại rằng sự can thiệp sâu hơn của Trung Quốc vào cuộc xung đột sẽ làm thay đổi cơ bản cục diện chiến trường – hoặc ít nhất là kéo dài cuộc chiến vào thời điểm mà sự ủng hộ Ukraine đang bị thử thách.

Ngay trước khi Tập Cận Bình đến Mạc Tư Khoa, các phương tiện truyền thông Nga thẳng thừng cho rằng trong khi nước Nga ngày càng nghèo đi vì cuộc chiến tại Ukraine, Trung Quốc ngày càng giầu lên; và nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài Trung Quốc sẽ nhanh chóng trở thành cường quốc mạnh nhất toàn cầu, không có đối thủ.

4. Điện Cẩm Linh đang muốn mở rộng chiến tranh lôi kéo Mỹ tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột với Nga.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói rằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ vào tuần trước trên Hắc Hải là dấu hiệu cho thấy sự can dự trực tiếp của Mỹ vào cuộc xung đột với Nga.

Theo quan điểm của ông ta, việc máy bay chiến đấu Nga hạ gục một máy bay không người lái của Mỹ hôm thứ Ba là cuộc chạm trán quân sự trực tiếp đầu tiên được biết đến giữa hai bên kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Interfax trích lời Peskov nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào Chúa Nhật:

Rõ ràng là những chiếc máy bay không người lái này đang làm gì và nhiệm vụ của chúng hoàn toàn không phải là một nhiệm vụ hòa bình để bảo đảm an toàn cho việc vận chuyển trong vùng biển quốc tế.

Và trên thực tế, chúng ta đang nói về sự tham gia trực tiếp của những người điều khiển những chiếc máy bay không người lái này vào cuộc xung đột và chống lại chúng ta.

Bình luận về các tuyên bố của Dmitry Peskov, một số quan sát viên cho rằng tình trạng bế tắc quân sự trong cuộc chiến hiện nay khiến phe diều hâu tại Nga không hài lòng. Putin cũng cần huy động thêm quân để bù đắp cho các tổn thất. Mở rộng chiến tranh với Mỹ và NATO gần như là cách duy nhất Putin có thể làm để hiệu triệu dân chúng ủng hộ ông ta, và tiếp tục ngồi trên ngai vàng.

5. Nga không kích Kramatorsk

Các cuộc tấn công của Nga vào Kramatorsk, mà thống đốc khu vực Pavlo Kyrylenko cho biết đã giết chết hai người và làm bị thương 10 người vào thứ Bảy, đánh dấu lần thứ hai thành phố phía đông này trở thành mục tiêu trong một tuần.

Hôm thứ Ba, một người chết và ba người bị thương sau một cuộc tấn công vào các tòa nhà dân cư, AFP đưa tin.

Kramatorsk nằm ở khu vực công nghiệp phía đông của Donetsk, nơi có một phần lãnh thổ đã bị kiểm soát bởi lực lượng ly khai do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn kể từ năm 2014.

Vào tháng 4 năm 2022, một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đã giết chết khoảng 60 người tại nhà ga xe lửa Kramatorsk, một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất của cuộc chiến nhắm vào dân thường.

Mạc Tư Khoa đã tìm cách chiếm toàn bộ khu vực Donetsk sau khi tuyên bố đây là một phần của Nga vào năm ngoái. Cho đến nay, các nỗ lực của Nga đã thất bại và họ phải trả một giá rất đắt.

6. Người sống sót sau vụ đánh bom Mariupol nói rằng chuyến thăm của Putin giống như một kẻ giết người hàng loạt trở lại hiện trường vụ án

Một phụ nữ sống sót sau vụ đánh bom năm ngoái nhằm vào một nhà hát đông đúc ở Mariupol đã ví chuyến thăm qua đêm của Putin tới thành phố do Nga xâm lược giống như “khi một kẻ giết người hàng loạt trở lại nơi gây án”.

Ivan Watson của CNN trước đó đã nói chuyện với Maria Kutnyakova vào tháng 3 năm ngoái, sau khi cô tìm cách trốn khỏi Mariupol để đến lãnh thổ do Ukraine kiểm soát cùng gia đình.

Nói chuyện với Watson một lần nữa qua điện thoại vào Chúa Nhật, Kutnyakova cho biết Putin đã đến thăm Mariupol vào ban đêm “vì họ không muốn quay những thước phim thực sự về thành phố bị phá hủy”.

“Họ không muốn chứng tỏ rằng Mariupol vẫn là một thảm họa. Có rất nhiều tòa nhà bị phá hủy. Kutnyakova, hiện đang làm việc trực tuyến cho một tổ chức phi chính phủ của Ukraine từ Vilnius, Lithuania, cho biết mọi người sống trong hoàn cảnh tồi tệ.

“Tuyên truyền của Nga đưa ra hình ảnh về một vài tòa nhà mà họ đã xây dựng. Họ muốn để mọi người tin rằng Mariupol bây giờ là một nơi rất tốt đẹp. Nhưng không phải vậy,” Kutnyakova nói.

Cô ấy nói với CNN giá cả ở Mariupol là “điên rồ”, rằng người dân trong thành phố không có thuốc men hay sưởi ấm, và các vấn đề vẫn tồn tại với thông tin liên lạc, điện, nước và khí đốt.

Kutnyakova cho biết tất cả 15 người thân của cô và một số bạn thân sống ở Mariupol đã rời thành phố. Cô cho biết gia đình cô đã không thể tìm thấy chú của cô kể từ mùa xuân năm ngoái và họ sợ rằng ông có thể đã chết.

Về vụ đánh bom: Khoảng 300 người thiệt mạng khi lực lượng Nga ném bom Nhà hát kịch khu vực học thuật Donetsk ở Mariupol, nơi hoạt động như một nơi trú ẩn cho người dân, theo các nhà lãnh đạo thành phố.

Vụ đánh bom ngày 16 tháng 3 năm 2022 là một trong những vụ tấn công trắng trợn nhất của Nga nhằm vào dân thường trong cuộc tấn công ban đầu.

Trước cuộc tấn công, những chữ “TRẺ EM” đã được sơn trên mặt đất bên ngoài tòa nhà bằng những chữ Nga khổng lồ. Có tới 1.300 người đang trú ẩn bên trong.

Nga phủ nhận việc lực lượng của họ tấn công nhà hát, cho rằng một trung đoàn trong quân đội Ukraine đã cho nổ tung nó. Mạc Tư Khoa đưa ra tuyên bố tương tự - mà không cung cấp bằng chứng - về vụ đánh bom một bệnh viện phụ sản ở Mariupol xảy ra khoảng một tuần trước đó.

Thành phố phía đông nam đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ tháng 5 năm 2022.

Theo các nguồn tin tình báo của Ukraine chưa được CNN xác minh, Putin đi thăm bán đảo Crimea và thành phố Mariupol không phải là Putin thật mà chỉ là người thế thân của ông ta.

7. Nga pháo kích giết chết 3 người ở vùng Zaporizhzhia, các quan chức Ukraine nói

Một cuộc tấn công vào một tòa nhà dân cư đã giết chết ba người hôm Chúa Nhật ở vùng Zaporizhzhia, miền nam Ukraine, theo các quan chức địa phương Ukraine.

Các lực lượng Nga đã bắn hỏa tiễn “Grad” vào làng Kamianske, giết chết 3 người và làm bị thương 2 người khác, những người hiện đang được điều trị y tế, Cục quản lý quân sự khu vực Zaporizhzhia cho biết trong một bài đăng trên Telegram.

Các quan chức Ukraine nhấn mạnh mối nguy hiểm đối với dân thường vẫn sống gần chiến tuyến của cuộc xung đột và kêu gọi họ di tản.

“Mối nguy hiểm đối với thường dân ở tiền tuyến không biến mất. Đối phương không thành công trên chiến trường với Lực lượng vũ trang Ukraine, vì vậy họ đang cố tình giết hại dân thường Ukraine”, chính quyền quân sự cho biết.

8. Video cho thấy xe tăng T-90 Proryv của Nga bị tiêu diệt trong cuộc tấn công của Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video Shows Russian T-90 Proryv Tank Obliterated in Ukrainian Strike”, nghĩa là “Video cho thấy xe tăng T-90 Proryv của Nga bị tiêu diệt trong cuộc tấn công của Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một đoạn video có mục đích trình bày cảnh quay một trong những xe tăng tối tân của Nga bị lực lượng Ukraine cho nổ tung đã lan truyền chóng mặt.

“Các chiến sĩ đội đặc nhiệm Mã số 9.2. cùng với lữ đoàn Vệ binh Quốc gia 3027 đã truy lùng và phá hủy niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Nga - xe tăng T90 Proryv”, cố vấn Bộ Nội Vụ Ukraine Anton Gerashchenko viết trên Twitter bên cạnh đoạn video.

Được lồng nhạc phim “What a Wonderful World” của Louis Armstrong, video kéo dài 1 phút 17 giây cho thấy một chiếc xe tăng đang bị tấn công từ trên không. Đoạn clip, tính đến thứ bảy đã nhận được 142.000 lượt xem, kết thúc bằng một đoạn phim của một bản tin Nga chỉ trích việc giao xe tăng cho Ukraine, và cảnh chiếc T-90 phát nổ.

Nga đã quảng cáo T-90M là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực, gọi tắt là MBT, tốt nhất trên thế giới. Còn được gọi là “Proryv-3” (Đột phá-3), MBT là phiên bản cải tiến của xe tăng T-90 và lần đầu tiên được tiết lộ công khai vào năm 2017.

Cả hai mẫu, trong đó quân đội có vài trăm chiếc, đều vượt trội so với xe tăng Liên Xô mà cả quân đội Nga và Ukraine đang sử dụng trong chiến tranh.

T-90M có một số nâng cấp so với những thế hệ trước như lớp giáp bảo vệ tốt hơn, hệ thống đối phó và uy lực pháo mạnh hơn. Nó được trang bị súng chính 125 ly 2А46М nạp đạn tự động và có tầm bắn hơn 3 dặm.

Tuy nhiên, xe tăng Nga đã trở thành nạn nhân của hỏa tiễn chống tăng có điều khiển cũng như “chiến thuật sáng tạo” của lực lượng Ukraine sử dụng hỏa tiễn chống tăng có điều khiển Javelin.

Các phương tiện truyền thông Nga đã đưa tin rằng T-90M cho thấy khả năng phục hồi của ngành công nghiệp vũ khí của đất nước và việc phát hiện ra rằng chúng chứa công nghệ của Pháp cho thấy các lệnh trừng phạt có thể đồng nghĩa với các vấn đề về chuỗi cung ứng trong tương lai.

Hãng tin Ukrinform của Ukraine đưa tin rằng vụ tấn công đầu tiên được ghi nhận vào một chiếc T-90 kể từ khi bắt đầu chiến tranh là vào ngày 4 tháng 5 năm 2022, tại Staryi Saltiv, Kharmiv.

Theo Oryx, một trang web theo dõi tổn thất thiết bị trong cuộc chiến sử dụng thông tin tình báo nguồn mở, kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, các lực lượng Ukraine đã phá hủy ít nhất 15 xe tăng T-90M. Nga cũng đã mất 33 xe tăng T-90A, 1 xe tăng T-90AK và 6 xe tăng T-90S.

Các con số này được đưa ra khi các lực lượng vũ trang Ukraine hôm thứ Bảy báo cáo rằng trong 24 giờ trước đó, Nga đã thiệt hại 880 binh sĩ, nâng tổng số người thiệt mạng lên 164.200.

Các ước tính của phương Tây về tổn thất của Nga thấp hơn một chút và Mạc Tư Khoa đã không cập nhật số liệu kể từ cuối tháng 9 khi cho biết họ chỉ mất dưới 6.000 quân.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.