1. Thông báo của Tòa Giám mục Kon Tum về việc xúc phạm thánh lễ
TOÀ GIÁM MỤC KON TUM
146 Trần Hưng Đạo - Kon Tum - Việt Nam
Số 48/VT/’23/Tgmkt
THÔNG BÁO
V/v xúc phạm Thánh Lễ tại Nhà nguyện Giáo họ Phaolô, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi
Văn phòng Toà Giám mục Kon Tum trân trọng thông báo tới Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Gia đình Giáo phận.
Như quý Cha và Anh Chị Em đã biết, vào lúc 18h15’ ngày 22 tháng 3 năm 2023, khi Cha Phanxicô Xaviê Lê Tiên, chánh xứ Đăk Giấc đang dâng Thánh Lễ tại nhà nguyện Giáo họ Phaolô thuộc Giáo xứ Đăk Giấc, một nhóm cán bộ của xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, đã đến yêu cầu Cha Tiên dừng Thánh Lễ, với những lời lẽ gắt gỏng và có hành vi xúc phạm đến niềm tin của người Công Giáo, xúc phạm đến sự thánh thiêng của Thánh Lễ, vốn là trung tâm của toàn thế đời sống Kitô giáo, là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu chúng ta. Vì thế, việc làm này đã gây bức xúc và làm tổn thương cho anh chị em giáo họ Phaolô, cũng như đối với quý Cha và Anh Chị Em giáo dân trong và ngoài Giáo phận Kon Tum.
Đức Cha Aloisiô, Giám mục Giáo phận Kon Tum cũng đã đến thăm để bày tỏ tình hiệp thông với cha xứ cũng như anh chị em thuộc Giáo họ Phaolô xa xôi này. Và sáng hôm nay, ngày 27 tháng 3 năm 2023, bằng một văn thư chính thức gửi chính quyền tỉnh Kon Tum và huyện Ngọc Hồi, Tòa Giám Mục đã lên án hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến sự thánh thiêng của Thánh Lễ, đồng thời đưa ra những kiến nghị để Chính quyền sớm công nhận Nhà Nguyện của Giáo họ Phaolô và các Nhà Nguyện khác trong các buôn làng thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum.
Xin quý Cha và Gia đình Giáo phận tiếp tục cầu nguyện cho Giáo họ Phaolô nói riêng và Giáo phận chúng ta nói chung để những nguyện vọng chính đáng của Anh Chị Em giáo dân ở những vùng khó khăn sớm được giải quyết, hầu tránh những sự việc đáng tiếc như đã xảy ra tại nhà nguyện Giáo họ Phaolô.
Kon Tum, ngày 27 tháng 3 năm 2023
T/M Tòa Giám Mục Kon Tum
Linh mục Phêrô Lê Văn Hùng
Chánh Văn Phòng Tòa Giám Mục
2. Tuyên bố của chính phủ Ukraine về việc chính quyền Nga kích động hận thù tôn giáo
Tuyên truyền của Nga đã biến việc tập hợp các tín hữu cho nghi lễ thiêng liêng thành một cuộc biểu tình phản đối
Các phương tiện thông tin đại chúng của Điện Cẩm Linh và các kênh Telegram ủng hộ chiến tranh đã lan truyền thông tin giả mạo tuyên bố rằng người Ukraine tổ chức các cuộc biểu tình lớn ở Kyiv để phản đối việc trục xuất các đại diện của Tòa Thượng phụ Giáo Hội Chính thống Ukraine ở Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC MP, khỏi Tu viện hang động ở Kyiv.
Để làm bằng chứng, họ công bố một bức ảnh cho thấy một đám đông người tụ tập gần Tu viện.
Đây là hàng giả. Bức ảnh được chụp vào ngày 12 tháng 3 vừa qua. Vào ngày hôm đó, các tín hữu đã tập trung để tham dự Phụng Vụ Thánh tại Tu viện hang động Kyiv, được cử hành bởi nhà lãnh đạo Giáo Hội Chính thống Ukraine là Đức Tổng Giám Mục Epiphanius tại Nhà thờ Đức Mẹ Yên Giấc, thuộc lãnh thổ của tu viện.
Vào ngày 10 tháng 3, Cục Dự trữ Quốc gia đã gửi cảnh báo tới Tu viện nam giới của UOC MP về việc chấm dứt thỏa thuận ngày 19 tháng 7 năm 2013 về việc sử dụng miễn phí các tòa nhà tôn giáo và các tài sản khác của tu viện sau khi Tổ công tác liên ngành phát hiện vi phạm các điều khoản của thỏa thuận. Theo phát hiện của nhóm, các đại diện của UOC MP phải rời khỏi cơ sở Lavra trước ngày 29 tháng 3.
3. Đức Thánh Cha phê chuẩn tự sắc cập nhập bài trừ nạn lạm dụng tính dục
Hôm 25 tháng Ba vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn chung kết ấn bản mới của Tự sắc về việc bài trừ nạn lạm dụng tính dục trong Giáo hội. Sau gần bốn năm áp dụng thử nghiệm, Tự sắc đã được nhiều lần bổ túc và nay được Đức Thánh Cha ấn định như bản chung kết.
Tự sắc mang tựa đề “Vos estis lux mundi”, Các con là ánh sáng thế gian, dài 10 trang. Sau phần dẫn nhập, được chia làm hai thiên với tổng cộng 19 điều khoản. Thiên thứ I gồm 5 điều khoản trình bày những quy định tổng quát, và thiên thứ II liệt kê trong 14 điều khoản những quy định liên quan đến các giám mục và các vị tương đương. Văn kiện pháp lý này được công bố lần đầu tiên ngày 09 tháng Năm năm 2019 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 tháng Sáu sau đó để thử nghiệm. Còn Tự sắc cập nhật này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30 tháng Tư tới đây.
Trong Tự sắc, Đức Thánh Cha thiết định các quy luật và thủ tục về việc trình báo những vụ xách nhiễu và bạo hành tính dục trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, đồng thời cũng bảo đảm sao cho các giám mục và các Bề trên dòng tường trình trách nhiệm về hoạt động của các vị. Tự sắc ấn định nghĩa vụ buộc các giáo sĩ và tu sĩ phải trình báo các vụ lạm dụng. Mỗi giáo phận phải có một hệ thống có thể được dân chúng lui tới, liên lạc dễ dàng để đón nhận những lời tố giác lạm dụng.
Điểm mới nhất trong Tự sắc cập nhật là: ngoài các giám mục và bề trên dòng, nay cả các giáo dân điều hành các hiệp hội quốc tế các giáo dân được Tòa Thánh nhìn nhận, cũng có trách nhiệm trong lãnh vực này, giống như các giám mục và bề trên dòng.
Tự sắc cập nhật củng cố những quy luật về việc giữ thanh danh và lãnh vực riêng tư của tất cả những người liên hệ, và người bị điều tra phải được coi là vô tội, trong khi chờ đợi xác nhận trách nhiệm của họ khi bị cáo buộc.
Ngoài ra, Tự sắc tiếp tục nói về những vụ xách nhiễu và bạo hành tính dục, không những trên các trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương, nhưng cả những vụ bạo hành và xách nhiễu tình dục như kết quả của sự lạm dụng quyền bính. Vì thế, điều này cũng bao gồm cả trường hợp giáo sĩ bạo hành tình dục các nữ tu, các chủng sinh và các tập sinh đã trưởng thành.
Tự sắc coi những thái độ che đậy, như một loại hành động đặc thù, hệ tại “hành động hoặc bỏ sót nhắm can thiệp vào hoặc tránh né những cuộc điều tra dân sự hoặc điều tra theo giáo luật, hành chánh hoặc hình luật, đối với một giáo sĩ hay một tu sĩ về các tội ác “lạm dụng tính dục”. Đây là trường hợp những người có vị thế trách nhiệm đặc thù trong Giáo hội, thay vì truy tố những lạm dụng do người khác phạm, thì lại che giấu, bao che kẻ bị coi là có tội, thay vì bảo vệ các nạn nhân.
Tự sắc minh xác rằng nghĩa vụ tiến hành cuộc điều tra khi có những tố giác là của giám mục tại nơi xảy ra những vụ được tố giác.