John L. Allen Jr., chủ bút tạp chí mạng CruxNow, ngày 10 tháng 4 năm 2023, nhận định rằng:
Về mặt phụng vụ và tâm linh, Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh là những thời kỳ linh thiêng nhất trong lịch Kitô giáo hàng năm. Từ quan điểm giao tế nhân sự, những ngày lễ cũng thể hiện khả năng hiển thị cao nhất đối với Đức Giáo Hoàng, vì đó là thời điểm mà mọi phương tiện truyền thông trên hành tinh sẽ tập trung vào Rome.
Năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cần chiếc bục đó để phóng chiếu sức mạnh, kể từ khi ngài bước vào Tuần Thánh sau một lần nhập viện bất ngờ gây ra mối lo ngại về sức khỏe. Trên mặt trận đó, Đức Giáo Hoàng đã thành công, vì đã chứng tỏ được sự mau phục hồi và phong độ tốt trong suốt lịch trình mệt mỏi của ngài.
Tuy nhiên, đó không phải là thông điệp duy nhất. Cả trong phong cách minh nhiên và sâu sắc, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã củng cố một xác tín chính trị và ngoại giao cốt lõi – nghĩa là Vatican dưới sự giám sát của ngài hoàn toàn cam kết thực hiện một chính sách đối ngoại đa phương.
Nói một cách trừu tượng, điều hợp lý là vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đến từ phương nam hoàn cầu nên định vị lại Vatican như một chủ thể đa phương thực sự, tránh xa liên minh truyền thống với các cường quốc phương Tây. Quá trình chuyển đổi đó đã rõ ràng trong một thời gian và Tuần Thánh 2023 đã củng cố thông điệp đó.
Biểu tượng công khai của buổi lễ Thứ Sáu Tuần Thánh Đàng Thánh Giá (Via Crucis) liên quan đến Nga và Ukraine đã chứng minh quan điểm đó.
Ngay từ đầu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cố gắng duy trì một lập trường cân bằng trong cuộc xung đột mà về cơ bản gần với ranh giới của Trung Quốc, Ấn Độ và Ba Tây hơn là của Hoa Kỳ và NATO.
Ở một mức độ nào đó, đó chỉ là Vatican vẫn là Vatican, cố gắng duy trì tư thế truyền thống của mình là siêu đảng phái, super partes “đứng trên các bên”, và do đó có thể đóng vai trò trung gian hòa giải. Tuy nhiên, cũng có một yếu tố đặc biệt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong cách ngài bác bỏ rõ ràng chẩn đoán của phương Tây về cuộc xung đột, lên án việc tuôn vũ khí vào Ukraine, không đích danh lên án Putin và thậm chí còn gợi ý rằng Nga có những lo ngại về an ninh chính đáng.
Năm ngoái, vào Thứ Sáu Tuần Thánh, nỗ lực không đứng về phía nào của Vatican được thể hiện bằng việc có hai người phụ nữ tình cờ là bạn của nhau, một người Ukraine và một người Nga, cùng nhau vác thánh giá tại một trong các trạm của nghi lễ Via Crucis truyền thống. Cử chỉ này đã tạo ra những lời chỉ trích, kể cả từ Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp của Ukraine, người đã nói: “Tôi cho rằng một ý tưởng như vậy là không đúng lúc, mơ hồ và không tính đến bối cảnh cuộc xâm lược quân sự của Nga đối với Ukraine.”
Không nản lòng, năm nay Vatican lại làm điều đó. Mặc dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô không có mặt tại buổi Via Crucis do thời tiết lạnh trái mùa ở Rome, được coi là không phù hợp với một vị giáo hoàng vẫn đang hồi phục sau bệnh viêm phế quản, nhưng dấu ấn của ngài vẫn được cảm nhận rõ ràng, vì chặng đường thứ mười của Chặng Đàng Thánh giá năm nay đã được đồng hành, bởi những thông điệp từ những thanh niên Ukraine và Nga giấu tên, mỗi người đều bày tỏ sự mất mát trong cuộc xung đột.
Một lần nữa, nhiều người Ukraine không hài lòng. Đại sứ của nước này tại Tòa thánh, Andrii Yurash, đã gửi một dòng tweet đầy thách thức.
Lưu ý rằng thanh niên Nga thương tiếc cái chết của anh trai mình trong chiến tranh và nói rằng anh ấy không liên lạc được với cả cha và ông của mình, những người đã được gọi ra mặt trận, Yurash viết: “Anh ấy quên nói rằng người thân của anh ấy đã đi đến Ukraine không chỉ để giết cha của thanh niên Ukraine mà cả gia đình anh ta, chứ không phải ngược lại.”
Rõ ràng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và nhóm Vatican của ngài phải biết rằng việc làm sống lại biểu tượng của năm 2022 sẽ gây phản cảm cho Ukraine, cũng như các đồng minh phương Tây của nước này, tất cả đều sẽ coi một cử chỉ như vậy là một hành động nói lên sự đồng giá trị về mặt đạo đức. Dù sao việc họ vẫn được tiến hành cho thấy mức độ tin tưởng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về vấn đề này.
Chủ nghĩa đa phương của Đức Giáo Hoàng cũng được thể hiện trong bài diễn văn nhân dịp ban phép lành Urbi et Orbi [cho Thành phố và Thế giới] của ngài vào Chúa Nhật Phục Sinh.
Liên quan đến Ukraine và Nga, Đức Thánh Cha một lần nữa bày tỏ lòng cảm thương đối với cả hai bên trong cuộc xung đột mà không nói về kẻ xâm lược và nạn nhân.
Ngài nói: “Hãy giúp đỡ những người dân Ukraine thân yêu trên hành trình hướng tới hòa bình và mang ánh sáng Phục sinh đến cho người dân Nga. Hãy an ủi những người bị thương và tất cả những người đã mất người thân vì chiến tranh, và ban ơn để các tù nhân có thể trở về bình an vô sự với gia đình của họ.”
Để phù hợp với truyền thống, Đức Phanxicô đã nhắc đến một loạt các điểm nóng hoàn cầu khác, bao gồm Israel và Palestine, Syria, Myanmar, Nicaragua, Nigeria, Haiti, Nam Sudan, Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Lebanon, Eritrea, Burkina Faso, Mali và Mozambique – một gần như Liên Hợp Quốc của các mối quan tâm của Đức Giáo Hoàng, tất cả đều là một phần của điều mà Đức Phanxicô coi là “chiến tranh thế giới thứ ba” đang diễn ra theo kiểu từng phần và có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát.
Trong một cử chỉ hùng hồn khác về mối quan tâm hoàn cầu, Đức Phanxicô, trong bài phát biểu, đã được sự hộ tống của Đức Hồng Y Ernest Simoni, 94 tuổi, người Albania, người đã bị chế độ độc tài của đất nước mình dưới thời Enver Hoxha bắt giữ và trải qua 28 năm lao động khổ sai trước khi cuối cùng được giải thoát.
Tuy nhiên, có lẽ sự khởi sắc đa phương đáng nói nhất của Đức Phanxicô đến từ điều ngài không nói hoặc không làm: trong bài phát biểu Urbi et Orbi, không có chút ám chỉ nào đến Trung Quốc và Đài Loan, bất chấp căng thẳng gia tăng gần đây sau cuộc gặp giữa Tổng thống Đài Loan, Tsai Ing-wen và Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy, bất chấp việc Trung Quốc đã tiến hành một loạt cuộc tập trận quân sự giả một cuộc tấn công vào đảo quốc này.
Nói chung, Đức Phanxicô coi Trung Quốc là một đồng minh tiềm năng trên nhiều mặt trận, bao gồm cả cuộc chiến ở Ukraine, và coi thỏa thuận của ngài với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục là mở ra một đường dây thông đạt quan trọng. Hơn nữa, ngài không bị cuốn vào cuộc cạnh tranh siêu cường mới chớm nở giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ – tất cả những điều này giúp giải thích quyết định của Vatican, trước sự kinh ngạc của những người chỉ trích, những người muốn vị giáo hoàng có đường lối rõ ràng hơn về những vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo của Trung Quốc.
Đối với những người tinh mắt, thậm chí còn có một phiên bản tinh tế hơn về lựa chọn chủ nghĩa đa phương trong việc Đức Phanxicô lựa chọn trở lại Casal del Marmo của Rome để chủ trì Thánh lễ Tiệc Ly của Chúa vào Thứ Năm Tuần Thánh, sau khi đã đến thăm nhà tù thanh thiếu niên này ở ngoại ô thành phố lần đầu tiên vào Thứ Năm Tuần Thánh năm 2013, chỉ 15 ngày sau cuộc bầu cử của ngài.
Lý do cơ bản của chuyến thăm là để ôm lấy các tù nhân trẻ tuổi tại cơ sở, rửa chân cho 12 người trong số họ, bao gồm hai phụ nữ trẻ, một người Hồi giáo và một thanh niên da màu. Tuy nhiên, đối với những người trong cuộc, có một mối liên hệ khác với Casal del Marmo mà Đức Phanxicô biết rõ: Mối liên hệ của nó với cố Hồng Y Agostino Casaroli, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Vatican và là Ngoại trưởng đầu tiên dưới thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Casaroli là kiến trúc sư của chính sách Ostpolitik [bình thường hóa liên hệ Đông Tây] của Vatican, hay đối thoại với phía đông của Liên Xô, trong thời kỳ của Giáo hoàng Phaolô VI. Ngài là lực lượng chủ chốt trong hiệp định Helsinki năm 1975, hiệp định tập hợp tất cả các quốc gia ở Châu Âu và Bắc Mỹ nhằm giảm bớt căng thẳng ở cao điểm của Chiến tranh Lạnh. Tiến trình Helsinki đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ca ngợi là nguồn cảm hứng cho các giải pháp đa phương đối với các vấn đề đương thời, bao gồm cả cuộc chiến ở Ukraine.
Trong những năm dài phục vụ ở Vatican, Casaroli cũng thường xuyên đến thăm Casal del Marmo và đóng vai trò là tuyên úy không chính thức cho cư dân của nó, tự giới thiệu mình đơn giản là “Don Agostino”. Do đó, khi chọn đến đó một lần nữa vào năm nay, Đức Phanxicô không chỉ gắn bó với những cư dân hiện tại của cơ sở, mà còn với ký ức về Casaroli và di sản ngoại giao của ngài.
Đương nhiên, trọng tâm chính trong Tuần Thánh 2023 là sức khỏe của Đức Phanxicô. Tuy nhiên, sau khi xác định rằng ngài có khả năng tiếp tục lãnh đạo, câu hỏi đặt ra là ngài dự định làm gì với thời gian và sức lực mà ngài vẫn có – và Tuần Thánh dường như gợi ý rằng việc theo đuổi giấc mơ về một thế giới đa cực thực sự của ngài gần đạt đến đỉnh cao của danh sách.