1. Mầu sắc tôn giáo trong cuộc chiến tại Ukraine

UkrInform, cơ quan thông tấn chính thức của Ukraine đã phàn nàn rằng Nga tiếp tục làm mất uy tín của Giáo hội Chính thống Ukraine.

Họ đang đề cập đến hai video đang lan truyền trên các phương tiện truyền thông của Điện Cẩm Linh, các kênh z-telegram và trên TikTok. Trong một video, các linh mục đang ngân nga và hét lớn trước bàn thờ của ngôi thánh đường, trong khi một video khác, các giáo sĩ đang chạy quanh nhà thờ và rải hoa.

Những người tuyên truyền tuyên bố rằng trong các video này, các linh mục của Giáo Hội Chính thống Ukraine bị cáo buộc tiến hành “nghi lễ satan” và thốt ra những lời báng bổ.

Đây là hàng giả. Cả hai video đều không liên quan gì đến Ukraine. Video đầu tiên được quay ở Hy Lạp. Truyền thống của Giáo Hội địa phương là gây ồn ào và la hét trong đền thờ vào Thứ Bảy Tuần Thánh trước Lễ Phục Sinh. Nghi thức này tượng trưng cho chiến thắng vang dội của Chúa Giêsu Kitô trước các thế lực của cái ác.

Video thứ hai được quay vào Lễ Phục sinh tại Nhà thờ Agios Georgios ở Paralimni, của đảo Síp. Tên của vị linh mục rải hoa trước mặt giáo dân là Cha Iraklis. Bằng cách này, ngài loan báo tin mừng - về sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Đây không phải là lần đầu tiên cha Iraklis làm như thế, vì chính vì nghi thức này ngài đã trở thành một người nổi tiếng ở địa phương.

Trước đó, tuyên truyền của Nga đã bịa đặt vụ đốt phá nhà thờ Chính thống giáo Ukraine trực thuộc Tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa ở vùng Mykolaiv. Ngôi nhà thờ đang bốc cháy là ở Nga. Các tuyên truyền viên trên TV của Điện Cẩm Linh lại cho rằng đó là một nhà thờ trong vùng Mykolaiv của Ukraine bị dân quân đốt phá.

2. Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, bí thư của Đức cố Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, bày tỏ lo âu vì Tiến trình Công nghị ở Đức.

Tiến trình Công nghị, được tiến hành dưới chiêu bài đối phó với những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong Giáo hội trong hơn năm thập niên qua, đã cổ võ cải tổ Giáo hội với những đề nghị đi ngược lại đạo lý truyền thống của Giáo hội.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ “Tân Báo Passau” (Passuer Neue Press), số mới xuất bản, Đức Tổng Giám Mục Gänswein bày tỏ nhiều băn khoăn vì Con đường này, và nói: “Nó đưa tới sự mất đức tin thay vì tăng cường đức tin. Lẽ ra câu trả lời cho những gương mù lạm dụng là phải đào sâu đức tin, chứ không phải chỉ quan tâm cải tổ các cơ cấu của Giáo Hội. Đây không phải là một hành trình đơn giản, nó đòi sự dấn thân bản thân và quyết tâm. Đó là một cuộc chiến đấu và luôn luôn là cuộc chiến đấu”.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein năm nay 66 tuổi, đang chờ Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ định một nhiệm vụ mới. Ngài nói thêm rằng: “Tôi không tin rằng Tiến trình Công nghị ở Đức, như nó đã được tiến hành, là một câu trả lời đúng đắn cho cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục. Con đường này đã được “sáng chế”, sau phúc trình năm 2018 về những vụ lạm dụng ở Đức. Tuy nhiên những đề tài được bàn đến trong Tiến trình Công nghị đi xa hơn câu trả lời cần thiết cho các cuộc khủng hoảng. Bất kỳ ai theo dõi với sự tỉnh táo về những cuộc thảo luận và những quyết định được đề ra trong Con đường này, đều có thể thấy rằng sự quan tâm hiện nay được dành cho những đối tượng hoàn toàn khác hẳn. Càng ngày càng có nguy cơ, theo đó những hành trình đặc biệt sẽ dẫn Giáo Hội Công Giáo tại Đức ra ngoài sự hiệp nhất với Giáo hội hoàn vũ”.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein vốn là một nhà giáo luật. Ngài nói thêm rằng: “Trong tư cách là một giáo luật gia, tôi thấy toàn thể Tiến trình Công nghị không có hiệu lực pháp lý bó buộc... Đây là một nhận xét khách quan về các sự việc”.

Sau các khóa họp toàn thể, hiện nay đa số các giám mục và các đại biểu Tiến trình Công nghị ở Đức đang tiến tới việc thành lập Hội đồng Công nghị, gồm các giám mục cùng với các giáo dân để cai quản Giáo hội, không những về mặt tài chánh, nhưng cả về mặt đường hướng. Tòa Thánh đã phủ nhận điều này, nhưng giới chủ trương Con đường này bất chấp và tiếp tục dự án thành lập.

3. Thượng phụ Coptic cử hành Phụng vụ Thánh Chính thống giáo tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô

Người đứng đầu Giáo Hội Coptic dự kiến sẽ cử hành Phụng vụ thánh Chính thống giáo tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô vào ngày 14 tháng Năm.

Theo Cha Martin Browne, một viên chức tại Thánh Bộ Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo của Vatican, nghi thức phụng vụ này sẽ diễn ra trong bối cảnh chuyến thăm chính thức của Đức Thượng Phụ Coptic Tawadros II của Alexandria tới Vatican và “đã được sắp xếp sau khi tham khảo ý kiến thích hợp”.

Trong các bình luận cho National Catholic Register vào ngày 21 tháng 4, Cha Browne đã chỉ ra sự khác biệt giữa nghi thức phụng vụ của Chính thống giáo dự kiến vào tháng 5 và nghi lễ Anh giáo không được chấp thuận diễn ra trong tuần này tại cùng Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô.

Giáo Hội Công Giáo công nhận các bí tích của Giáo hội Chính thống là hợp lệ, ngay cả khi vẫn còn ly giáo, trong khi Giáo hội không công nhận hàng giáo phẩm Anh giáo là hợp lệ, có nghĩa là họ không thể cử hành Thánh lễ một cách hợp lệ.

“Đức Thượng Phụ Tawadros sẽ làm lễ tại một bàn thờ được thiết kế đặc biệt chứ không phải bàn thờ chính của Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô,” Cha Browne nói, đồng thời lưu ý rằng buổi lễ của Anh giáo cũng không diễn ra tại bàn thờ chính.

Ngài nói thêm: “Phụng vụ sẽ dành cho các tín hữu Coptic ở Ý, điều này một lần nữa mang lại cho nó một đặc điểm khác với nghi thức chỉ liên quan đến các giáo sĩ hành hương”.

Đức Thượng Phụ Tawadros II, còn được gọi là Giáo Hoàng Tawadros II – theo cách gọi của các tín hữu Chính Thống Giáo Coptic – là người đã lãnh đạo Giáo hội Coptic từ năm 2012, sẽ viếng thăm Rôma từ ngày 9 đến 14 tháng 5 và sẽ xuất hiện bên cạnh Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung vào Thứ Tư, ngày 10 tháng 5, nơi ngài sẽ phát biểu, theo báo cáo của Aleteia.

Cha Browne nhấn mạnh rằng “bối cảnh chuyến thăm của ngài rất đặc biệt — đó là kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ đầu tiên của những người đứng đầu Giáo hội Rome và Alexandria sau một thiên niên kỷ rưỡi xa cách”.

Giáo Hội Chính thống Coptic có trụ sở tại Ai Cập là một Nhà thờ Chính thống Phương Đông, sau khi đã từ chối Công Đồng Chalcedon năm 451, và những người theo Giáo Hội này trong lịch sử được Công Giáo và Chính thống giáo Đông phương coi là những người theo chủ nghĩa nhất thể - tức là những người tin rằng Chúa Kitô chỉ có một bản tính.

Vào năm 1973, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã làm nên lịch sử khi mời Thượng phụ Coptic Shenouda đến Rôma và hai người đã ký một tuyên bố chung thừa nhận niềm tin chung của họ vào Chúa Giêsu Kitô, “Thiên Chúa hoàn hảo về mặt thiên tính của Ngài, con người hoàn hảo về nhân tính của Ngài”.

Cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha Phanxicô với Đức Thượng Phụ Tawadros II vào năm 2013 đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một thượng phụ Chính thống giáo Coptic tới Rôma sau 40 năm. Đức Phanxicô cũng đã gặp Đức Thượng Phụ Tawadros II trong chuyến thăm Cairo năm 2017.

Cha Browne nói với Register: “Chuyến viếng thăm của Đức Thượng Phụ là một sự kiện rất quan trọng đối với các Kitô hữu Coptic ở Ý và rất nhiều tín hữu dự kiến sẽ đến tham dự phụng vụ.

“Có tới 3.000 người dự kiến sẽ đến, nhiều hơn nhiều so với sức chứa trong nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống Coptic ở Rôma. Do đó, cơ hội để cử hành tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô chính xác là kiểu chia sẻ thực tế về 'Các Nguồn Tài Nguyên Cho Đời Sống và Hoạt Động Tinh Thần' được cung cấp trong Hướng Dẫn Áp Dụng Các Nguyên Tắc và Tiêu Chuẩn về Đại Kết. “


Source:Catholic News Agency