1. Đức Thánh Cha cầu mong Hội nghị G-7 nỗ lực đạt tới an ninh toàn diện

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu mong Hội nghị Thượng đỉnh của bảy cường quốc kinh tế, gọi là G-7, nhóm họp tại Hiroshima Nhật Bản, quan tâm đạt tới một nền an ninh toàn diện và loại trừ võ khí hạt nhân.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong thư gửi đến Đức Cha Alexis-Mitsuru Shirahama, Giám mục Giáo phận Hiroshima, được phòng báo chí Tòa Thánh phổ biến, hôm 20 tháng Năm vừa qua.

Trong thư, Đức Thánh Cha nhắc lại cuộc viếng thăm của ngài hồi năm 2019 và cầu nguyện trong thinh lặng trước đài tưởng niệm hòa bình tại Hiroshima. Ngài tái khẳng định xác tín của Tòa Thánh, rằng “việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào những mục tiêu chiến tranh, ngày nay hơn bao giờ hết, là một tội ác không những chống lại con người và nhân phẩm, nhưng còn chống lại mọi khả thể tương lai trong căn nhà chung của chúng ta (Dv 24-11-2019).

“Hiện nay, những người nam nữ trách nhiệm đang lo âu nhìn đến tương lai ấy, đặc biệt theo sau kinh nghiệm của chúng ta về đại dịch hoàn cầu và sự tiếp tục các cuộc xung đột võ trang tại nhiều miền, trong đó có cuộc chiến tranh tàn phá đang xảy ra trên đất Ukraine. Những biến cố gần đây càng cho thấy rõ chỉ khi nào cùng nhau, trong tình huynh đệ và liên đới, gia đình nhân loại chúng ta mới có thể tìm cách săn sóc các vết thương và kiến tạo một thế giới công bằng và hòa bình”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng hiện nay việc tìm kiếm hòa bình có liên hệ chặt chẽ với nhu cầu an ninh. “An ninh này phải có tính cách toàn diện, có khả năng bao gồm những vấn đề như được lương thực và nước, tôn trọng môi trường, trợ giúp y tế, các nguồn năng lượng và phân phối công bằng các tài nguyên thế giới.”

Đức Thánh Cha viết thêm rằng: “Hiroshima, như “biểu tượng ký ức”, mạnh mẽ nêu rõ sự không thích hợp của các võ khí hạt nhân để đáp lại hữu hiệu những đe dọa lớn ngày nay đối với hòa bình và bảo đảm an ninh quốc gia và quốc tế. Chỉ cần cứu xét ảnh hưởng thảm họa của việc sử dụng võ khí hạt nhân về mặt con người và môi trường, cũng như sự phung phí các tài nguyên nhân sự và kinh tế vào việc sản xuất các võ khí ấy. Chúng ta cũng không được coi nhẹ những hậu quả trường kỳ của bầu không khí sợ hãi và nghi ngờ do việc sử hữu các võ khí hạt nhân. Nó cản trở sự gia tăng bầu không khí tín nhiệm và đối thoại với nhau. Trong bối cảnh ấy, các võ khí hạt nhân và các võ khí tàn sát tập thể khác là một yếu tố gia tăng rủi ro nguy hiểm, nó chỉ mang lại một ảo tưởng hòa bình”.

2. Tòa án Hình sự Quốc tế tố cáo lệnh bắt giữ của Nga đối với một trong những công tố viên của mình

Lãnh đạo Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, bày tỏ quan ngại sâu sắc về lệnh bắt giữ do chính phủ Nga ban hành đối với một trong các công tố viên của tòa án trong tuần này.

Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy, ICC gọi hành động của Nga chống lại công tố viên Karim Khan là “hành động đe dọa và là những nỗ lực không thể chấp nhận được nhằm làm suy yếu nhiệm vụ của Tòa án Hình sự Quốc tế trong việc điều tra, xử phạt và ngăn chặn việc thực hiện các tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất”.

Cơ quan lập pháp và giám sát của tòa án, và Chủ tịch Hội đồng các Quốc gia thành viên, “kiên quyết ủng hộ Tòa án Hình sự Quốc tế, các quan chức được bầu và nhân viên của tòa án,” tuyên bố viết.

“Chúng tôi nhắc lại sự tin tưởng hoàn toàn của mình đối với ICC với tư cách là một tòa án pháp luật độc lập và công bằng,” tuyên bố cho biết thêm.

ICC cho biết trong một tuyên bố riêng hôm thứ Bảy rằng họ “nhận thức được và quan ngại sâu sắc về các biện pháp cưỡng chế không chính đáng và phi lý được báo cáo là đã áp dụng đối với các quan chức ICC, đặc biệt là Công tố viên của Tòa án và các thẩm phán của Phòng tiền xét xử số 2 bởi chính quyền Liên bang Nga.”

Một số bối cảnh: Vào tháng 3, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và một quan chức Mạc Tư Khoa khác, Maria Lvova-Belova, với cáo buộc họ có liên quan đến việc bắt cóc và “cải tạo” Trẻ em Ukraine ở Nga.

Cuối tháng 3, Ủy ban Điều tra của Nga đã mở một vụ án hình sự chống lại các thẩm phán ICC là Tomoko Akane, Rosario Aytala và Sergio Godinez, cũng như Khan.

Hôm thứ Sáu, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin Bộ Nội vụ Nga đã ban hành lệnh bắt giữ Khan.