1. Bộ Lao động cảnh báo nhà hàng ở California đưa linh mục giả đến giải tội tố cáo chủ nhân cho các công nhân

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường trình nhan đề “California restaurant had fake priest hear workers’ confessions, Labor Department says”, nghĩa là “Bộ Lao động cảnh báo nhà hàng ở California đưa linh mục giả đến giải tội cho các công nhân”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một nhà hàng ở California đã đưa một cá nhân đóng giả linh mục để khuyến khích nhân viên thú nhận “tội lỗi” đối với chủ của họ, nhưng người đàn ông này không có mối liên hệ nào với Giáo phận Công Giáo Sacramento, một phát ngôn viên của giáo phận cho biết.

“Cuộc điều tra riêng của chúng tôi không tìm thấy bằng chứng về bất kỳ mối liên hệ nào giữa Giáo phận Sacramento và người được cho là linh mục trong vấn đề này,” Bryan J. Visitacion, giám đốc truyền thông và thông tin liên lạc của Giáo phận Sacramento, nói với CNA hôm thứ Sáu. “Mặc dù chúng tôi không biết người được đề cập là ai, nhưng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng anh ta không phải là linh mục của Giáo phận Sacramento.”

Bộ Lao động Hoa Kỳ vào ngày 12 tháng 6 cho biết việc sử dụng linh mục được cho là “một trong những hành động băng hoại đáng xấu hổ nhất” mà các nhà tuyển dụng đã sử dụng đối với nhân viên.

Tình hình liên quan đến công ty Che Garibaldi Inc., là công ty điều hành hai nhà hàng Taqueria Garibaldi ở Sacramento và một nhà hàng khác ở Roseville. Công ty và các chủ sở hữu và nhà điều hành của nó đã đồng ý dàn xếp với liên bang sau các cáo buộc về nhiều vi phạm luật lao động.

Trong quá trình kiện tụng của Bộ Lao động tại tòa án liên bang, một nhân viên đã làm chứng rằng vào tháng 11 năm 2021, người điều hành nhà hàng Eduardo Hernandez đã đề nghị một người được xác định là linh mục đến nghe giải tội trong giờ làm việc.

“Tôi thấy cuộc trò chuyện thật kỳ lạ và không giống như những lời xưng tội thông thường,” Maria Parra, một người phục vụ tại Taqueria Garibaldi, cho biết trong một bản khai có tuyên thệ đính kèm với vụ kiện của Bộ Lao động chống lại chủ nhân của cô, tờ Los Angeles Times đưa tin.

Parra nói: “Người được cho là linh mục ấy hỏi tôi có bao giờ bị phạt vì chạy quá tốc độ không, tôi có uống rượu hay ăn trộm thứ gì không. Vị linh mục hầu hết có những câu hỏi liên quan đến công việc, là điều mà tôi nghĩ là lạ.”

Theo lời kể của nhân viên, vị linh mục được cho là đã thúc giục nhân viên “xóa bỏ tội lỗi”. Ông hỏi họ có ăn cắp của chủ, có đi làm muộn hay làm bất cứ điều gì gây hại cho chủ không. Bộ Lao động cho biết vị linh mục được tường trình cũng hỏi liệu họ có ý định xấu đối với người chủ của họ hay không.

Nhiều nhân viên đã đi xưng tội với vị linh mục giả này. Raquel Alfaro, một điều tra viên của Bộ phận Tiền lương và Giờ làm việc của Bộ Lao động, cho biết các công nhân cảm thấy Hernandez “đã mang linh mục đến để đe dọa họ.”

Marc Pilotin, luật sư khu vực của Bộ Lao động, người đã khởi kiện vụ việc, nói rằng ngoài việc nhà hàng cung cấp một linh mục giả, “các nhân viên khác đã báo cáo rằng một người quản lý đã tuyên bố sai sự thật rằng các vấn đề nhập cư sẽ được đưa ra trong cuộc điều tra của bộ.”

Pilotin cho biết trong một tuyên bố: “Những nỗ lực đê hèn của chủ lao động này nhằm trả thù nhân viên nhằm bịt miệng công nhân, cản trở cuộc điều tra và ngăn chặn việc thu hồi tiền lương chưa thanh toán.

Các nhà điều tra cho biết nhà hàng đã từ chối trả lương làm thêm giờ cho nhân viên và trả tiền bất hợp pháp cho quản lý từ tiền típ của nhân viên. Người sử dụng lao động đe dọa nhân viên bằng các biện pháp trả đũa và các hậu quả liên quan đến nhập cư nếu họ hợp tác với các nhà điều tra và sa thải một công nhân mà họ cho rằng đã khiếu nại với Bộ Lao động.

Người sử dụng lao động đã đồng ý với một phán quyết chấp nhận và giải quyết. Thẩm phán Hoa Kỳ William B. Shubb vào ngày 8 tháng 5 đã ra lệnh cho Che Garibaldi LLC và những người điều hành công ty này, Eduardo Hernandez, Hector Manual Martinez Galindo, và Alejandro Rodriguez, trả 70.000 USD tiền lương còn nợ và 70.000 USD tiền bồi thường thiệt hại cho 35 nhân viên. Ngoài ra, nhà hàng và chủ sở hữu của nó phải trả 5.000 đô la tiền phạt dân sự cho Bộ Lao động.


Source:Catholic News Agency

2. Cùng một nhà thờ ở Tây Ban Nha nơi linh mục bị đâm giờ đã bị phá hoại và bị cướp

Cha Contreras bị đâm vào sáng ngày 24 tháng 9 năm 2020, khi ngài đang dành vài phút để cầu nguyện trước khi cử hành Thánh lễ lúc 7:45 sáng.

Giáo xứ Thánh Josemaría ở Alcorcón, Tây Ban Nha, lại vừa gánh chịu thêm một cuộc tấn công phá hoại vào đêm ngày 15 rạng sáng 16 tháng 6 năm 2023.

Trong một thông điệp được chia sẻ với giáo dân mà ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, được tiếp cận, Cha Contreras nói: “Tối nay giáo xứ của chúng ta đã bị phá hoại và cướp bóc.”

May mắn thay, vị linh mục có thể xác định rằng nhà tạm không bị đụng đến: “Tạ ơn Thiên Chúa, nhà tạm và các vật dụng thánh không hề hấn gì, nếu không chúng ta phải gánh chịu thiệt hại rất nhiều”.

Cha Contreras xin cầu nguyện cho những kẻ phá hoại và bày tỏ sự tha thứ: “Chúng tôi xin anh chị em cầu nguyện cho những người đáng thương đó, những người mà chúng tôi tha thứ.”

Cảnh sát đang điều tra tội phạm.

Cha Contreras bị đâm vào sáng ngày 24 tháng 9 năm 2020, khi ngài đang dành vài phút để cầu nguyện trước khi cử hành Thánh lễ lúc 7:45 sáng.

Vị linh mục nói với giáo dân và báo chí địa phương rằng kẻ tấn công là “một thanh niên mắc bệnh tâm thần và dường như muốn thế giới bớt đi một linh mục”.

Cha xứ nhận được “ba vết đâm nhẹ có thể là do thứ gì khác, đặc biệt là ảnh hưởng đến xương ức. Tôi đã tự bảo vệ mình như Lý Tiểu Long trong trang phục linh mục, và nhờ đó vết thương không lớn hơn,” Cha Contreras nói, cố gắng khôi hài nhằm hạ thấp cuộc tấn công.

Vị linh mục, lúc đó đã 73 tuổi, đã nói với giáo dân của mình bằng những lời động viên từ bệnh viện: “Không có sự căm ghét Chúa về phía kẻ xâm lược trong tất cả những điều này, mà là một cơn khủng hoảng tâm thần cấp tính, tôi hy vọng như vậy. Tôi bình an và háo hức tiếp tục làm việc cho Chúa.”


Source:Catholic News Agency

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 18 Tháng Sáu

Chúa Nhật 18 Tháng Sáu, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 11 Mùa Quanh Năm.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông; ông Philípphê và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Mátthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Ítcariốt, là chính kẻ nộp Người. Đức Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:

“Anh em đừng đi tới vùng các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với những người, trong những ngày tôi ở bệnh viện Gemelli, đã bày tỏ tình cảm, sự quan tâm và tình bạn với tôi, và bảo đảm với tôi về sự hỗ trợ của lời cầu nguyện. Sự gần gũi con người và gần gũi tinh thần này đã giúp đỡ và an ủi tôi rất nhiều. Cảm ơn tất cả! Cảm ơn! Lời cảm ơn chân thành của tôi!

Hôm nay, trong Tin Mừng, Chúa Giêsu gọi đích danh – Người gọi đích danh – và sai mười hai Tông Đồ đi. Khi sai các ông đi, Người yêu cầu các ông loan báo một điều duy nhất: “Khi đi đường các con hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã gần đến” (Mt 10:7). Đó cũng chính là lời loan báo mà Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng: Nước Thiên Chúa, nghĩa là vương quyền tình yêu của Người, đã gần đến, nước Thiên Chúa đến giữa chúng ta. Và đây không chỉ là một mẩu tin trong số những mẩu tin khác, không phải như thế, nhưng là thực tế cơ bản của cuộc sống: sự gần gũi của Thiên Chúa, sự gần gũi của Chúa Giêsu.

Thật vậy, nếu Thiên Chúa ở gần, chúng ta không đơn độc trên trái đất, và ngay cả trong khó khăn, chúng ta không mất niềm tin. Đây là điều đầu tiên thông điệp này muốn nói với mọi người: Thiên Chúa không ở đâu xa, nhưng Người là Cha. Thiên Chúa không ở đâu xa, Người là Cha, Người biết anh chị em và Người yêu anh chị em; Người muốn nắm lấy tay anh chị em, ngay cả khi anh chị em đi trên những con đường dốc và gồ ghề, ngay cả khi anh chị em vấp ngã và cố gắng đứng dậy và trở lại con đường. Ngài, Chúa chúng ta, ở đó với anh chị em. Thật vậy, thường vào những lúc anh chị em yếu đuối nhất, anh chị em có thể cảm thấy sự hiện diện của Ngài mạnh mẽ hơn. Ngài biết đường đi, Ngài ở với anh chị em, Ngài là Cha của anh chị em! Ngài là cha của tôi! Ngài là Cha của chúng ta!

Chúng ta hãy ở lại với hình ảnh này, bởi vì lời tuyên xưng Thiên Chúa gần gũi với chúng ta đang mời gọi anh chị em suy nghĩ như một đứa trẻ, được cha bế trên tay: mọi thứ dường như khác hẳn. Thế giới, rộng lớn và bí ẩn, trở nên quen thuộc và an toàn, bởi vì đứa trẻ biết rằng mình được bảo vệ. Người ấy không sợ hãi, nhưng học cách cởi mở: người ấy gặp gỡ những người khác, tìm những người bạn mới, vui vẻ học hỏi những điều mà mình không biết, rồi trở về nhà và kể cho mọi người nghe những gì người ấy đã thấy, trong khi trong tim nảy sinh khao khát được trở thành người lớn và làm những điều mà người ấy đã thấy cha mình làm. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu bắt đầu từ đây, đây là lý do tại sao sự gần gũi của Thiên Chúa là lời loan báo đầu tiên: bằng cách ở gần Thiên Chúa, chúng ta chiến thắng sự sợ hãi, chúng ta mở lòng ra cho tình yêu, chúng ta lớn lên trong sự tốt lành và chúng ta cảm thấy nhu cầu và niềm vui được loan báo.

Muốn nên tông đồ tốt, chúng ta phải như trẻ thơ: phải ngồi “trong lòng Chúa” và từ đó nhìn thế giới với lòng tin tưởng và yêu mến, để làm chứng rằng Thiên Chúa là Cha, chỉ một mình Người có thể biến đổi tâm hồn chúng ta và ban cho chúng ta niềm vui và sự bình an mà chính chúng ta không thể đạt được.

Hãy công bố rằng Thiên Chúa đang ở gần – nhưng chúng ta có thể làm điều này như thế nào? Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu kể lại và khuyên đừng nói nhiều lời, nhưng hãy nhân danh Chúa mà thực hiện nhiều việc làm bác ái và hy vọng. Không nói nhiều lời, hãy hành động! “Chữa lành người bệnh”, Chúa phán, “làm cho kẻ chết sống lại, tẩy sạch người phung cùi, xua đuổi ma quỷ. Anh em đã nhận được nhưng không thì hãy cho đi nhưng không” (Mt 10:8). Đây là trọng tâm của lời tuyên bố: hãy làm chứng nhưng không, phục vụ nhưng không. Tôi sẽ nói với anh chị em một điều: Tôi luôn bối rối, rất bối rối trước những “người nói nhiều” với những lời nói không ngừng và không có hành động gì.

Đến đây, chúng ta hãy đặt một vài câu hỏi: chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa gần gũi với chúng ta, hãy tự hỏi: chúng ta có tâm sự với Người không? Chúng ta có biết tin tưởng nhìn về phía trước, như đứa trẻ biết mình được ẵm trong vòng tay của cha không? Chúng ta có biết ngồi trong lòng Chúa Cha bằng lời cầu nguyện, bằng việc lắng nghe Lời Chúa, bằng việc lãnh nhận các Bí tích không? Và cuối cùng, ở gần Người, chúng ta có biết khơi gợi lòng can đảm cho người khác, biết gần gũi những người đau khổ và cô đơn, những người xa cách và cả những đối phương thù địch không? Đây là bản chất của đức tin. Đây là những gì là thiết yếu.

Và bây giờ chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Maria; xin Mẹ giúp chúng ta cảm thấy mình được yêu thương và thông truyền sự gần gũi và tin tưởng.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Thứ ba tới, ngày 20 tháng 6, sẽ là Ngày Thế giới về Người tị nạn, do Liên Hiệp Quốc tổ chức: với nỗi buồn và sự đau lòng tột độ, tôi nghĩ đến các nạn nhân của vụ đắm tàu nghiêm trọng xảy ra trong những ngày gần đây ngoài khơi bờ biển Hy Lạp. Và dường như trong bối cảnh biển lặng. Tôi nhắc lại lời cầu nguyện của mình cho những người đã thiệt mạng, và tôi khẩn cầu rằng hãy luôn làm mọi điều có thể để ngăn chặn những thảm kịch tương tự.

Và tôi cũng cầu nguyện cho các học sinh, nạn nhân trẻ tuổi của cuộc tấn công tàn bạo vào một trường học ở phía tây Uganda. Trận chiến này, cuộc chiến này ở khắp mọi nơi… chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình!

Tôi chào tất cả anh chị em, người Rôma và khách hành hương từ Ý và nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các tín hữu của Florida và Munich. Tôi xin chào Trường “Thánh Gioan Phaolô II” ở Opole, Ba Lan, và Trường “Thánh Philip Neri” ở Luân Đôn.

Tôi cũng chào các nhóm từ Zogno, Guardiagrele và Poggiomarino, cũng như Trường “Rosario Scardigno” của Molfetta. Và tôi cũng chào các nữ tu Maria Bambina đang theo dõi Kinh Truyền Tin.

Chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện cho dân chúng Ukraine bị hành hạ – chúng ta đừng quên họ! - những người đau khổ rất nhiều.

Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một Chúa Nhật hồng phúc, và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana