Trong buổi họp báo ngày 20 tháng 6, 2023 tại Vatican để công bố Tài liệu Làm việc, người ta thấy có sự hiện diện của ba giáo dân đó là Helena Jeppesen-Spuhler của Lenten Action (Thụy sĩ) và là đaị biểu của phái đoàn Thụy Sĩ tại Phiên họp Lục địa Châu Âu tại Prague, Nữ tu Ester Lucas, thành viên của Nhóm Thượng Hội Đồng thuộc Hội nghị Chuyên đề các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SECAM) và Nữ tu Nadia Coppa, A.S.C., Chủ tịch Liên hiệp Quốc tế Các Bề trên Tổng quyền (UISG). Cả ba nhân vật này đều phát biểu cho thấy Tài liệu Làm việc sẽ được sử dụng ra sao để chuẩn bị các thành viên tham dự Phiên họp Thượng Hội Đồng trong tháng 10 và sinh động hóa các nhóm Thượng Hội Đồng địa phương.



Phát biểu của Helena Jeppesen-Spuhler

Xin chân thành cảm ơn quý vị đã mời tôi tham dự cuộc họp báo và đặc biệt xin cảm ơn văn phòng Thư ký Thượng Hội đồng đã tổ chức rất sáng tạo và có sự tham gia của "Diễn trình Thượng Hội đồng" trên toàn thế giới cho đến nay. Diễn trình này đã mang lại một động lực mới và hy vọng cho một diễn trình đổi mới cho Giáo hội.

Bản thân tôi đã tham gia vào tiến trình ở nhiều bình diện khác nhau ở Thụy Sĩ, và gần đây nhất là ở Prague, nơi tôi cũng đã làm việc trong giai đoạn lục địa của tiến trình Thượng Hội Đồng ở bình diện châu Âu.

Tôi có thể làm chứng rằng trong tất cả các giai đoạn cho đến nay, điều sau đây đặc biệt đáng chú ý: Các mối quan tâm và nhu cầu của chúng tôi đang được lắng nghe. Chúng tôi không chỉ đơn giản là những Kitô hữu được mong đợi tiếp nhận và chấp nhận các quy tắc và quy định. Việc làm thế nào chúng tôi trong tư cách tín hữu hiểu đức tin Kitô giáo trong bối cảnh cụ thể của chúng tôi hiện đang được quan tâm.

Và trong các bản văn tương ứng, trong đó kết quả của tiến trình lắng nghe và biện phân được tóm tắt, mối quan tâm của chúng tôi thực sự được tiếp nhận. Chúng là những bằng chứng cho thấy chúng ta đang trên đường tiến tới một giáo hội đồng nghị, điều đó có nghĩa là cùng nhau hành trình và học hỏi lẫn nhau!

Tiến trình đồng nghị mở ra cơ hội để khám phá cách hiểu và công bố sứ điệp Tin Mừng trong các giáo hội địa phương và các hội đồng giám mục khác nhau trên toàn thế giới. Đối với chúng tôi là những Kitô hữu Công Giáo ở Thụy Sĩ, điều quan trọng là tham gia vào một cuộc đối thoại với các đại biểu từ các quốc gia và lục địa khác nhau ở giai đoạn tiếp theo tại Rôma vào tháng 10 và để học hỏi - qua công việc của Chúa Thánh Thần - những cách thức mới của việc tham gia đồng nghị đã được khai triển và có thể được phát triển hơn nữa ra sao.

Việc chúng tôi ở Thụy Sĩ đang chuẩn bị cho giai đoạn này như thế nào chỉ có thể hiểu được nếu chúng ta lưu ý đến sự kiện một số yếu tố đồng nghị đã được khai triển ở đất nước chúng tôi kể từ Công đồng Vatican II. Điều này chứng tỏ rằng chúng tôi đã có những kinh nghiệm tốt với một giáo hội đồng nghị hơn, hoàn toàn theo nguyên tắc của giáo hội sơ khai: "Điều gì đụng đến tất cả phải được mọi người xem xét và chấp thuận".

Đối với một Giáo Hội như vậy, mọi người đều phải chịu trách nhiệm, nghĩa là toàn thể dân Chúa nói chung chứ không chỉ các giám mục và giáo sĩ.

Thí dụ:

- Sẽ có nhiều người ngạc nhiên rằng, trong lĩnh vực tài chính-hành chính ở nhiều nơi trong giáo hội Thụy Sĩ thực sự tất cả đều chịu trách nhiệm, có tiếng nói và tham gia vào việc ra quyết định. Ở cấp giáo xứ có các hội đồng giáo xứ, các giáo xứ cử đại biểu đến các hội đồng cấp quận hạt [cantonal] được gọi là “thượng hội đồng” và cấp quận hạt gửi đại biểu đến cấp quốc gia để ra quyết định và thực hiện. Cấu trúc này được phát triển theo bối cảnh chính trị và văn hóa Thụy Sĩ của chúng tôi và nó không giống nhau ở tất cả các vùng của Thụy Sĩ.

- Sau Công đồng, vấn đề về trách nhiệm mục vụ chung cũng được đặt ra. Trong các hội đồng mục vụ được toàn thể dân Chúa bầu chọn, các cuộc tham vấn sắp tới về các ưu tiên và nhu cầu mục vụ, ở cấp giáo xứ được cùng nhau thực hiện và việc thực thi được thực hiện theo đó.

- Các quá trình có sự tham gia như vậy cũng đặc biệt có ý nghĩa đối với giới trẻ Công Giáo và các tổ chức phụ nữ Công Giáo, những người không chỉ có lĩnh vực đào tạo và trách nhiệm riêng trong các hiệp hội của họ, mà còn có tác động đến các giáo xứ và cộng đồng và Giáo hội tại các bình diện giáo xứ, quận hạt, giáo phận và quốc gia.

- Từ bối cảnh đồng nghị này, Giáo hội ở Thụy Sĩ đã có tác động đối với Giáo hội hoàn vũ cũng trong lĩnh vực phụng vụ: sau Công đồng, Giáo hội đã phát triển bốn Quy tắc Thánh lễ, được Rôma phê chuẩn và ngày nay chúng có sẵn cho toàn thể Giáo hội.

Một vài chứng từ này chứng minh rằng Giáo hội ở Thụy Sĩ đã và đang trên hành trình đồng nghị. Do đó, điều tự nhiên đối với chúng tôi là Tài liệu Làm việc đang được nhiều người thảo luận để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng vào tháng Mười. Thí dụ, những người trẻ tuổi sẽ tổ chức một cuộc họp, một loại “tiền thượng hội đồng” cấp quốc gia nhỏ vào tháng 9 cũng để chuẩn bị cho kỳ nghỉ của họ ở Rôma vào tháng 10. Tài liệu Làm việc cũng sẽ được thảo luận bởi các tổ chức phụ nữ, một số hội đồng giáo phận, với các đại biểu của Prague, với các nhóm thượng hội đồng cấp quốc gia và giáo phận và trong hội đồng giám mục. Phản hồi về các cuộc thảo luận khác nhau sẽ được tóm tắt cho các đại biểu của chúng tôi để họ có thể làm chứng cho tiến trình thượng hội đồng của chúng ta vào tháng Mười.

Điều quan trọng đối với chúng tôi là những người tham gia thượng hội đồng không chỉ đại diện cho chính họ mà trước khi đến Rôma, lắng nghe cẩn thận tiếng nói của thành phần dân Chúa mà họ thuộc về.

Đối với việc đồng hành của các đại biểu Thụy Sĩ vào tháng 10 tại Rôma, chúng tôi vẫn đang chuẩn bị làm thế nào để thực hiện điều này một cách tốt nhất.

Điều quan trọng đối với chúng tôi là chia sẻ kinh nghiệm của mình và lắng nghe xem Tài liệu Làm việc đang được tiếp nhận như thế nào ở các quốc gia khác từ các bối cảnh và nền văn hóa khác nhau của họ và làm thế nào cùng nhau - lắng nghe Chúa Thánh Thần - chúng ta có thể mang lại cho Giáo hội trong tính đa dạng hoàn cầu của nó một khuôn mặt đồng nghị thực sự: vì tất cả những người đã được rửa tội đều có trách nhiệm loan báo Tin Mừng. Tin Mừng vì lợi ích của cả gia đình nhân loại và tạo vật. Trách nhiệm này phải được thực hiện bằng lời nói và việc làm, đồng thời củng cố cam kết của Giáo hội hoàn vũ đối với ngôi nhà chung của chúng ta.

Phát biểu của Nữ tu Ester Lucas thuộc Hội nghị Chuyên đề các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar

Phiên họp Lục địa Châu Phi đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình của Giáo hội ở Châu Phi hướng tới việc chấp nhận tính đồng nghị. Nó cung cấp một nền tảng toàn diện cho các đại biểu từ khắp Châu Phi và các hòn đảo của nó tham gia vào một hành trình đồng nghị thiêng liêng, được hướng dẫn bởi Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa (DCS). Để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma, Hội nghị Chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SECAM), phối hợp với Sáng kiến Thượng Hội đồng Châu Phi (ASI), đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc hội thảo để chuẩn bị cho các đại biểu của Hội nghị Chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar.

Thông qua buổi hội thảo này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp các đại biểu của Hội nghị Chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar đạt được nhiều điều. Thứ nhất, để có được một kiến thức sâu sắc và hiểu rõ ràng về Văn kiện Làm việc cho Thượng Hội đồng và những tác động của nó đối với Giáo hội ở Châu Phi. Thứ hai, để đào sâu việc sử dụng Đàm luận trong Chúa Thánh Thần, dựa trên những kinh nghiệm từ Phiên họp Thượng Hội Đồng Châu Phi, nhằm cổ vũ các cuộc đối thoại có ý nghĩa và toàn diện, cũng như lắng nghe và đối thoại tích cực như những yếu tố thiết yếu của tính đồng nghị. Thứ ba, xem xét và suy nghĩ về Tài liệu Thượng Hội đồng Châu Phi, tài liệu đã được thông qua làm tài liệu chính thức cho Giáo hội Châu Phi trong Phiên họp Lục địa, nhằm giúp các đại biểu hiểu sâu sắc hơn về nội dung và các khuyến nghị của tài liệu và để bảo đảm tài liệu này được tích hợp vào các đóng góp và cuộc trò chuyện của họ trong Phiên họp Thượng Hội Đồng Giám Mục. Cuối cùng, để suy tư về các vấn đề cấp thiết và quan trọng của châu Phi sẽ được chia sẻ trong Thượng hội đồng, bao gồm những thách thức, nguyện vọng và đóng góp đặc biệt của Giáo hội ở châu Phi, nhờ đó giúp phái đoàn châu Phi có tiếng nói thống nhất và giải quyết hiệu quả các mối quan tâm của Giáo hội trong bối cảnh châu Phi.

Chúng tôi hy vọng rằng việc các đại biểu Hội nghị Chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar hiểu rõ hơn về Tài liệu Làm việc sẽ cho phép họ đóng góp tích cực vào các cuộc đối thoại trong Phiên họp Thượng Hội đồng. Ngoài ra, phái đoàn châu Phi sẽ được trang bị để xác định và trình bày rõ ràng và sâu sắc các vấn đề chính của châu Phi, bảo đảm rằng các mối quan tâm, thách thức và nguyện vọng của Giáo hội ở châu Phi được trình bầy tốt đẹp trong Phiên họp Thượng Hội đồng.

Trong cuộc hội thảo này, Sáng kiến Thượng Hội đồng Châu Phi và Hội nghị Chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar sẽ trang bị cho phái đoàn châu Phi những kiến thức, kỹ năng và quan điểm cần thiết để đóng góp tích cực cho Phiên họp Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma. Hội thảo này sẽ củng cố tinh thần đồng nghị và bảo đảm rằng Giáo hội ở Châu Phi có cùng tiếng nói về các vấn đề liên quan đến Giáo hội để định hình tương lai của Giáo hội và giải quyết các thách thức và cơ hội cụ thể trong bối cảnh Giáo hội Châu Phi.

Phát biểu của Nữ tu Nadia Coppa, A.S.C., Chủ tịch Liên hội Quốc tế Các Bề trên Tổng quyền

Chúng ta biết rằng chữ “đồng nghị” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “syn” (cùng nhau) và “hodos” (con đường, nẻo đường). Theo Thánh Gioan Kim Khẩu, đây là định nghĩa của Giáo hội (x. PG 55, 493): Nó là việc bước vào cuộc đồng hành này với toàn thể dân Chúa, những người được sinh ra từ phép rửa và được xức dầu Thánh Thần: nó là chính nẻo đường trên đó Thiên Chúa chờ đợi Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba và đây là nẻo đường mà chúng ta cùng nhau đi dưới sự hướng dẫn của Thần Khí, được thực hiện qua việc cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể, tình hiệp thông huynh đệ, đồng trách nhiệm và sự tham gia của tất cả dân Chúa, ở các bình diện khác nhau và trong sự phân biệt các thừa tác vụ và vai trò khác nhau.

Kinh nghiệm về tính đồng nghị trước hết là kinh nghiệm về Thần Khí, đó là một con đường rộng mở, không vạch trước, được dệt nên nhờ gặp gỡ, đối thoại và chia sẻ để mở rộng và thay đổi tầm nhìn của mọi người.

Chúng ta đọc trong Tài liệu Làm việc, là một giáo hội đồng nghị có nghĩa là công nhận phẩm giá chung bắt nguồn từ Bí tích Rửa tội, làm cho những người lãnh nhận nó trở thành con cái của Thiên Chúa, trở thành thành viên của gia đình mình, và do đó là anh chị em trong Chúa Kitô và được sai đi để hoàn thành một nhiệm vụ chung (số 20). Là một Giáo hội biết lắng nghe “đánh dấu và biến đổi tất cả các mối quan hệ mà cộng đồng thiết lập với các thành viên của mình, với các cộng đồng đức tin khác và với toàn thể xã hội” (số 22)

Để bước vào phong cách và thực hành tính đồng nghị, chúng ta cần trau dồi thái độ linh đạo gặp gỡ và đối thoại, tinh thần chào đón bao trùm và bao gồm mọi người, tinh thần khiêm tốn thúc đẩy chúng ta cầu xin sự tha thứ và học hỏi từ mọi người. Chúng ta cần cảm thấy rằng chúng ta là một Giáo hội đang đối thoại, sẵn sàng thúc đẩy diễn trình quá độ từ “tôi” sang “chúng ta”, sẵn sàng tìm kiếm sự thật và không để những căng thẳng đè bẹp. Cần sát cánh bên nhau trong việc thiết kế và làm việc để xây dựng Vương quốc. Chúng ta cần một phong cách chia sẻ không có bất cứ hình thức quyền lực tối cao nào, một phong cách ủng hộ tính tuần hoàn [circularity] và đồng trách nhiệm.

Bước vào tính đồng nghị có nghĩa là đồng ý lên đường, sống như những người hành hương trong một Giáo hội Hành hương; đó là một vũ điệu cùng nhau, trong đó tất cả, các mục tử và tín hữu, nhờ đối thoại sôi nổi và chia sẻ trong niềm tin tưởng, họ di chuyển trong mối tương quan với nhau, trong việc cùng lắng nghe âm nhạc của Chúa Thánh Thần. Tính đồng nghị là một kinh nghiệm nhập thể đặt chúng ta vào việc lắng nghe sự thật, tiếng kêu của người nghèo và nhu cầu của thế giới.

Đó là kinh nghiệm về sự đổi mới của một Giáo hội ngày càng trở thành một Giáo hội tương quan, bao gồm, đối thoại và sinh sản, nghĩa là một Giáo hội để cho chính mình được hình thành và tái sinh, trong sự năng động của Thần Khí và nhờ những người làm cho nó sống động.

Tính đồng nghị không phải là một con đường được vạch sẵn ngay từ đầu mà đòi phải mở lòng đón nhận điều bất ngờ của Thiên Chúa, Đấng, qua việc lắng nghe người khác, đến để đánh động chúng ta, lay chuyển chúng ta, uốn nắn chúng ta từ bên trong; đó là một hành trình biện phân chung của một cộng đồng bắt nguồn từ Bí tích Thánh Thể, một cộng đồng ý thức về chính mình và cùng nhau lên đường. Trong căn bản, nó được gọi là hoán cải để tiến hành và tạo ra một sự hiệp thông truyền giáo để phục vụ thế giới.

Năm đại biểu của Liên hiệp Quốc tế Các Bề trên Tổng quyền (UISG) sẽ khởi hành, cùng với tất cả những người tham gia khác trong thượng hội đồng, trên nẻo đường nhằm mục đích “cung cấp năng lực cho cuộc sống và sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội”. Tài liệu Làm việc sẽ được dùng như một hành trình biện phân bản thân và tập thể sâu sắc. Thực thế, các bảng câu hỏi làm việc được đề xuất rất hữu ích cho việc biện phân tinh thần, vì chúng đưa ra “một phác thảo cho việc cầu nguyện và suy tư bản thân để chuẩn bị cho cuộc trao đổi và tập chú của nhóm hoặc đại hội đồng trên ba chủ đề cơ bản:

Hiệp thông tỏa sáng – “làm thế nào để trở thành dấu chỉ và khí cụ hiệp nhất với Thiên Chúa và hiệp nhất nhân loại một cách trọn vẹn hơn?”; Đồng trách nhiệm trong sứ mệnh. - Làm thế nào để chia sẻ các ân phúc và nhiệm vụ phục vụ Tin Mừng?"

Tài liệu sẽ được đọc cẩn thận bởi mỗi chị em sẽ có mặt tại Thượng hội đồng và sau đó được chia sẻ với nhau thành một nhóm bằng phương pháp đàm luận thiêng liêng. Nhờ cầu nguyện và suy tư bản thân và nhóm, sẽ có thể cùng nhau nhận ra việc Chúa Thánh Thần kêu gọi Giáo hội trong thực tại ngày nay ra sao.

Liên hiệp Quốc tế Các Bề trên Tổng quyền (tổ chức hoàn cầu của gần 2,000 nhà lãnh đạo các dòng tu nữ) dự định trình bày tài liệu này cho các thành viên của mình trong những ngày tới thông qua một hội thảo trực tuyến với bản dịch sang nhiều ngôn ngữ.

Chúng tôi cũng sẽ cố gắng thu hút các nữ tu từ khắp nơi trên thế giới, các cộng tác viên của họ và những người mà họ đang sống với, mời gọi họ bắt đầu một quá trình suy tư và biện phân theo cách mà họ cũng có thể đưa ra những ý tưởng và suy tư từ các bối cảnh và nền văn hóa khác nhau. Chúng tôi sẽ chia sẻ một số câu hỏi được chỉ ra trong các bản câu hỏi để chào đón sự khôn ngoan của các nữ tu khác và cung cấp nó cho những người tham gia như một đóng góp.

Đối với Liên hiệp Quốc tế Các Bề trên Tổng quyền, đây là bước khởi đầu của một quá trình dài – một hành trình dài của sự thay đổi và biến đổi mà chúng tôi cảm thấy được kêu gọi dấn thân. Từ kinh nghiệm sống, chúng tôi biết rằng tính đồng nghị không chỉ là một nền thần học, mà còn là một thực hành tâm linh, nó là một phương thức sống (modus vivendi et operandi) phải được trau dồi.

Cả ở bình diện bản thân lẫn cộng đồng, tính đồng nghị kêu gọi chúng ta đi theo và làm chứng về Chúa, Đấng đang ở giữa chúng ta và đang mời gọi chúng ta học cách chúng ta nên cùng nhau bước đi và với toàn thể Giáo hội theo một cách thức mới. Chúng ta cởi mở với điều chưa từng có của Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta rằng tính đồng nghị «không phải là một chương trong sổ tay giáo hội, càng không phải là một mốt thời trang hay một khẩu hiệu để phô trương trong các cuộc họp của chúng ta. Tính đồng nghị là một biểu thức nói lên bản chất của Giáo hội, nói lên hình thức, phong cách và sứ mệnh của chính Giáo hội”. Ngài còn nói rằng “Chúng ta không nên tổ chức một thượng hội đồng, mà hãy là một thượng hội đồng”.

Với tư cách là các nữ tu thực hiện các dịch vụ cai quản các dòng tu nữ, chúng tôi cảm thấy được kêu gọi khai triển một cách sống và cai quản được biểu lộ và đánh dấu bằng ba trụ cột liên kết với nhau của Giáo hội Đồng nghị: Hiệp thông; Đồng trách nhiệm trong nhiệm vụ; Tham gia, các bổn phận trách nhiệm và thẩm quyền.

Chúng tôi sẽ nghiên cứu xem tài liệu kêu gọi chúng tôi sống ba yếu tố then chốt này như thế nào bằng cách cổ vũ việc đào tạo liên tục về tính đồng nghị, nhằm đào sâu các ý tưởng mà các bảng câu hỏi đưa ra. Chúng rất hữu ích vì chúng khai triển những yếu tố căn bản này bằng cách bàn đến những quan điểm khác nhau và quan trọng (thần học, mục vụ, giáo luật…). Điều quan trọng đối với chúng tôi là cổ vũ một phong cách cai quản nhằm phát triển các cấu trúc và quy trình có tính tham gia, trong đó các thành viên có thể cùng nhau nhận ra một tầm nhìn mới cho Giáo hội và cho sứ mệnh của từng Tu hội. Tài liệu làm việc, rất phong phú và rõ ràng, vì sự đa dạng của những gì thu thập được từ cuộc tham vấn, cung cấp cho chúng tôi một phương tiện rõ ràng và hiệu quả để mời gọi tất cả các thành viên đón nhận một tiến trình đổi mới và biến đổi mà tất cả chúng ta đều mong mỏi vì lợi ích của Missio Dei [sứ mệnh của Thiên Chúa]