Đức Cha Américo Aguiar mới chỉ là Giám Mục Phụ Tá của toà Thượng Phụ Lisbon được 4 năm nhưng đã được Đức Phanxicô thăng Hồng Y đợt này, khiến câu nói trước đó ít ngày của ngài về mục tiêu của ngày Giới Trẻ Thế Giới càng làm người ta bàn tán xôn xao.



Đức Cha Robert Barron, trong bài “World Youth Day and Converting Everyone to Christ” đăng trên trang mạng https://www.wordonfire.org/articles/barron/world-youth-day-and-converting-everyone-to-christ/ ngày 13 tháng Bẩy, viết rằng: Bây giờ có lẽ bạn đã nghe nói một tuyên bố của Giám mục Américo Aguiar đã gây ra khá nhiều chấn động. Aguiar là Giám Mục Phụ Tá của Lisbon, Bồ Đào Nha, và ngài là điều phối viên chính của Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới. Hơn nữa, trong một động thái rất đáng ngạc nhiên, ngài vừa được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong làm Hồng Y. Vì vậy, ngài là một con người có tầm quan trọng đáng kể - đó là lý do tại sao nhận xét của ngài đã thu hút được rất nhiều sự chú ý. Đề cập đến cuộc họp mặt quốc tế mà ngài đang chủ trì, ngài nhận xét rằng, “Chúng ta muốn trở thành bình thường việc Kitô hữu Công Giáo trẻ tuổi nói và làm chứng về con người của mình hoặc việc một thanh niên Hồi giáo, Do Thái hoặc thuộc tôn giáo khác cũng không có vấn đề gì khi nói họ là ai và làm chứng cho điều đó, và việc một người trẻ không theo tôn giáo nào cảm thấy được chào đón và có lẽ không cảm thấy lạ khi suy nghĩ theo một cách khác”. Nhận xét gây ngạc nhiên và phản đối nhiều nhất là: “Chúng ta không muốn hoán cải giới trẻ cho Chúa Kitô hoặc cho Giáo Hội Công Giáo hay bất cứ điều gì tương tự.” Tuy nhiên, tôi nhìn nhận rằng nhận xét của ngài khiến tôi băn khoăn nhất là: “tất cả chúng ta đều hiểu rằng sự khác biệt là một sự phong phú và thế giới sẽ tốt đẹp hơn một cách khách quan nếu chúng ta có khả năng đặt vào trái tim của tất cả những người trẻ tuổi sự chắc chắn này”, ngụ ý rằng sự bất đồng căn bản về các vấn đề tôn giáo tự nó là điều tốt, thực sự là điều mà Thiên Chúa tích cực mong muốn. Nói một cách nhẹ nhàng, rất nhiều người Công Giáo trên khắp thế giới đã bối rối trước những suy nghĩ của vị Hồng Y tân cử.

Tiếp sau cuộc tranh cãi, Giám mục Aguiar, công bằng mà nói, đã rút lại khá nhiều lời phát biểu của mình, nhấn mạnh rằng ngài chỉ có ý chỉ trích cách chia sẻ đức tin hung hăng, ngang ngược được gọi bằng cái tên không mấy dễ thương là “cải đạo”. (Tôi phải nói rằng sự làm rõ này vẫn không giải thích được gì cho lời khẳng định thẳng thắn của ngài rằng ngài không muốn hoán cải những người trẻ tuổi cho Chúa Kitô hoặc cho Giáo Hội Công Giáo.) Nhưng hiện tại, tôi sẽ bỏ qua điều đó và tin theo lời ngài. Tuy nhiên, tôi muốn đề cập đến một vấn đề văn hóa rộng lớn hơn mà sự can thiệp của ngài đã nêu ra—tức là, một sự kiện đơn giản là hầu hết mọi người ở phương Tây có thể sẽ coi tình cảm ban đầu của ngài là không có tính tranh cãi.

Đằng sau rất nhiều ngôn ngữ khoan dung, chấp nhận và chủ nghĩa không phán xét đối với tôn giáo là niềm tin sâu sắc rằng chân lý tôn giáo không có sẵn cho chúng ta và cuối cùng thì tin gì cũng không thành vấn đề miễn là người đó tuân theo các nguyên tắc đạo đức nào đó. Miễn là người ta là một người tử tế, thì ai mà quan tâm liệu người đó có là một tín đồ Kitô giáo, Phật giáo, Do Thái hay Hồi giáo sùng đạo—hay là một người không theo đạo nào? Và nếu đúng như vậy, thì tại sao chúng ta lại không coi sự đa dạng của các tôn giáo là một điều tích cực, một biểu thức nữa của sự đa dạng vốn phỉnh lừa nền văn hóa đương thời? Và với chủ nghĩa thờ ơ về mặt nhận thức luận này, chẳng phải bất cứ nỗ lực “hoán cải” nào cũng chẳng khác gì sự gây hấn cao ngạo?

Khi bất cứ định chế, thừa tác vụ hoặc hoạt động nối vòng tay lớn nào của Công Giáo quên đi mục đích truyền giáo của mình, thì nó đã đánh mất linh hồn của nó.

Như tôi đã tranh luận trong nhiều năm và xin lỗi sự đồng thuận về văn hóa hiện thời, Giáo Hội Công Giáo đặt trọng tâm rất lớn vào tính đúng đắn của tín lý. Nó chắc chắn nghĩ rằng chân lý tôn giáo có sẵn cho chúng ta và việc có nó (hoặc không có nó) là vô cùng quan trọng. Nó không cho rằng “trở thành một người tử tế” là phần nào đã đủ, về mặt trí thức hay luân lý; nếu không, có lẽ nó đã không bao giờ mất hàng thế kỷ để tìm ra các tuyên bố tín ngưỡng của mình với độ chính xác kỹ thuật. Và điều chắc chắn nhất là nó khẳng định rằng truyền giảng Tin Mừng là công việc trung tâm, then chốt, quyết định nhất của nó. Chính Thánh Phaolô đã nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1 Cr. 9:16); và Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố rằng Giáo Hội không là gì khác ngoài một sứ vụ loan báo Tin Mừng. Cả Thánh Phaolô ở thế kỷ thứ nhất lẫn Thánh Phaolô ở thế kỷ 20 đều không nghĩ rằng việc rao giảng Tin Mừng gần như đồng nghĩa với chủ nghĩa đế quốc hoặc “sự đa dạng” tôn giáo, tự nó là một mục đích. Thay vào đó, cả hai vị đều muốn cả thế giới được đặt dưới quyền Chúa Tể của Chúa Giêsu Kitô. Đây chính là lý do tại sao mọi định chế, mọi hoạt động, mọi chương trình của Giáo hội cuối cùng đều dành riêng cho việc loan báo Chúa Giêsu. Cách đây vài năm, khi còn là Giám Mục Phụ Tá ở California, tôi đã đối thoại với các thành viên hội đồng quản trị của một trường trung học Công Giáo. Khi tôi nhận xét rằng mục đích cuối cùng của trường học là truyền giáo, nhiều người trong số họ chùn bước và nói: “Nếu chúng ta nhấn mạnh điều đó, chúng ta sẽ xa lánh hầu hết học sinh và cha mẹ của chúng”. Câu trả lời của tôi là: “Vậy thì bạn nên đóng cửa trường học. Ai cần thêm một học viện STEM [S cience T echnology E ngineering M athematics] thế tục?” Không cần phải nói, tôi chưa bao giờ được mời trở lại để phát biểu trước hội đồng đó! Nhưng tôi không quan tâm. Khi bất cứ định chế, thừa tác vụ hoặc chương trình nối vòng tay lớn Công Giáo nào quên đi mục đích truyền giáo của mình, thì nó đã đánh mất linh hồn của nó.

Ngày Giới trẻ Thế giới cũng vậy. Một trong những đóng góp vĩ đại nhất của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho Giáo hội, Ngày Giới trẻ Thế giới, chắc chắn, luôn có một tinh thần truyền giáo. Nó làm hài lòng vị giáo hoàng vĩ đại người Ba Lan rằng nhiều người trẻ trên thế giới, với tất cả sự đa dạng của họ, đã cùng nhau tham dự những buổi họp mặt này, nhưng nếu bạn nói với ngài rằng mục đích thực sự của sự kiện là tôn vinh sự khác biệt và khiến mọi người cảm thấy thoải mái với con người của họ, và bạn không quan tâm đến việc hoán cải bất cứ ai cho Chúa Kitô, bạn nên nghĩ đến việc hãm một chuyến tàu.

Tôi dự kiến sẽ có năm bài thuyết trình tại Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon, và tôi muốn đảm bảo với Đức cha Aguiar rằng mỗi bài thuyết trình đều được thiết kế để truyền giáo.

Thiên Chúa cho phép, không mong muốn, có nhiều tôn giáo

Tiến sĩ Jeff Mirus của Catholic Culture thì cho rằng “Chúa Kitô vốn uỷ nhiệm cho Giáo Hội việc truyền giảng Tin Mừng cho toàn thế giới”. Thế mà Giám Mục Phụ Tá Lisbon và Hồng Y tân cử Américo Alves Aguiar, “lại có thể hãnh diện công bố rằng mục đích của Ngày Giới Trẻ Thế Giới không phải là hoán cải giới trẻ”.

Tiến sĩ Mirus cho rằng, Đức Cha Aguiar dựa vào câu thời danh trong tuyên bố chung của Đức Phanxicô và Đại Giáo Sĩ Al-Azhar nhân ngày ký kết văn kiện “Tình Huynh đệ Nhân bản cho Hòa bình Thế giới và Sống Chung Với Nhau” năm 2019: “tính đa nguyên và đa dạng của các tôn giáo, mầu da, giới tính, sắc tộc và ngôn ngữ được Thiên Chúa mong muốn trong đức Khôn ngoan của Người, qua đó, Người đã tạo dựng các hữu thể nhân bản”.

Theo Tiến sĩ Mirus, Tuyên bố chung trên không hề thuộc huấn quyền của Giáo Hội, nó không hề có bất cứ sức nặng tín lý nội tại nào. Nó có giá trị ngoại giao. Bối cảnh của nó là ý muốn nhấn mạnh như một căn bản cho các chính sách hợp pháp rằng những đặc điểm nhân bản vượt quá quyền kiểm soát bản thân của ta không được trở thành các vấn đề để bách hại... Điểm nhấn ở đây là: đức khôn ngoan của Thiên Chúa là nguồn từ đó quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do được khác với người khác đã được dẫn khởi. Thành thử, sự kiện người ta bị cưỡng bức phải theo một tôn giáo hay nền văn hóa nào phải bị bác bỏ.

Thật ra, câu tuyên bố trên lẫn lộn các yếu tố của bản chất ta (mầu da, giới tính và chủng tộc) là các yếu tố được tiếp nhận mà không có sự dính líu của ý chí ta, và trên đó, ta không có quyền kiểm soát, với tôn giáo, vốn là vấn đề của cam kết tâm trí và ý chí. Nói cách khác, rắc rối chính là việc cam kết tôn giáo là một quyết định bản thân chấp nhận một hệ thống tín ngưỡng có thể đúng hoặc sai, thậm chí tốt hay xấu.

Chính ở đó, ta cần phân biệt ý muốn của Thiên Chúa. Vì khi nói Thiên Chúa “muốn”, ta muốn nói Người muốn điều đó theo nghĩa cho phép nó như một phần trong ơn quan phòng của Người hay ta có ý nói Người muốn điều ấy theo nghĩa tích cực trình bầy nó như một điều tốt mà ta phải tiếp nhận. Ở đây, tính đa nguyên của tôn giáo không được Thiên Chúa muốn một cách tích cực, mà chỉ là cho phép mà thôi.

Bối cảnh lời phát biểu của Đức Cha Aiguar

Theo Walter Sanchez Silva của CNA, “Đức Cha Aguiar nói với ACI Digital rằng những bình luận của ngài được đưa ra trong bối cảnh một cuộc phỏng vấn dài hơn, trong đó ngài bị trích dẫn vỏn vẹn câu này “Chúng ta không muốn hoán cải những người trẻ tuổi cho Chúa Kitô hay cho Giáo Hội Công Giáo hay bất cứ điều gì tương tự.”

Trong cuộc phỏng vấn, Đức cha nói rằng theo ý kiến của ngài, ý định của Ngày Giới trẻ Thế giới là để những người trẻ cùng nhau hành trình, tôn trọng sự đa dạng của họ.

Ngày Giới trẻ Thế giới sẽ được tổ chức tại Lisbon, Bồ Đào Nha, từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8.

Aguiar đã tham gia một cuộc phỏng vấn với RTP Notícias, ba ngày trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố việc tấn phong 21 Hồng Y mới.

Đối với vị Hồng Y tân cử, mục tiêu là giúp mỗi người trẻ có thể nói: “'Tôi nghĩ khác, tôi cảm thấy khác, tôi tổ chức cuộc sống của mình theo một cách khác, nhưng chúng ta là anh em và chúng ta cùng nhau xây dựng tương lai.' Đây là thông điệp chính của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô hằng sống mà Đức Giáo Hoàng muốn cung cấp cho những người trẻ.”

Aguiar tiếp tục: “Chúng tôi không muốn hoán cải những người trẻ tuổi cho Chúa Kitô hay cho Giáo Hội Công Giáo hay bất cứ điều gì tương tự. Chúng tôi muốn một Kitô hữu Công Giáo trẻ nói và làm chứng cho việc mình là ai hoặc một thanh niên Hồi giáo, Do Thái hoặc thuộc tôn giáo khác cũng không gặp vấn đề gì khi nói mình là ai và làm chứng cho điều đó, và cho một người trẻ không có tôn giáo cảm thấy được chào đón và có lẽ không cảm thấy lạ khi suy nghĩ theo một cách khác.”

Vị giáo chủ nhấn mạnh rằng điều quan trọng là “tất cả chúng ta đều hiểu rằng sự khác biệt là một sự phong phú và thế giới sẽ tốt đẹp hơn một cách khách quan nếu chúng ta có khả năng đặt vào trái tim của tất cả những người trẻ niềm xác tín của Fratelli Tutti, tất cả đều là anh em, mà Đức Giáo Hoàng đã đưa ra một nỗ lực to lớn để điều này đi vào trái tim của tất cả mọi người.”

Thông điệp Fratelli Tutti của Đức Giáo Hoàng Phanxicô được công bố vào ngày 4 tháng 10 năm 2020. Đây là thông điệp thứ ba trong triều đại giáo hoàng của ngài và dành riêng cho “tình huynh đệ và tình bạn xã hội”.

Ngày Giới trẻ Thế giới được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết lập vào năm 1985. Đây luôn là cơ hội để những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới gặp gỡ Chúa Kitô một cách đích thân và chọn hiến mình hoàn toàn để phục vụ Người trong chức linh mục hoặc đời sống thánh hiến.

Vào ngày 19 tháng 8 năm 2000, tại Ngày Giới trẻ Thế giới ở Rome trong Năm Đại Toàn Xá, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi những người trẻ là “những người canh gác ban mai” và nhắc nhở họ rằng bằng cách “nói 'xin vâng' với Chúa Kitô, các bạn nói 'xin vâng' với tất cả những lý tưởng cao quý nhất của các bạn. Tôi cầu nguyện rằng Người sẽ ngự trị trong trái tim của các bạn và trong toàn thể nhân loại trong thế kỷ mới và thiên niên kỷ mới. Đừng sợ giao phó chính mình cho Người! Người sẽ hướng dẫn các bạn, Người sẽ ban cho các bạn sức mạnh để theo Người mỗi ngày và trong mọi hoàn cảnh.”