Chuyện TU SĨ Chuyện EM: Không Đi Phát Chẩn!
Tu sĩ là một tu sĩ truyền giáo. Em là những nhân vật tu sĩ gặp gỡ trên con đường hành hương.
https://www.youtube.com/watch?v=jFNPcWuN62k&t=7s

Tôi đưa lên FaceBook videoclip hát lễ của ca đoàn tại một họ đạo Papua New Guinea - PNG. Từ Đại Chủng Viện tới họ đạo, tôi đi bộ, mất khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Lễ xong, tôi lội bộ về lại Chủng viện. Tôi cũng không quên viết lời phụ chú cho videoclip: “Sau công tác mục vụ, ba em ca đoàn cùng đi bộ với ông cha về Chủng Viện.”

Thấy videoclip và lời phụ chú, em bên Mỹ viết lời còm,

— Giáo dân Niugini thích đi bộ hả cha? Sao cha không dạy họ đi xe đạp?

Lời còm của em nhắc nhở tôi một lời còm khác. Lần đó tôi đưa lên FaceBook hình ảnh một bữa khoai của văn hóa PNG. Phải gọi là bữa khoai, bởi bên đây, vùng cao nguyên, lương thực chủ đạo là khoai lang. Vô bàn ăn mà không thấy khoai lang, mặt thực khách ai nấy ỉu xìu, y như người Việt được mời ăn cơm mà trên bàn ăn không xuất hiện một chén cơm.

Thấy tấm hình mâm khoai và lời phụ chú, “Một bữa ăn đặc thù văn hóa của người PNG,” em bên Việt Nam góp một lời còm,

— Cha, cha phải dạy người PNG ăn cơm đi chứ. Ăn khoai lang, ngán tới cổ!

Tôi nhớ cũng có lần một nữ tu than phiền với tôi, người dân tộc nơi Sơ đang phục vụ không trân trọng món quà giáo dân trao tặng. Nghe Sơ càm ràm quá, tôi mở miệng hỏi nhè nhẹ một câu,

— Ủa, sao họ lại không trân trọng quà của các Sơ?

Sơ giải thích rõ ràng,

— Thấy người dân bản làng chuyên môn đi chân đất! Có mạnh thường quân gửi tiền mua dép tặng dân làng. Phát dép cho họ xong, cha biết gì không, họ quẳng đôi dép mới tinh ra bờ sông bờ suối. Chẳng ai đi chịu đi dép hết!

Tâm sự của Sơ cũng lại nhắc nhở tôi, lần đó, sinh viên của Học Viện Truyền Giáo Ngôi Lời tham dự một buổi trình luận án tại University of San Tomas ở Manila của một Nữ tu Việt Nam. Tôi nhớ chủ đề của luận án Phó Tiến Sĩ là “Đối thoại Văn hóa với Người Dân Tộc Êđê.” Sau khi người nữ tu trình luận án xong, một vị trong ban Giám Khảo người Philippines hỏi nữ tu Việt một câu,

— Cám ơn Sơ cho một luận án rất mới và lạ đối với tôi. Tôi xin chỉ hỏi Sơ một câu thôi. Xin Sơ cho tôi biết ngắn gọn, khi các Sơ vào trong bản làng người Êđê, các Sơ đối thoại với họ như thế nào?

Nữ tu Việt tự tin, trả lời ngay,

— Chúng tôi vô bản làng và dạy người dân tộc Êđê cách nấu cơm bằng nồi điện, uống nước đun sôi, và dạy họ về Thiên Chúa.

Tôi nhớ, nghe xong câu trả lời của người Nữ tu Việt, mặt sinh viên chuyên nghành Truyền Học của tụi tôi chợt đồng dạng chảy dài. Riêng vị Giảng sư Giám khảo không nói gì thêm. Ngài chỉ nói lời cám ơn, rồi yên lặng.

Tôi cũng nhớ có một lần, một người bạn FaceBook nhắn tin riêng cho tôi. Anh ấy nhận xét, sao tôi đi truyền giáo ở PNG, vùng sâu vùng xa, nhưng không thấy tôi vào thôn làng phát chẩn.

Truyền Giáo

Trong phạm trù Kitô giáo, truyền giáo là một danh từ có tuổi đời ngang ngửa với tuổi đời của Giáo hội.

Truyền giáo được hiểu trong nghĩa ngắn gọn là “sai đi.”

Ý nghĩa này lấy từ mẫu hình Đức Giêsu, Người Con đã được Người Cha sai đi và sai tới trần gian để rao giảng một bản tin. Bản tin này gọi là Tin Vui hay Phúc Âm. Mặc dù là một bản tin dài nhiều chương, nội dung bản tin này được cô đọng và định nghĩa rõ ràng trong Tin Mừng Gioan, chương 3, câu 16 tới câu 17. Đó là, “Thiên Chúa yêu trần gian vô điều kiện, và Ngài muốn cứu rỗi trần gian.”

Tới phiên Đức Giêsu, trước khi về quay về lại thiên đàng, Ngài cũng sai những người tín hữu đầu tiên đi rao giảng bản Tin Vui. Bởi thế Ngài nói rõ ràng với các môn đệ, “Như Bố đã sai Thầy đi, Thầy cũng sai các con đi” (Gioan 21:20).

Hai thiên niên kỷ đã trôi qua, bản Tin Vui, theo như lệnh truyền của Đức Giêsu, vẫn tiếp tục được rao giảng bởi mọi tín hữu Kitô trên con đường hành hương của riêng họ. Và vẫn chỉ với một bản Tin Vui, Giêsu hữu của hai ngàn năm vẫn đi tới, vẫn đi ra nương đồng rao giảng.

Mặc dù bối cảnh môi trường có thay đổi, nhưng tất cả những người môn đệ của thế kỷ siêu điện toán, và bối cảnh môi trường của tương lai, vẫn cứ thế, vẫn ra đi chỉ để rao giảng bản Tin Vui.

Tin Vui

Thiên Chúa chính là nguồn của Tin Vui. Và Thiên Chúa ước muốn Tin Vui được loan báo tới trần thế (Gioan 3:16).

Trước khi Ngôi Lời nhập thể, Tin Vui đã thể hiện rõ ràng thiên chức và nét đặc trưng của Tin Vui.

Tin Vui đổi đời cuộc sống cô quả của vợ chồng tư tế Zachariah và Elizabeth. Hai người cao niên một thời không con. Nhưng, bởi sự can thiệp của Tin Vui, hai người quá thời mang đến cho đời một người con trai. Không phải một người con trai bình thường, nhưng một ngôn sứ, một đóa hoa nở tung báo hiệu hoa Giêsu đang chuẩn bị nở tung những cánh hoa đẹp nhất trần gian.

Tin Vui, đêm hôm đó, mang những người chăn chiên, người thấp cổ bé miệng tới viếng Hài Nhi Thánh. Trong khi đó, toàn thể nước Do Thái vẫn ngủ say, không ai được Tin Vui gõ cửa thông báo bản Tin Vui.

Tin Vui mở mắt người mù, mở tai người điếc, chữa lành người phong hủi, phục sinh người đã chết. Tất cả những điều không bao giờ có thể xảy ra đều đã xảy ra, và sẽ còn xảy ra bởi sự xuất hiện của bản Tin Vui.

Tin Vui đứng hẳn về phiá của những người không có tiếng nói trong xã hội.

Tin Vui đã được Ngôi Lời nhập thể rao giảng và thực hiện rõ từng nét tới tất cả mọi người mà Đức Giêsu Truyền Giáo gặp gỡ trên con đường hành hương để rao giảng Tin Vui.

Cùng Một Văn Hóa

Khi Ngôi Lời nhập thể, Ngài cũng hạ mình làm người mang thân phận tội lỗi. Ngài cũng bị cám dỗ, yếu đuối, sợ hãi như tất cả mọi người trần thế.

Ngôi Lời hạ sinh làm người Do Thái. Người Do Thái ăn sao, Ngài ăn như vậy. Người Do Thái đi bộ từ làng này sang làng khác, Ngài cũng đi bộ trên đôi chân như bất cứ một người đàn ông Do Thái nào sống cùng thời.

Ngài khóc giống như bất cứ mọi người khi mất đi một người thân. Bởi thế, Ngài rớt nước mắt trước ngôi mộ chôn bốn ngày của ông Lazarô, một người bạn.

Ngài đổ mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu bởi sợ! Ngài cầu nguyện như tất cả mọi người trần thế cầu nguyện khi họ đối diện nguy hiểm, “Lạy Cha, xin cất chén đắng khỏi con.”

Ngài không hành xử chiếu trên chiếu dưới, nhưng liên hệ với tất cả mọi người trong xã hội trong vị thế tôn trọng và yêu thương. Ngay cả với người ngoại kiều, như viên sĩ quan La Mã, người phụ nữ băng huyết xứ Canaan và người phụ nữ Samaria bên giếng nước, Đức Giêsu truyền giáo đều có những mối tương quan song phương tốt đẹp.

Ngay cả khi các vị môn đệ của Ngài hành sử trong tinh thần văn hóa chiếu trên, Đức Giêsu trách mắng môn đệ Giacôbê và Gioan khi họ đòi gọi lửa trời thiêu đốt cả ngôi làng người Samaria.

Em mến,

Tin Vui — Là một nhà truyền giáo, khi đến một vùng đất mới, xin em đừng quên lý do đã mang em tới nền văn hóa mới. Đó chính là rao giảng Tin Vui. Nói ngắn gọn, em tới đó để chia sẻ Tin Vui tới người dân địa phương.

Em! Xin em đừng rao giảng điều gì khác, nhưng một bản Tin Vui.

Xin được nhắc lại một lần nữa. Tin Vui ở đây là tin về Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần như được trình bày trong 4 bản Phúc Âm của Mátthêu, Máccô, Luca, Gioan, và những bản Tin Mừng khác trong Tân Ước và Cựu Ước.

Học Văn Hóa Mới — Khi tới một địa phương mới, em nên để thì giờ học ngôn ngữ, và nền văn hóa của dân địa phương.

Ngôi Lời đã trở thành một người trần, ăn bánh mì như người Do Thái, nói tiếng địa phương Do Thái. Cũng thế, một nhà truyền giáo như em cũng phải có khả năng trở thành một người dân địa phương, ăn thức ăn của dân địa phương. Nếu họ ăn khoai, mời em ngồi xuống mâm khoai ăn khoai với họ. Mời em học hỏi ngôn ngữ của nền văn hóa mới như em đã từng học tiếng Việt của em. Mời em tôn trọng và yêu mến ngôn ngữ mới như em thương yêu tiếng Việt của em.

Nếu dân địa phương đi bộ, em phải hỏi tại sao người ta lại đi bộ trên nương đồng, ngoài đường phố. Xin em đừng quên, trước khi em tới đó, cư dân địa phương họ đã đi bộ và đi chân trần không dép như thế cả hằng ngàn năm nay rồi, bởi văn hóa của họ là văn hóa đi bộ, đi chân đất.

Khi em tới đó, xin đừng mang văn hóa đi dép của em áp đặt lên người bản xứ. Người dân địa phương không đi dép. Xin em đừng mang dép tới với mong ước họ sẽ đi dép như em. Là dân đi chân đất, họ sẽ đi chân đất và tiếp tục đi chân đất, dù em có mua giày Adidas đắt tiền, để rồi đích thân em cúi xuống, buộc dây giày cho họ. Em thấy chưa? Em mua dép, họ nhận được dép, để rồi cũng chính họ quẳng bỏ đôi dép nơi bờ sông bụi cỏ.

Họ đã ăn cơm nếp cả ngàn năm nay rồi. Họ nấu cơm nếp trong ống tre. Giờ em mang nồi cơm điện vào đó, để “dạy” họ nấu cơm ăn. Em, em đang đến với họ để phục vụ hay em đến để thay đổi nền văn hóa cả ngàn năm nay của người địa phương. Em ăn cơm, em thích, em thấy ngon, bởi đó là văn hóa ăn cơm của người Việt-Kinh. Người Việt-Êđê họ ăn nếp, cả đời họ vẫn cứ ăn nếp. Giờ em mang nồi cơm điện vào “dạy” họ nấu cơm. Em, em đang phục vụ em, hay em đang phục vụ người dân tộc? Em, em sẽ nghĩ sao nếu người ngoại quốc tới Việt Nam, họ mang chai xì dầu tới mâm cơm gia đình, và họ bỏ chén nước mắm trung tâm của mâm cơm đi ra khỏi bàn ăn Việt?

Tôi nhớ Cha Giáo lớp Truyền Giáo có kể một câu chuyện vui về văn hóa địa phương. Ngài nói, lần đó Đức Giám Mục ghé vào một họ đạo thăm viếng giáo dân trên đảo. Phụ nữ địa phương có phong tục để ngực trần để khoe vẻ đẹp nữ tính. Biết thế, cha truyền giáo đã cẩn thận chèo thuyền vô phố. Ngài mua áo thung cho tất cả các bà các cô mặc hôm chào đón Đức Giám Mục. Ngày rồi cũng tới, tu sĩ truyền giáo đi ra nhà thờ cùng đón Đức Giám Mục với giáo dân. Nhưng thật bất ngờ, tu sĩ truyền giáo trợn tròn mắt, bởi ngài nhận ra tất cả con chiên phụ nữ đã đứng đầy đủ trước cửa nhà thờ. Nhưng họ đã lấy kéo cắt đều hai hình tròn ngay trước ngực áo thung mới tinh của họ.

Không Đi Phát Chẩn – Em, tôi cũng thường xuyên đi vào những ngôi làng để chia sẻ thực phẩm tới người kém may mắn. Nhưng tôi không đưa những tấm hình đó lên FaceBook bao giờ. Rất đơn giản, tôi đi rao giảng Tin Vui và chia sẻ với mọi người về một Đức Giêsu. Đây mới là lý do đã mang tôi đến với người dân.

Và nếu có chia sẻ lương thực tới người dân, tôi coi đó là một vinh dự, bởi tôi được đại diện Đức Giêsu, để chia sẻ bánh mì thiên đàng tới người đang cần, tương tự như Đức Giêsu đã từng hóa năm ổ bánh mì ra con số khổng lồ để nuôi đám đông người Do Thái tại một vùng đồi núi, khi chiều đổ bóng hoàng hôn.

Tôi thật sự cảm thấy ái ngại với những tấm hình người dân địa phương ngồi đó, chìa hai tay nhận lương thực của em. Mặt họ gầy gò, đói khát, nhận quà từ em, mặt em hồng hào, em cười tươi tươi. Tôi nghĩ nếu bà cụ đó là người thân của tôi, tôi sẽ ái ngại lắm. Tôi đặt vấn đề nếu người ngoại quốc đến Việt Nam làm công tác từ thiện. Em, em nghĩ gì, nếu em nhìn thấy trên FaceBook hình ảnh người Việt ngồi trên sàn gạch, dưới nền đất, hai tay họ giơ cao nhận quà của người ngoại quốc?

Tôi nhớ có lần khi nghe tôi nói xa gần vụ vô thôn làng làm công tác từ thiện, em giải thích với tôi ngay,

— Cha! Nhưng con muốn cho ân nhân biết, số tiền đóng góp đã tới tay người dân.

Tôi gật đầu đồng ý với em, nhưng tôi cũng nhắc em lời dạy của Đức Giêsu về việc bác ái. Ngài nói rõ, “Khi làm việc bác ái, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Matt 6:3).

Chia Sẻ Văn Hóa – Nhà truyền giáo, ngoài học hỏi nền văn hóa mới của dân địa phương, khi điều kiện cho phép, em cũng có thể chia sẻ với con chiên nền văn hóa riêng biệt Việt Nam. Ngày Tết tới, em cũng có thể nấu bánh Chưng, cắm cây Nêu, mặc khăn đống áo dài và chia sẻ phong tục ngày Tết của người Việt tới con chiên bản xứ.

Tất cả những nơi tôi đã từng sinh hoạt, vào ngày Tết Nguyên Đán, tôi cũng tổ chức ăn Tết với con chiên của mình. Tôi nhớ, người dân địa phương rất thích thú khi nhận được tiền lì xì sau khi chúc Tết ông cha xứ người Việt. Tôi mất một số tiền cho lì xì. Nhưng niềm vui ngày Tết mà dân địa phương và cả tôi nhận được là một niềm vui vô giá.

Tối 30 Giao Thừa, tôi cũng hay gọi một số người Việt trong vùng tới. Cả nhóm ngồi lục đục nấu bánh Chưng bánh Tét nguyên đêm. Có năm chỉ có 2 người, tôi và một ông Thầy cũng vẫn rộn ràng gói bánh Tét. Ngày Mùng Một Tết, hai tu sĩ truyền giáo Việt Nam mời các cha Ban Giám Đốc Niugini của Đại Chủng Việt cùng ăn Tết với chúng tôi. Bữa cơm Tết hôm đó có bánh Tét và thịt Heo kho tàu.

Niềm Vui Nhận Được – Từ thôn làng Nazarét, bắc Galilê, nhà truyền giáo Maria vội vã lên đường đi xuống miền nam, Giuđêa, rao truyền Tin Vui tới bà chị bình vôi Elizabeth. Nhận được Tin Vui, hài nhi nhảy vui reo mừng. Tin Vui linh ứng tâm hồn người một thời bị xã hội chế riễu bởi cuộc sống bình vôi. Và Tin Vui cũng linh ứng chính nhà truyền giáo Maria, người mang Tin Vui tới.

Truyền giáo từ bỏ quê cha đất tổ đi tới những nền văn hóa xa lạ và vùng ngoại biên cho sứ vụ. Người truyền giáo bởi thế có nhiều điều từ bỏ, để lại sau lưng. Nhưng người truyền giáo cũng là người nhận được rất nhiều. Điều mà người truyền giáo nhận được thường xuyên là niềm vui do chính người dân mang tới cho nhà truyền giáo. Niềm vui đó nhiều khi cũng chỉ là những nụ cười, những khuôn mặt vui tươi, những chào đón thân thiện, khi nhận ra bóng dáng của nhà truyền giáo trong ngôi nguyện đường nhà tranh vách lá.

Nhà truyền giáo cũng là một người đại diện Đức Giêsu. Họ đi tới và đi vào thôn làng để chia sẻ Tin Vui. Bởi em là người đại diện Đức Giêsu, người trong thôn tiếp đón em. Khi đó, em nên khiêm nhường và tạ ơn Chúa, bởi giây phút đó em được diễm phúc đại diện Con Thiên Chúa, em là một cánh tay của Ngài, để xoa dịu vết thương miên trường của nhân gian.

Cũng như nhà truyền giáo Maria, bởi đem lửa Tin Vui chia sẻ với nhân gian, tu sĩ truyền giáo cũng được chính Tin Mừng đốt cháy và linh ứng tâm hồn của chính họ. Người truyền giáo do đó trở nên rộn ràng, nhiệt thành với sứ vụ. Điều này xảy ra không phải bởi công sức của họ. Nhưng bởi họ được Tin Mừng đốt bừng ngọn lửa trong tâm hồn.

Tôi nhớ, trên đường đi tới nguyện đường tại quốc đảo PNG cho một thánh lễ, người dân địa phươngluôn luôn lệ khệ xách vác trên vai lương thực hái chung quanh nhà hoặc thu lượm trên ruộng đồng. Tới phần dâng của lễ, họ lần lượt đi lên cung thánh, dâng tặng trái đu đủ mới chín trên cây, bó hành lá cọng to, những gói mì, những bó rau bí đao, những củ khoai lang to đùng. Lễ xong, tôi mang thức ăn người dân tặng về lại Chủng Viện. Khi đó, tôi biết, tôi là người hạnh phúc. Tôi biết, chính họ là người dạy tôi bài học biết chia sẻ và trao ban.

Thật ra, trong đời truyền giáo, cả hai, người truyền giáo và người dân địa phương đều có những món quà để trao tặng nhau.

Em, xin em đừng quên Đức Giêsu đã khiêm nhường đến nhà hai chị em Martha và Maria, để hai chị em họ trao tặng Ngài những ổ bánh mì thơm ngon cho một bữa tiệc bánh mì.

Lời Nguyện
Lạy Ngài! Xin cho con rộn ràng đi ra nương đồng reo giảng Tin Vui.