1. Vatican chỉ đạo CBCP ngừng cử hành lần thứ 75 Đức Mẹ hiện ra ở Lipa
Vatican đã ra lệnh cho Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi Luật Tân, gọi tắt là CBCP, ngừng bất kỳ lễ kỷ niệm nào liên quan đến lễ kỷ niệm 75 năm Đức Trinh Nữ Maria hiện ra ở Lipa, Batangas.
“Bộ Giáo Lý Đức Tin yêu cầu các hiền huynh ngăn cản bất kỳ hình thức hoạt động nào liên quan đến lễ kỷ niệm được đề xuất ở Lipa,” lá thư Bộ Giáo lý Đức tin gửi cho CBCP viết.
Bức thư đã được công bố vào hôm thứ Sáu 28 Tháng Bẩy cùng với một thông tư kêu gọi người Công Giáo tuân thủ sắc lệnh năm 2015 của Vatican.
Sắc lệnh năm 2015 lặp lại chỉ thị rằng “bất kỳ và tất cả các ủy ban nghiên cứu nghi vấn về hiện tượng siêu nhiên được báo cáo về các cuộc hiện ra ở Carmel thuộc Lipa sẽ bị giải tán ngay lập tức.”
Năm 1948, Teresa Castillo, khi đó là thỉnh nguyện viên của tu viện Cát Minh ở Batangas, tuyên bố đã nghe thấy tiếng nói từ “Đức Mẹ” và chứng kiến cảnh những cánh hoa hồng rơi xuống.
Sau ba năm điều tra và cân nhắc, một sắc lệnh đã được ban hành vào năm 1951, được ký bởi các tổng giám mục và giám mục, tuyên bố việc Đức Mẹ hiện ra “không có tính chất hay nguồn gốc siêu nhiên. Đó là một quyết định được Đức Giáo Hoàng Piô XII trực tiếp phê chuẩn”.
Vào năm 2015, giữa những nhầm lẫn dai dẳng, Vatican đã tái khẳng định sắc lệnh năm 1951 của mình.
Vatican cũng tuyên bố rằng chỉ có Đức Giáo Hoàng mới có thẩm quyền xác nhận và tuyên bố về sự hiện ra của Đức Mẹ hoặc sự hiện ra siêu nhiên được báo cáo liên quan đến Đức Mẹ.
“Trái với sắc lệnh đã có từ năm 1951 khẳng định rằng những cuộc hiện ra được tường trình ở Lipa là không có nguồn gốc và đặc tính siêu nhiên, những nỗ lực để kỷ niệm 75 năm chứng minh rõ ràng rằng lòng sùng kính và các hoạt động xung quanh điều tương tự dường như vẫn tiếp tục không suy giảm cho đến ngày nay” Vatican cho biết.
Source:CNN
2. Dự luật cấm UOC đã bị xóa khỏi chương trình nghị sự của Quốc Hội Ukraine
Theo báo cáo của Verkhovna Rada, tức là Quốc Hội Ukraine, những người khởi xướng dự thảo luật số 8371 đã không thu thập đủ phiếu bầu để thông qua nó.
Báo cáo cho biết: Vào ngày 28 tháng 7 năm 2023, dự luật cấm các tổ chức tôn giáo liên kết với một quốc gia xâm lược, trong đó quy định cấm Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, đã bị xóa khỏi chương trình nghị sự của Verkhovna Rada.
Tưởng cũng nên biết thêm: Trong thời kỳ cộng sản, tại Ukraine chỉ có một Giáo Hội Chính Thống là Giáo Hội Chính Thống trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Sau khi cộng sản sụp đổ, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất vẫn là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.
Hai nhóm Chính Thống Giáo thứ hai và thứ ba của Ukraine đã nhập lại thành một. Hôm 5 tháng Giêng, 2019, trước sự hiện diện của các thành viên phái đoàn chính phủ Ukraine Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Tòa Thượng Phụ Constantinope đã ký kết Tomos, tức là sắc lệnh công nhận Chính Thống Giáo Ukraine, gọi tắt là OCU, là một Giáo Hội Chính Thống độc lập, và trao Tomos cho Đức Thượng Phụ Epiphaniy của Kyiv và Toàn Ukraine.
Các quan chức Ukraine coi nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa là một công cụ để điện Cẩm Linh tác động lên nội tình của Ukraine. Quốc Hội đã nhiều lần muốn thông qua một luật cấm triệt để Giáo Hội Chính Thống trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, bản thân Tổng thống Zelenskiy và nhiều quan chức chính phủ cho rằng làm như thế có nguy cơ bị Nga lợi dụng để biện minh cho cuộc xâm lược hiện nay.
Trước tình cảm bài Nga tại Ukraine, xu hướng sụp đổ của Chính Thống Giáo trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa là có thể thấy trước. Không cần phải làm gì cả tự nhiên UOC cũng tan rã.
Tháng Năm năm ngoái, 2022, trong một diễn biến ngoại thường Giáo Hội Chính Thống trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa tuyên bố “độc lập hoàn toàn” khỏi Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.
Tổng Giám Mục Onufriy cho biết vào cuối cuộc họp của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Ukraine: “Chúng tôi không đồng ý với quan điểm về chiến tranh của Thượng phụ Kirill, là Thượng Phụ Mạc Tư Khoa và Toàn Nga”
“Thánh Công Đồng lên án chiến tranh, vì đó là vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa ‘Không được giết người’ và bày tỏ sự chia buồn với tất cả những người đã phải chịu đựng trong chiến tranh”
Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Ukraine cho biết như trên sau cuộc họp khoáng đại tập trung vào “sự xâm lược” của Nga, và tuyên bố chấm dứt sự phụ thuộc vào Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.
Quyết định trên được xem là rất khó khăn đối với Giáo Hội này, vì với quyết định này lập tức họ được xem là một Giáo Hội Chính Thống không được công nhận bởi cả Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa lẫn Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinople.
Với quyết định này, UOC của Tổng Giám Mục Onufriy, chắc chắn là tan rã vì Giáo Hội này không còn cơ sở pháp lý nào để tồn tại. Hàng loạt giáo phận và giáo xứ của UOC đã gia nhập OCU. Có thể là trong tương lai gần Ukraine chỉ có một Giáo Hội Chính Thống duy nhất, do Đức Tổng Giám Mục Epiphanius lãnh đạo.
Source:spzh.news
3. Tổng Giám Mục Hilarion tuy chống cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine nhưng vẫn đề cao Chính Thống Giáo Nga
Metropolitan Hilarion của Budapest và Hung Gia Lợi đã thực hiện cuộc phỏng vấn lớn đầu tiên với cơ quan truyền thông của nhà nước Nga Ria Novosti, sau khi bị trục xuất khỏi Mạc Tư Khoa và tổng giáo phận Volokolamsk vì phản đối cuộc xâm lược Ukraine của Putin.
Trước đó, ông đã xuất hiện tại Thượng Hội Đồng do Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa tổ chức, diễn ra vào tuần trước.
Tại đó, Đức Tổng Giám Mục Hilarion, người đã biến mất hơn một năm, đã trình bày bản báo cáo dài gần 40 trang của mình với tựa đề “Về sự thay đổi giáo huấn Chính thống giáo đối với Giáo hội trong các hành động của hàng giáo phẩm của Tòa thượng phụ Constantinople và sự can thiệp của các đại diện của tòa này.”
Trong cuộc phỏng vấn với Ria Novosti, được xuất bản bằng tiếng Nga và tiếng Hy Lạp trên trang web của Bộ Quan hệ Giáo hội Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, ngài chủ yếu đề cập đến nội dung của văn bản này, đã được Thượng Hội Đồng Giám Mục Chính Thống Giáo Nga chấp thuận.
Trên thực tế, Metropolitan Hilarion nhấn mạnh rằng văn bản là một “bản tổng hợp” các quan điểm của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa chống lại “những sai lệch so với các nguyên tắc giáo luật” mà Tòa Thượng phụ đã quan sát thấy trong các hành động của Tòa Thượng phụ Đại kết.
“Ý tưởng là giải thích những điểm mà Giáo hội Chính thống Nga không đồng ý với Tòa Thượng phụ Constantinople. Và những điểm này đã được chứng minh là đủ. Đây là sự không đồng tình không chỉ về một số hành động cụ thể mà cả về lập trường. Chúng tôi đặt ra quan điểm này và trình bày các lập luận của chúng tôi chống lại nó. Đây là mục đích của văn bản,” vị Tổng Giám Mục thất sủng nói một cách tổng quát trong cuộc phỏng vấn.
Đặc biệt quan trọng là chuyến viếng thăm của Đức Thượng phụ Đại kết đến Lithuania và Estonia, mà Đức Tổng Giám Mục Hilarion đề cập đến như một sự xâm nhập của Tòa Thượng phụ Đại kết bắt đầu từ năm 1996. Ngài cũng đặc biệt đề cập đến việc phục hồi năm giáo sĩ từ Lithuania, bởi Thượng Phụ Đại Kết.
Éo le nằm ở chỗ này: 5 linh mục Lithuania bị loại bỏ tư cách giáo sĩ là vì cũng như Đức Tổng Giám Mục Hilarion, họ chống lại cuộc xâm lược Ukraine của Putin. Lẽ ra, Đức Tổng Giám Mục Hilarion phải ủng hộ các linh mục này mới đúng. Các quan sát viên cho rằng có lẽ Đức Tổng Giám Mục Hilarion thấy trước Putin và Thượng Phụ Kirill sẽ sớm ra đi sau thất bại quân sự ở Ukraine. Ngài đang tìm mọi cách để quay lại Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, nơi các Giám Mục có thể ủng hộ, hay có thể không ủng hộ cuộc xâm lược của Putin, nhưng tuyệt đại đa số ủng hộ cái gọi là Thế Giới Nga, một thứ chủ nghĩa đế quốc cả trong dân sự và tôn giáo.
Source:Orthodox News