Trong ngày đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Lisbon, Bồ Đào Nha, ngài đã tới Mosteiro dos Jerónimos, (Lisbon), để đọc Kinh Chiều với hàng Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha. Trong buổi Kinh Chiều này, ngài đã trình bầy bài giảng sau đây, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:
Anh em Giám mục thân mến,
Các linh mục, phó tế, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh thân mến,
Các nhân viên mục vụ thân mến,
Anh chị em thân mến, chào anhh chị em buổi tối!
Tôi vui mừng được hiện diện với anh chị em, không chỉ để trải nghiệm Ngày Giới trẻ Thế giới cùng với rất nhiều người trẻ, mà còn để chia sẻ hành trình giáo hội của chính anh chị em, những thách thức và hy vọng của anh chị em. Tôi cảm ơn Đức Giám Mục José Ornelas Carvalho vì những lời tốt đẹp của ngài. Tối hôm nay, tôi muốn cùng anh chị em cầu nguyện, để, như Đức Giám Mục đã nói, cùng với những người trẻ tuổi, chúng ta có thể mạnh dạn nắm lấy “giấc mơ về Thiên Chúa và hướng tới sự tham gia vui vẻ, quảng đại và biến đổi, cho Giáo hội và cho nhân loại”. Đây không phải là trò đùa. Nó là một chương trình.
Tôi thấy mình đắm chìm trong vẻ đẹp của đất nước anh chị em, một vùng đất giao thoa giữa quá khứ và tương lai, một nơi có truyền thống cổ xưa và những thay đổi lớn lao, được tô điểm bởi những thung lũng xanh tươi và những bãi biển vàng đối diện với vẻ đẹp vô biên của đại dương vốn tạo biên giới cho Bồ Đào Nha. Điều này khiến tôi nghĩ đến việc các môn đệ được kêu gọi đầu tiên: những người được Chúa Giêsu kêu gọi trên bờ biển Galilê. Tôi muốn dừng lại ở lời kêu gọi đó, một lời nhắc nhở chúng ta về điều chúng ta vừa nghe trong bài đọc ngắn của các Kinh Chiều này: Chúa đã cứu chúng ta và kêu gọi chúng ta, không theo công việc của chúng ta nhưng theo ân sủng của Người (x. 2 Tim 1:9). Đây là trường hợp trong đời sống của những môn đệ đầu tiên khi Chúa Giêsu đi ngang qua “thấy hai chiếc thuyền ở bờ hồ. Những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới” (Lc 5:2). Lúc đó, Chúa Giêsu xuống thuyền của Simong và sau khi giảng dạy đám đông, Người đã thay đổi cuộc sống của những người đánh cá đó bằng cách mời họ ra chỗ nước sâu mà thả lưới. Chúng ta lập tức ghi nhận sự tương phản: những người đánh cá rời thuyền để giặt lưới, nghĩa là làm sạch và sửa chữa chúng, rồi sau đó, trở về nhà, trong khi Chúa Giêsu lên thuyền và mời gọi họ thả lưới bắt cá. Chúng ta thấy sự khác biệt: các môn đệ ra khỏi thuyền, trong khi Chúa Giêsu lên thuyền; họ muốn cất lưới đi, trong khi Người muốn họ thả lưới xuống biển một lần nữa để đánh bắt.
Để bắt đầu, những người đánh cá đang ra khỏi thuyền để giặt lưới. Chúa Giêsu nhìn thấy điều này và dừng lại. Trước đó ít lâu, Người đã bắt đầu rao giảng trong hội đường Nadarét, nhưng dân làng đã đuổi Người ra khỏi thành và thậm chí còn tìm cách giết Người (x. Lc 4:28-30). Sau đó, Người rời khu vực thánh thiêng và bắt đầu rao giảng lời Chúa cho mọi người, trên những con phố nơi những người đàn ông và đàn bà cùng thời với Người sống và làm việc hàng ngày. Chúa Kitô muốn mang sự gần gũi của Thiên Chúa vào chính những nơi chốn và hoàn cảnh trong đó, con người sống, làm việc và hy vọng, đôi khi giữ mãi các thất bại và thiếu sót trong quá khứ của họ, giống như những người đánh cá đã làm việc suốt đêm mà không bắt được gì. Chúa Giêsu thông cảm nhìn Simong và các bạn đồng hành, những người mệt mỏi và thất vọng, đang giặt lưới theo thói quen, cam chịu sự kiện là họ sẽ trở về nhà tay không.
Có những lúc trong hành trình giáo hội của chúng ta, chúng ta có thể cảm thấy một sự mệt mỏi tương tự, khi chúng ta dường như chỉ nắm được những tấm lưới trống rỗng. Mệt mỏi. Ai đó đã từng nói: “Tôi sợ khi người tốt trở nên mệt mỏi”. Vào những thời điểm khi chúng ta nghĩ chúng ta chỉ giữ được những chiếc lưới trống rỗng. Không có gì lạ khi cảm thấy như vậy ở các quốc gia có truyền thống Kitô giáo cổ xưa, bị vùi dập bởi những thay đổi xã hội và văn hóa và ngày càng được đánh dấu bởi chủ nghĩa thế tục, sự thờ ơ với Thiên Chúa và ngày càng xa rời việc thực hành đức tin. Đây là mối nguy hiểm của một tính thế gian ngày một gia tăng. Nó thường bị gia trọng bởi sự thất vọng hoặc tức giận mà với chúng, một số người nhìn Giáo hội, đôi khi do chứng tá kém cỏi của chúng ta và những vụ tai tiếng làm hoen ố khuôn mặt của Giáo hội và kêu gọi chúng ta tiến hành một cuộc thanh tẩy khiêm tốn, liên tục, bắt đầu bằng tiếng kêu thống thiết của các nạn nhân, những người phải luôn được chấp nhận và lắng nghe. Bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy nản lòng (và ở đây mỗi chúng ta có thể nghĩ đến những lúc chúng ta cảm thấy nản lòng), chúng ta có thể cảm thấy muốn rời bỏ con thuyền và sa vào lưới cam chịu và bi quan. Thay vào đó, chúng ta hãy tin tưởng rằng Chúa Giêsu tiếp tục nắm tay chúng ta, nâng đỡ nàng dâu yêu dấu của Người. Chúng ta hãy dâng lên Chúa những cuộc chiến đấu và nước mắt của chúng ta, để cùng nhau đáp ứng những nhu cầu mục vụ và thiêng liêng, với con tim rộng mở và tìm ra những con đường mới để theo Người. Khi chúng ta cảm thấy chán nản, dù cố ý hay không, chúng ta “rút lui”, chúng ta bước lùi khỏi lòng nhiệt thành tông đồ, bắt đầu đánh mất nó và trở thành “những viên chức phòng áo”. Thật buồn biết bao khi một người tận hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa lại trở thành một “viên chức”, chẳng hơn gì một quản trị viên. Thực đáng buồn.
Ngay sau khi các tông đồ ra khỏi thuyền để giặt lưới, Chúa Giêsu xuống thuyền và gọi họ thả lưới một lần nữa. Vào những lúc chán nản, khi chúng ta muốn “rút lui”, chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu lên thuyền một lần nữa, với sự phấn khởi của thuở ban đầu, một sự phấn khích phải được lấy lại, tái sinh và làm cho sống lại. Người đến với chúng ta giữa cảm giác cô đơn và khủng hoảng của chúng ta, để giúp chúng ta bắt đầu lại. Nền linh đạo của những khởi đầu mới. Đừng sợ điều này. Vì cuộc sống là thế: chúng ta thất bại và chúng ta bắt đầu lại, chúng ta mệt mỏi và chúng ta tìm thấy niềm vui mới. Chúng ta đặt tay mình vào bàn tay Chúa Giêsu. Hôm nay cũng vậy, Người đứng ở bến bờ cuộc đời chúng ta, để làm sống lại niềm hy vọng của chúng ta và nói với chúng ta, như Người đã nói với Simong và những người khác: “Hãy ra khơi mà thả lưới đánh cá” (Lc 5: 4). Và khi chúng ta mất hứng thú, chúng ta tìm ra hàng ngàn lý do để không hạ lưới, và đặc biệt là sự cam chịu ủ rũ như con sâu ăn vào linh hồn. Anh chị em thân mến, chắc chắn chúng ta đang sống trong những thời kỳ khó khăn, chúng ta biết điều đó, nhưng Chúa đang hỏi Giáo hội này: “Các con muốn rời thuyền và chìm đắm trong thất vọng, hay các con muốn để Ta bước vào và cho phép những điều mới mẻ trong lời nói của Ta một lần nữa nắm tay lái? Người đang hỏi anh chị em, hỡi các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các giám mục: Anh chị em chỉ muốn gìn giữ quá khứ đã khuất sau lưng anh chị em, hay anh chị em muốn một lần nữa thả lưới một cách nhiệt tình để đánh bắt?” Đó là điều mà Chúa đang yêu cầu chúng ta: làm sống lại lòng nhiệt thành “không ngơi nghỉ” của chúng ta đối với việc loan báo Tin Mừng.
Khi chúng ta trở thành những tạo vật của thói quen và trở nên nhàm chán, và sứ mệnh trở thành một “công việc”, thì đó là lúc chúng ta mở lòng đón nhận tiếng gọi thứ hai của Chúa Giêsu, vì Người không ngừng kêu gọi chúng ta. Người kêu gọi chúng ta lên đường; Người gọi chúng ta làm lại chính chúng ta. Đừng sợ tiếng gọi thứ hai này của Chúa Giêsu. Đó không phải là ảo tưởng: Người cứ gõ cửa nhà chúng ta. Và chúng ta có thể nói rằng chúng ta trải qua một sự bồn chồn “tốt” khi chúng ta để mình bị lôi cuốn bởi tiếng gọi thứ hai này của Chúa Giêsu. Một sự bồn chồn tốt lành, mà sự bao la của đại dương mang đến cho anh chị em, hỡi những người bạn Bồ Đào Nha thân mến: một động lực để lên đường từ bờ biển, không phải để chinh phục thế giới – hay chỉ đơn giản là để câu cá bacalos – mà để làm cho thế giới hân hoan nhẩy mừng trong niềm vui an ủi của Tin Mừng. Ở đây chúng ta có thể nghĩ đến những lời của một trong những nhà truyền giáo vĩ đại của anh chị em, Cha António Vieira, được gọi là “Paiaçu”, “Người Cha vĩ đại”. Ngài từng nói rằng Thiên Chúa đã cho anh chị em một vùng đất nhỏ để anh chị em sinh ra nhưng bằng cách bắt anh chị em nhìn ra đại dương, Người đã cho anh chị em cả một thế giới để chết cho: “Một vùng đất nhỏ để sinh ra; cả thế giới để chết cho; sinh ra ở Bồ Đào Nha, chết cho cả thế giới” (A. VIEIRA, Bài giảng, tập III, t. VII, Porto, 1959, tr. 69). Một lần nữa hạ lưới và ôm lấy toàn thế giới với niềm hy vọng do Tin Mừng mang lại: đó là điều chúng ta được kêu gọi thực hiện! Đây không phải là lúc để dừng lại, và bỏ cuộc, để kéo con thuyền vào bờ hay nhìn lại. Chúng ta không được chạy trốn khỏi hiện tại vì sợ hãi, hoặc nương tựa vào những hình thức và thực hành của quá khứ. Bây giờ là thời gian ân sủng Thiên Chúa ban để mạnh dạn dong buồm ra biển rao giảng Tin Mừng và truyền giáo.
Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta cũng cần đưa ra một số quyết định. Tôi muốn chỉ ra ba trong số những quyết định đó, được gợi hứng bởi Tin Mừng.
Đầu tiên, ra vùng nước sâu. Với lòng dũng cảm. Đừng do dự! Ra vùng nước sâu. Để hạ lưới một lần nữa, chúng ta phải lên đường và bỏ lại sau lưng những bờ biển thất vọng và sức ì của chúng ta; chúng ta phải bỏ lại đằng sau nỗi tiếc nhớ mờ nhạt, tính yếm thế và sự mỉa mai thường bủa vây chúng ta khi đối diện với các khó khăn. Nỗi tiếc nhớ mờ nhạt, tính yếm thế và mỉa mai. Chúng ta hãy xét lại lương tâm của mình về điểm này. Để lấy lại sự phấn khích, giờ đây trong “phiên bản thứ hai”, trưởng thành hơn và là kết quả của những thất bại và mệt mỏi. Không dễ để có được một hứng thú trưởng thành. Tuy nhiên, điều đó phải được thực hiện nếu chúng ta muốn chuyển từ thái độ bại trận sang đức tin, như ông Simong, người sau khi vất vả suốt đêm trong vô vọng, đã có thể nói: “Con sẽ thả lưới theo lời Thầy” (Lc 5:5). Tuy nhiên, phó thác mỗi ngày cho Chúa và lời của Người, lời nói thôi thì chưa đủ; cầu nguyện nhiều cũng là điều cần thiết.
Ở đây tôi muốn đặt một câu hỏi mà mọi người có thể trả lời trong lòng mình: Tôi cầu nguyện như thế nào? Như một kẻ “blah, blah, blah”, nửa mê nửa tỉnh trước nhà tạm vì không biết thưa chuyện với Chúa như thế nào. Tôi có cầu nguyện không? Làm thế nào để tôi cầu nguyện? Chỉ trong sự tôn thờ, chỉ trong sự hiện diện của Chúa, chúng ta mới thực sự khám phá lại sở thích và niềm đam mê truyền giảng Tin Mừng của mình. Thật kỳ lạ, chúng ta đã đánh mất lời cầu nguyện tôn thờ; và tất cả mọi người, linh mục, giám mục nam nữ thánh hiến, cần phục hồi khả năng thinh lặng trước mặt Chúa. Mẹ Têrêsa [thành Calcutta], bận rộn với bao nhiêu điều trong cuộc sống, không bao giờ lơ là việc tôn thờ, ngay cả những lúc đức tin của Mẹ bị lung lay và Mẹ tự hỏi không biết tất cả có đúng không. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng trải qua một khoảnh khắc tăm tối tương tự. Khi cầu nguyện, chúng ta vượt qua cơn cám dỗ thi hành “thừa tác vụ hoài nhớ và tiếc nuối”. Một lần, trong một tu viện, có một nữ tu – điều này thực sự đã diễn ra - phàn nàn về đủ mọi điều. Tôi quên tên sơ ấy, nhưng các nữ tu khác gọi sơ ấy là “Sister Lamentation” [sơ ta thán]. Đã bao nhiêu lần chúng ta biến sự bực bội và thất vọng của mình thành những lời phàn nàn! Một khi chúng ta từ bỏ những lời phàn nàn đó, chúng ta tìm thấy sức mạnh để một lần nữa dấn thân vào vùng nước sâu, không ý thức hệ, không có tính thế gian: tính thế gian thiêng liêng chiếm lấy chúng ta và làm nảy sinh chủ nghĩa giáo sĩ trị. Một chủ nghĩa giáo sĩ trị không những của giáo sĩ, vì các giáo dân bị giáo sĩ hóa còn tệ hơn giáo sĩ. Chủ nghĩa giáo sĩ trị đó là sự hủy hoại của chúng ta. Như một bậc thầy tâm linh vĩ đại đã từng nói, tính thế gian thiêng liêng – vốn kích động chủ nghĩa giáo sĩ trị - là một trong những điều xấu xa nhất có thể xảy ra trong Giáo hội. Chúng ta cần vượt qua những khó khăn của mình mà không có ý thức hệ, không có tính thế gian, được thúc đẩy bởi một ước muốn duy nhất: Tin Mừng được rao giảng cho mọi người.
Trên con đường này, bản thân anh chị em đã có nhiều thí dụ. Thấy xung quanh chúng ta có rất nhiều người trẻ, tôi muốn đề cập đến một người trẻ đến từ Lisbon, Thánh Gioan Brito, một người trẻ gốc ở nơi này, cách đây hàng thế kỷ, giữa muôn vàn khó khăn, đã giong buồm đến Ấn Độ và bắt đầu nói và ăn mặc giống như dân chúng ở những nơi ngài đến, để nói cho họ biết về Chúa Giêsu. Chúng ta cũng được mời gọi thả lưới trong những ngày này và đối thoại với mọi người, đề xuất sứ điệp Tin Mừng, ngay cả khi nó liên hệ đến nguy cơ gặp một số bão tố. Giống như những người trẻ tuổi từ khắp nơi trên thế giới đến đây để đương đầu với những con sóng khổng lồ, chúng ta cũng phải dũng cảm lên đường. Thật vậy, chúng ta không bao giờ phải sợ biển khơi, vì giữa những cơn bão tố và những cơn gió ngược chiều, Chúa Giêsu đến gặp chúng ta và phán: “Hãy yên lòng, chính ta đây; đừng sợ” (Mt 14:27). Chúng ta có kinh nghiệm này bao nhiêu lần? Mỗi người chúng ta có thể tự trả lời câu hỏi đó trong lòng mình. Và nếu chúng ta không có nó, đó là vì một cái gì đó đã thất bại trong cơn bão tố.
Quyết định thứ hai: làm việc với nhau trong việc cung cấp chăm sóc mục vụ. Cùng nhau. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu trao cho Phêrô nhiệm vụ thả lưới ở chỗ nước sâu, nhưng sau đó, khi nói ở số nhiều, Người nói với những người khác: “Hãy thả lưới xuống” (Lc 5:4). Thánh Phêrô hướng dẫn con tàu, nhưng những người khác đang ở trên tàu và tất cả họ được gọi để hạ lưới. Cùng nhau. Và khi đánh được mẻ cá lớn, họ không nghĩ rằng mình có thể làm một mình, hoặc coi món lợi là sở hữu và tài sản riêng của mình, nhưng, như Tin Mừng cho chúng ta biết, “họ đã ra hiệu cho các bạn ở thuyền khác đến và giúp họ” (Lc 5:7). Bằng cách này, họ chở đầy hai thuyền chứ không phải một. “Một” nói với chúng ta về sự cô độc, chỉ quan tâm đến bản thân, ảo tưởng về sự tự cung tự cấp, trong khi “hai” nói về mối quan hệ. Giáo hội là đồng nghị: Giáo hội là sự hiệp thông, hỗ trợ lẫn nhau và đồng hành. Đó là mục tiêu của Thượng Hội đồng hiện tại, sẽ có phiên họp chung đầu tiên vào tháng 10. Trên con thuyền của Giáo hội, phải có chỗ cho tất cả mọi người: tất cả những người đã được rửa tội đều được kêu gọi lên thuyền để hạ lưới, tham gia cách cá nhân vào việc rao giảng Tin Mừng. Đừng quên chữ này: với nhau! Bất cứ khi nào nói về việc mở ra những viễn cảnh tông đồ, Tôi đều vô cùng xúc động bởi đoạn Tin Mừng trong đó tiệc cưới của người con trai đã được chuẩn bị sẵn sàng, và mọi người không đến dự. Vậy Chúa, chủ tiệc, nói gì? “Hãy ra các đường lớn và các nẻo đường, đem tất cả mọi người: kẻ bệnh tật, kẻ mạnh khỏe, già trẻ, người công chính cũng như kẻ tội lỗi. Mọi người!" Đừng biến Giáo hội thành một trạm hải quan, lựa chọn ai được vào ai không. Tất cả, với cuộc sống dĩ vãng, tội lỗi của họ, như họ vốn là thế, trước Chúa, như họ vốn là thế, trước cuộc đời. Tất cả mọi người. Chúng ta đừng có các nhà hải quan trong Giáo hội.
Đây là một thách thức lớn, nhất là trong những hoàn cảnh trong đó các linh mục và tu sĩ bị áp lực nặng nề vì số lượng của họ ít hơn và nhu cầu mục vụ ngày càng tăng. Mặc dù vậy, chúng ta có thể xem đây là một cơ hội để thu hút, với lòng nhiệt thành huynh đệ và sự sáng tạo mục vụ lành mạnh, các tín hữu giáo dân. Do đó, mạng lưới của các môn đệ đầu tiên có thể đóng vai trò như một hình ảnh của Giáo hội, vốn là một “mạng lưới các mối quan hệ”, nhân bản, thiêng liêng và mục vụ. Khi thiếu đối thoại, đồng trách nhiệm và tham gia, Giáo hội trở nên già cỗi. Tôi xin diễn đạt như sau: không bao giờ có một Giám mục mà không có các linh mục và dân Chúa của mình; không bao giờ là một linh mục mà không có anh em linh mục của mình; và tất cả chúng ta cùng nhau, với tư cách là Giáo hội – linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân – không bao giờ thiếu người khác, không bao giờ không có thế giới. Chắc chắn là không có tính thế gian, nhưng không phải là không có thế giới. Trong Giáo hội, chúng ta giúp đỡ lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau và chúng ta cảm thấy mình được kêu gọi truyền bá bầu khí huynh đệ xây dựng bên ngoài những bức tường của chính chúng ta. Về vấn đề này, Thánh Phêrô nói với chúng ta rằng chúng ta là những viên đá sống được xây dựng nên ngôi nhà thiêng liêng (x. 1Pr 2:5). Tôi muốn nói thêm rằng anh chị em, tín hữu Bồ Đào Nha, cũng là một “calçada”; anh chị em là những viên đá quý của vỉa hè thân thiện và rực rỡ mà Tin Mừng cần bước đi trên đó: không thể thiếu dù chỉ một viên đá, nếu không sự vắng mặt của nó sẽ được ghi nhận ngay. Đây là Giáo Hội mà, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi xây dựng!
Cuối cùng, quyết định thứ ba: trở thành những người đánh cá nam và nữ. Đừng sợ. Đây không phải là thực hành cải đạo; đó là công bố sứ điệp đầy thách đố của Tin Mừng. Chúa Giêsu dùng hình ảnh đẹp đẽ đó: những người đánh cá nam nữ. Chúa Giêsu trao phó cho các môn đệ sứ mạng ra khơi thế gian. Trong Kinh thánh, biển thường được coi là ám ảnh của những thế lực độc ác và bất lợi mà con người không có khả năng kiểm soát. Vì vậy, trở thành “những người đánh cá nam nữ” và kéo họ ra khỏi nước có nghĩa là giúp họ trở về nơi họ đã ra xa, cứu họ khỏi sự dữ đang đe dọa lấn át họ, hồi sinh họ khỏi mọi hình thức của cái chết. Nhưng làm điều này mà không có chủ trương cải đạo, nhưng với tình yêu. Một trong những dấu hiệu của một số phong trào giáo hội đang gặp khó khăn là việc cải đạo. Khi một phong trào giáo hội hay một giáo phận, một giám mục, một linh mục, một nữ tu hay một giáo dân dấn thân vào việc cải đạo, đó không phải là Kitô giáo. Kitô giáo là mời gọi, chào đón, giúp đỡ, nhưng không cải đạo. Tin Mừng là lời loan báo về sự sống giữa vực thẳm sự chết, về tự do giữa vòng xoáy nô lệ, về ánh sáng trong bóng tối sâu thẳm. Theo lời của Thánh Ambrôsiô, “các phương tiện được sử dụng trong việc đánh cá của các tông đồ giống như những chiếc lưới: vì lưới không giết được con cá mà giữ cho nó được sống; họ lôi nó từ vực sâu ra ánh sáng” (Exp. Luc. IV, 68-79). Có quá nhiều bóng tối trong xã hội ngày nay, cũng như ở Bồ Đào Nha này, ở khắp mọi nơi. Chúng ta dường như đã mất đi cảm giác nhiệt huyết, dũng khí để ước mơ, nghị lực đương đầu với thử thách và niềm tin vào tương lai; và vì vậy chúng ta chèo thuyền giữa những nghi ngờ và bất ổn, đặc biệt là bất ổn về kinh tế, tình bạn xã hội nghèo nàn và thiếu hy vọng. Với tư cách là Giáo hội, chúng ta được giao phó nhiệm vụ ra khơi trong vùng biển này và thả lưới Tin Mừng, không chỉ tay, không buộc tội, nhưng mang đến cho những người nam nữ của thời đại chúng ta một lời đề nghị về sự sống, sự sống của Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi mang đến cho họ sự cởi mở của Tin Mừng, mời họ đến dự tiệc, đến với một xã hội đa văn hóa; mang đến sự gần gũi của Chúa Cha cho những hoàn cảnh ngày càng bấp bênh và nghèo đói, đặc biệt là nơi giới trẻ. Mang tình yêu của Chúa Kitô đến bất cứ nơi nào các gia đình mong manh và các mối quan hệ bị tổn thương. Truyền niềm vui của Chúa Thánh Thần vào nơi sự chán nản và thuyết định mệnh ngự trị. Như một trong những tác giả của anh chị em đã viết: “Để đến được cái vô hạn, và tôi tin rằng người ta có thể đến được đó, chúng ta cần một cổng an toàn, chỉ một cổng thôi, để từ đó hướng tới cái Vô hạn” (F. PESSOA, Livro do Desassossego, Lisbon, 1998, 247). Chúng ta hãy mơ về Giáo hội ở Bồ Đào Nha như một “bến cảng an toàn” cho tất cả những ai đang phải đối đầu với những khó khăn, những vụ đắm tàu và những cơn bão tố của cuộc đời!
Anh chị em thân mến: với tất cả anh chị em, giáo dân, tu sĩ, linh mục và giám mục, tôi nói với tất cả mọi người: Đừng sợ, hãy thả lưới. Đừng vội buộc tội – nói với mọi người, “đây là một tội lỗi” hoặc “đây không phải là một tội lỗi”. Hãy để mọi người đến, chúng ta có thể nói chuyện sau, nhưng trước tiên họ nên nghe lời mời gọi của Chúa Giêsu; sự ăn năn đến sau, sự gần gũi với Chúa Giêsu đến sau. Làm ơn, đừng biến Giáo hội thành một nhà hải quan: ở đó những người công chính, những người có cuộc sống nề nếp, những người kết hôn đàng hoàng, có thể vào, trong khi những người khác vẫn ở bên ngoài. Không. Đó không phải là Giáo hội. Người công chính và tội nhân, tốt và xấu: mọi người, mọi người, mọi người. Và sau đó, cầu xin Chúa giúp chúng ta giải quyết mọi việc. Nhưng moi người.
Tôi xin chân thành cảm ơn các anh chị em đã lắng nghe tôi, điều này hẳn đã rất nhàm chán! Tôi cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em làm, và vì tấm gương của anh chị em, đặc biệt là tấm gương ẩn giấu của anh chị em và sự kiên trì của anh chị em trong việc thức dậy mỗi ngày để bắt đầu lại hoặc tiếp tục những gì anh chị em đã bắt đầu. Cảm ơn vì sự giúp đỡ của anh chị em! Tôi phó thác anh chị em cho Đức Mẹ Fatima, cho sự bảo vệ an toàn của thiên thần Bồ Đào Nha và cho sự bảo vệ của các vị thánh vĩ đại của anh chị em. Ở Lisbon đây, tôi đặc biệt nghĩ đến Thánh Antôn (người mà người Padua đã đánh cắp của anh chị em), một tông đồ không mệt mỏi, một nhà giảng thuyết đầy cảm hứng và một môn đệ trung thành của Tin Mừng, quan tâm đến những tệ nạn của xã hội và đầy lòng trắc ẩn đối với người nghèo. Xin Thánh Antôn cầu bầu cho anh chị em và mang lại cho anh chị em niềm vui về một “mùa cá kỳ diệu” mới. Sau đó, anh chị em có thể cho tôi biết về nó. Và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.