Câu hỏi 21: Khi nào Chúa Giêsu biết Người là Con Thiên Chúa? Lúc còn bé thơ hay một đứa trẻ hay một thiếu niên hoặc muộn hơn?
Câu hỏi này tương tự như câu hỏi về việc Đức Maria và Thánh Giuse biết Người, nhưng dĩ nhiên có tính trung tâm hơn đối vời đức tin của chúng ta vì nó đụng tới cách chúng ta nhìn cuộc sống phàm nhân của Người. Raymond E. Brown đề cập đến vấn đề này rất hay: “Các Tin Mừng được viết ra để nói với chúng ta điều chúng ta nên biết về Chúa Giêsu, chứ không phải về điều Người biết về mình.” Dưới ánh sáng đức tin vào phục sinh, chúng ta biết rằng Người là Con Thiên Chúa không phải chỉ ở lúc Người được tượng thai mà từ thuở đời đời trong lòng Chúa Cha (Ga 1:18). Tuy nhiên, khi chúng ta hỏi những câu hỏi như thế về nhận thức về mình của Chúa Giêsu, chúng ta nên hiểu rõ rằng chúng ta hỏi về nhận thức nhân bản của Người, chứ không phải nhận thức thần linh của Người. Dĩ nhiên, mầu nhiệm là làm thế nào Chúa Giêsu là nhân bản trọn vẹn mà không bị áp đảo bởi thiên tính của Người.
Nếu chúng ta hỏi một câu hỏi lịch sử về việc phát triển tâm lý của Chúa Giêsu, chúng ta không đi vào được điều thực sự diễn ra trong tâm trí Người. Bất cứ là điều gì, Người xem ra không thông truyền nó trong những năm sống tại Nadarét. Theo Máccô, chính gia đình Người cũng cố gắng hạn chế Người vì họ sợ Người mất trí (3:21). Bạn hữu và láng giềng của Người ở Nadarét bác bỏ Người trên cơ sở họ biết Người quá nhiều: “Bởi đâu ông ta được như thế?...Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria sao...?”. Nếu chúng ta khẳng định, như Thư gửi tín hữu Do Thái từng làm, rằng Chúa Giêsu giống chúng ta trong mọi sự, bị thử thách và cám dỗ như chúng ta (4:15), thì chúng ta nên nói rằng Người lớn lên như một đứa trẻ bình thường, trở nên mạnh mẽ và gia tăng khôn ngoan và năm tháng và được lòng cả Thiên Chúa lẫn người phàm (Lc 2:40.52).
Mặt khác, câu hỏi thường được đặt ra theo nghĩa thần học. Nếu Người là Thiên Chúa, thì, trong nhận thức nhân bản của Người, Người hẳn phải có thị kiến vinh phúc và được thông ban nhận thức thần linh cũng như nhận thức thông thường, nhân bản trải nghiệm. Đây là quan điểm của Thánh Tôma Aquinô và là quan điểm trổi vượt cho tới thời gần đây. Theo quan điểm của tôi, cách tiếp cận như thế không cần thiết và quả thực có hại vì trên thực tế, nó lấy mất của Chúa Giêsu nhân tính trọn vẹn của Người như một người bước đi với dân tộc Người, cảm nghiệm điều họ cảm nghiệm, đau khổ điều họ đau khổ, biết từ bên trong, có thể nói như thế, các khả thể nhưng cả các giới hạn của hữu thể nhân bản. Bất cứ chúng ta nói điều gì về thiên tính của Chúa Giêsu, nó nên khẳng định chứ không bác bỏ trọn bộ cảm nghiệm nhân bản của Người như người bạn đồng hành phải đương đầu với thực tại sự chết y như chúng ta.
Câu hỏi 22: Liệu chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu là một lãnh tụ trong tuổi trẻ của Người cũng như sau này trong tuổi trưởng thành không?
Chắc chắn chúng ta có thể tưởng tượng rằng các phẩm tính Người biểu lộ trong thừa tác vụ công khai của Người đã hiện diện và phát triển trong thời gian sống ở Nadarét. Từ tất cả những gì chúng ta biết, những năm tháng đó khá thầm lặng và không có biến cố gì đáng kể, thế nhưng, bất kể việc người dân Nadarét xem ra bác bỏ Người, điều rõ ràng là một số người trong gia đình và bạn hữu Người có theo chân Người, như “em” Giacôbê của Người chẳng hạn. Một số người theo Người từ các thôn làng khác cũng có thể đã biết Người trước đó. Chắc chắn, quyền năng Người có chủ yếu phát sinh từ việc Người được xức dầu bằng Thần Khí lúc chịu phép rửa. Thế nhưng, quyền năng ấy tự phát biểu qua nhân cách nhân bản của Người, một nhân cách, căn cứ vào trình thuật Tin Mừng, chúng ta có thể mô tả bằng những lời lẽ sau đây.
Người là một người Do Thái trung thành về tôn giáo nhưng đủ tự do để biết rằng lề luật là để phục vụ sự triển nở của con người. Người là người rất tuân giữ chi tiết và lưu tâm một cách đầy thông cảm các nhược điểm và nghịch lý của đời sống con người. Người đầy cảm thương, vươn tay ra để ôm lấy những kẻ bị loại trừ: người bệnh và bị qủy ám, người bị khinh miệt và đẩy qua bên lề, người nghèo và bị tước đoạt, phụ nữ, trẻ em, ngoại kiều. Người yêu mến thiên nhiên và Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng huệ đồng và chim trời. Người cương quyết chứ không do dự gọi sự vật như nó đúng là, nhất là khi đụng tới sự giả hình. Người biết phải ăn mừng ra sao và thích một bữa ăn ngon với bạn bè. Người cũng biết cách tự kỷ luật mình và chuẩn bị cho các thử thách sắp tới. Người biết phải cầu nguyện ra sao và từng được tường trình là đã dành suốt nhiều đêm một mình với Thiên Chúa. Trong tất cả những điều này, Người chắc chắn biết mỉm cười ra sao. Đấy có phải là tài lãnh đạo? Đúng như thế, nếu nhà lãnh đạo là người gây cảm hứng nơi nhiều người khác, trao cho họ chính tinh thần của mình theo nghĩa đen, để họ có sức lên đường và sống được lên sức bởi cùng một tinh thần.
Câu hỏi 23: Chúng ta có biết bất cứ điều gì về nền giáo dục của Chúa Giêsu không? Người đã nhận được thứ giáo dục nào? Ngoài ra, Người biết bao nhiêu ngôn ngữ?
Về tiếng nói, có lẽ Chúa Giêsu biết tiếng Aram, Do Thái, La Tinh và Hy Lạp, vì tất cả ngôn ngữ này đều được sử dụng ở Palestine thế kỷ thứ nhất. Không đi vào các lập luận chi tiết, xem ra ngôn ngữ thông thường, hàng ngày của Người là tiếng Aram rất giống với tiếng Do Thái và đã thay thế nó làm ngôn ngữ chính thức cho dân Do Thái sinh sống ở Palestine. Có lẽ, Người biết một ít chữ Hy Lạp do tham dự các buổi lễ ở hội đường và nghe các sách thánh. Tiếng Hy Lạp vốn là ngôn ngữ chung của giao thương và thương mãi, nên có lẽ Người biết rõ đủ để giao thiệp. Tiếng La Tinh thì không hẳn là ngôn ngữ của những giới Người giao tiếp.
Về giáo dục, câu hỏi thường là thế này: Người có biết đọc và viết không? Vì Người là thầy dạy bằng lời nói, các bản văn Tân Ước biểu lộ rất ít quan tâm và thực sự không có bằng chứng rõ ràng nào là Người biết. Bản văn xem ra hiển nhiên hơn cả là Luca 4:16-21 trong đó, Chúa Giêsu về Nadarét và đọc bản văn Isaia, nhưng bản văn này quá thiên về các quan tâm thần học của Luca đến nỗi khó mà biết nó có tính lịch sử hay không. Tuy nhiên, theo những gì chúng ta biết về thừa tác vụ sau này của Người, nhất là khả năng của Người đi vào các cuộc tranh luận về lề luật với các luật sĩ được huấn luyện, điều rõ ràng là Người rất biết sách thánh. Một dấu chỉ mạnh mẽ là câu hỏi của địch thủ Người: “Ông này không học hành gì, mà sao lại thông thạo chữ nghĩa [nghĩa đen: biết chữ] thế!” (Ga 7:15). Hai điều rõ ràng: Chúa Giêsu không được huấn luyện chính thức như các luật sĩ được huấn luyện về lề luật nhưng Người rất thông thạo sách thánh. Người học ở đâu? Có lẽ Người tới hội đường để được giảng dạy sơ đẳng cho tới tuổi mười hai và có lẽ Người nhận được nhiều dạy dỗ chính thức hơn từ cha mẹ và người thân. Tuy nhiên, việc học hành chính của Người là trong nghề thủ công của cha Người, tức nghề thợ mộc.
Câu hỏi 24: Chúa Giêsu có thực sự là một thợ mộc không? Điều này có nghĩa Người thuộc giai cấp thấp và thực sự nghèo không?
Trong Máccô, Chúa Giêsu được trực tiếp nhắc đến như “một thợ mộc” mặc dù Mátthêu viết “con bác thợ mộc” (13:55) còn Luca chỉ nói là “con ông Giuse” (4:22) trong các đoạn song hành. Máccô 6:3 là đoạn văn duy nhất trong toàn bộ Tân Ước gọi Người là thợ mộc. Trong tiếng Hy Lạp, nói chung, chữ này (tektōn) chỉ người làm đồ gỗ hay vật liệu cứng khác và do đó ngụ ý nhiều nghĩa khác nhau khác với chữ “thợ mộc”. Mặc dù, điều lạ là Chúa Giêsu không bao giờ dùng hình ảnh của nghề Người trong giáo huấn công khai, nhưng xem ra không có bất cứ lý do tốt nào để bác bỏ tường thuật của Máccô như là ký ức lịch sử. Nếu Thánh Giuse đã là thợ mộc, thì lẽ đương nhiên là Chúa Giêsu theo nghề của cha, một thực hành thông thường và có lẽ chắc chắn trong nền văn hóa đó.
Là một thợ mộc, không có nghĩa là Người nghèo theo nghĩa rớt mùng tơi, giống như những người làm mướn từng ngày. Người cũng không giầu có gì. Người có thể chỉ là một thành phần chăm chỉ làm việc của một nền văn hóa nông thôn thôn dã. Nền văn hóa này được thiết lập gồm các nông dân từ các làng thôn vốn hiện hữu, do vũ lực hay do nhu cầu, trong một loại mối tương quan lệ thuộc các trung tâm thành thị do giới ưu tú qúy tộc [giai cấp qúy tộc đền thờ và giai cấp qúy tộc đế quốc La Mã] cai trị. Sự giầu có hay nghèo nàn tương đối của thôn làng tùy thuộc khá nhiều nhân tố khác nhau mà dân nông thôn biết rất rõ: thời tiết, giá cả, thuế má, chính trị, v.v...Chúa Giêsu với các kỹ năng chuyên môn và phần nào kỹ thuật có lẽ thấy vận may của Người thăng trầm với vận may của thôn làng.
Ngoài ra, các Tin Mừng mô tả Chúa Giêsu như du hành quanh các thị trấn và làng thôn Galilê và Giuđêa. Ngoại trừ Giêrusalem, các trung tâm thành thị và đô thị lớn hơn với ảnh hưởng La Hy đã không được nhắc đến, như các thành phố chịu ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp ở Galilê Tiberias và Sepphoris chẳng hạn (thành phố sau cùng vừa kể mới được Herốt Antipát tái thiết và chỉ cách Nadarét một giờ đi bộ). Như thế, ta có thể tưởng tượng Chúa Giêsu, trong những năm đầu tuổi trưởng thành của Người, như một người nông dân, một người làm việc vất vả và, xét vì bản chất việc làm của Người, đúng hơn một thanh niên vạm vỡ kiếm miếng bánh ăn hàng ngày bằng mồ hôi trán của mình và biết rõ các thành công nhỏ bé và các trở ngại thảm bại vốn đánh dấu cuộc sống ấy.
Câu hỏi 25: Có bao giờ Chúa Giêsu nói đến thèm muốn tình dục trong chính đời sống của Người không? Người có giống mọi thiếu niên vốn phải đương đầu với bức bách thông thường này không?
Căn cứ vào việc bận tâm thường xuyên căng thẳng và chắc chắn lan tỏa cùng khắp về tình dục trong xã hội ta, việc Chúa Giêsu ít khi nói tới chủ đề này trong các ghi chép chúng ta hiện có quả là điều gây ngạc nhiên. Người quan tâm tới phẩm chất trong các mối liên hệ nhân bản nhiều hơn các hành vi tình dục đúng nghĩa. Bản văn trực tiếp nhất trong nhận định của Người về điều răn thứ sáu, như trình bầy của Mátthêu là trong Bài giảng trên Núi: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5:27-28). Câu nói này, cộng với việc ngăn cấm ly dị tiếp sau đó (các câu 31-32) nói tới thái độ nam giới đối với phụ nữ hơn là các hành vi tình dục cá thể. Câu nói về ly dị liên quan tới thực hành của xã hội có tính cách áp chế đối với phụ nữ. Câu nói về ngoại tình liên quan đến cách đàn ông từng được xã hội hóa để nhìn người đàn bà chỉ như đối tượng cho các thèm muốn tình dục mà thôi. Chúa Giêsu vốn có lòng tôn trọng sâu xa và rất nhậy cảm đối với phụ nữ. Ở nơi công cộng, Người không làm ngơ họ và sẵn sàng bắt chuyện với họ. Người coi họ như phản chiếu chính sự hiện diện và sinh hoạt của Thiên Chúa. Người mời gọi họ theo chân Người như các môn đệ. Người đụng đến họ và chữa lành họ và bênh vực họ chống lại các thành kiến nam giới của xã hội nặng tinh thần tổ phụ. Tóm lại, Người có thái độ và mối tương quan rất lành mạnh với phụ nữ.
Về câu hỏi thứ hai, Người có cười, mơ ước, thèm muốn không? Dĩ nhiên! Là một thiếu niên và thanh niên, Chúa Giêsu là một người bình thường cần học cách để tích nhập bức bách và thèm muốn tình dục vào nhân cách trưởng thành và cân bằng. Nói khác đi là ngụ ý rằng tình dục là bẩn thỉu và phần nào tội lỗi. Nhưng trong việc sáng tạo của Thiên Chúa, việc dị biệt hóa thành nam và nữ và việc kết hợp của họ trong một thân xác vốn là biểu thức tột điểm của óc sáng tạo của Thiên Chúa (xem St 2:18-24; 1:26-31; được Chúa Giêsu đem lại với nhau trong Mc 10:6-8 = Mt 19:4-6).
Câu hỏi 26: Tại sao Chúa Giêsu không cưới vợ? Người có bác bỏ phần chính yếu và quan trọng này của đời người hay không?
Có một số người chủ trương rằng Chúa Giêsu thực sự có cưới vợ. Tuy nhiên, vì tuyệt đối không có bằng chứng nào hỗ trợ, nên lập luận hẳn phải là lập luận từ sự im lặng, nghĩa là, vì không có bằng chứng ngược lại, thì người ta đương nhiên giả thuyết rằng một thiếu niên Do Thái đến tuổi mười tám chắc chắn sẽ đính hôn hay kết hôn. Nếu Chúa Giêsu có một nền dưỡng dục Do Thái bình thường trong mọi khía cạnh khác, tại sao lại không trong trường hợp này? Chắc chắn, bất cứ lập luận nào chống việc Người có vợ và có con chỉ có thể dựa vào ý niệm cho rằng hôn nhân phần nào là bậc sống kém hơn hay thấp hơn hay tình dục phần nào là tội lỗi. Xét vì Người sống ở Nadarét tới tận năm ba mươi tuổi, người ta chắc chắn nghĩ rằng Người có thể đã kết hôn.
Tuy nhiên, nếu đúng như thế, thì họ hẳn phải mong chờ việc nhắc đến vợ và con cái Người cùng với mẹ, anh chị em Người, cũng như nhiều phụ nữ khác, trong thừa tác vụ công khai của Người chứ. Đàng này, không hề có việc nhắc đến nào. Ngoài ra, mặc dầu bất thường, người ta không phải không nghe nói tới việc một người đàn ông sống cuộc sống đơn thân, độc thân vào thời ấy. Người ta chỉ cần nghĩ tới phong trào giáo phái được biết dưới tên “Essenes”, nghĩ tới tiên tri Giêrêmia (Grm 16:1-4), tới Gioan Tẩy Giả và Thánh Phaolô (1Cr 7:1-7; 9:5). Xét vì hai nhân tố này, điều xem ra cái nhiên hơn cả là Chúa Giêsu, vì bất cứ lý do gì, đã chọn tự ý sống độc thân.Người chắc chắn không bác bỏ hay hạ giá hôn nhân. Chúng ta chỉ phỏng đoán về các lý do của Người từ những gì chúng ta biết về thừa tác vụ công khai của Người. Hai điều nổi bật: Người thách thức cơ cấu tổ phụ đương thịnh của xã hội Người (và do đó có lẽ chọn không tham gia đặc ân và quyền lực của “quy luật người cha” trên gia đình Người) và Người đề xuất một gia đình mới của những người thực hành thánh ý Thiên Chúa (Mc 3:31-35). Như thế, xem ra Người tự làm mình thành hoạn quan vì nước trời (Mt 19:12).
B.Thừa tác vụ công khai: Lời nói, việc làm, số phận
Câu hỏi 27: Có phải cha hàm ý rằng Chúa Giêsu từ bỏ gia đình Người? Người có nhấn mạnh điều đó với các Tông đồ khi họ theo Người sau này hay không?
Nếu Chúa Giêsu sống tại Nadarét cho tới năm ba mươi tuổi, thì khó có thể nói Người bỏ ai, và chắc chắn không phải mẹ Người và anh chị em Người. Và các tông đồ cũng như các anh em Người sau khi Người chết cũng không nghĩ rằng cách nào đó họ phải sống cuộc sống độc thân xa lánh vợ và gia đình họ. Thánh Phaolô nhắc đến việc này như sau: “Há chúng ta không có quyền được đồng hành bởi một người vợ có lòng tin, như các tông đồ và anh em của Chúa và Cephas hay sao?” (1Cr 9:5).
Nhưng, trong các Tin Mừng, Chúa Giêsu được trình bầy như một người đang thi hành sứ mệnh với mọi sức mạnh phi thường của Người tập chú vào một điều duy nhất cần thiết: việc ngự đến của nước Thiên Chúa. Xem ra Người có chiến lược hai gọng kìm. Người kêu gọi một số người (gồm cả nhóm mười hai như biểu tượng của Israel đổi mới), theo Người, bỏ mọi sự để đi đó đây khắp các thị trấn và làng mạc, rao giảng nước trời và chữa lành người bệnh và bị qủy ám. Nhưng không phải ai ai cũng được kêu gọi làm môn đệ theo nghĩa này. Phần lớn những người nghe Người hoặc được chữa lành không theo Người trên con đường như người mù Bartimêô (Mc 10:52). Quả thế, người muốn làm như thế được nói cho biết: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào” (Mc 5:19). Cho dù mỗi trình thuật cá thể có tính lịch sử bao nhiêu đi nữa, điều xem ra rõ ràng là Chúa Giêsu có các môn đệ theo Người trên đường và những môn đệ khác tiếp tục ở nhà và tiếp đón Người khi Người đi qua, như Mácta và Maria (Lc 10:38-42). Điều này có thể được phản ảnh trong chỉ thị truyền giáo: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi” (Mc 6:10). Dù sao, bất luận trên đường hay ở nhà, điều duy nhất là tuyệt đối cần thiết cho đời người: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”.
Câu hỏi 28: Tại sao việc sống độc thân lại quan trọng như thế? Có phải việc Giáo Hội nhấn mạnh đến bậc sống độc thân của các linh mục phát xuất từ Chúa Giêsu không?
Bản văn duy nhất về việc sống độc thân trực tiếp gán cho Chúa Giêsu là bản văn nói về những người tự làm mình thành hoạn quan vì nước trời, chỉ tìm thấy trong Mátthêu 19:12. Nếu điều này phát xuất từ Chúa Giêsu lịch sử, nó có thể tượng trưng cho việc bênh vực cách nào đó cho lối sống của Người. Nếu không, cả Người lẫn các đối thủ của Người không tỏ ra mấy quan tâm về vấn đề này. Điểm quan trọng trong bản văn là: độc thân là điều ban cho và được chấp nhận tự do: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu (câu 11). Để nhấn mạnh điểm này, câu này đươc nói trước câu nói tới hoạn quan và rồi được nhắc lại ở cuối: “Ai hiểu được thì hiểu” (câu 12d). Tương tự như thế, Thánh Phaolô nói với người Côrintô trong lời khuyên của ngài về tính chính đáng và sự cần thiết của hôn nhân: “Tôi ước muốn mọi người đều như tôi [sống độc thân]; nhưng mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác” (1Cr 7:7). Thánh Phaolô thích mọi người ở lại bậc sống của mình, vì “Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1Cr 7:31b) nghĩa là ngày chung cuộc sắp sửa tới.
Như thế, với cả Chúa Giêsu lẫn thánh Phaolô, vấn đề độc thân phải có liên hệ với việc ngự đến của vương quốc trong bối cảnh chuyên biệt của thừa tác vụ liên hệ của các ngài. Cả hai vị đều không nghĩ tới việc phát triển ra chức linh mục như ta có hiện nay. Việc khai triển này phần lớn chịu ảnh hưởng bởi sự kiện ngày chung cuộc không xẩy ra và Giáo Hội phải đương đầu với việc khai triển và tinh chỉnh các cơ cấu của mình. Một khi Giáo Hội thoát ra ngoài cuộc bách hại nặng nể của thế kỷ thứ hai và thứ ba để trở thành tôn giáo chính thứ của đế quốc vào năm 381, phong trào đơn tu với việc tương ứng lý tưởng hóa đức đồng trinh thay thế phúc tử đạo như hình thức làm chứng ưu tuyển nghĩa là làm một Kitô giáo tận hiến. Trong thiên niên kỷ thứ nhất, có cả các linh mục độc thân (thường là đan sĩ và tu sĩ) lẫn linh mục và giám mục có gia đình. Các Giáo Hội Chính Thống ngày nay vẫn còn cả hai. Độc thân bắt buộc cho mọi linh mục trong Giáo Hội Rôma tây phương được thiết lập vững vàng vào thế kỷ mười hai. Nhưng dù được cột chặt vào chức linh mục, Giáo Hội vẫn luôn nhấn mạnh rằng độc thân phải được tự do ban cho và tự do chấp nhận. Đối với các linh mục ngày nay, ơn linh hứng và động cơ của họ phải giống hệt như của Chúa Giêsu và Thánh Phaolô: tận hiến cho thừa tác vụ mà Chúa đã trao cho mỗi người.
Câu hỏi 29: Nhưng há Chúa Giêsu không phải là một linh mục hay ít nhất một giáo sĩ Do Thái [rabbi] hay sao? Xem ra cha muốn ngụ ý rằng chức linh mục chỉ có mãi sau này?
Quả tình, cả chức linh mục như Giáo Hội Công Giáo biết nó lẫn hàng giáo sĩ có cơ cấu như các người Do Thái Giáo chính thống biết nó mãi sau thời Chúa Giêsu mới được khai triển. Cả hai đều được khai triển vì nhiều hoàn cảnh và nhu cầu lịch sử đã thay đổi. Với cả hai, khoảnh khắc quan yếu là việc phá hủy đền thờ Giêrusalem năm 70 CN. Với người Do Thái, người mang truyền thống đã trở thành các rabbis (nối nghiệp những luật sĩ và biệt phái giải thích lề luật vào thời Chúa Giêsu). Với các Kitô hữu, các giám mục trở thành người mang truyền thống trong tư cách nối nghiệp các tông đồ và tiên tri giải thích Tin Mừng sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.
Còn với Chúa Giêsu, chỉ có một bản văn duy nhất trong toàn bộ Tân Ước khai triển ý niệm về chức linh mục của Người, đó là thư gửi tín hữu Do Thái. Chúa Giêsu là linh mục đời đời theo phẩm trật Menkixêđéc (nghĩa là có nguồn gốc không ai biết và mầu nhiệm, nhưng đời đời: Dt 7:1-3), Đấng đã băng qua cung thánh một lần cho tất cả bằng cái chết và được tôn vinh bên tay hữu Thiên Chúa và kết thúc chức linh mục lêvi của Cựu Ước (4:14-7:28). Thực vậy, Chúa Giêsu đã hiến dâng một hy lễ dứt khoát vốn kết liễu nhu cầu cần các hy lễ khác và do đó cung hiến một chức linh mục liên tục (8:1-10:39). “Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (9:12; xem 9:25-26; 10:11-14). Như thế, Chúa Kitô vừa là linh mục vừa là lễ vật hy sinh đã kết liễu nhu cầu cần các lễ vật khác. Chức linh mục Kitô giáo phải luôn tự hiểu mình như hiện thân có tính bí tích của chính chức linh mục của Chúa Kitô, chứ không phải như một chức linh mục mới hay khác hay thậm chí liên tục. Chúa Kitô là thầy cả thượng phẩm duy nhất và độc nhất do cái chết và sự phục sinh của Người.
Trong thừa tác vụ lịch sử của Người, Chúa Giêsu không hề được gọi là linh mục theo bất cứ ý nghĩa nào nghĩa là Người không thuộc đoàn tư tế lêvi của thời đó. Người cũng không thể được gọi là một giáo sĩ [rabbi] theo nghĩa kỹ thuật sau này chỉ người có học về lề luật. Tuy nhiên, Người được gọi là “thầy” (rabbi) theo nghĩa chung chung chỉ người nói những lời khôn ngoan. Người đơn giản chỉ là một giáo dân Do thái giáo và quả thực xuất thân từ một thôn làng tối tăm và lạc hậu tên là Nadarét. Nhưng trong tư cách này, Người là một đe dọa kinh khủng đối với những người có nhiệm vụ bảo vệ quyền lực thẩm quyền thánh thiêng, nhất là các linh mục và giai cấp quý tộc đền thờ. Thực thế, các thầy cả thượng phẩm, các luật sĩ, và trưởng thượng từng hỏi Người: “Ông làm những việc này bằng thẩm quyền nào?” (Mt 11:28).
Câu hỏi 30: Tại sao các lãnh tụ Do Thái lại hỏi câu hỏi trên nếu thẩm quyền của Chúa Giêsu phát xuất từ Thiên Chúa?
Một lần nữa, dưới ánh sáng phục sinh, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu nhận được “mọi thẩm quyền trên trời và dưới đất” (Mt 28:18) nhưng điều này không hiển nhiên như thế trong thời thừa tác vụ công khai của Người. Quả thực, câu hỏi lớn giữa Chúa Giêsu và các đối thủ của Người là liệu Người có nói đúng về Thiên Chúa, Đấng Thiên Chúa đầy yêu thương, bao gồm mọi người và hay tha thứ được Người công bố hay không. Họ tố cáo Người phạm thượng (Mc 2:6-7) và xua đuổi ma qủy bằng quyền lực của ma qủy (Mc 3:22). Sau cùng khi được hỏi về thẩm quyền của Người, Người trả lời bằng một câu hỏi về phép rửa của Gioan, nó phát xuất từ trời hay bắt nguồn từ người phàm (Mc 11:27-33). Điểm quan trọng là câu hỏi về thẩm quyền của Chúa Giêsu có liên hệ tới phép rửa của Gioan. Đó chính là chỗ Máccô bắt đầu câu truyện của ngài về Chúa Giêsu.
Trong một cách song hành với các trình thuật tuổi thơ của Mátthêu và Luca, Máccô có ý định chuyển tải xác tín tôn giáo và thần học của đức tin Kitô giáo cho rằng nguồn gốc của Chúa Giêsu là phát xuất từ Chúa Thánh Thần. Cảnh này bao gồm mạc khải từ trời rằng Người là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Do đó, ngay từ đầu, chúng ta đã có một bức chân dung sống động của đức tin Kitô giáo bao gồm Cha, Con, và Thánh Thần. Thế nhưng, nằm dưới đó, chắc chắn là sự kiện lịch sử này: thừa tác vụ của Chúa Giêsu là một thừa tác vụ tràn đầy Chúa Thánh Thần, một thừa tác vụ khởi đầu với phép rửa của Gioan. Quyền năng chữa bệnh và thẩm quyên giáo huấn của Người được gán cho sự hiện diện và việc xức dầu của Chúa Thánh Thần. Thí dụ, khi bị thách thức về nguồn gốc của quyền năng chữa bệnh của Người, Người trả lời: “Còn nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12:28; Lc 11:20 viết “ngón tay” thay vì “Thần khí” nhưng nó cũng chuyển tải cùng một ý niệm về quyền năng và thẩm quyền của Thiên Chúa). Tới mức độ các địch thủ của Người không biện phân được sự hiện diện và quyền năng của Chúa Thánh Thần trong thừa tác vụ của Người ở đây và vào lúc này, nhưng đúng hơn đã nói chống lại Chúa Thánh Thần, họ đã phạm tội không thể tha thứ được vì đã để lỡ khoảnh khắc chủ yếu và có tính quyết định khi nước trời xuất hiện (Mc 3:28-30; so sánh với Mt 12:32 = Lc 12:10). Luca cho hay Chúa Giêsu khai mạc thừa tác vụ của Người tại Nadarét bằng việc đọc Isaia 61:1-2: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn...” (Lc 4:18; so sánh với Mt 11:2-6). Dù bản văn có lẽ không có tính lịch sử, nhưng nó quả nắm được việc nhắc lại thừa tác vụ thuyết giảng, giảng dạy, và chữa bệnh của Chúa Giêsu như việc làm của một người được xức dầu bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, một Thánh Thần Người nhận lãnh nhờ phép rửa của Gioan.