Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “The Vatican’s China Deal Unravels Further”, nghĩa là “Thỏa Thuận với Trung Quốc của Vatican thảm bại hơn nữa”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Đòn tự giáng mới nhất vào chính sách Trung Quốc của Vatican xảy ra vào giữa tháng 7, khi Tòa thánh thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã “công nhận” Giám mục Giuse Thẩm Bân là Giám mục Thượng Hải – mặc dù thực tế là giám mục này đã được “thuyên chuyển” đến Giáo phận quan trọng và uy tín nhất của Trung Quốc bởi chế độ Tập Cận Bình, không phải bởi Đức Giáo Hoàng. Vài ngày sau, Gerard O'Connell, phóng viên Vatican của tờ America đã đưa ra một bài phân tích dài về kiểu “khấu đầu Rôma” này. Về phần mình, O'Connell đã dựa trên những gì mà Vatican News mô tả là một cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc vụ khanh, nhưng thực ra đó là một cuộc tự phỏng vấn, Đức Hồng Y đã gửi phần hỏi đáp được viết sẵn cho các phương tiện truyền thông khác nhau của Vatican để xuất bản.Một tiết lộ đáng chú ý trong cuộc tự phỏng vấn đó được đưa ra khi Đức Hồng Y Parolin lưu ý rằng hai lần thuyên chuyển giám mục trước đây ở Trung Quốc “đã được thực hiện mà không có sự tham gia của Tòa Thánh,” và nói rằng “cách tiến hành này dường như không tính đến tinh thần đối thoại và cộng tác được thiết lập bởi Vatican và Trung Quốc trong những năm qua.”
Người ta chỉ có thể đáp lại, “tinh thần đối thoại và hợp tác” là gì? Liệu Vatican có thực sự tin rằng một chế độ toàn trị—một chế độ thực hiện việc giám sát dân số của chính mình trên một phạm vi rộng nhất thế giới, xây dựng các trại tập trung diệt chủng các nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số, ngăn chặn cuộc điều tra quốc tế về vai trò của chế độ này trong việc bùng phát đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, và công khai tuyên bố rằng tất cả các tôn giáo ở Trung Quốc phải được “Hán hóa” (tức là, phải phụ thuộc vào quan niệm của chế độ về Trung Quốc là gì và nên là gì)— một chế độ như thế có thực sự quan tâm đến “đối thoại và hợp tác” không? Ngay cả khi giả định ngây thơ đó là tiền đề khởi đầu của Vatican trong các cuộc đàm phán dẫn đến thỏa thuận năm 2018 giữa Tòa thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thì những vi phạm ngay sau đó của Trung Quốc đối với thỏa thuận này và sự đàn áp người Công Giáo ở Hương Cảng và các nơi khác chẳng lẽ đã không đủ để thúc đẩy một cuộc kiểm tra có tính phê phán tiền đề này hay sao?
Có phải Tòa thánh đã không học được gì từ hành vi của các chế độ toàn trị trong suốt lịch sử, tất cả đều tìm cách khiến các cộng đồng Kitô giáo phụ thuộc vào ý thức hệ của chế độ, đó là chủ nghĩa Quốc xã, chủ nghĩa Lênin hay “Tư tưởng Tập Cận Bình”?
Tôi hiểu những hạn chế của ngôn ngữ ngoại giao trong một cuộc đàm phán khó khăn. Tuy nhiên, có điều gì đó tự hạ thấp bản thân và không khôn ngoan về mặt chiến lược (chưa nói đến đó là điều không tốt về mặt đạo đức) khi đề cao khả năng ngoại giao đến mức cực đoan như khi Đức Hồng Y nói rằng cuộc đối thoại giữa Vatican và Bắc Kinh sẽ tiếp tục, “hãy tin tưởng vào sự khôn ngoan và thiện chí của tất cả mọi người.” Bắc Kinh đã thể hiện “sự khôn ngoan” hay “thiện chí” nào kể từ năm 2018? Chương trình hiện tại của họ là đưa các giáo sĩ Công Giáo của Hương Cảng đến đại lục để được hướng dẫn về Hán hóa là một biểu hiện của thiện chí, hay là một hành động ép buộc và đe dọa?
Cũng chính sự bất lực đó – hay ngoan cố từ chối – trong việc nắm bắt bản chất của một chế độ như chế độ của Tập Cận Bình là điều hiển nhiên trong hy vọng của Đức Hồng Y rằng “các quy chế thích hợp” sẽ được phát triển cho một hội đồng giám mục Trung Quốc. Nhưng để tranh luận, chúng ta hãy tưởng tượng, rằng các quy chế “đầy đủ” theo tiêu chuẩn của các luật sư giáo luật Rôma đã được phát triển, và rằng một hội đồng giám mục Trung Quốc đã được thành lập. Khi xem xét hồ sơ của chế độ Tập Cận Bình kể từ khi thỏa thuận Vatican-Trung Quốc được ký kết vào năm 2018, làm sao một người có lý trí có thể tưởng tượng rằng những quy chế đó sẽ được tôn trọng, và Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc sẽ hoạt động theo điều mà Đức Hồng Y Parolin gọi là “bản chất giáo hội và sứ mệnh mục vụ” của nó? Đã bao nhiêu lần người ta phải đau đớn trước khi nhận ra rằng “đối tác đối thoại” của mình không chơi theo luật của Hầu tước Queensberry?
Sau đó, có lời kêu gọi của Đức Hồng Y Parolin yêu cầu chính quyền Trung Quốc thành lập một “văn phòng liên lạc ổn định” cho Tòa Thánh ở Trung Quốc đại lục để giúp cuộc đối thoại Vatican/Bắc Kinh “trôi chảy và hiệu quả hơn”: đó là một yêu cầu mà Gerard O'Connell báo cáo, rằng chính quyền Trung Quốc đã từ chối trước đó trong khi yêu cầu Tòa thánh đóng cửa “văn phòng nghiên cứu” tại Hương Cảng. “Văn phòng liên lạc ổn định” này sẽ phục vụ mục đích gì? Đó có phải là điểm mở đầu cho chiếc chén thánh ngoại giao mà một số nhà ngoại giao người Ý của Vatican đã tìm kiếm từ lâu: một tòa đại sứ Tòa thánh ở Bắc Kinh? Nhưng điều đó sẽ đòi hỏi phải cắt đứt quan hệ ngoại giao của Tòa thánh với Đài Loan, nền dân chủ đầu tiên của Trung Quốc trong lịch sử. Và mặc dù những tưởng tượng về một “chỗ ngồi trên bàn” của Vatican, một đại sứ quán sẽ không bổ sung thêm gì vào đòn bẩy của Tòa thánh với chế độ Bắc Kinh trong khi tiếp tục bóp nghẹt tiếng nói công khai của Vatican.
Có rất ít người đam mê chính sách Trung Quốc hiện tại trong Hồng Y đoàn, và việc kiểm tra chính sách này là bắt buộc trong thời gian chuyển tiếp giáo hoàng tiếp theo. Cuộc thảo luận đó nên bắt đầu với sự hiểu biết rằng, cho dù ý định cao cả đến đâu, chính sách hiện tại là một thất bại làm tổn hại đến thẩm quyền và chứng tá đạo đức của Giáo hội.
Source:First Things