Đức Thượng phụ Công giáo Syriac Mar Ignatius Youssef III Younan đã bắt đầu một loạt chuyến thăm tới các nhân vật nổi tiếng ở Iraq, bao gồm Tổng thống Iraq Abdul Latif Rashid và Thủ tướng Mohammed Shia' al-Sudani. Chương trình nghị sự chính của các cuộc thảo luận này là cân nhắc về tình trạng của người dân ở Iraq, bên cạnh những diễn biến đang diễn ra cả trong nước và trên toàn khu vực.

Trong cuộc thảo luận, Tổng thống Rashid đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện diện của Kitô hữu tại Iraq cũng như sự tôn trọng và quý trọng lẫn nhau mà các Kitô hữu nhận được. Ông thừa nhận những đóng góp của họ đối với di sản văn hóa và lịch sử của đất nước cũng như vai trò của họ đối với sự tiến bộ của nó.

Thượng phụ đã đáp lại những tình cảm này, bày tỏ lòng biết ơn đối với những nỗ lực của Tổng thống Rashid trong việc duy trì hiến pháp và thúc đẩy sự chung sống hài hòa giữa tất cả các thành phần của xã hội Iraq. Ông cũng khen ngợi những tiến bộ của Iraq trên nhiều lĩnh vực.

Đề cập đến một vấn đề quan trọng, Đức Thượng phụ đã lên án dứt khoát việc báng bổ Kinh Qur'an, nhấn mạnh sự cần thiết của việc nuôi dưỡng một nền văn hóa đối thoại, đón nhận sự đa dạng và thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau giữa tất cả các cá nhân. Ông lập luận rằng điều này phù hợp với các nguyên tắc nhân quyền và tự do tín ngưỡng.

Đức Thượng Phụ cũng nhân dịp này đề cập đến trường hợp của Đức Hồng Y Louis Raphael Sako.

Chiều thứ Sáu, ngày 21 tháng Bảy vừa qua, Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Giáo Hội Công Giáo Canđê, đã tới thành phố Erbil, thủ phủ của miền tự trị Kurdistan, mạn bắc Iraq.

Đức Hồng Y Sako thông báo quyết định di chuyển Tòa Thượng Phụ từ thủ đô Baghdad về Erbil hôm 17 tháng Bảy vừa qua, sau khi Phủ Tổng thống Iraq ban hành nghị định mới, ngày 03 tháng Bảy vừa qua, bãi bỏ nghị định số 147 đã được ban hành mười năm trước đó, vào năm 2013, nhìn nhận Đức Louis Raphael Sako là Thượng phụ Giáo Hội Công Giáo Canđê ở Iraq. Thậm chí, hôm 14 tháng Bảy, Đức Hồng Y đã bị cảnh sát triệu tập và bị cáo là đã bán tài sản của Giáo hội một cách bất hợp pháp. Sau vụ này, Đức Hồng Y đã bay tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để truyền chức giám mục, hôm Chúa nhật 16 tháng Bảy, cho cha Sabri Anar, Giám mục Giáo phận Dyabakir.

Khi từ Istanbul tới Erbil, Đức Hồng Y đã được các quan chức chính phủ miền Kurdistan đón tiếp. Trong cuộc họp báo nhân dịp này, Đức Hồng Y đã cám ơn ông Chủ tịch đảng Dân chủ Kurdistan Masoud Barzani, ông Chủ tịch miền này và Thủ tướng Masrour Barzani, vì mối quan tâm của họ đối với ngài. Ngài cũng bày tỏ đau buồn vì phải rời Baghdad vì Tổng thống Iraq đã gây ra bất công lớn đối với ngài, qua quyết định đàn áp ngài.

Bộ trưởng tôn giáo của miền Kurdistan, ông Pshtiwan Sadia, đã đại diện Thủ tướng chào đón Đức Hồng Y Thượng phụ. Ông nhấn mạnh rằng sự sống chung tại miền Kurdistan là một phát triển tích cực đối với Trung Đông và những cố gắng nghiêm túc đã được thực hiện để bảo tồn và thăng tiến sự sống chung ấy.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, ông Matthew Miller, truyên bố hôm 18 tháng Bảy vừa qua, rằng: “Chúng tôi quan tâm vì vị thế của Đức Hồng Y như một vị lãnh đạo của Giáo hội vốn được tôn trọng, đã bị một số thành phần tấn công. Chúng tôi mong ngài sẽ trở về an toàn. Cộng đồng Kitô tại Iraq là một thành phần sinh động của căn tính Iraq và là thành phần chủ yếu trong lịch sử Iraq, về sự khác biệt và bao dung”. Sau vụ này, Bộ Ngoại giao Iraq đã triệu Đại sứ Mỹ ở thủ đô Baghad để than phiền và phản đối tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ.


Source:syriacpress.com