1. Điện Cẩm Linh ca ngợi Đức Giáo Hoàng biết rõ lịch sử nước Nga

Liên quan đến những lời của Đức Thánh Cha gửi giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 vừa qua đang gây ra nhiều tranh cãi và chỉ trích Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên người Ukraine chỉ trích Đức Thánh Cha Phanxicô về sự ngưỡng mộ của ngài đối với nước Nga. Trước đây, Kyiv đã từ chối đề xuất hòa giải của Đức Phanxicô để đạt được hòa bình ở Ukraine.” TASS, cơ quan truyền thông của nhà nước Nga cho biết như trên.

Cơ quan truyền thông này nói thêm: “Phát ngôn nhân của Tổng thống Vladimir Putin Peskov hoan nghênh những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Đức Giáo Hoàng biết rõ lịch sử Nga, và điều đó rất tích cực. Điều này thực sự sâu sắc, nó có gốc rễ sâu xa. Di sản này phải được liên tục truyền lại cho thế hệ trẻ của chúng ta và điều đó phải được ghi nhớ.”

Các tuyên bố của phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov rõ ràng xác nhận những lo lắng của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, và Đức Cha Vitalij Skomarovskyi, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ukraine nghi lễ La-tinh cho rằng người Nga sẽ chụp ngay ý kiến của Đức Thánh Cha để biện minh cho cuộc xâm lược của họ.


Source:Sismografo

2. Thư mục vụ của Đức Cha Joseph Strickland, Giám Mục giáo phận Tyler, Texas

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô:

Nguyện xin tình yêu và ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, luôn ở trên anh chị em!

Trong thời điểm hỗn loạn lớn lao này trong Giáo hội và trên thế giới, tôi phải nói với anh chị em từ trái tim của một người cha để cảnh báo anh chị em về những tệ nạn đang đe dọa chúng ta, và để bảo đảm với anh chị em về niềm vui và hy vọng luôn có trong Chúa Giêsu Kitô. Thông điệp xấu xa và sai lầm đã xâm chiếm Giáo hội, Hiền thê của Chúa Kitô, đó là Chúa Giêsu chỉ là một trong số rất nhiều người, và thông điệp của Ngài không cần thiết phải được chia sẻ với toàn thể nhân loại. Ý tưởng này phải bị xa lánh và bác bỏ mọi lúc mọi nơi. Chúng ta phải chia sẻ tin vui rằng Chúa Giêsu là Chúa duy nhất của chúng ta, và Ngài mong muốn toàn thể nhân loại mãi mãi có thể đón nhận sự sống đời đời trong Ngài.

Một khi chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là sự mặc khải viên mãn và là sự hoàn thành kế hoạch cứu rỗi của Chúa Cha cho toàn thể nhân loại trong mọi thời đại, và chúng ta hết lòng đón nhận điều này, thì chúng ta có thể giải quyết những lỗi lầm khác đang hoành hành Giáo Hội của chúng ta và thế giới của chúng ta được tạo ra bởi sự xa rời Sự Thật.

Trong thư Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Galát, ngài viết:

“Tôi lấy làm ngạc nhiên, khi thấy anh em trở mặt mau lẹ như thế với Đấng đã kêu gọi anh em nhờ ân sủng của Đức Kitô, để theo một Tin Mừng khác. Không có Tin Mừng nào khác đâu, mà chỉ có một vài kẻ phá rối anh em, và muốn làm xáo trộn Tin Mừng của Đức Kitô đó thôi. Nhưng nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi!” (Gal 1:6-9)

Với tư cách là người cha tinh thần của anh chị em, tôi cảm thấy điều quan trọng là phải nhắc lại những chân lý cơ bản sau đây mà Giáo hội luôn hiểu từ thời xa xưa, và nhấn mạnh rằng Giáo hội tồn tại không phải để xác định lại các vấn đề đức tin, mà là để bảo vệ Kho tàng Đức tin như đã được chính Chúa chúng ta truyền lại cho chúng ta qua các tông đồ, các thánh và các vị tử đạo. Một lần nữa, theo lời cảnh báo của Thánh Phaolô đối với giáo đoàn Galát, bất kỳ nỗ lực nào nhằm bóp méo sứ điệp Tin Mừng đích thực đều phải bị bác bỏ một cách dứt khoát vì nó gây tổn hại cho Hiền Thê của Chúa Kitô và các thành viên cá nhân của Người.

Chúa Kitô đã thành lập Một Giáo Hội duy nhất—Giáo Hội Công Giáo—và do đó, chỉ có Giáo Hội Công Giáo mới cung cấp sự thật trọn vẹn của Chúa Kitô và con đường đích thực dẫn đến sự cứu rỗi của Ngài cho tất cả chúng ta.

Bí tích Thánh Thể và mọi bí tích đều do Thiên Chúa thiết lập chứ không phải do con người phát triển. Bí tích Thánh Thể thực sự là Mình và Máu, Linh hồn và Thiên tính của Chúa Kitô, và việc rước lễ một cách không xứng đáng (tức là trong tình trạng phạm tội nặng, không ăn năn) là một sự phạm thánh tàn khốc đối với cá nhân và đối với Giáo hội. (1 Cô-rinh-tô 11:27-29)

Bí tích Hôn phối được Thiên Chúa thiết lập. Qua Luật Tự Nhiên, Thiên Chúa đã thiết lập hôn nhân giữa một người nam và một người nữ chung thủy với nhau suốt đời và rộng mở với con cái. Nhân loại không có quyền hay khả năng thực sự để định nghĩa lại hôn nhân.

Mỗi con người đều được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, nam hay nữ, và tất cả mọi người cần được giúp đỡ để khám phá ra căn tính thực sự của mình là con Thiên Chúa, và không thể bị xô đẩy trong một nỗ lực vô trật tự nhằm bác bỏ căn tính sinh học và căn tính do Chúa ban cho mình..

Hoạt động tình dục ngoài hôn nhân luôn là tội trọng và không thể được tha thứ, chúc lành hoặc được cho phép bởi bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào trong Giáo hội.

Niềm tin rằng tất cả đàn ông và phụ nữ sẽ được cứu bất kể họ sống cuộc sống như thế nào (một khái niệm thường được gọi là chủ nghĩa phổ quát) là sai lầm và nguy hiểm, vì nó mâu thuẫn với những gì Chúa Giêsu nói với chúng ta nhiều lần trong Tin Mừng. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Người”. (Mátthêu 16:24) Ngài đã ban cho chúng ta con đường, nhờ ân sủng của Ngài, để chiến thắng tội lỗi và sự chết qua sự ăn năn và xưng tội trong bí tích. Điều thiết yếu là chúng ta phải đón nhận niềm vui và hy vọng cũng như sự tự do đến từ sự sám hối và khiêm nhường thú nhận tội lỗi của mình. Qua việc sám hối và xưng tội trong bí tích, mỗi trận chiến với cám dỗ và tội lỗi có thể là một chiến thắng nhỏ dẫn chúng ta đến với chiến thắng vĩ đại mà Chúa Kitô đã giành được cho chúng ta.

Để bước theo Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải sẵn lòng chọn vác thập giá của mình thay vì cố gắng trốn tránh thập giá và đau khổ mà Chúa ban cho mỗi người chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Mầu nhiệm đau khổ cứu chuộc—tức là đau khổ mà Chúa cho phép chúng ta trải nghiệm và chấp nhận trong thế giới này rồi dâng lại cho Ngài trong sự hiệp nhất với đau khổ của Ngài—làm chúng ta khiêm nhường, thanh lọc chúng ta và lôi kéo chúng ta sâu hơn vào niềm vui của một cuộc sống được sống trong Chúa Kitô. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải tận hưởng hoặc tìm kiếm đau khổ, nhưng nếu chúng ta kết hợp với Chúa Kitô, khi trải nghiệm những đau khổ hàng ngày của mình, chúng ta có thể tìm thấy niềm hy vọng và niềm vui tồn tại giữa đau khổ và kiên trì đến cùng trong mọi đau khổ của mình. (x. 2 Tim 4:6-8)

Trong những tuần và tháng tới, nhiều sự thật trong số này sẽ bị đem ra bàn cãi như một phần của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị. Chúng ta phải bám chặt vào những chân lý này và cảnh giác với bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa ra một giải pháp thay thế cho Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, hoặc thúc đẩy một đức tin nói về đối thoại và tình huynh đệ, trong khi cố gắng loại bỏ tư cách làm cha của Thiên Chúa. Khi chúng ta tìm cách đổi mới những gì Chúa đã ban cho chúng ta với lòng thương xót lớn lao của Ngài, chúng ta thấy mình đang ở trên vùng đất nguy hiểm. Chỗ đứng chắc chắn nhất mà chúng ta có thể tìm thấy là giữ vững những lời dạy lâu đời của đức tin.

Đáng tiếc là có thể một số người sẽ coi những người không đồng ý với những thay đổi được đề xuất là những kẻ ly giáo. Tuy nhiên, hãy yên tâm rằng không ai kiên định theo đúng đường lối đức tin Công Giáo của chúng ta lại là người ly giáo. Chúng ta phải tiếp tục là người Công Giáo chân chính và không nao núng, bất kể điều gì có thể xảy ra. Chúng ta cũng phải ý thức rằng Giáo hội không thể đứng vững trước những thay đổi được đề xuất này. Như Thánh Phêrô đã nói: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”(Ga 6:68) Vì vậy, đứng vững không có nghĩa là chúng ta tìm cách rời bỏ Giáo hội. Thay vào đó, những người đề xuất những thay đổi vốn không thể thay đổi lại tìm cách chiếm hữu Giáo hội của Chúa Kitô, và họ mới là những kẻ ly giáo thực sự.

Tôi thúc giục anh chị em, những người con trai và con gái của tôi trong Chúa Kitô, rằng bây giờ là lúc để bảo đảm rằng anh chị em đứng vững trên đức tin Công Giáo của mọi thời đại. Tất cả chúng ta đều được tạo dựng để tìm kiếm Con đường, Sự thật và Sự sống, và trong thời đại hỗn loạn hiện đại này, con đường đích thực là con đường được chiếu sáng bởi ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô, vì Sự thật có một khuôn mặt và thực sự đó là khuôn mặt của Ngài. Hãy yên tâm rằng Ngài sẽ không bỏ rơi Hiền Thê của Ngài.

Tôi luôn vẫn là người cha và người đầy tớ khiêm tốn của anh chị em,

+ Đức Cha Joseph E. Strickland

Giám mục của Tyler


Source:catholicism.org

3. Tại sao một nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine lại chỉ trích nhận xét về Nga của Đức Thánh Cha

Liên quan đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine theo sau những nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc gặp gỡ với giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023, Catholic Pillar có bài tóm lược và phân tích nhan đề “Why a Ukrainian Catholic leader criticized the pope’s Russia remarks”, nghĩa là “Tại sao một nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine lại chỉ trích nhận xét về Nga của Đức Thánh Cha”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hôm thứ Ba, Vatican đã đưa ra lời thanh minh hiếm hoi về tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Việc thanh minh này diễn ra sau những lời chỉ trích công khai thậm chí còn hiếm hoi hơn đối với những nhận xét của giáo hoàng bởi nhà lãnh đạo một Giáo Hội Công Giáo Đông phương.

Nhà lãnh đạo được đề cập là Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, người đã hướng dẫn Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương từ năm 2011.

Điều gì đã thúc đẩy Đức Cha Shevchuk lên tiếng? Ngài đã nói gì? Và bối cảnh lịch sử là gì?

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã phản ứng thế nào?

Vào ngày 25 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được kết nối qua liên kết video với những người tham gia Đại hội Giới trẻ Công Giáo Nga lần thứ 10 tại St. Petersburg.

Theo một báo cáo của Vatican News ngày 26 tháng 8, Đức Thánh Cha đã tương tác “trong hơn một giờ” với khoảng 400 bạn trẻ có mặt tại Vương cung thánh đường Thánh Catherine, là nhà thờ Công Giáo lâu đời nhất ở Liên bang Nga.

Cùng ngày, văn phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố nội dung bài diễn văn của Đức Thánh Cha bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý.

Vào buổi tối, trang web Công Giáo Ý Il Sismografo lưu ý rằng các phương tiện truyền thông Vatican đã bỏ qua những bình luận của Đức Giáo Hoàng được đăng trên trang web của tổng giáo phận Công Giáo Mạc Tư Khoa.

Il Sismografo nhận xét rằng trước khi chúc lành cho giới trẻ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Đừng bao giờ quên di sản của các bạn. Các bạn là người thừa kế của nước Nga vĩ đại. Nước Nga vĩ đại của các vị thánh, của các vị vua, nước Nga vĩ đại của Peter Đại đế, của Nữ Hoàng Catherine II, đế quốc Nga vĩ đại được vun đắp với biết bao văn hóa và nhân văn. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Các bạn là người thừa kế của Nước Nga vĩ đại, hãy tiến lên. Và cảm ơn. Cảm ơn vì cách sống của các bạn, vì cách các bạn trở thành người Nga”.

Vào ngày 28 tháng 8, Il Sismografo đã liên kết với một video trên YouTube cho thấy giáo hoàng nói những lời này một cách ứng khẩu bằng tiếng Ý.

Trang web này bình luận: “Nghe Đức Giáo Hoàng Rôma, vào thời điểm nhạy cảm này trong lịch sử, ca ngợi Catherine II, vị Nữ Hoàng ' đã cấm công bố bất cứ sắc lệnh nào của Đức Giáo Hoàng ở quốc gia của mình ' và là người 'vào năm 1783 đã sáp nhập Crimea, do đó tạo ra một làn sóng 'Chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ' mới, có lẽ sẽ khiến nhiều người Công Giáo khá tò mò.”

“Nhưng có lẽ hơn cả là vị giáo hoàng Dòng Tên Jorge Mario Bergoglio là người đã biết ơn khi nhớ lại Sa hoàng đã ngăn chặn việc đàn áp Dòng Tên ở Đế quốc Nga như thế nào.”

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã nói gì?

Trong một tuyên bố được công bố trên trang web chính thức của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương – là giáo hội lớn nhất trong số 23 Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Rôma – Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói rằng những bình luận của Đức Thánh Cha đã gây ra “đau đớn và mối quan ngại lớn lao”.

Ngài nói “Thật đau đớn và lo lắng khi chúng tôi biết được những lời được tường trình của Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc gặp gỡ trực tuyến với giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023 tại St. Petersburg. Chúng tôi hy vọng rằng những lời này của Đức Thánh Cha được nói ra một cách ứng khẩu, không có bất kỳ nỗ lực đánh giá lịch sử nào, chứ đừng nói đến việc ủng hộ tham vọng đế quốc của Nga. Tuy nhiên, chúng tôi chia sẻ nỗi đau lớn mà những lời ấy đã gây ra, không chỉ giữa các giám mục, giáo sĩ, tu sĩ và tín hữu của Giáo cộng đoàn tôi, mà còn giữa các giáo phái và tổ chức tôn giáo khác. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận thức được sự thất vọng sâu sắc mà những lời ấy đã gây ra cho xã hội.”

Ngài nói tiếp rằng: “Những lời về ‘nước Nga vĩ đại của Peter Đại Đế I, Nữ hoàng Catherine II, như các đế chế vĩ đại, khai sáng - một đất nước có nền văn hóa vĩ đại và lòng nhân đạo vĩ đại’ - là ví dụ tồi tệ nhất về chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Nga. Có nguy cơ là những lời này có thể bị coi là ủng hộ chính chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc đã gây ra cuộc chiến ở Ukraine ngày nay - một cuộc chiến mang lại cái chết và sự hủy diệt cho người dân chúng ta mỗi ngày.”

“Những ví dụ do Đức Thánh Cha đưa ra thực sự mâu thuẫn với giáo huấn của ngài về hòa bình, vì ngài luôn lên án mọi hình thức biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc trong thế giới hiện đại và cảnh báo về sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đồng thời nhấn mạnh rằng đó là nguyên nhân của ‘chiến tranh thế giới thứ ba’ đang diễn ra cục bộ.

“Với tư cách là một Giáo hội, chúng tôi muốn tuyên bố rằng trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, những tuyên bố như vậy truyền cảm hứng cho những tham vọng thuộc địa mới của quốc gia xâm lược, mặc dù cách thức ‘là người Nga’ như thế đáng bị lên án một cách dứt khoát.”

Đức Tổng Giám Mục Trưởng nói rằng ngài đang chờ đợi việc làm rõ những bình luận từ Tòa thánh.Ngài cũng hứa sẽ nêu vấn đề này với Đức Thánh Cha Phanxicô khi các giám mục Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương sớm nhóm họp tại Rôma để dự Thượng Hội đồng thường niên.

Bối cảnh lịch sử là gì?

Hai nhân vật mà Đức Thánh Cha Phanxicô chọn để minh họa cho sự vĩ đại của nước Nga đều đóng những vai trò quan trọng nhưng gây nhiều tranh cãi trên trường thế giới.

Peter thứ nhất là Sa hoàng của toàn nước Nga từ năm 1682 cho đến năm 1721, và trở thành Hoàng đế đầu tiên của toàn nước Nga, và giữ chức vụ này cho đến khi qua đời vào năm 1725. Người đàn ông thường được gọi là Peter Đại đế có thân hình to lớn. Ông nổi tiếng là cao đến 2 mét và được biết đến là người đã đánh các quan chức hàng đầu của mình bằng gậy.

Peter, một nhà cai trị chuyên quyền tàn nhẫn, đã áp đặt những thay đổi sâu rộng lên Giáo hội Chính thống Nga mà những ảnh hưởng vẫn còn được cảm nhận cho đến ngày nay. Ông đã đặt Giáo hội dưới sự quản lý của nhà nước một cách hiệu quả khi tuyên bố rằng Giáo hội không còn được cai trị bởi một Thượng Phụ mà bởi một cơ quan gồm các giám mục và các quan chức được gọi là Thánh Công Đồng.

Mặc dù có khuynh hướng phương Tây nhưng ông không có thiện cảm với Giáo Hội Công Giáo. Theo Bách khoa toàn thư Công Giáo, “Peter Đại đế bộc lộ lòng căm thù chống Công Giáo khi, tại Polotsk năm 1705, ông đã tự tay giết chết tu sĩ Theophanus Kolbieczynski dòng Basiliô. Bằng nhiều biện pháp khác; ông ta đã gây ra những lời vu khống xúc phạm nhất chống lại Công Giáo ở Nga; ông trục xuất Dòng Tên vào năm 1719; ông đã ban hành ukases để buộc người Công Giáo phải cải đạo sang Chính thống giáo, và ngăn cản con cái của các cuộc hôn nhân hỗn hợp trở thành người Công Giáo; và cuối cùng, ông ta tổ chức những cuộc truy hoan quái đản vào năm 1722 và 1725 như một sự nhại lại Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng, để chế giễu Đức Giáo Hoàng và giáo triều Rôma.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra những so sánh giữa ông và Peter đại đế, nêu bật cuộc đấu tranh của Peter chống lại Thụy Điển trong trận chiến được gọi là Đại chiến phương Bắc.

“Peter Đại đế đã tiến hành cuộc Đại chiến phương Bắc trong 21 năm. Có vẻ như khi đang có chiến tranh với Thụy Điển, ông đã lấy đi thứ gì đó từ họ. Ông ấy không lấy bất cứ thứ gì từ họ, ông ấy trả lại những gì là của Nga”, ông Putin nói sau khi đến thăm một cuộc triển lãm dành riêng cho Peter vài tháng sau khi ông phát động cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Catherine Đại đế trở thành Hoàng hậu Nga vào năm 1762, sau khi giám sát việc bắt giữ và buộc chồng bà, Peter Đệ Tam phải thoái vị.

Catherine sinh ra ở Stettin, Vương quốc Phổ, và lớn lên theo Tin lành Luthera cho đến năm 1744, khi cô chuyển sang Chính thống giáo Nga bất chấp sự phản đối của cha cô.

Như Il Sismografo đã lưu ý, Catherine từ chối cho phép đàn áp Dòng Tên ở Nga, một hành động mà một số học giả tin rằng đã bảo đảm sự sống sót của Dòng Tên. Nhưng cô ấy đối xử khắc nghiệt với những người Công Giáo theo nghi thức Đông phương.

Catherine bị đối phương buộc tội vô đạo đức hoang dâm trong suốt triều đại của mình, nhưng các nhà sử học coi nhiều lời buộc tội là vô căn cứ.

Trong thời gian trị vì lâu dài của mình, bà đã mở rộng đáng kể biên giới của Đế quốc Nga, mở rộng sang vùng được gọi là Nước Nga mới (lục địa phía nam Ukraine), một phần của Ukraine ngày nay ở phía tây sông Dnipro và Crimea.

Vatican đã nói gì?

Trong một tuyên bố ngày 29 tháng 8, văn phòng báo chí Tòa Thánh đã tìm cách làm rõ những bình luận của Đức Thánh Cha.

“Trong lời chào gửi giới trẻ Công Giáo Nga trong những ngày qua, rõ ràng là từ bối cảnh ngài nói, Đức Thánh Cha có ý khuyến khích giới trẻ bảo tồn và phát huy những gì tích cực trong di sản văn hóa và tinh thần vĩ đại của Nga, và chắc chắn không đề cao logic đế quốc và tính cách của của các nhà cầm quyền, được trích dẫn để chỉ ra các giai đoạn tham chiếu lịch sử nhất định”.


Source:Pillar Catholic