1. Đức Hồng Y Rai tố giác sự vi phạm hiệp ước quốc gia liên quan đến việc phân chia các chức vụ

Đức Hồng Y Béchara Rai, Thượng phụ Giáo chủ Công Giáo Maronite, bên Li Băng, tái tố giác sự vi phạm hiệp ước quốc gia liên quan đến việc phân chia các chức vụ chủ yếu của nước này khiến cho việc bầu cử một vị tổng thống mới tại nước này bị cản trở.

Theo hiệp ước này, được kết ước bất thành văn cách đây 80 năm (1943) giữa các cộng đồng tín ngưỡng tại Li Băng, thì tổng thống nước này là một tín hữu Kitô, thủ tướng là người Hồi giáo Sunnit và chủ tịch quốc hội là người Hồi giáo Shiite.

Trong bài giảng Chúa nhật, ngày 27 tháng Tám vừa qua, Đức Hồng Y Rai nhắc đến sự vi phạm Hiệp ước quốc gia vừa nói, như một trong những nguyên nhân khiến cho các đảng phái trong quốc hội không bầu được một tổng thống mới cho Li Băng từ 10 tháng nay. Đức Hồng Y cũng ngỏ lời với các cơ quan an ninh và kêu gọi họ hãy tăng cường việc bảo vệ biên giới của Li Băng và nói rằng: “Chúng ta hãy cầu nguyện để các giới hữu trách hãy từ bỏ tư lợi của họ”.

Ngoài ra, Đức Hồng Y Rai tái khẳng định lòng gắn bó của ngài với những yếu tố cốt yếu của quốc gia, nghĩa là các thể chế hiến pháp, hiệp ước sống chung dựa trên sự bình đẳng giữa mọi người Li Băng với nhau, và chủ quyền trên toàn thể lãnh thổ quốc gia”.

Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, nhiều lần cho biết:

“Tòa thánh quan ngại sâu sắc về sự sụp đổ của đất nước về kinh tế, tài chính, xã hội, điều này sẽ ảnh hưởng đặc biệt đến cộng đồng Kitô Giáo và bản sắc của Li Băng”

Ngài nói rằng sự suy yếu trong sự hiện diện của Kitô Giáo do di cư “có nguy cơ phá hủy trạng thái cân bằng nội tại và thực tế của chính Li Băng, càng khiến sự hiện diện của Kitô Giáo ở Trung Đông gặp rủi ro”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng từng bày tỏ mối quan ngại tương tự về Li Băng trong bài phát biểu trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa thánh. Đầu năm 2021, Đức Giáo Hoàng nói:

“Điều cần thiết nhất là đất nước này phải duy trì bản sắc độc đáo của mình, đặc biệt là để bảo đảm một Trung Đông đa nguyên, khoan dung và đa dạng, trong đó cộng đồng Kitô Giáo có thể đóng góp thích đáng và không bị biến thành một thiểu số cần được bảo vệ”

2. Đức Hồng Y Sako kêu gọi dân chúng kiên nhẫn

Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Giáo chủ Công Giáo Canđê, kêu gọi dân chúng “kiên nhẫn và đừng đánh mất niềm hy vọng. Iraq phải hồi sinh trên căn bản hương thơm lịch sử của mình, nền văn minh vĩ đại và ký ức sinh động của mình”.

Đức Hồng Y Sako là thủ lãnh của 80% các Kitô hữu ở Iraq. Ngài bày tỏ lập trường trên đây từ thành phố Erbil, thủ phủ miền tự trị Kurdistan ở miền bắc Iraq, nơi ngài di chuyển về đây, vì những xung khắc và áp bức từ Tổng thống Rashid của Iraq.

Trong lời kêu gọi, được Tòa Thượng phụ Công Giáo Canđê truyền đi, Đức Hồng Y Sako tái khẳng định rằng: “niềm hy vọng phải tồn tại sinh động nơi chúng ta và không được biến mất. Sự thay đổi sẽ xảy ra khi chúng ta hoàn toàn ý thức về tầm quan trọng của tổ quốc và căn tính quốc gia, sự tôn trọng các quyền và bình đẳng giữa mọi công dân, khi chúng ta tái đặt niềm tín thác nơi Thiên Chúa, chứ không phải những người khác, đồng thời chúng ta dấn thân cho công ích của đất nước và các công dân”.

Trong lời kêu gọi, Đức Hồng Y Sako cũng cảnh giác rằng: “Sự xáo trộn không thể tiếp tục mãi, nhất là sự coi rẻ sự toàn vẹn của con người và các giá trị quốc gia, luân lý và tôn giáo... Hễ ai biển thủ công quỹ và phạm những tội tác kinh khủng chống lại các quyền của con người thì sớm muộn gì cũng phải trả lẽ về hành động của mình. Sẽ đến một ngày, trong đó các tội ác chống lại nhân loại không còn có thể che đậy và luật pháp sẽ bảo vệ những người vô tội, trả lại công lý cho họ. Lịch sử dạy chúng ta rằng không có những chế độ cố định và vĩnh viễn. Đồng thời đức tin xác nhận rằng sự phán xét của Thiên Chúa chậm nhưng không bỏ qua điều gì. Những kẻ tham nhũng và giả hình sẽ không có tương lai”.

Trong lời kêu gọi, Đức Hồng Y Sako cũng tái khẳng định tầm quan trọng của sự huấn luyện, văn hóa, giáo dục tại gia, tại nhà thờ và đền thờ Hồi giáo, các phương tiện truyền thông. Nếu không có các giá trị nói trên, thì “chủ nghĩa cá nhân, tư lợi, bè phái và hỗn loạn sẽ trổi vượt. Chiến thắng và thay đổi chỉ bắt đầu khi chúng ta nhìn nhận những người khác biệt, chấp nhận và tôn trọng họ như những công dân bình đẳng với chúng ta dựa trên căn bản huynh đệ, thay vì coi họ như những kẻ đối nghịch, đối phương hoặc người ngoại đạo. Như thế, chúng ta sẽ thăng tiến nền văn hóa huynh đệ chân thực, các giá trị công dân và bảo tồn gia sản cũng như tài sản công cộng, để thực hiện một cuộc sống chắc chắn, tự do và xứng đáng đối với quốc gia. Chẳng vậy, nạn tham nhũng sẽ hút mất các tài nguyên và đe dọa Iraq.”

Và Đức Hồng Y Louis Raphael Sako kết luận rằng: “Chiến thắng và thay đổi sẽ tới, khi chính quyền kiên trì trong việc thực hiện chương trình cải tổ và xác nhận trách nhiệm của những kẻ vi phạm công ích quốc gia và luật pháp, hoặc đặt mình lên trên pháp luật. Luật pháp không thể gây ra những phân biệt đối xử giữa các công dân”.