1. Tượng vị thánh bảo trợ của Hàn Quốc sẽ được lắp đặt vĩnh viễn tại Đền Thờ Thánh Phêrô
Vatican sẽ khánh thành một bức tượng mới của vị thánh bảo trợ của Hàn Quốc, Thánh Anrê Kim Đại Kiến (Andrew Kim Tae-gon, 김대건 안드레아), tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào Thứ Bảy, ngày 16 tháng 9 năm 2023.
Cha Anrê Kim Đại Kiến, linh mục Công Giáo đầu tiên của Hàn Quốc đã tử đạo vì đức tin vào thế kỷ 19 và được tuyên thánh vào năm 1984.
Theo phương tiện truyền thông của Dòng Phanxicô tại Hàn quốc, Cha Anrê Kim Đại Kiến, sinh năm 1821, là con trai của những người cải đạo theo đạo Công Giáo. Ngài được rửa tội ở tuổi 15. Sau đó ngài đến một chủng viện ở Ma Cao, Trung Quốc, và trở về quê hương sau sáu năm qua ngã Mãn Châu. Cùng năm đó, ngài vượt biển Hoàng Hải đến Thượng Hải, nơi ngài được thụ phong linh mục.
Cha Kim được giao nhiệm vụ sắp xếp cho nhiều nhà truyền giáo vào Hàn Quốc một cách bí mật bằng con đường ven biển để tránh các cuộc tuần tra biên giới. Ngài bị bắt, bị tra tấn và bị chặt đầu trên sông Hàn gần Hán Thành vào năm 1846.
Đền các thánh tử đạo ở Sa Nam Cơ (Saenamteo, 새남터) ở Nhị Thôn Động (Ichon-dong, 이촌동) thuộc quận Long Sơn (Yongsan, 용산구) của thủ đô Hán Thành là nơi chứa các thánh tích về cuộc tử đạo của vị thánh. Cha Kim hiện là vị thánh bảo trợ của hàng giáo sĩ ở Hàn Quốc.
Trong những ngày đầu của Kitô Giáo ở Hàn Quốc, đất nước được cai trị bởi triều đại Tiên Quốc kéo dài từ 1392 đến 1910. Đây là một triều đại tôn sùng Phật Giáo, luôn coi các tín hữu Kitô như một mối họa cho ngai vàng của mình. Hàng ngàn người Công Giáo đã bị sát hại vì không chịu từ bỏ đức tin.
Năm 1984, trong chuyến thăm Hàn Quốc, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho 103 vị tử đạo trong đó có Cha Anrê Kim, Ông Ignatius cha của ngài, Thánh Phaolô Trang (Chong, 총) và bảy nhà truyền giáo người Pháp đã tử đạo vào thế kỷ 19.
2. Trước những ngày lễ cao điểm, các nhà lãnh đạo Do Thái ở Hoa Kỳ nhấn mạnh sự cần thiết phải cảnh giác an ninh khi chủ nghĩa bài Do Thái gia tăng
Trước Ngày lễ trọng đại bắt đầu vào tuần này, một mạng lưới gồm các chuyên gia an ninh Do Thái và các nhà lãnh đạo tôn giáo đã tổ chức một số hội thảo trực tuyến để giúp chuẩn bị cho mùa lễ hội. Trong số các chủ đề: Cách ứng phó với “mối đe dọa tích cực” nhắm vào cộng đồng Do Thái và cách cầm máu trong trường hợp nghiêm trọng.
Những ngày lễ, bao gồm Rosh Hashana và Yom Kippur, được coi là khoảng thời gian vui vẻ và suy ngẫm. Trong những năm gần đây - trước những mối đe dọa và bạo lực chống Do Thái ngày càng gia tăng - mùa này cũng là thời điểm phải nâng cao cảnh giác.
Rabbi Noah Farkas, chủ tịch Liên đoàn Do Thái ở Greater Los Angeles cho biết: “Những ngày lễ trọng đại là về sự đổi mới - về việc cố gắng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”. “Nhưng chúng tôi không thể làm điều đó nếu không có chế độ an ninh giúp mọi người cảm thấy thoải mái khi đến các giáo đường Do Thái.”
Source:AP
3. Ngân hàng Vatican bác bỏ cáo buộc về đầu tư liên quan đến Nga. Đó là điều 'không thể'
Tờ Pillar Catholic có bài tường trình nhan đề “Vatican bank rebuts 'impossible' Russian money claims”, nghĩa là “Ngân hàng Vatican bác bỏ cáo buộc về đầu tư liên quan đến Nga. Đó là điều 'không thể'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Ngân hàng thương mại của Thành phố Vatican hôm thứ Bảy phủ nhận việc họ giữ tiền gửi và cho nhà nước Nga vay tiền. Lời buộc tội được đưa ra bởi Mykhailo Podolyak, một cố vấn cao cấp của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, người đã cáo buộc Ngân hàng Vatican chứa chấp các quỹ của Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế.
Viện Giáo Vụ “không nhận hoặc đầu tư tiền của Nga”, ngân hàng này cho biết trong một tuyên bố ngày 9 tháng 9, sau khi Podolyak đưa ra cáo buộc trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng tiền của Nga đang ảnh hưởng đến cố gắng môi giới hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào năm 2022.
Podolyak đưa ra cáo buộc trong một cuộc phỏng vấn ngày 8 tháng 9 với đài truyền hình tin tức Ukraine Kanal 24.
Trong cùng một cuộc phỏng vấn, Podolyak chỉ trích những nỗ lực hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô, đồng thời nói rằng những tuyên bố và cử chỉ của Giáo hoàng về cuộc chiến được coi là có thiện cảm với Nga.
Vào tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đang thực hiện một kế hoạch bí mật vì hòa bình giữa Ukraine và Nga, mặc dù đại diện của cả hai chính phủ đều phủ nhận mọi thông tin về kế hoạch này. Sau đó, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Matteo Zuppi làm đặc phái viên hòa bình cá nhân của ngài và phái Đức Hồng Y đến thăm Ukraine.
Kể từ đó, Đức Phanxicô đã thu hút sự chỉ trích từ các nhà lãnh đạo Ukraine, bao gồm cả các giám mục của nước này, vì những tuyên bố công khai mà các ngài nói là không thừa nhận một cách đúng đắn vai trò của Nga là kẻ xâm lược trong cuộc xung đột, mặc dù Đức Thánh Cha liên tục cầu nguyện cho đất nước và mô tả nước này là một quốc gia đang “tử vì đạo”.
Đức Giáo Hoàng “không có vai trò hòa giải, ngài thân Nga, ngài không đáng tin cậy”, Podolyak nói đồng thời cho biết thêm ông tin rằng “các khoản đầu tư mà Nga đang thực hiện vào Ngân hàng Vatican” đã thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao của Đức Giáo Hoàng.
“Nga có một khoản đầu tư lớn vào Ngân hàng Vatican, và điều này có thể ảnh hưởng đến quan điểm của Đức Giáo Hoàng,” Podolyak than thở và nói thêm rằng “Vatican không lên án hành động gây hấn của Nga”.
Đáp lại, ngân hàng Vatican cho biết hôm thứ Bảy rằng ngân hàng “bác bỏ mạnh mẽ cáo buộc của Podolyak rằng ngân hàng Vatican đầu tư tiền của Nga”.
“Ngoài việc không tương ứng với sự thật, một hoạt động như vậy cũng sẽ không thể thực hiện được nếu xét đến các chính sách nghiêm ngặt của ngân hàng Vatican và các lệnh trừng phạt quốc tế áp dụng cho lĩnh vực tài chính.”
Ngân hàng cho biết: “Ngân hàng Vatican không nhận hoặc đầu tư tiền của Nga. Những tuyên bố ngược lại trên báo chí không dựa trên cơ sở nào và do đó nên được coi là vô nghĩa.”
Viện Giáo Vụ, tổ chức tài chính thương mại duy nhất ở Vatican, hoạt động như một tổ chức vì lợi nhuận cung cấp các dịch vụ quản lý tài sản và ngân hàng cho khách hàng tư nhân. Tuy nhiên, đúng như tên gọi của nó, các dòng tu chiếm đa số trong cơ sở khách hàng của ngân hàng, sở hữu gần một nửa tài sản tiền gửi.
Ngân hàng Vatican cũng cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hội đồng giám mục, giáo phận và giáo xứ ở nhiều nơi trên thế giới mà không có quyền truy cập vào các dịch vụ ngân hàng địa phương đáng tin cậy. Ngân hàng Vatican cũng cung cấp tài khoản cho các phòng ban, tổ chức và nhân viên của Vatican cũng như cư dân Thành phố Vatican.
Hôm thứ Bảy, ngân hàng cho biết rằng về mặt chính sách cơ bản, ngân hàng “không chấp nhận tư cách là khách hàng những tổ chức hoặc thể nhân không có mối quan hệ chặt chẽ với Tòa thánh và Giáo Hội Công Giáo”.
Hơn nữa, ngân hàng cho biết, các biện pháp trừng phạt tài chính quốc tế chống lại Nga sau cuộc xâm lược năm 2022 sẽ khiến việc nhận tiền gửi hoặc kinh doanh đầu tư của Nga trở thành bất hợp pháp.
“Ngân hàng Vatican là một trung gian tài chính được giám sát, hoạt động thông qua các ngân hàng đại lý quốc tế ở cấp độ cao nhất và danh tiếng hoàn hảo cần thiết để tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế,” ngân hàng cho biết trong tuyên bố của mình.
Do thành phố Vatican không đánh thuế cá nhân nên các tài khoản ngân hàng Vatican từ lâu đã trở thành mục tiêu của những kẻ rửa tiền hoặc những cá nhân muốn sử dụng nó làm thiên đường thuế và ngân hàng này trước đây từng là trung tâm của một số vụ bê bối tài chính trong lịch sử, đặc biệt là vụ bê bối Banco Ambrosiano những năm 1980.
Tuy nhiên, các cuộc thanh tra quốc tế gần đây đã mang lại cho ngân hàng một chứng nhận rõ ràng về tính minh bạch.
Ngân hàng Vatican là tổ chức tài chính Vatican duy nhất hiện chịu sự giám sát của Moneyval, cơ quan chống rửa tiền của Hội đồng Âu Châu. Lần cuối cùng nhóm Âu Châu đưa ra một báo cáo về tình hình tài chính của Vatican và ngân hàng Vatican là vào tháng 6 năm 2021, sau một cuộc kiểm tra tại chỗ kéo dài vào tháng 10 trước đó.
Báo cáo đó kết luận rằng, sau nhiều năm cải cách chính sách nội bộ và thay đổi lãnh đạo, nguy cơ rửa tiền bên ngoài tại ngân hàng Vatican là “trung bình thấp”.
“Liên quan đến các biện pháp phòng ngừa, MONEYVAL nhấn mạnh rằng ngân hàng Vatican có hiểu biết sâu sắc về hoạt động rửa tiền và tài trợ cho các rủi ro khủng bố”, cơ quan giám sát nhận định.
“Nói chung, nghĩa vụ thẩm định khách hàng và lưu trữ hồ sơ đã được áp dụng một cách cẩn thận và có một chương trình giám sát giao dịch dựa trên rủi ro nghiêm ngặt yêu cầu thu thập thông tin và tài liệu khi cần thiết trong suốt quá trình quan hệ kinh doanh.”
Source:Pillar Catholic