1. Đặc phái viên của Đức Thánh Cha và nhóm giáo dân từ chối thỏa thuận chấm dứt tình trạng bế tắc gay gắt giữa Syro-Malabar

Một thỏa thuận về mặt nguyên tắc nhằm giải quyết tranh chấp phụng vụ kéo dài trong Giáo hội Syro-Malabar của Ấn Độ được cho là hiện đang có nguy cơ sụp đổ sau khi bị đặc sứ của Đức Thánh Cha Phanxicô từ chối.

Một phong trào giáo dân hàng đầu cũng đã bày tỏ sự phản đối của mình đối với thỏa thuận, khiến số phận của nó bị nghi ngờ nghiêm trọng.

Theo các nguồn tin trong Giáo Hội Syro-Malabar, một ủy ban – bao gồm gồm chín giám mục và một nhóm linh mục đại diện cho Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, nơi tập trung cuộc tranh cãi - đã môi giới một thỏa thuận được hội đồng giám mục phê duyệt trước khi được chuyển tiếp đến Đức Tổng Giám Mục người Slovakia Cyril Vasil, cựu quan chức số hai trong Thánh Bộ các Giáo hội Đông phương của Vatican hiện đang đại diện cho Đức Thánh Cha trong cuộc tranh chấp.

Thay vì ký vào thỏa thuận, Đức Tổng Giám Mục Vasil được tường trình đã từ chối và thay vào đó yêu cầu các linh mục ở Ernakulam-Angamaly phải tuân thủ phương thức cử hành Thánh lễ thống nhất mới trước cuối năm nay nếu không sẽ phải đối mặt với hình thức kỷ luật.

Các quan chức của Giáo hội Syro-Malabar đã không trả lời yêu cầu bình luận của Crux.

Cuộc tranh chấp bắt đầu từ năm 2021, khi hội đồng quản trị của Giáo Hội Syro-Malabar, bao gồm các giám mục và do Đức Hồng Y George Alencherry lãnh đạo, quyết định yêu cầu Thánh lễ phải được cử hành hướng mặt về phía giáo dân trong Phụng vụ Lời Chúa và hướng mặt về bàn thờ trong suốt Phụng vụ Thánh Thể. Quyết định này nhằm mục đích tạo ra sự đồng nhất trong toàn Giáo hội.

Tuy nhiên, sắc lệnh đó đã bị phản đối bởi một số lượng lớn giáo sĩ và giáo dân ở Ernakulam-Angamaly, khu vực pháp lý lớn nhất trong Giáo Hội Syro-Malabar và là giáo phận nguyên thủy của Giáo Hội này, với lý do rằng Thánh lễ hướng về phía người dân trong suốt buổi lễ tượng trưng cho truyền thống địa phương của họ và là cũng phù hợp hơn với các giáo huấn phụng vụ của Công đồng Vatican II (1962-65).

Cuộc đụng độ đã dẫn đến những cuộc đối đầu thường xuyên và đã đóng cửa vương cung thánh đường trung tâm của Giáo Hội Syro-Malabar trong nhiều tháng.

Vào cuối tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Vasil làm Đại diện Giáo hoàng để cố gắng giải quyết tranh chấp. Thay vì tiến hành đàm phán, Đức Cha Vasil ấn định ngày 20 tháng 8 là hạn chót để tất cả các linh mục thực hiện Thánh lễ đồng nhất mới hoặc đối mặt với việc bị treo chén, nhưng các báo cáo cho thấy rằng chỉ một số ít trong số 328 giáo xứ ở Ernakulam-Angamaly thực sự tuân thủ.

Sau đó, ủy ban gồm chín thành viên đã gặp gỡ một phái đoàn gồm 12 đại diện linh mục. Được biết, một thỏa thuận được đề xuất đã đạt được thông qua, theo đó Thánh lễ hướng về mọi người sẽ tiếp tục được phép ở Ernakulam-Angamaly, ngoại trừ các trường hợp ngoại lệ dành cho vương cung thánh đường Đức Bà, tiểu chủng viện và một đền thờ hành hương quốc tế.

Hơn nữa, các linh mục đã đồng ý cử hành Thánh lễ theo cách thức do Thượng Hội đồng quy định ít nhất một lần tại mỗi giáo xứ, nhằm đáp lại yêu cầu của Đức Giáo Hoàng về việc thực hiện Thánh lễ thống nhất vào tháng 3 năm 2022. Trong khi đó, các giám mục cũng đồng ý rằng các giám mục được bổ nhiệm vào tổng giáo phận sẽ được phép cử hành Thánh lễ hướng mặt về phía dân chúng trong suốt phụng vụ giống như các linh mục.

Tuy nhiên, Đức Cha Vasil được cho là đã từ chối thỏa thuận, thay vào đó nhấn mạnh vào việc thực hiện chế độ thống nhất cho Thánh lễ trên toàn bộ tổng giáo phận.

Các linh mục phản đối hệ thống mới cho biết họ có ý định tiếp tục đấu tranh.

Cha Joyce Kaithakottil nói: “Thật không may khi nói rằng các giám mục nghĩ rằng dưới họng súng họ có thể bắt các linh mục tuân theo bất cứ điều gì được truyền lệnh”. “Theo như tôi hiểu, ngoại trừ một số linh mục, không ai sẽ tuân theo nếu bị đe dọa trừng phạt.”

Cha Kaithakottil bác bỏ những tuyên bố rằng các linh mục chống đối là “những kẻ nổi loạn” hoặc “những người bất đồng chính kiến”, lưu ý rằng trong số 12 linh mục đã thương lượng thỏa thuận với các giám mục, sáu linh mục giảng dạy tại các chủng viện lớn của Giáo hội Syro-Malabar, một vị là cựu hiệu trưởng đại chủng viện, và hai người là cựu chưởng ấn giáo phận.

Cha Kaithakottil nói: “Về nguyên tắc, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận quyết định của Thượng Hội đồng về hình thức cử hành, mặc dù các ngài đã đưa ra quyết định không theo đúng các bước thủ tục”. “Họ phải thể hiện sự cao thượng để chấp nhận một sự thay đổi trong cử hành vốn không phải là một phần thiết yếu của phụng vụ”.

Ngài nói: “Giải pháp chỉ có thể thực hiện được khi Thượng Hội đồng hiểu được thực tế cơ bản của người dân và tình hình mục vụ của tổng giáo phận”.

Trong khi đó, một tổ chức giáo dân vốn đi đầu trong việc chống lại phương pháp thống nhất của Thánh lễ cho biết họ sẽ từ chối thỏa thuận được đề xuất.

Almaya Munnettam, nhóm giáo dân, đã bày tỏ quan điểm của mình trong cuộc họp ngày 7 tháng 9 với chính các giám mục đã gặp các linh mục trước đó. Nhóm nhấn mạnh rằng trước khi Thánh lễ thống nhất có thể được cử hành tại các nhà thờ thì phải được sự chấp thuận của hội đồng giáo xứ và đại hội đồng giáo dân.

Nhóm cũng đã thông báo với ủy ban giám mục gồm chín thành viên rằng cho đến khi tìm được giải pháp, nhóm sẽ tiếp tục phản đối các Thánh lễ theo phong cách thống nhất trong các nhà thờ và nhà nguyện trên toàn giáo phận.

Thực ra, việc cử hành thánh lễ quay mặt về phía giáo dân trong suốt buổi lễ không thể coi là một vấn đề về Phụng Vụ. Tất cả các linh mục Công Giáo Latinh đều cử hành thánh lễ quay mặt về phía giáo dân trong suốt buổi lễ. Chắc chắn việc cử hành thánh lễ như thế không phải là một vấn đề về Phụng Vụ.

Nguy hiểm của tình hình hiện nay là Giáo Hội Giáo Hội Syro-Malabar đang gặp rất nhiều khó khăn vì tình trạng bách hại tại Ấn Độ và những hậu quả của đại dịch coronavirus. Trong bối cảnh như thế người Ấn cảm thấy ngạc nhiên trước quyết tâm giải quyết vấn đề ai thắng ai giữa bề trên và bề dưới.


Source:Crux

2. Nhật Ký Trừ Tà số 257: “Satan, Hãy sợ chúng tôi!”

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #257: “Satan, Be Afraid of Us!”“, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 257: “Satan, Hãy sợ chúng tôi!”“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một phần quan trọng của quá trình đuổi quỷ là biến người bị quỷ ám thành ngôi nhà không mong muốn đối với ma quỷ. Điều này có nghĩa là không chỉ đóng mọi cánh cửa đối với ma quỷ mà còn biến người đó trở thành vật chứa thánh thiện nhất có thể cho Chúa.

Gần đây, một trong những nhà trừ quỷ của chúng tôi đang thẩm vấn ma quỷ trong một chàng trai trẻ, buộc chúng phải nhận ra rằng chúng không còn được chào đón nữa:

Thầy trừ quỷ nói: Tại sao ngươi không đi vào trái tim anh ta ngay bây giờ và cảm nhận sự hiện diện thánh thiện của Chúa và nói cho tôi biết trái tim anh ta thuộc về ai. Hãy cảm nhận sự hiện diện của Chúa.

Ác quỷ: hét lên

Nhà trừ quỷ lại tiếp tục tra vấn: Ai ở trong lòng anh ta, nhân danh Chúa Giêsu, ngươi hãy nói đi!

Quỷ đáp: Không có ai cả. Không có ai ở đó cả. Không có gì cả.

Thầy trừ quỷ nói: Tại sao ngươi không kiểm tra lại.

Ác quỷ hét lên

Thầy trừ tà nói: Hình như có cái gì ở đó, vì thế ngươi đang la hét.

Quỷ hét lên: Chẳng có gì ở đó cả. Tôi OK.

Thầy trừ tà nói: Tại sao ngươi không quay lại lần nữa.

Ác quỷ hét lên rồi thút thít khóc.

Nhà trừ quỷ hỏi lại: Nhân danh Chúa Giêsu, ta hỏi ngươi Chúa chúng ta có ở trong trái tim anh ta không?

Ác quỷ đáp: Đúng vậy.

Nhà trừ quỷ dấn sâu hơn: Trái tim của anh ta thuộc về Ngài rồi phải không?

Ác quỷ hét lên: Đúng vậy.

Nhà trừ quỷ kết luận: Và nó không thuộc về ngươi, phải không?

Ác quỷ gào lên: Đúng vậy. Tiên sư mày.

Trong Nghi thức trừ quỷ cũ mà nhiều nhà trừ quỷ vẫn sử dụng, một trong những lời cầu nguyện nguyền rủa đầu tiên ra lệnh cho ma quỷ là: “Sit tibi Terror corpus hominis, sit tibi formido imago Dei” nghĩa là: “Hãy để thân xác con người trở thành nỗi kinh hoàng đối với các ngươi; hãy để nó là một hình ảnh đáng sợ của Chúa đối với ngươi.” Dù mạnh mẽ như Sa-tan, hắn cũng chỉ là bụi đất so với Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống

Chúng ta, những người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và có Chúa Kitô ngự trong chúng ta qua Bí tích Rửa tội, Bí tích Thánh Thể và ân sủng thánh hóa, là nỗi kinh hoàng đối với Ma quỷ. Nó không thể chịu đựng được sự hiện diện của Chúa Kitô. Tuy nhiên, khi chúng ta phạm tội và xa cách Chúa Kitô, bóng tối có thể ngự trị trong tâm hồn chúng ta.

Rất nhiều người sợ Satan. Thật vậy, Satan khuyến khích nỗi sợ hãi này và nuôi dưỡng nó. Nhưng khi chúng ta, con cái Thiên Chúa, nhận ra phẩm giá đích thực của mình và sự ngự trị của Chúa Kitô, thì chính ma quỷ phải sợ chúng ta.


Source:Catholic Exorcism