John L. Allen Jr., trên Catholic Herald, ngày 25 tháng 9 năm 2023, nhận định về việc làm thế nào Thượng Hội đồng Giám mục có thể giải quyết các vấn đề gây chia rẽ sâu xa.



Thực vậy, vào ngày 4 tháng 10, bức màn sẽ kéo lên mở màn Thượng hội đồng đầu tiên trong số hai Thượng hội đồng Giám mục được nhiệt tình mong đợi về chủ đề tính đồng nghị - thực sự, đây là các thượng hội đồng “của” các giám mục, nhưng chúng tôi sẽ nói thêm về điều đó sau này – những Thượng Hội Đồng, tùy thuộc vào người nói, đại diện cho một trong hai “cuộc tham vấn lớn nhất trong lịch sử loài người” hay một bản sao lắng nghe được thúc đẩy bởi một nhóm các nhà hoạt động ưu tú có chương trình nghị sự riêng.

Thượng hội đồng ở Rôma đã được thực hiện ba năm rưỡi, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố lần đầu tiên vào ngày 7 tháng 3 năm 2020. Thượng hội đồng bao gồm các cuộc tham vấn ở cả cấp giáo phận và lục địa trên khắp thế giới, và hiện chuẩn bị lên đến tuyệt đỉnh với hai phiên họp bao gồm thành phần tham gia lớn nhất và rộng nhất kể từ Thượng Hội đồng Giám mục hiện đại được Thánh Giáo hoàng Phaolô VI thành lập vào năm 1965 sau Công đồng Vatican II.

Tổng cộng 363 người tham gia sẽ có quyền bỏ phiếu, trong đó hơn 20% sẽ không phải là giám mục. Tỷ lệ đó lần đầu tiên bao gồm 54 phụ nữ, bao gồm cả các thành viên của các dòng tu – có lẽ không phải ngẫu nhiên, 54 cũng chính là con số các Hồng Y tham dự.

Nói cách khác, hai hội nghị thượng đỉnh này giống với các hội nghị “của” các giám mục hơn, trong đó các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân cũng sẽ có tiếng nói quan trọng. Mục đích đã nêu là lắng nghe toàn thể Giáo hội, bao gồm cả những người hiện đang ở bên lề Giáo hội.

Trong khi tất cả những điều đó có thể cho thấy đây là một cuộc tụ tập thực sự đại diện cho dân số Công Giáo hoàn cầu, những tuyên bố như vậy đã bị phản đối mạnh mẽ bởi những người hoài nghi, họ chỉ ra rằng dữ kiện do các giáo phận trên khắp thế giới công bố đã vẽ nên một bức tranh rất khác về tỷ lệ dân số Công Giáo thực sự đã được lắng nghe.

Tại Hoa Kỳ, một báo cáo từ Hội đồng Giám mục cho thấy khoảng 700,000 người đã tham gia vào giai đoạn tham vấn cấp giáo phận, trong tổng số dân Công Giáo ở cả nước là gần 70 triệu, do đó chiếm khoảng 1%.

Bức tranh ít nhiều giống nhau ở các khu vực khác có sẵn dữ kiện, cho thấy rằng một phần cực kỳ nhỏ trong số 1.3 tỷ người Công Giáo trên thế giới thực sự đã bày tỏ ý kiến của họ.

Điều đó có thể tạo ra sự khác biệt gì? Chúng ta hãy lấy trường hợp của một trong những vấn đề dự kiến sẽ nảy sinh trong các cuộc thảo luận tại Thượng Hội đồng – sự chúc lành cho các kết hợp đồng tính, vốn đã được “con đường đồng nghị” của Đức khuyến nghị và có khả năng nảy sinh như một phần của cuộc thảo luận rộng hơn về việc vươn tay ra với cộng đồng LGBTQ+ được tài liệu làm việc của thượng hội đồng kêu gọi.

Không có dữ kiện trực tiếp nào về quan điểm của Công Giáo hoàn cầu về vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu sơ bộ về tình hình hiện tại từ hai nguồn: thứ nhất, số liệu thống kê gần đây nhất của Vatican về sự phân bổ dân số Công Giáo và thứ hai, cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2023 về thái độ đối với hôn nhân đồng tính ở 24 quốc gia.

Nghiên cứu của Pew là thước đo không chính xác cho cuộc thảo luận này, vì ít nhất ba lý do. Thứ nhất, nó liên quan đến hôn nhân dân sự, chứ không phải các chúc lành của giáo hội; thứ hai, nó đại diện cho dư luận chung, chứ không phải tình cảm Công Giáo cụ thể; và thứ ba, không có gì bảo đảm rằng 24 quốc gia liên quan, 12 trong số đó ở Châu Âu và Bắc Mỹ, và một quốc gia khác là Úc, nhất thiết phải đại diện cho quan điểm chung hoàn cầu.

Sự thiếu chính xác càng tăng thêm bởi sự kiện này là vì dữ kiện thăm dò ý kiến có xu hướng chỉ sẵn có hơn ở các xã hội phát triển nên kết quả nghiêng về quan điểm của những nhóm dân cư giàu có. Tuy nhiên, 2/3 dân số Công Giáo hoàn cầu ngày nay sống ở các nước đang phát triển, tỷ lệ này sẽ tăng lên 3/4 vào giữa thế kỷ này.

Người ta cũng có thể lập luận rằng việc dựa vào dữ kiện dân số nói chung là sai lầm, vì các cộng đồng tôn giáo thường có xu hướng bảo thủ hơn trong nhiều vấn đề đạo đức. Mặt khác, ở nhiều xã hội, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Ba Tây, người Công Giáo có xu hướng ủng hộ hôn nhân đồng tính hơn những người theo Thệ Phản hoặc Ngũ Tuần, vì vậy có lẽ xét chung, sự khác biệt cuối cùng sẽ được giải quyết.

Dù sao, đây là điều tốt nhất chúng ta sẽ làm, vì vậy hãy coi các con số liên quan đến việc công nhận các cặp đồng tính. Một cuộc tham vấn thực sự giữa toàn bộ người Công Giáo trên thế giới có thể sẽ tạo ra một bức ảnh chụp quang tuyến X về một giáo hội bị chia rẽ về vấn đề chúc lành cho các cặp đồng tính, với sự chia rẽ gần như ở giữa.

Có ba nhận xét tự gợi ý dưới ánh sáng của xác suất đó. Đầu tiên, mặc dù biết rằng công luận luôn hữu ích nhưng nó không diễn dịch thành những kết luận mang tính tín lý một cách rõ ràng.

Như Newman đã nhận xét một cách nổi tiếng trong tiểu luận năm 1859 “Về việc tư vấn các tín hữu trong các vấn đề Tín lý”, người ta có thể “tham khảo ý kiến” trong Giáo hội theo nghĩa tương tự như người ta “tham khảo” dự báo thời tiết trước khi ra khỏi cửa - làm như vậy chứng thực phụ thuộc vào sự kiện khí hậu, nhưng nó không nhất thiết đưa ra quyết định của mình về việc có nên đi dạo hay không.

Thứ hai, một thử nghiệm về tính hợp pháp của các cuộc thảo luận thượng hội đồng sẽ là liệu chúng có xử công bằng với tính phức tạp của quan điểm Công Giáo được gợi ý bởi những con số này hay không. Lấy thí dụ cụ thể về vấn đề quan hệ đồng tính, một nghị phụ đến từ Châu Phi, Đức Giám Mục Sanctus Lino Wanok của Giáo phận Lira ở Uganda, có thể được cho là sẽ có quan điểm mạnh mẽ. Thứ Tư Lễ Tro vừa qua, ngài đã công khai lên án các cặp đồng tính yêu cầu được chúc lành, nói rằng: “Thật là một điều đáng xấu hổ, họ đang chế nhạo Giáo hội khi nói rằng chúng tôi muốn được chúc phúc cho sự kết hợp của chúng tôi. Sự nhạo báng đó nên dừng lại, nếu không nó sẽ xúc phạm đến Thiên Chúa là người tạo ra chúng ta”.

Liệu những tiếng nói như của Đức Cha Wanok có được đưa ra điều trần hay không sẽ được theo dõi chặt chẽ như một minh chứng rõ ràng về tính hợp tình hợp lý của diễn trình. Trong các Thượng Hội đồng Giám mục năm 2014-2015 về gia đình, đã có những cáo buộc cho rằng có sự sắp xếp thao túng có lỡi cho quan điểm tiến bộ về vấn đề Rước lễ đối với những người Công Giáo đã ly hôn và tái hôn dân sự đang gây tranh cãi. Những người có khuynh hướng hoài nghi về loạt thượng hội đồng mới này sẽ theo dõi chặt chẽ để tìm ra những dấu hiệu cho thấy một động lực tương tự đang diễn ra vào thời điểm này.

Thứ ba, sự chia rẽ ý kiến phản ảnh trong các dữ kiện ở đây gợi ý rằng một điểm thảo luận chính trong Thượng Hội đồng có lẽ là làm thế nào để cân bằng giữa khả thể phân quyền các giải pháp địa phương về các vấn đề mục vụ, và mệnh lệnh hợp nhất trong các vấn đề đức tin.

Chẳng hạn, người ta dám nói rằng vì các thực tại mục vụ về các mối quan hệ đồng tính rõ ràng khác nhau ở Đức và Nigeria, do sự tương phản rõ rệt trong công luận, có lẽ các giải pháp trong mỗi bối cảnh cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, vì cuộc thảo luận có những hàm ý về tín lý, đặc biệt là liên quan đến bí tích hôn nhân, nên nó không thể hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của địa phương.

Nếu các thượng hội đồng có thể tạo ra cái nhìn sâu sắc mới về cách xâu kim đó, thì chúng có thể là một hoạt động vô cùng hiệu quả. Mặt khác, nếu họ cố gắng che đậy những khác biệt thực sự trong Giáo hội nhân danh một sự đồng thuận giả tạo, thì cuối cùng họ có thể làm trầm trọng thêm hơn là hàn gắn những chia rẽ.

Điểm mấu chốt là Công Giáo là một gia đình đức tin hoàn cầu, và các sắc thái của nó sẽ chỉ phát triển khi trọng tâm của nó tiếp tục chuyển từ phương Tây sang thế giới đang phát triển. Một Thượng Hội đồng nếu biết thừa nhận rằng sự phức tạp, chống lại sự cám dỗ của các giải pháp dễ dãi và nuôi dưỡng một nền linh đạo trong đó việc có được một chỗ ngồi tại bàn ăn được coi là quan trọng hơn việc đi theo con đường riêng của mình, có thể là một thời điểm bước ngoặt thực sự.

Một kết quả như vậy có thể là nền tảng cho di sản của vị giáo hoàng đầu tiên đến từ thế giới đang phát triển. Do đó, một phần của bi kịch của tháng 10 sẽ là liệu mọi thứ có thực sự diễn ra như vậy hay không.