Như đã loan tin, tối ngày 30 tháng 9 năm 2023, một buổi canh thức đại kết cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính đồng nghị đã diễn ra tại quảng trường Nhà Thờ Thánh Phêrô dưới sự chủ tọa của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trong buổi canh thức này, ngài đã giảng bài giảng sau đây:



"Cùng nhau". Giống như cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi vào Ngày Lễ Ngũ Tuần. Như một đàn chiên được yêu thương và quy tụ bởi một Mục Tử là Chúa Giêsu. Giống như đám đông trong Sách Khải Huyền, chúng ta đang ở đây, anh chị em “từ mọi quốc gia, từ mọi bộ tộc, mọi dân tộc và ngôn ngữ” (Kh 7:9), từ các cộng đồng và quốc gia khác nhau, con cái và con trai của cùng một Cha, được linh hứng bởi Thánh Thần đã lãnh nhận trong phép rửa, và được mời gọi có cùng một niềm hy vọng (x. Eph 4:4-5).

Xin cảm ơn sự hiện diện của anh chị em. Cảm ơn Cộng đồng Taizé vì sáng kiến này. Với tình cảm sâu sắc, tôi xin chào các vị đứng đầu các Giáo hội, các vị lãnh đạo và các phái đoàn của các truyền thống Kitô giáo khác nhau và tất cả anhh chị em, đặc biệt là các bạn trẻ: cám ơn anh chị em đã đến cầu nguyện cho chúng tôi và với chúng tôi, tại Rôma, trước Phiên họp Toàn thể thường lệ của Thượng Hội đồng Giám mục, và vào đêm trước cuộc tĩnh tâm diễn ra trước đó. “Syn-odos”: chúng ta hãy cùng nhau bước đi, không chỉ những người Công Giáo, mà còn tất cả các Kitô hữu, tất cả những người đã được rửa tội, toàn thể dân Chúa, bởi vì “chỉ có toàn thể mới có thể là sự hiệp nhất của tất cả mọi người” (x. J.A. MÖHLER, Chủ nghĩa tượng trưng).

Giống như đám đông trong Sách Khải Huyền, chúng ta cầu nguyện trong im lặng, lắng nghe một “sự im lặng lớn lao” (x. Kh 8:1). Thật vậy, sự im lặng rất quan trọng và mạnh mẽ: nó có thể diễn tả nỗi buồn không tả xiết khi đối mặt với bất hạnh, nhưng cũng trong những giây phút vui mừng, một niềm vui không thể diễn tả bằng lời. Đó là lý do tại sao tôi muốn suy tư ngắn gọn với anh chị em về tầm quan trọng của nó trong đời sống người tín hữu, trong đời sống của Giáo hội và trong hành trình hiệp nhất Kitô giáo. Tầm quan trọng của sự im lặng.

Trước hết, sự thinh lặng là điều thiết yếu trong đời sống của người tín hữu. Thật vậy, nó nằm ở khởi đầu và kết thúc cuộc hiện hữu trần thế của Chúa Kitô. Ngôi Lời, Lời của Chúa Cha, đã trở nên “im lặng” trong máng cỏ và trên thập giá, trong đêm Giáng Sinh và trong đêm Khổ Nạn của Người. Chiều nay, các Kitô hữu chúng ta đã thinh lặng trước Thánh Damiano, như những môn đệ lắng nghe trước thánh giá, trước ngai của Thầy. Giây phút của chúng ta không phải là một sự im lặng trống rỗng, mà là một khoảnh khắc tràn đầy niềm tin, sự mong đợi và sự sẵn sàng. Trong một thế giới đầy ồn ào, chúng ta không còn quen với sự im lặng; thực sự đôi khi chúng ta phải đấu tranh với nó, bởi vì sự im lặng buộc chúng ta phải đối mặt với Thiên Chúa và chính mình. Tuy nhiên, nó nằm ở nền tảng của lời nói và của cuộc sống. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể “được giữ bí mật từ lâu đời” (Rm 16:25), dạy chúng ta rằng sự im lặng bảo vệ mầu nhiệm, như Ápraham bảo vệ Giao Ước, như Đức Maria giữ cuộc sống của Con ngài trong lòng ngài và suy gẫm trong lòng ngài (x. Lc 1:31; 2:19.51). Hơn nữa, sự thật không cần phải kêu to mới đánh động lòng người. Thiên Chúa không thích những lời tuyên bố và la hét, tán gẫu và ồn ào: đúng hơn, như đã làm với ông Êlia, Người thích nói bằng “giọng êm dịu nhỏ nhẹ” (1 Các Vua 19:12), trong một “xuyên suốt im lặng vang dội”. Vì thế, chúng ta cũng như Ápraham, như Êlia, như Đức Maria, cần phải thoát khỏi quá nhiều ồn ào để có thể nghe được tiếng nói của Người. Vì chỉ trong sự im lặng của chúng ta lời của Người mới vang lên.

Thứ hai, sự im lặng là điều cần thiết trong đời sống của Giáo hội. Sách Công vụ Tông đồ nói rằng sau bài diễn văn của Thánh Phêrô trước Công đồng Giêrusalem, “cả hội chúng giữ im lặng” (Cv 15:12), chuẩn bị đón nhận lời chứng của Phaolô và Barnaba về những điều lạ lùng Thiên Chúa đã thực hiện giữa các dân tộc. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng sự im lặng, trong cộng đồng giáo hội, làm cho việc truyền thông huynh đệ trở nên khả thi, nơi Chúa Thánh Thần tập hợp các quan điểm lại với nhau, bởi vì Người là sự hòa hợp. Trở thành đồng nghị là chào đón nhau như thế này, với ý thức rằng tất cả chúng ta đều có điều gì đó để chia sẻ và học hỏi, tụ tập lại với nhau để lắng nghe “Thần Khí sự thật” (Ga 14:17) để biết Chúa “đang nói gì với các hội thánh” (Kh 2:7). Hơn nữa, sự im lặng giúp cho sự phân định thực sự, qua việc chăm chú lắng nghe “những tiếng thở dài không thể diễn tả bằng lời” của Thánh Thần (Rm 8:26), vốn thường vang vọng, thường ẩn giấu, trong dân Chúa. Vì vậy, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn lắng nghe cho những người tham gia Thượng Hội đồng: “lắng nghe Thiên Chúa, để cùng Người chúng ta có thể nghe được tiếng kêu than của dân chúng; lắng nghe người dân cho đến khi hít thở được ý muốn mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta” (Diễn văn tại Đêm canh thức cầu nguyện chuẩn bị cho Thượng Hội đồng về Gia đình, ngày 4 tháng 10 năm 2014).

Cuối cùng, yếu tố thứ ba: sự im lặng là điều cần thiết cho hành trình hiệp nhất Kitô giáo. Thật vậy, đó là nền tảng của việc cầu nguyện, và đại kết bắt đầu bằng việc cầu nguyện và sẽ vô ích nếu không có cầu nguyện. Chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện để các môn đệ của Người “được nên một” (Ga 17:21). Sự im lặng là lời cầu nguyện cho phép chúng ta đón nhận hồng ân hiệp nhất “như Chúa Kitô muốn… bằng phương tiện Người chọn” (x. ABBÉ COUTURIER, Cầu nguyện cho sự hiệp nhất), chứ không phải như thành quả của những nỗ lực của chúng ta và theo những tiêu chuẩn thuần túy của con người. Càng cùng nhau hướng về Chúa trong lời cầu nguyện, chúng ta càng cảm thấy chính Người là Đấng thanh tẩy và hiệp nhất chúng ta quá các khác biệt của chúng ta. Sự hiệp nhất Kitô giáo lớn lên trong im lặng trước thập giá, giống như những hạt giống chúng ta sẽ nhận được, đại diện cho những hồng ân khác nhau mà Chúa Thánh Thần ban cho các truyền thống khác nhau: chúng ta có trách nhiệm gieo chúng, trong sự chắc chắn rằng chỉ có Thiên Chúa mới thực hiện được sự tăng trưởng (x 1Cr 3:6). Chúng sẽ là dấu chỉ cho chúng ta, những người được kêu gọi lặng lẽ làm chết tính ích kỷ để, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, lớn lên trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và trong tình huynh đệ giữa chúng ta.

Đó là lý do tại sao, thưa anh chị em, trong lời cầu nguyện chung, chúng ta xin học lại cách im lặng: lắng nghe tiếng Chúa Cha, tiếng gọi của Chúa Giêsu và tiếng rên rỉ của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy cầu xin để Thượng Hội đồng trở thành một kairós [thời vàng son] của tình huynh đệ, một nơi Chúa Thánh Thần sẽ thanh tẩy Giáo hội khỏi những chuyện tán gẫu, những ý thức hệ và sự phân cực. Vì chúng ta đang tới gần lễ kỷ niệm quan trọng của Đại Công đồng Nixêa, chúng ta hãy cầu xin để chúng ta có thể biết cách, giống như các đạo sĩ, thờ phượng trong sự hiệp nhất và trong thinh lặng mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, chắc chắn rằng chúng ta càng gần gũi với Chúa Kitô thì chúng ta sẽ càng đoàn kết hơn với nhau. Và như các nhà thông thái từ phương Đông đã được một ngôi sao dẫn đến Bêlem, cũng xin ánh sáng thiên đàng hướng dẫn chúng ta đến với Chúa duy nhất của chúng ta và đến với sự hiệp nhất mà Ngài đã cầu nguyện. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau lên đường, háo hức gặp gỡ Người, thờ phượng Người và loan báo Người, “để thế gian tin” (Ga 17:21).