John L. Allen Jr., ngày 1 tháng 10 năm 2023, nhận định rằng đối với Thượng hội đồng mang tính di sản của ngài, Đức Thánh Cha thích thì thầm hơn loa phóng thanh.



Trong biên niên sử về các vấn đề của giáo hội, một số Thượng Hội Đồng đủ nổi tiếng - hoặc, tùy từng trường hợp, khét tiếng - để xứng đáng với danh hiệu không chính thức của nó. Thí dụ, vào cuối thế kỷ thứ 9, Đức Stêphanô VI đã quyết định quật xác người tiền nhiệm của mình, Formosus, và đưa vị này ra xét xử, kết cục là thi thể của vị giáo hoàng quá cố bị ném một cách thô bạo xuống sông Tiber.

Tình tiết này đã đi vào lịch sử với tên gọi “thượng hội đồng xác chết”.

Có lẽ, sẽ không có điều gì kịch tính đến thế xảy ra trong tháng tới, sau khi bức màn được kéo lên vào thứ Tư ngày đầu tiên trong hai Thượng Hội đồng Giám mục về tính đồng nghị do Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập. Tuy nhiên, ngay cả trước khi nó bắt đầu, chúng ta đã có một ứng viên sáng giá cho biệt danh không chính thức của biến cố: Thượng hội đồng “thì thầm”.

Việc đề cập đến một thực hành đặc biệt trong Dòng Tên, dòng tu của chính Đức Giáo Hoàng, khi các thành viên tập hợp lại để bầu ra một Bề trên Tổng quyền mới. Sau khi nghe tổng quan về tình trạng của dòng, chẳng hạn như nó đang phát triển ở đâu, nó đang thực hiện nhiệm vụ gì, v.v., các đại biểu sẽ bắt đầu bốn ngày của điều được gọi là murmuratio, nghĩa đen là “thì thầm”.

Trong thời gian đó, các tu sĩ Dòng Tên có thể nói chuyện riêng với nhau một cách lặng lẽ, thảo luận về những cá nhân mà họ tin rằng có những phẩm chất cần thiết để trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo. Họ không thể tổ chức những cuộc trò chuyện này theo nhóm, để tránh việc hình thành các đảng phái hoặc khối, và họ phải bảo mật thông tin thu thập được một cách nghiêm ngặt nhất.

Ý tưởng, dựa trên sự hướng dẫn của Thánh Inhã thành Loyola, là thúc đẩy việc cầu nguyện và phân định hơn là chính trị, và dành ưu tiên cho hoạt động của Chúa Thánh Thần. Hy vọng là khi làm như vậy, một sự đồng thuận thực sự sẽ xuất hiện. Có một số bằng chứng cho thấy việc thì thầm thực sự có tác dụng, vì ba bề trên Dòng Tên cuối cùng – Cha Peter Hans Kolvenbach, Adolfo Nicolás và Arturo Sosa – lần lượt được chọn trong các lá phiếu đầu tiên, thứ hai và thứ ba.

Như phóng viên kỳ cựu của Vatican, Angel Ambrogetti của Acistampa gần đây đã nhận xét, có vẻ như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang hình dung Thượng hội đồng sắp diễn ra theo hướng của một Tổng Hội Dòng Tên hơn là một Thượng hội đồng Giám mục cổ điển, đặc biệt là khi đề cập đến vấn đề bảo mật – hoặc, để sử dụng thuật ngữ phức tạp hơn, “bí mật”.

Tính đến thời điểm viết bài này, Vatican vẫn chưa ban hành regolamento, hay sách quy tắc cho thượng hội đồng, và do đó chúng ta không biết các yêu cầu chính thức sẽ là gì, bao gồm cả việc liệu toàn bộ hoạt động có được đặt dưới một số phiên bản bí mật của giáo hoàng hay không. Tuy nhiên, ngay cả khi không có yêu cầu như vậy, rõ ràng là những người tham gia đã nhận được thông điệp rõ ràng rằng họ phải che giấu mọi việc, tránh truyền thông và tiết lộ công khai.

Trong một cuộc họp báo gần đây, giáo dân người Ý Paolo Ruffini, người đứng đầu Bộ Truyền thông Vatican, đã đưa ra một lời giải thích cao cả về đặc tính im lặng này.

Ruffini nói: “Việc giữ bí mật, dè dặt, thậm chí tôi có thể nói rằng tính thánh thiêng của không gian dành cho việc trò chuyện trong Thánh Thần, là đồng bản thể với mong muốn biến những khoảnh khắc này thành một cơ hội thực sự để lắng nghe, phân định và cầu nguyện dựa trên sự hiệp thông”.

Trong thần học Công Giáo, “đồng bản thể” là một thuật ngữ có ý nghĩa sâu sắc, ám chỉ Chúa Kitô có cùng bản thể với Chúa Cha, và việc Ruffini sử dụng từ này dường như được tính toán để viện dẫn một nền tảng thánh thiêng cho chính sách bí mật.

Ông nói: “Mọi tổ chức công hay tư đều bảo tồn những khoảnh khắc quý giá, không thể thiếu của cuộc thảo luận tự do, được bảo vệ, nơi mà tư tưởng chung đang được thành hình”.

Bạn muốn dùng lời hùng biện đó như thế nào, nhưng kết quả cuối cùng là thượng hội đồng này có thể thiết lập một tiêu chuẩn lịch sử mới về mức độ chúng ta biết rất ít, ít nhất là về mặt chính thức, về những gì đang diễn ra sau cánh cửa đóng kín.

Có ba lập luận chính chống lại nỗ lực giữ bí mật này.

Đầu tiên, các nhà phê bình nói rằng nó vô ích. Thượng hội đồng có 393 người tham gia, cùng với hàng chục nhân viên, phiên dịch viên và nhân viên hỗ trợ khác, và ý tưởng rằng không ai trong số họ sẽ nói bất cứ điều gì, ngay cả về hậu cảnh sâu xa, về những gì đang diễn ra, khiến nhiều nhà quan sát cho là không khác gì một ảo tưởng trẻ con. Thay vào đó, họ nói, những rò rỉ được tính toán cẩn thận sẽ dẫn dắt câu chuyện, từ đó bóp méo sự thật và tạo tiền đề cho thảm họa.

Người ta cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể trả lời rằng điều tương tự cũng có thể được nói về Tổng hội Dòng Tên. Cuộc bầu cử cuối cùng có 212 đại cử tri, và với tài ăn nói huyền thoại của các tu sĩ Dòng Tên, mỗi người có thể được coi là đại diện cho hai người bình thường, nâng tổng số lên gần bằng số lượng người tham gia thượng hội đồng. Mặc dù vậy, truyền thống về lời thì thầm bí mật vẫn được giữ vững.

Thứ hai, các nhà phê bình cũng cho rằng việc áp đặt các yêu cầu bí mật đối với thượng hội đồng là vô trách nhiệm. Về lý thuyết, mọi người Công Giáo trên thế giới đều được mời tham gia vào quá trình này, điều đó có nghĩa là tất cả họ đều có phần trong kết quả của nó. Có thể cho rằng, họ xứng đáng được biết các giám mục và những người tham gia khác được cho là nhân danh họ đang nói gì, và việc tước đoạt thông tin đó của họ có thể được hiểu là một sự xúc phạm đến lợi ích hợp pháp của họ trong quá trình này.

Thứ ba và cuối cùng, các nhà phê bình cũng cho rằng việc che đậy các động lực nội bộ của Thượng Hội đồng là mâu thuẫn với những cam kết minh bạch thường được tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần nói rằng liều thuốc giải độc duy nhất cho các vụ bê bối trong quá khứ là cam kết làm trong sạch, từ chối che giấu những thực tế khó chịu và bây giờ yêu cầu những người tham gia phải giữ bí mật về sự kiện được cho là di sản của ngài, quả đi ngược lại với lý tưởng đó.

Nhìn bề ngoài thì mỗi lập luận đó đều có sức thuyết phục và hấp dẫn. Mặt khác, mong muốn của Đức Giáo Hoàng là tránh để Thượng hội đồng của mình bị cuốn vào động lực đảng phái của thế kỷ 21, khiến nó trở thành một nạn nhân khác của nền văn hóa khinh miệt, dường như cũng có thể hiểu được.

Tóm lại, có vẻ như xét về sự thành công hay thất bại của Thượng Hội đồng này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang đánh cuộc cho việc thì thầm hơn là loa phóng thanh. Việc đánh cuộc này có thành công hay không có thể đóng khung cho bi kịch cốt lõi của tháng mà chúng ta sắp chứng kiến… tuy nhiên chúng ta thực sự biết rất ít trong thời gian thực về mọi thứ đang diễn ra như thế nào.