1. Các nhà lãnh đạo tôn giáo Kitô giáo Iraq yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế về vụ cháy đám cưới khiến hàng trăm người mất mạng

Các nhà lãnh đạo tôn giáo Kitô giáo ở miền bắc Iraq hôm thứ Hai đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về vụ cháy đám cưới chết người khiến hơn 100 người thiệt mạng vào tuần trước và bác bỏ cuộc điều tra của chính phủ, trong đó đổ lỗi cho vụ cháy là do sơ suất và thiếu các biện pháp phòng ngừa.

Trong khi đó, một linh mục Công Giáo Syriac người Iraq cho biết tình trạng tham nhũng tràn lan trong nước và ảnh hưởng của lực lượng dân quân có vũ trang đối với chính phủ là một trong những yếu tố gây ra vụ hỏa hoạn.

Cha Boutros Sheeto, đã nói chuyện với thông tấn xã AP qua điện thoại từ thị trấn Qaraqosh, nơi năm thành viên trong gia đình ông, bao gồm cả chị gái người Mỹ gốc Iraq, được chôn cất vào sáng thứ Hai. Ngài khẳng định vụ cháy là “cố ý”

Hàng chục vị khách hoảng loạn đã tràn ra lối thoát hiểm vào tối thứ Ba tại Sảnh cưới Hoàng gia Haitham ở khu vực có đa số người theo Kitô giáo ở Hamdaniya, tỉnh Nineveh sau khi các tấm trần phía trên bốc cháy.

Iraq hôm Chúa Nhật công bố kết quả điều tra cho biết pháo hoa không an toàn là nguyên nhân chính gây ra vụ hỏa hoạn khiến 107 người thiệt mạng và 82 người bị thương. Một số quan chức địa phương ở Nineveh cũng bị áp dụng “các biện pháp hành chính” vì sơ suất.

Cha Sheeto nói: “Chúng tôi bác bỏ ý kiến cho rằng nguyên nhân vụ cháy là do tai nạn. “Chúng tôi tin rằng đó là hành động cố ý và do đó chúng tôi yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế.”

Mười người thân của ngài, bao gồm cả chị gái Faten Sheeto, người đã đến Iraq từ nhà cô ở Arizona, Hoa Kỳ để tham dự đám cưới đã thiệt mạng do hỏa hoạn.

Truyền thông Iraq dẫn lời Đức Hồng Y Công Giáo Chaldean Louis Raphael Sako từ Rôma nói rằng ngọn lửa “là hành động của một người đã bán lương tâm và quốc gia của mình cho một chương trình nghị sự cụ thể”.

Vào tháng 7, Đức Hồng Y Sako phải rời trụ sở chính ở Baghdad và quay trở lại khu vực bán tự trị của người Kurd ở miền bắc Iraq sau khi Tổng thống Iraq Abdul Latif Rashid thu hồi sắc lệnh công nhận chức vụ Thượng Phụ Công Giáo Chanđê, là hệ phái Kitô lớn nhất Iraq và là một trong những nghi lễ Đông phương của Giáo Hội Công Giáo.

Một nhà lãnh đạo tôn giáo Kitô giáo Iraq khác, Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Syriac của Mosul, Benedictus Younan Hanno, cho biết một cuộc điều tra nên được thực hiện dưới “sự giám sát của các nhà điều tra quốc tế”, và nói thêm rằng ngài và những người khác trong số các Kitô hữu Iraq không chấp nhận kết quả của cuộc điều tra ở Iraq.

Hôm thứ Hai, Sở Y tế Nineveh đã cập nhật số người chết lên 113, trong đó có 41 người chưa được xác định danh tính. Họ cho biết 12 người bị bỏng nặng đã được đưa ra nước ngoài điều trị và 8 người khác sẽ theo sau.

Thảm kịch này là thảm kịch mới nhất xảy ra với cộng đồng Kitô giáo thiểu số ở Iraq, vốn đã giảm xuống chỉ còn một phần nhỏ so với quy mô trước đây trong hai thập kỷ qua.

Sự suy giảm bắt đầu trước khi nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số sau khi những kẻ cực đoan chiếm được phần lớn lãnh thổ Iraq vào năm 2014. Kitô hữu nằm trong số các nhóm bị phiến quân nhắm tới khi an ninh bị phá vỡ sau cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu năm 2003 lật đổ Saddam Hussein.

Số Kitô hữu ở Iraq ngày nay ước tính khoảng 150.000 người, so với 1,5 triệu người vào năm 2003. Tổng dân số Iraq là hơn 40 triệu người.


Source:AP

2. Chính Thống Giáo Nga đề cao Tòa Thượng Phụ Giêrusalem để xách mé Tòa Thượng Phụ Đại Kết Chính Thống Giáo Constantinople

Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa ủng hộ Thượng phụ Giêrusalem trong vai trò “Giáo chủ của tất cả các Giáo hội Kitô giáo”

Linh mục trưởng Nikolai Balashov, cố vấn thân cận của Thượng phụ Kirill, Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã hoan nghênh sáng kiến của Thượng phụ Theophilos thành Giêrusalem vì hòa bình ở Ukraine và hàn gắn vết thương trong thế giới Chính thống giáo.

Linh mục Nikolai Balashov đã nói trong một tuyên bố, “Giáo hội Chính thống Nga hoan nghênh mọi nỗ lực hòa giải nhằm phát triển đối thoại và thiết lập một nền hòa bình công chính ở Ukraine”.

Đáng chú ý là, giống như hầu hết các thông báo do các Giáo chủ của Giáo hội Nga đưa ra kể từ đầu chiến tranh, Cha Nikolai Balashov trong tuyên bố của mình đề cập đến một “cuộc xung đột quân sự ở Ukraine”, mà không lên án việc Nga xâm lược Ukraine.

Một điều cũng phổ biến là Giáo hội Nga hoan nghênh sáng kiến của một Giáo hội khác vì hòa bình ở Ukraine, đồng thời tiếp tục chúc phúc cho chiến tranh và “cầu nguyện” cho quân đội Nga chiến thắng trước những người Ukraine, vì đó là “nghĩa vụ vị tha của họ”.

Đáng chú ý là Linh mục Nikolai Balashov đã gọi Thượng Phụ Giêrusalem là “Thượng Phụ của Thành Thánh Giêrusalem, Giáo chủ của Giáo hội cổ xưa nhất và là Mẹ của tất cả các Giáo hội Kitô giáo”, và giống như giới lãnh đạo của Giáo hội Nga từ chối chấp nhận vai trò của Tòa Thượng phụ Đại kết là Giáo hội Mẹ.

Ngoài ra, đây là điều mà Thượng phụ Theophilos cũng đã thực hiện cách đây hai ngày trong thông báo về sáng kiến này, trong đó sáng kiến này được viết “bởi Mẹ của tất cả các Giáo hội”, nghĩa là Tòa Thượng Phụ Giêrusalem.

Vị linh mục của Giáo hội Nga nhấn mạnh rằng trong nỗ lực hòa giải trước đây của Thượng Phụ Giêrusalem ở Amman, Jordan, vào năm 2020, ngài đã nhận xét rằng “đó là một bước quan trọng trong lĩnh vực truyền thông liên Chính thống, và bước này phải tìm ra ý nghĩa tiếp tục của nó”.

Điều đáng chú ý là sáng kiến này của Thượng phụ Theophilos được coi là một thất bại, vì mặc dù thực tế là nó được coi là “sự tập hợp của các Thượng Phụ Chính Thống Giáo trên thế giới”, nhưng chỉ có Thượng phụ Mạc Tư Khoa, Thượng phụ Serbia và hầu hết các Thượng Phụ của Giáo hội đều từ chối tham gia.

Trong một nỗ lực mới, lần này là nhằm thách thức vai trò của Tòa Thượng phụ Đại kết, Cha Nikolai Balashov nhấn mạnh trong tuyên bố của mình rằng “vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cuộc thảo luận này đã được Giêrusalem thực hiện nhiều lần”, bỏ qua thực tế là chỉ có Thượng phụ Đại kết mới có quyền và thẩm quyền triệu tập Hội đồng Toàn Chính thống.

Cuối cùng, vị linh mục Nga nói rằng Giáo hội Nga sẽ hỗ trợ “những nỗ lực dũng cảm này” và tầm quan trọng của cuộc đối thoại giữa các Giáo hội có giá trị to lớn, “ngay cả khi cuộc đối thoại này gặp nhiều khó khăn trong việc mang lại kết quả, trong khi các vị Thượng Phụ của một số Giáo hội trước đó đã tuyên bố rằng về nguyên tắc họ từ chối thảo luận về các quyết định được đưa ra”.

Lý do từ chối thảo luận, theo Orthodox Times, là vì những đề xuất do Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đưa ra cho đến nay không thể được coi là một nền hòa bình công chính. Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa chủ trương Ukraine quay lại với Đất Mẹ, tức là Nga. Nói trắng trợn hơn là buông súng đầu hàng, và trở lại là một phần của Liên Bang Nga như trong thời kỳ Liên Xô. Về mặt tôn giáo, điều đó cũng có nghĩa là xóa bỏ Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine độc lập mà Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã cấp quy chế tự trị hay Tomos.


Source:Orthodox Times