II. Phản ứng trước câu trả lời của Bộ Giáo Lý Đức Tin về người chuyển giới
Câu trả lời của Bộ Giáo lý Đức tin phần lớn được truyền thông thế tục hoan nghinh. Truyền thông Công Giáo phần đông chỉ thông tin, ít nhận định, nếu có thì phản ứng khá lẫn lộn có ủng hộ nhưng cũng có lo âu.
Truyền thông thế tục
Hãng tin Reuters, ngày 10 tháng 11, đưa tin về vấn đề này. Họ nhận định rằng câu trả lời cho câu hỏi liệu một cặp đồng tính có thể có một phép rửa của Giáo Hội cho một đứa con nuôi hay một đứa con do mang thai hộ hay không khá mơ hồ.
Reuters cũng cho rằng câu trả lời nằm trong cố gắng của Đức Phanxicô muốn Giáo Hội chào đón cộng đồng LGBT nhiều hơn tuy không thay đổi các giáo huấn của Giáo Hội, vốn cho rằng xu hướng đồng tính không có tội nhưng hành vi đồng tính thì có tội.
Reuters cũng trích dẫn phát biểu của Cha Martin, Dòng Tên, cho rằng: “Đây là một bước quan trọng trong việc Giáo Hội coi người chuyển giới không những như những con người (trong một Giáo Hội trong đó một số người nói họ không hiện hữu) mà còn như những người Công Giáo.
Và câu nói của Đức Phanxicô nói với người chuyển giới hồi tháng Bẩy: “Ngay cả khi chúng ta là người có tội, Người (Thiên Chúa) vẫn tới gần để giúp đỡ chúng ta. Chúng ta có thế nào Chúa yêu thương chúng ta như vậy, đây quả là tình yêu điên dại của Thiên Chúa”.
Hãng tin BBC cũng nhận định cùng những điều như Reuters: mơ hồ về câu trả lời cặp đồng tính có được cho con nuôi hoặc con mang thai hộ được chịu phép rửa hay không cũng như trích dẫn lời của Cha Martin và chiều hướng chào đón nhiều hơn đối với cộng đồng LGBT. BBC cho rằng hướng dẫn mới phù hợp với gợi ý của Đức Phanxicô vào tháng trước, cho rằng các cặp đồng tính có thể được một linh mục chúc lành khi nói rằng một lời yêu cầu như thế nên được xem xét với “lòng bác ái mục vụ”. Tuy nhiên, BBC lưu ý: Đức Phanxicô vẫn coi mối liên hệ đồng tính là “tội lỗi một cách khách quan’ và không thừa nhận hôn nhân đồng tính.
Tờ Washington Post cũng cho là hướng dẫn mới phù hợp với cố gắng của Đức Phanxicô trong việc chào đón cộng đồng LGBT nhiều hơn. Tuy nhiên, nó nói rằng hướng dẫn mới không mới gì vì phần lớn phát sinh từ một “thông tư mật” nói về “việc chuyển giới” được ban hành hồi tháng 12 năm 2018. “Người ta không rõ liệu các phần của hướng dẫn có được chia sẻ công khai trước đây hay không. Nó mâu thuẫn với một qui định năm 2015 của Vatican, một qui định lúc ấy cấm một nam nhân chuyển giới ở Tây Ban Nha làm cha đỡ đầu”.
Tờ này viết rằng “Đức Phanxicô đã bãi chức các viên chức bảo thủ từng lãnh đạo Thánh bộ nhiều quyền lực về tín lý của Vatican và đặt Fernández, một Hồng Y Á Căn Đình được coi là thân tín với ngài, vào thế lãnh đạo nó. Tháng rồi, Fernández và Đức Phanxicô đã công bố hướng dẫn mở cửa cho việc chúc lành cho các cặp đồng tính, miễn là phải phân biệt với bí tích hôn phối.
“Tuy nhiên, về mặt chính thức, Giáo Hội vẫn dạy rằng đồng tính luyến ái là ‘vô luân từ nội tại và ngược với luật tự nhiên’. Việc tiếp tục nối vòng tay lớn của Đức Giáo Hoàng với cộng đồng LGBTQ+ diễn ra sau phần thứ nhất của một hội nghị thượng đỉnh lớn ở Vatican, hay Thượng Hội Đồng, kết thúc hồi tháng Mười với các đại biểu chia rẽ sâu xa về việc nối vòng tay lớn với người đồng tính. Tài liệu kết thúc phiên họp đã không nhắc đến kiểu nói ‘LGBTQ+’ như đã được dùng trong các tư liệu sơ khởi và đã gom vấn đề “xu hướng tính dục” dưới các vấn đề đạo đức “mới” và “gây tranh cãi”, kể cả "trí khôn nhân tạo”.
Washington Post cho rằng “việc công bố hướng dẫn vào tuần này được các nhóm LGBTca ngợi như một bước hướng tới việc hòa nhập.
Sarah Kate Ellis, người đứng đầu tổ chức vận động truyền thông LGBTQ+ GLAAD, cho biết trong một tuyên bố rằng lời khẳng định này “gửi một thông điệp rõ ràng tới các nhà lãnh đạo chính trị và văn hóa trên khắp thế giới nhằm chấm dứt cuộc đàn áp và loại trừ người chuyển giới,” đồng thời bà khen ngợi Đức Phanxicô vì đã “tiếp tục phá vỡ các rào cản.”
Tờ báo trích dẫn Francis DeBernardo, biên tập viên của Thừa Tác Vụ Cách Mới tập chú vào LGBTQ, người cho biết việc chào đón người chuyển giới một cách trọn vẹn hơn vào các bí tích Công Giáo là “một bước đi tốt” nhưng nhấn mạnh, “sự chào đón đó cần phải được mở rộng hơn nữa”.
Các cặp đồng tính không thể kết hôn trong Giáo Hội Công Giáo, và giáo huấn Công Giáo lên án điều mà nó gọi “hành vi đồng tính luyến ái” là “vô đạo đức nội tại”. Trong bối cảnh này, Đức Phanxicô đã làm công chúng ngạc nhiên với những tuyên bố đưa ra từ những ngày đầu triều giáo hoàng của ngài, khi ngài nói vào năm 2013 “tôi là ai mà phán xét họ?” để trả lời câu hỏi về các linh mục đồng tính. Vào tháng 1, Đức Phanxicô nói rằng mặc dù ngài coi đồng tính luyến ái là một tội lỗi nhưng nó không phải là một tội ác. Vào tháng 10, ngài đề nghị mở cửa cho các linh mục chúc phúc cho các cặp đồng tính.
Benjamin Oh, đồng chủ tịch Mạng lưới Công Giáo Cầu vồng Châu Á Thái Bình Dương, đã viết trong email rằng tài liệu mới được công bố có thể được coi là “dấu hiệu hy vọng cho những người Công Giáo LGBTIQA+, sự thật, công lý và tình yêu có thể chiến thắng”, nhấn mạnh rằng “những người LGBTIQA+ đã là một phần của mọi cộng đồng trong mọi nền văn minh nhân loại, và điều đó bao gồm cả cộng đồng Giáo Hội Công Giáo.”
Mặc dù tuyên bố của Vatican là mới đối với hầu hết mọi người trong cộng đồng, nhưng Oh cho biết đã có nhiều người Công Giáo chuyển giới đã được rửa tội, một số người trong số họ cũng là cha mẹ đỡ đầu và con đỡ đầu. Oh nói: “Sự phân đôi giữa hai cộng đồng LGBTIQA+ đối lập với Giáo Hội Công Giáo không phải là một phân đôi hoàn toàn trung thực và hữu ích”.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, những người LGBTQ+ phải đối diện với những trở ngại đáng kể trong việc được Giáo Hội chấp nhận hoàn toàn và trải nghiệm của những người đi nhà thờ có thể rất khác nhau giữa các giáo phận và giáo xứ. Tài liệu được Vatican công bố tuần này dường như cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu nó có thích đáng với người đồng tính hay không.
Các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã ban hành hướng dẫn trong năm nay nhằm ngăn chặn các bệnh viện Công Giáo cung cấp dịch vụ chăm sóc cho những người khẳng định giới tính. Một số giáo phận Công Giáo, các khu vực nhỏ hơn của Giáo Hội, đã ban hành chính sách cấm sinh viên và nhân viên tại các cơ sở Công Giáo sử dụng các đại từ trùng khớp với danh tính của sinh viên chuyển giới. Truyền thông địa phương đưa tin, một chính sách như vậy ở Massachusetts yêu cầu học sinh “hành xử ở trường phù hợp với giới tính sinh học của mình”. Giáo viên chuyển giới đã bị sa thải khỏi các trường Công Giáo sau khi ra công khai.
Tờ báo cũng trích dẫn Kori Pacyniak, người nghiên cứu trải nghiệm tôn giáo của những người Công Giáo chuyển giới tại Đại học California ở Riverside, cho biết trong một email rằng mối quan hệ của Giáo Hội với cộng đồng LGBTQ+ đã có nhiều căng thẳng về mặt lịch sử. Người ta trích dẫn các cụm từ của Giáo Hội “coi ‘các hành vi đồng tính luyến ái’ là ‘vô trật tự về bản chất’ và coi cái gọi là ‘hệ tư tưởng giới tính’ là có hại và xấu xa”. Nhưng Pacyniak nói, “ngay cả khi việc giảng dạy chính thức gây tổn hại cho người LGBTQ, điều đó không có nghĩa là người LGBTQ kém Công Giáo hơn hoặc ít tín ngưỡng hơn”.
Pacyniak khen ngợi Đức Phanxicô vì đã “cố gắng hướng dẫn giáo hội đến chỗ thân thiện hơn”, mặc dù những nỗ lực như vậy “thường tiến hành rất chậm”. Tuy nhiên, Pacyniak nói thêm, chỉ vì còn nhiều việc phải làm “không có nghĩa là chúng ta không nên ăn mừng những bước nhỏ trên đường đi”.
Với tiêu đề: Vatican tiến gần hơn tới việc cho phép người chuyển giới được chịu phép rửa làm người Công Giáo, hãng tin A.P., ngày 10 tháng 11, cho rằng “tại Hoa Kỳ, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo bác bỏ ý niệm chuyển giới, khiến nhiều người chuyển giới Công Giáo cảm thấy bị loại bỏ. Hôm thứ Tư, Vatican đã công bố một tuyên bố ngược hẳn lại khi nói rằng dưới một số điều kiện, người ta được phép để người chuyển giới được rửa tội làm người Công Giáo và phục vụ như cha mẹ đỡ đầu”.
Theo hãng tin này, Francis DeBernardo, giám đốc điều hành của Thừa Tác Vụ Lối Mới, trụ sở ở Maryland, nhận định rằng “Đây là một bước tiến lớn cho việc bao gồm người chuyển giới... một tin lớn và vui mừng”.
Hãng tin này cũng tường trình rằng một số nhỏ nhưng càng ngày càng gia tăng các giáo xứ Hoa Kỳ vốn đã thành lập các nhóm hỗ trợ người LGBTQ và chào đón người chuyển giới, dù tín lý Công Giáo vẫn bác bỏ hôn nhân đồng tính và sinh hoạt đồng tính.
DeBernardo nói rằng tài liệu này “chứng tỏ rằng Giáo Hội Công Giáo có thể, và thực sự, thay đổi tâm trí của mình về một số thực hành và chính sách” nhưng gợi ý rằng một số giáo phận chống các chính sách chuyển giới nay cần được bãi bỏ. Nhưng ông tỏ ra thất vọng khi tài liệu vẫn cấm các cặp đồng tính làm cha mẹ đỡ đầu.
Các nhận định Công Giáo
Trên National Catholic Register ngày 14 tháng 11, trong bài ‘Transgender’ Baptisms? Sorting Out the Vatican’s Recent Statement [Rửa tội Chuyển phái? Sắp xếp lại Tuyên bố gần đây của Vatican] John Bursch, cho rằng lối đưa tin của Washington Post trên đây nói riêng, và của truyền thông thế tục nói chung đều vì không hiểu tín lý Công Giáo.
Ông cho rằng: Điều cực kỳ quan trọng là phải đọc kỹ, trong bối cảnh, các câu trả lời của Bộ Giáo lý Đức tin cho các câu hỏi của Đức Giám Mục Negri– và bỏ qua những tiêu đề ngớ ngẩn từ các nguồn truyền thông không hiểu giáo huấn Công Giáo, đại loại như tờ The Washington Post.
Chẳng hạn, khi trả lời câu hỏi đầu tiên của Đức Cha Negri, Bộ Giáo Lý Đức Tin nói rằng một người được xác định là người chuyển giới và đã trải qua phẫu thuật có thể lãnh nhận bí tích rửa tội “trong cùng điều kiện như những tín hữu khác, nếu không có tình huống nào có nguy cơ gây ra tai tiếng công khai, hoặc sự mất phương hướng giữa các tín hữu.” Những “điều kiện” đó rõ ràng là rất quan trọng. Vậy chúng là gì?
Đức Hồng Y Gerhard Müller, cựu tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, dựa vào Thánh Tôma Aquinô và Traditio Apostolica – sắc lệnh lâu đời nhất của Giáo hội được viết ở Rome và có niên hiệu khoảng năm 200 sau Công Nguyên –giải thích rằng các cá nhân có thể được rửa tội nếu họ đã phạm tội trong quá khứ nhưng họ chỉ làm như vậy với ý định từ bỏ hành vi tội lỗi trong tương lai. Những người có ý định tiếp tục sống trong tội là chống lại kế hoạch của Thiên Chúa và không thể nhận được ân sủng của bí tích. Việc rửa tội cho những người có ý định tiếp tục phạm tội sẽ gây ra tai tiếng công khai vì nó làm suy yếu tuyên bố của Giáo hội rằng các bí tích là dấu chỉ ân sủng mà chúng truyền đạt.
Bối cảnh đó giúp giải thích câu trả lời của Bộ Giáo Lý Đức Tin. Vả lại, Giáo hội từ lâu đã thừa nhận rằng chúng ta không chỉ đơn thuần là những linh hồn không có xác trú ngụ trong một bình chứa vô nghĩa là cơ thể con người. Nghĩa là chúng ta không phải là những linh hồn bị mắc kẹt trong cái vỏ của một thân xác. Đúng hơn, chúng ta là những linh hồn có thân xác (embodied sould), và việc chúng ta là ai được gắn liền chặt chẽ với cơ thể chúng ta. Như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã diễn đạt rất hay trong thần học về thân xác của ngài, “thân xác diễn tả con người”.
Tất cả chúng ta đều hiểu sự thống nhất giữa cơ thể và linh hồn này một cách trực giác. Nếu ai đó tát vào mặt bạn, bạn không hét lên: “Bạn làm tổn thương cơ thể mà tôi đang trú ngụ!” Thay vào đó, bạn kêu lên: “Anh làm tôi đau quá!” Thân xác là một phần tạo nên bản vị chúng ta đến nỗi xác và hồn được định sẵn để sống với nhau mãi mãi, như chúng ta khẳng định hàng tuần trong Thánh lễ qua Kinh Tin Kính Nixêa.
Tổng hợp tất cả những điều này lại với nhau, Bộ Giáo Lý Đức Tin nói rằng một người nào đó được xác định là người chuyển giới chỉ có thể được rửa tội nếu làm như vậy sẽ không có nguy cơ tạo ra tai tiếng công khai hoặc làm mất phương hướng giữa các tín hữu. Theo đó, tình huống duy nhất mà lễ rửa tội không gây ra những rủi ro như vậy là nếu cá nhân đó đã (1) thừa nhận mình đã phạm sai lầm, (2) bắt đầu nhận diện lại giới tính của mình và (3) thực hiện các bước để hủy bỏ tác dụng của bất cứ cuộc phẫu thuật nào, trong phạm vi có thể. Giống như bất cứ ai đang tìm kiếm bí tích rửa tội, sự ăn năn và mong muốn chân thành không phạm tội nữa sẽ mở ra cánh cửa cho bí tích và những ân sủng tuôn chảy từ đó.
John Bursch áp dụng 3 tiêu chuẩn trên cho cả trường hợp trẻ em hoặc thanh thiếu niên có “các vấn đề về bản chất chuyển giới” muốn nhận phép rửa cũng như trường hợp người chuyển phái tính muốn làm nhân chứng đám cưới.
Vì tất cả những điều ấy phù hợp với cách Đức Phanxicô nhìn vấn đề ý thức hệ phái tính.
Bursch trích dẫn bài phát biểu với các Giám mục Ba Lan năm 2016, trong đó, Đức Phanxicô cảnh cáo: “Ngày nay các trẻ em – các trẻ em! - được dạy ở trường rằng mọi người đều có thể lựa chọn giới tính của mình. Tại sao họ lại dạy điều này?” Trong tông huấn Amoris Laetitia, Đức Phanxicô đã chỉ trích việc cổ vũ một “bản sắc bản thân... hoàn toàn tách biệt khỏi sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ” giản lược căn tính con người thành “sự lựa chọn của cá nhân” và làm xói mòn “nền tảng nhân học của gia đình”.
Một lần nữa, trong Laudato Si’, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “đánh giá cơ thể của mình về nữ tính hay nam tính là điều cần thiết nếu tôi có thể nhận ra chính mình khi gặp gỡ một người khác giới”. Và nhân kỷ niệm 10 năm làm giáo hoàng, Đức Phanxicô đã cảnh cáo rằng “ý thức hệ phái tính” là “một trong những sự thuộc địa hóa ý thức hệ nguy hiểm nhất”. Tại sao? Bởi vì nó “làm loãng đi sự khác biệt” giữa nam và nữ, “đi ngược lại ơn gọi của con người” và khẳng định cái tôi trên Thiên Chúa.
Bursch nhận định rằng các cảnh cáo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về ý thức hệ phái tính được khoa học ủng hộ. Có lý do tin rằng khoa thực hành tâm lý và y tế tiêu chuẩn luôn khuyến khích một đứa trẻ có niềm tin sai lầm, dai dẳng, không phù hợp với thực tại - chẳng hạn như chứng biếng ăn - điều chỉnh niềm tin của chúng theo thực tại chứ không phải ngược lại. Chúng ta không thể thay đổi thực tại. Không có gì đáng ngạc nhiên, 80 đến 95% trẻ em mắc chứng phiền muộn phái tính sẽ giảng hòa được “bản sắc phái tính” với giới tính của mình nếu không có sự can thiệp nào để hỗ trợ hoặc củng cố chứng phiền muộn phái tính.
Ngược lại, không có nghiên cứu dài hạn, có kiểm soát nào chứng minh tính an toàn hoặc hiệu quả của các chính sách khẳng định phái tính và các cách điều trị phái tính về lâu dài đối với chứng phiền muộn phái tính. Không một nghiên cứu nào. Và nghiên cứu dài hạn tốt nhất cho thấy rằng một khi niềm hạnh phúc ban đầu mất đi, những người mắc chứng phiền muộn giới tính trải qua quá trình chuyển đổi bằng phẫu thuật có tỷ lệ tử vong do tự tử và nhập viện tâm thần cao hơn những người không trải qua phẫu thuật. Khuyến khích việc khẳng định phiền muộn phái tính là không yêu thương vì nó không có lợi cho nạn nhân mà lại gây ra tác hại nặng nề, lâu dài. Thật đáng xấu hổ khi các phương tiện truyền thông thế tục cho rằng Giáo hội sẽ làm như vậy.
Giải thích c3a Bursch là giải thích có thiện cảm đối với Bộ Giáo Lý Đức Tin của Đức Hồng Y Fernández. Tiến sĩ Eduardo J. Echeverria, trên tờ Catholic Thing, trong bài ‘Transsexual Baptism’: Two Perspectives (Phép rửa chuyển giới: Hai viễn ảnh) không có thứ thiện cảm này. Ông thẳng thừng cho rằng câu trả lời của Bộ Giáo Lý Đức Tin là bất nhất không những với tài liệu năm 2019 của Bộ Giáo dục Công Giáo, tức là “Nam và Nữ Người đã tạo ra họ: Hướng tới con đường đối thoại về vấn đề lý thuyết phái tính trong Giáo dục,” mà còn với giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (theo Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI) trong Amoris Laetitia, như John Bursch đã nhắc đến. Và đáng lo ngại hơn nữa, nó có thể dẫn đến việc đòi công nhận hôn nhân chuyển giới, cả linh mục chuyển giới nữa.
Tiến sĩ Echeverria nhận định rằng: Với sự khẳng định của Giáo hội về ý nghĩa chuẩn mực của việc dị biệt hóa giới tính của con người, đặt cơ sở trên các cơ cấu của Sáng thế (tức là sự khác biệt về giới tính giữa nam và nữ là một điều được tạo dựng sẵn), toàn thể nhân loại đều bị ràng buộc vào cơ cấu đó. Do đó, ý tưởng về một “người chuyển giới” hay một “cá nhân chuyển phái” không có nền tảng nhân học trong Công Giáo (Amoris Laetitia, số 56)
Hơn nữa, như Thánh Bộ Giáo Dục lập luận, điều gọi là chủ nghĩa chuyển phái [transgenderism] giả định một “nhân học nhị nguyên, tách cơ thể (giản lược thành trạng thái vật chất trơ trơ) khỏi ý chí con người, trở thành một thứ tuyệt đối có thể thao túng cơ thể theo ý muốn” (số 20). Theo quan điểm này, có “một quá trình biến chất dần dần, nghĩa là rời xa bản chất tự nhiên và hướng tới việc hoàn toàn lựa chọn quyết định của cảm xúc nơi chủ thể con người” (số 19)
Nhưng nền nhân học chuẩn mực của Giáo hội cho rằng một thân thể dị biệt hóa về mặt giới tính trong tính tổng thể toàn vẹn của nó là nội tại đối với việc tự nhận bản sắc, và do đó phái tính được trải nghiệm một cách chủ quan không thể được đối xử một cách thích đáng như là độc lập với bản chất sinh học của một người.
Sách Sáng thế 1:27 khẳng định rằng Thiên Chúa đã tạo ra con người theo hình ảnh Người, Người tạo ra họ có nam có nữ. Khẳng định này là một thực tế khách quan loại trừ tình trạng trong đó Thiên Chúa tạo ra tính dục trên một “phổ” (spectrum) giữa nam và nữ.
Thánh bộ Giáo dục làm rõ ý nghĩa siêu hình của sách Sáng thế: "Cần phải tái khẳng định những nguồn gốc siêu hình của sự dị biệt giới tính, như một sự bác bỏ về mặt nhân học các mưu toan phủ nhận tính nhị nguyên nam-nữ, từ đó [hôn nhân vợ chồng và] gia đình được hình thành. Việc phủ nhận tính nhị nguyên này không những xóa bỏ viễn kiến về con người như hoa trái của một hành động sáng tạo mà còn tạo ra ý tưởng về con người như một điều trừu tượng [như Đức Bênêđíctô XVI nói] tự mình lựa chọn điều bản chất của mình là gì. Người đàn ông và người đàn bà trong trạng thái được tạo ra như những phiên bản bổ sung cho nhau của ý nghĩa con người đang bị tranh cãi. Nhưng nếu trong tạo vật không có tính nhị nguyên nam nữ được định trước, thì [cả hôn nhân vợ chồng lẫn] gia đình cũng sẽ không còn là một thực tại do sáng thế thiết lập nữa (số 34)".
Tiến sĩ mỉa mai hỏi rằng, “Nếu bản sắc giới tính của một cá nhân là vĩnh viễn do việc đã được tạo dựng và Giáo hội hiện nay dường như chấp nhận một cá nhân chuyển giới, điều đó có nghĩa là Giáo hội hiện nay chủ trương rằng một người đàn ông có thể mang thai? Có kinh nguyệt?
Cuối cùng, điều gì ngăn chặn được những người chuyển giới đã được rửa tội khỏi đòi hỏi hợp luận lý được kết hôn chuyển giới hoặc thụ phong chuyển giới? Không điều gì cả, nếu Giáo hội chấp nhận thuyết chuyển giới. Việc sa đọa này không phải là điều xa vời. Tài liệu của Con đường Đồng nghị Đức đã thực hiện được điều đó. Tuy nhiên, tất cả những điều này là một điểm có thể bàn nếu không có thực tại khách quan như một cá nhân “chuyển đổi giới tính”.
Tuy nhiên, có những người Công Giáo ủng hộ câu trả lời của Bộ Giáo Lý Đức Tin. Ngoài linh mục Martin dòng Tên, Sarah Kate Ellis, người đứng đầu tổ chức vận động truyền thông LGBTQ+ GLAAD, Francis DeBernardo, biên tập viên của Thừa Tác Vụ Lối Mới tập chú vào LGBTQ, và Benjamin Oh, đồng chủ tịch Mạng lưới Công Giáo Cầu vồng Châu Á Thái Bình Dương, như đã nhắc trên đây, Ailbhe Conneely thuộc Hệ thống Truyền hình và Truyền thanh Quốc gia Ái Nhĩ Lan, tắt là RTÉ, ngày 9 tháng 11, cho chạy hàng tít: “Priests welcome 'very positive' Papal guidance on trans people” [Các linh mục rất tích cực hoan nghinh hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng về người chuyển giới”.
Ký giả này có ý nói đến Hiệp hội Các Linh mục Công Giáo. Cha Roy Donovan của hiệp hội này mô tả tuyên bố này là "một sự chào đón hết mức" của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành cho người chuyển phái tính. Ngài nói “Tôi cho rằng chúng ta hy vọng tất cả chúng ta đều noi gương ngài và mang đến cho mọi người sự chào đón hoàn toàn và sự hòa nhập trọn vẹn vào đời sống mục vụ, bí tích của Giáo hội”.
Cha Donovan nói: “Tôi không hài lòng với từ ngữ tai tiếng, tôi nghĩ nó hơi tiêu cực, như thể họ quan tâm đến điều đó hơn việc hòa nhập hoàn toàn những người chuyển giới vào Giáo Hội”.
“Nhưng đó là một bước đi rất tốt. Còn rất nhiều việc có thể làm và tôi nghĩ tuyên bố này cho thấy rằng giáo hội có thể thay đổi quan điểm cũng như thay đổi các thực hành và chính sách của mình, và điều đó tốt. Nó rất, rất tích cực.”
Ngài cho biết động thái của Đức Phanxicô là một cách tiếp cận “tập chú vào mục vụ”.
“Bây giờ, rất nhiều giáo huấn mà Giáo hội có vào lúc này, đặc biệt là về người đồng tính, về tình dục, cần được cập nhật. Nếu họ có thể thay đổi tâm trí về nhiều lĩnh vực khác, tôi nghĩ vẫn còn chỗ cho nhiều thay đổi hơn nữa, ở bình diện tín lý, giáo huấn, cần được cập nhật.
“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang nhấn mạnh cách tiếp cận mục vụ vào lúc này và điều đó rất, rất tích cực.”