Trên The Pillar, ngày 15 tháng 11 năm 2023, Michelle La Rosa cho hay: Khái niệm đồng nghị đã chiếm vị trí trung tâm trong các bài phát biểu khai mạc tại cuộc họp của hội đồng giám mục Hoa Kỳ tuần này, với việc sứ thần của Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh sự cần thiết đối với các giám mục là phải chấp nhận tính đồng nghị, và chủ tịch hội đồng giám mục nói họ đã sống theo kiểu mẫu này rồi.



Các bài phát biểu diễn ra sau sự căng thẳng trong hội nghị, sau một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng này, trong đó sứ thần cáo buộc các giám mục Hoa Kỳ đã không truyền giáo và không chấp nhận mô hình đồng nghị cho Giáo hội.

Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio của Quân đội Hoa Kỳ, chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ, nói với The Pillar hôm thứ Ba rằng ngài không đồng ý với cách hiểu của sứ thần về Giáo hội ở trong nước.

Ngài nói, “Ít nhất theo cách Tạp chí America mô tả những suy tư của Đức Hồng Y Pierre, tôi không nghĩ điều đó thực sự phản ảnh Giáo hội tại Hoa Kỳ. Tôi nghĩ có thể có một chút khác biệt giữa những gì được trình bày trong bài báo đó và thực tại thực sự.”

Trong bài diễn văn trong tư cách chủ tịch hôm thứ Ba, Đức Tổng Giám Mục Broglio nói rằng các giám mục “cố gắng gặp gỡ mọi người và tìm cách mời gọi họ tham gia vào đời sống của cộng đồng đức tin”.

Ngài chỉ rõ những cách mà Giáo hội Hoa Kỳ đang truyền giáo, liệt kê các thừa tác vụ như Công Giáo Tin Mừng, Hiệp hội Sinh viên Đại học Công Giáo (FOCUS), Được Đào Tạo, Các Thừa tác vụ Mạng và Vươn tới Nhiều hơn.

Ngài nói: “Thay mặt cho tất cả các giám mục, tôi cảm ơn tất cả những người đang cố gắng truyền dẫn sức sống, sự dấn thân và sự đổi mới vào các cộng đồng đức tin của chúng ta đồng thời vươn tới các vùng ngoại vi”.

Bài diễn văn trong tư cách chủ tịch được đưa ra gần hai tuần sau khi Đức Hồng Y Christophe Pierre, Sứ Thần Tòa Thánh trả lời phỏng vấn trên tạp chí America, trong đó ngài nói rằng các giám mục cần thay đổi cách tiếp cận mục vụ của họ đối với việc truyền giáo.

Sứ thần ca ngợi hội nghị Aparecida năm 2007 của Công Giáo Mỹ Latinh như một mô hình đồng nghị được Thiên Chúa soi sáng nhằm dẫn đến việc truyền giáo tốt hơn, điều này sẽ trở thành một hướng dẫn cho các giám mục Hoa Kỳ, những người mà ngài mô tả đang “lao đao” trong việc truyền giảng Tin Mừng.

“Chúng ta đang ở trong Giáo hội vào một kỷ nguyên của thay đổi,” Đức Hồng Y Pierre nói trong cuộc phỏng vấn. “Mọi người không hiểu điều đó. Và đây có thể là lý do tại sao hầu hết các linh mục trẻ ngày nay đều mơ ước được mặc áo chùng thâm và cử hành Thánh lễ theo cách truyền thống.”

Sứ thần nói rằng “hầu như không ai” đến nhà thờ, các nữ tu “đã biến mất” và “các chủng viện hiện trống rỗng”.

Đức Tổng Giám Mục Broglio nói với The Pillar hôm thứ Ba rằng đánh giá của Đức Hồng Y Pierre trái ngược với quan điểm của ngài về Giáo hội tại Hoa Kỳ.

“Chắc chắn, các nhà thờ của chúng tôi vẫn chưa trống rỗng. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để bảo đảm điều đó tiếp tục như vậy. Chúng tôi có một số chủng viện thực sự đã hoạt động hết công suất, tôi nghĩ rằng đã có một nỗ lực phối hợp cho cả Cuộc Phục hưng Thánh Thể lẫn ý tưởng rao giảng tin mừng.”

Đức Tổng Giám Mục Broglio cho biết ngài đã nói chuyện với Đức Hồng Y Pierre về bài báo.

Ngài nói, “Ngài cởi mở với ý kiến của ngài và tôi cũng cởi mở với ý kiến của tôi.”

Trong bài phát biểu khai mạc tại cuộc họp của các giám mục hôm thứ Ba, cả Đức Hồng Y Pierre lẫn Đức Tổng Giám Mục Broglio đều nhấn mạnh những hiểu biết tương ứng của họ về ý nghĩa của tính đồng nghị đối với Giáo hội.

Đức Hồng Y Pierre nhắc lại ý tưởng cho rằng tính đồng nghị là con đường phía trước của Giáo hội, và nhấn mạnh rằng tính đồng nghị và sự phục hưng Thánh Thể quốc gia phải được coi là có liên quan với nhau.

Ngài nói: “Chúng ta cần để tri nhận của chúng ta về Bí tích Thánh Thể được đánh thức lại về tính năng động nhập thể của nó. Bí tích Thánh Thể là cuộc gặp gỡ. Nó chuyển động. Nó là sức mạnh giúp chúng ta trao ban sự sống mới. Nó làm cho chúng ta trở thành sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu đối với người khác.”

Đức Hồng Y Pierre nhấn mạnh câu chuyện về các môn đệ trên đường đi đến Emmau như một ví dụ về tiến trình đồng nghị: “gặp gỡ, đồng hành, lắng nghe, phân định và vui mừng trước những gì Chúa Thánh Thần mạc khải”.

Ngài nói, “Tôi tin rằng chúng ta sẽ có sự hồi sinh Thánh Thể thực sự khi chúng ta cảm nghiệm Bí tích Thánh Thể như bí tích nhập thể của Chúa Kitô: như Chúa cùng đồng hành với chúng ta trên đường đi”.

Ngài cảnh cáo các giám mục không nên coi thượng hội đồng hoàn cầu về tính đồng nghị như có một nghị trình riêng.

Thay vào đó, ngài nói, tính đồng nghị “là về cách thức mà chúng ta được mời gọi trở thành Giáo hội của Thiên Chúa, vì mục đích truyền giáo cho thế giới ngày nay đang rất cần đến Tin Mừng của hy vọng và hòa bình”.

Về phần mình, Đức Tổng Giám Mục Broglio đã sử dụng bài phát biểu của ngài để làm nổi bật “nhiều thực tại mang tính đồng nghị đã hiện hữu trong Giáo hội ở Hoa Kỳ”.

Ngài nói, “Bầu không khí hợp đoàn lên đặc điểm cho các hội nghị này, sự cân nhắc và tương tác tuyệt vời tiêu biểu cho công việc của Hội đồng Cố vấn Quốc gia, công việc của các hội đồng mục vụ giáo phận, hội đồng linh mục, hội đồng xét duyệt, hội đồng trường học và rất nhiều tổ chức khác sẵn sàng xuất hiện trong đầu.”

Ngài cũng lưu ý đến các ủy ban của hội đồng giám mục, cho rằng chúng có sự hợp tác mạnh mẽ giữa các giám mục, nhân viên và chuyên gia tư vấn.

Đức Tổng Giám Mục thừa nhận rằng có chỗ để phát triển và lắng nghe Chúa Thánh Thần trong việc phát triển tính đồng nghị trong Giáo hội Hoa Kỳ.

Ngài nói, “Chúng tôi hết thẩy đều biết rằng có thể làm được nhiều hơn nữa và chúng tôi đang thực hiện nỗ lực quốc gia với Cuộc Phục hưng Thánh Thể để kêu gọi các con gái và con trai của chúng tôi trở về với cuộc sống trọn vẹn trong Chúa Kitô qua các bí tích.”

Đức Tổng Giám Mục Broglio cũng ca ngợi “các linh mục dấn thân của chúng ta đang cháy bỏng với Tin Mừng”.

Ngài nói, “Họ là những cộng tác viên đầu tiên của chúng tôi và chúng tôi rất phụ thuộc vào những nỗ lực không mệt mỏi của họ. Thật tốt khi thấy sự đóng góp của họ trong việc rao giảng Tin Mừng và tiếp cận những người vẫn phải nghe về Chúa Giêsu Kitô. Họ thúc đẩy rất nhiều hoạt động bác ái của Giáo hội và sứ mệnh rao giảng tin mừng.”

Ngài nói tiếp: “Chúng tôi cũng được khuyến khích bởi các thanh niên đang chuẩn bị vào chủng viện. Không phải tất cả đều đầy ắp như Mount St. Mary’s ở Emmitsburg, nhưng tôi tiếp tục có ấn tượng bởi những chủng sinh tốt bụng này, những người dấn thân tìm hiểu Chúa sâu sắc hơn và trở thành con người vì người khác. Họ là dấu hiệu của niềm hy vọng cho tương lai.”

Đức Tổng Giám Mục Broglio kết luận bằng cách nhấn mạnh sự đoàn kết của các giám mục và khuyến khích những người hiện diện củng cố lòng nhiệt thành đối với Tin Mừng, thông qua tình huynh đệ và sự cởi mở với Chúa Thánh Thần.

Ngài nói: “Chúng ta có thể tiếp cận sứ mệnh theo những cách khác nhau, nhưng chúng ta tin rằng nhiệm vụ của chúng ta là đưa mọi người đến trải nghiệm về Chúa Giêsu Kitô, không để ai thờ ơ hay y như nhau”.

Đức Hồng Y Pierre ngày càng tự cô lập

Về phần mình, khi tường thuật cùng một biến cố, Michael J. O’Loughlin của tạp chí America cho hay khi chứng minh Giáo Hội Hoa Kỳ vốn đã là một Giáo Hội đồng nghị, Đức Tổng Giám Mục Broglio nói: “Ít nhất các tiểu ban mà tôi từng phục vụ, việc tương tác giữa các Giám Mục, nhân viên và các tham vấn rất tích cực, lành mạnh và cực kỳ hữu ích. Đúng là chỉ có các thành viên Giám Mục bỏ phiếu, nhưng các ngài làm thế sau một cuộc trao đổi mạnh mẽ giữa mọi người tham dự”. Ngài cũng nói rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội “cố gắng gặp gỡ người ta và tìm cách mời gọi họ tham dự vào đời sống của cộng đồng đức tin”.

Ed. Condon và J.D. Flynn của The Pillar, khi tường thuật biến cố này từ Baltimore, cho biết: Bài diễn văn của Đức Tổng Giám Mục Broglio, được hội nghị các Giám Mục thường xuyên và mạnh mẽ gật đầu tán thưởng, xem ra cố ý trở thành lời biện hộ cho Giáo Hội ở Hoa Kỳ... chống lại các chỉ trích của Đức Hồng Y Pierre. Lời phê phán ít che đậy của Đức Tổng Giám Mục Broglio dường như muốn chứng tỏ rằng Đức Hồng Y Pierre tự cô lập ngài với các Giám Mục Hoa Kỳ, những người mà ngài được giả thiết phục vụ.

Điều đáng lưu ý, theo hai tác giả này, là Đức Hồng Y Pierre kình chống các Giám Mục cấp tiến của đất nước này. Thực vậy, họ viết: “Ở Vatican và trong giới Giáo hội Hoa Kỳ, mọi người đều biết rằng Đức Hồng Y Pierre thường xuyên xung đột với các Hồng Y Hoa Kỳ Blase Cupich và Robert McElroy, đặc biệt khi ngài muốn tiêu chuẩn hóa các kênh thông tin và ra quyết định giữa Rome và Giáo hội Hoa Kỳ - các kênh thường chạy qua văn phòng của ngài, nhưng thường xuyên bị Đức Hồng Y Cupich làm ngơ.

“Các giám mục bên ngoài nhóm của Đức Hồng Y Cupich có xu hướng thông cảm với Đức Hồng Y Pierre và ủng hộ sự lãnh đạo của ngài, ngay cả khi ngài không phải lúc nào cũng đồng hành cùng họ về mặt thần học. Những người bảo vệ ngài thường cho rằng ngài dành thời gian để lắng nghe họ, đến thăm các giáo phận của họ và quan tâm đến các vấn đề của họ.

"Nhưng cuộc phỏng vấn trên tạp chí America của ngài đã gây khó chịu cho nhiều giám mục trong số đó, khiến Đức Hồng Y Pierre có số lượng người ủng hộ trong số các giám mục Mỹ ngày càng giảm.

"Tệ hơn nữa, những bình luận của Đức Hồng Y đã tạo ấn tượng nơi nhiều giám mục Hoa Kỳ rằng họ và các giáo phận mà họ lãnh đạo không được người của Rôma ở Washington hiểu hay ưa chuộng cho lắm.

"Đối với Đức Hồng Y Pierre, trớ trêu thay, điều đó có thể khiến ngài kém hiệu quả hơn với tư cách là một sứ thần và bị cô lập hơn trong vai trò của mình, ngay vào lúc lẽ ra ngài nên ăn mừng tư cách mới được đúc khuôn là Hồng Y”.

Kỳ tới: Dẫn nhập mới cho tài liệu "Forming Consciences for Faithful Citizenship" hướng dẫn cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, nhấn mạnh tới nạn phá thai.