1. Nữ tu Pennsylvania qua đời trong tai nạn xe hơi thương tâm

Một nữ tu ở Pennsylvania đã qua đời vào cuối tuần qua sau khi va chạm trực diện với một phương tiện khác trên đường, khi đang đi đến một cuộc hội ngộ của những nữ tu tham gia khóa tĩnh tâm hàng năm được gọi là Fiat.

Sơ Augustine Marie Molnar, 43 tuổi, thành viên của Dòng Nữ Tôi Tớ Thánh Tâm Chúa Giêsu, là giáo viên dạy tôn giáo bậc trung học tại Trường Công Giáo All Saints ở Cresson, Pennsylvania.

Đôi khi sơ hỗ trợ công việc ơn gọi và đến Reading, Pennsylvania, thuộc Giáo phận Allentown, để chia sẻ câu chuyện ơn gọi của chính mình.

“Sơ ấy đến đó để cổ võ ơn gọi tu trì. Bạn có thể nói rằng sơ đã chết để cổ vũ ơn gọi,” Mẹ Mary Joseph Calore, SSCJ, bề trên tỉnh của dòng tại Hoa Kỳ, nói với CNA trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Mẹ bề trên Calore cho biết Sơ Augustinô Marie cũng làm việc tại nhà chăm sóc cá nhân dành cho người già của cộng đồng, trong Trang viên Đức Gioan Phaolô II, với tư cách là nhà trị liệu vật lý.

Sơ Calore cho biết Sơ Augustinô Marie rất tài năng, đặc biệt là một nhạc sĩ, chơi piano, organ và kèn. Sơ Calore cho biết, Sơ Augustinô Marie đã sử dụng tài năng âm nhạc đó trong công việc ơn gọi của mình là lãnh đạo mục vụ âm nhạc tại các sự kiện của Fiat.

Calore cho biết, Sơ Augustinô Marie cũng có kỹ năng giúp đỡ người trẻ khi tổ chức một nhóm các cô gái trẻ giúp phục vụ tại Trang viên Đức Gioan Phaolô II.

“Sơ ấy là một linh hồn ẩn giấu. Sơ được ẩn giấu trong cuộc sống, nhưng trong cái chết, mọi người đều tôn vinh Thánh Tâm vì mọi việc sơ ấy đã làm.”

Sơ Calore cho biết Sơ Augustinô Marie vừa kết thúc khóa tĩnh tâm bốn ngày trước khi qua đời và nói rằng “sơ đang ở một nơi rất bình yên và tốt đẹp về mặt tâm linh”.

“Vì vậy, tôi nghĩ rằng Chúa đã đưa sơ ấy đi vào một thời điểm trong đời sống tâm linh khi sơ ấy rất sẵn sàng gặp Ngài,”

Hai hành khách trên chiếc xe kia sống sót và chỉ bị thương nhẹ, George Holmes, phó điều tra viên trưởng của Quận Berks, nói với CNA hôm thứ Hai.

Sinh ra ở Harrisburg, Pennsylvania, vào ngày 12 tháng 5 năm 1980, Sơ Augustinô Marie gia nhập Dòng Tôi Tớ Thánh Tâm Chúa Giêsu vào ngày 8 tháng 9 năm 2013.

Sơ tuyên khấn lần đầu tiên vào năm 2017 tại Nhà thờ Thánh Francis Xavier ở Cresson, Pennsylvania.

Sơ phục vụ trong cộng đồng địa phương của các nữ tu Thánh Maximilian Kolbe, tọa lạc tại trụ sở tỉnh dòng ở Cresson.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Tổng Giám Mục Leonard: Tây phương đang rời xa nòng cốt đức tin

Đức Tổng Giám Mục André Leonard, nguyên Tổng giám mục Giáo phận Bruxelles, thủ đô Vương quốc Bỉ, tuyên bố rằng: “Tôi không lo lắng về tương lai của Giáo hội, vì mọi sự sẽ qua đi, Giáo hội là thực tại duy nhất mà Chúa Kitô đã hứa sẽ tồn tại mãi mãi, nhưng có điều làm tôi quan tâm là Giáo hội tại Tây phương đang xa lìa nòng cốt của đức tin và luân lý”.

Đức Tổng Giám Mục Leonard năm nay 83 tuổi, cựu Giáo chủ Công Giáo Bỉ và đang hưu dưỡng ở thị trấn nhỏ ở Savines-le-Lac ở miền nam nước Pháp. Từ tám năm nay ngài làm cha phó và cử hành các bí tích trong năm giáo họ tại vùng này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo chí, được đăng trên trang mạng CathoBel của Giáo hội Bỉ, Đức Tổng Giám Mục Léonard nhận định rằng: “Giáo hội tại Tây phương không những phải có can đảm đưa ra lập trường về những vấn đề quan trọng, nhưng còn phải thuyết phục những người khác về những gì là đúng. Chúng ta phải có sáng kiến đi ra ngoài, gặp gỡ những người không tin, những người dửng dưng hoặc thuộc các tôn giáo khác. Chúng ta cần loan báo theo gương thánh Phaolxe hơing đồ”. Đức Cha cho biết đó cũng là điều ngài đã làm trong sứ vụ giám mục, trước tiên tại Giáo phận Namur, rồi sau đó tại Bruxelles. Và tuy gặp nhiều chống đối, ngài không lấy làm tiếc vì đã bày tỏ lập trường rõ ràng, kể cả về những vấn đề gây tranh luận như phá thai hay đồng tính luyến ái.

Đức Tổng Giám Mục Léonard giải thích rằng: “Tính dục, do chính định nghĩa, dựa trên sự khác biệt và bổ túc cho nhau giữa người nam và người nữ. Đồng hóa giữa hai bên là điều vô nghĩa. Chúng ta phải tôn trọng những người sống với xu hướng đó, cả khi họ thực hành đồng tính luyến ái. Khi tôi còn là giáo sư đại học, tôi đồng hành với nhiều sinh viên có xu hướng đồng tính luyến ái, ít hơn đối với các nữ sinh, và giúp họ sống khiết tịnh”.

Đức Tổng Giám Mục Leonard nhắc lại rằng có nhiều lý do khiến người ta không kết hôn hoặc giữ quan hệ tính dục ngày nay, như sức khỏe, gia đình hoặc nghề nghiệp. Nhưng “Chúc lành đồng tính luyến ái, coi đây là chuyện hoàn toàn bình thường, thì đó là sự lừa dối. Vì thế, chúng ta không bao giờ đồng hóa những quan hệ ấy với hôn phối, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không tôn trọng những người ấy”.

Lập trường của Đức Tổng Giám Mục Leonard khác với thái độ của các giám mục thuộc năm giáo phận vùng nói tiếng Flamand ở Bỉ, các vị này đã đồng ý soạn tập nghi thức chúc lành cho những cặp đồng phái.

Đức Tổng Giám Mục Leonard nguyên là giáo sư đại học Louvain và là một trong những triết gia hàng đầu của Bỉ. Ngài cũng dấn thân trong việc đào tạo linh mục. Theo ngài, người trẻ sẽ bị thu hút vào các chủng viện nếu có một cái nhìn rõ ràng về chức linh mục và vững chắc trong đức tin được soi sáng bằng kinh nguyện. Các linh mục tương lai cũng phải rõ ràng về sự độc thân mà họ đón nhân để sống hoàn toàn thuộc về Chúa. Và Đức Tổng Giám Mục nhận định rằng những cuộc tiếp tục tranh luận hiện nay về việc bãi bỏ độc thân là điều làm cho người ta xuống tinh thần và nản chí.

3. Chủ tịch Giáo hội Tin lành Đức từ chức

Giám Mục Georg Bätzing, Giám mục Giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, lấy làm tiếc vì Chủ tịch Hội đồng Giáo hội Tin lành Đức, bà mục sư Annette Kurschus từ chức.

Hôm 20 tháng Mười Một vừa qua, nữ Mục sư Kurschus đã tuyên bố từ chức Thủ lãnh Giáo hội Liên bang Đức và Chủ tịch Giáo hội Tin lành của bang Westfalen, sau khi có những tin trách cứ bà đã không giải quyết một nhân viên của Giáo hội địa phương mà bà quen biết, bị cáo về tội bạo hành tính dục khi bà còn làm mục sư rồi làm giám hạt ở thành phố Siegen, vì đã không coi nặng vụ này.

Phản ứng về việc từ chức này, Giám Mục Bätzing cho biết ngài không phán đoán gì về những lý do được đưa ra trong cuộc tranh luận về vụ cáo buộc, nhưng chỉ nhận định rằng: “Với sự rút lui của bà Mục sư Annette Kurschus, bộ máy đại kết tại đất nước Đức chúng ta bị mất đi một động lực thiết yếu. Tôi rất biết ơn bà về thời gian chúng tôi cùng chia sẻ trách nhiệm về đại kết ở Đức”.

Giám Mục Bätzing cũng đánh giá cao bà Kurschus như “một nhà tư tưởng thần học, có một sức mạnh tinh thần mạnh mẽ và quan điểm can đảm cho Giáo hội Tin lành của bà”. Ngoài ra, bà cũng có một trái tim luôn rộng mở đối với Giáo Hội Công Giáo”.

Mục sư Annette Kurschus năm nay 60 tuổi (1963). Năm 2012, bà được bầu làm Chủ tịch Giáo hội Tin lành tại bang Westfalen và cách đây hai năm, hồi tháng Mười Một năm 2021, bà đắc cử Chủ tịch Hội đồng Giáo hội Tin lành tại Đức, một tổ chức quy tụ 20 Giáo hội Tin lành Luther và cải cách tại nước này, với tổng cộng hơn 19 triệu tín hữu. Giám mục Giáo phận Hamburg ở miền bắc Đức, bà Kirsten Fehrs, tạm thời đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Giáo hội Tin lành Đức.

4. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật

Mặc dù trước đó, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, tuyên bố Đức Thánh Cha chỉ bị cảm nhẹ, nhưng ngài đã xác nhận ngài bị viêm phổi. Vì thế, Đức Thánh Cha không thể xuất hiện ở cửa sổ phòng làm việc của ngài nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn do Đức ông Braida đọc thay cho ngài, Đức Thánh Cha cho biết như sau:

Hôm nay tôi không thể xuất hiện bên cửa sổ vì tôi mắc bệnh viêm phổi, và Đức ông Braida sẽ đọc bài suy niệm. Đức Ông biết rõ những bài suy niệm này vì chính Đức Ông là người viết những bài ấy và ngài luôn làm rất tốt! Cảm ơn Đức Ông rất nhiều vì sự hiện diện của Đức Ông.

Hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ và Lễ Trọng Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, Tin Mừng nói với chúng ta về cuộc phán xét cánh chung (Mt 25:31-46) và cho chúng ta biết rằng cuộc phán xét ấy sẽ dựa trên đức ái.

Khung cảnh mà bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta là khung cảnh của một đại sảnh vương giả, trong đó Chúa Giêsu, “Con Người” (c. 31) ngự trên ngai. Tất cả mọi dân tộc đều tập hợp dưới chân Ngài và nổi bật trong số họ là những “người có phúc” (c. 34), những người bạn của Vua. Nhưng họ là ai? Điều gì đặc biệt ở những người bạn này trong mắt Chúa của họ? Theo tiêu chuẩn của thế gian, bạn bè của nhà vua phải là những người đã cho ông ta sự giàu có và quyền lực, những người đã giúp ông ta chinh phục các lãnh thổ, giành chiến thắng trong các trận chiến, khiến mình trở nên vĩ đại hơn so với những người cai trị khác, có lẽ xuất hiện như một ngôi sao trên chiến trường, trên trang nhất của các tờ báo hoặc trên mạng xã hội, và với họ, nhà vua sẽ nói: “Cảm ơn, vì các bạn đã khiến tôi trở nên giàu có và nổi tiếng, khiến người ta phải ghen tị và sợ hãi tôi”. Đây là theo tiêu chuẩn của thế giới.

Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn của Chúa Giêsu, bạn bè là người khác: họ là những người đã phục vụ những người yếu đuối nhất. Điều này là do Con Người là một vị Vua hoàn toàn khác, Đấng gọi những người nghèo là “anh em”, Đấng đồng hóa với những người đói khát, ngoại kiều, người bệnh tật, người bị tù đày và nói: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (c. 40). Ngài là một vị Vua nhạy cảm với vấn đề đói khát, nhu cầu nhà ở, bệnh tật và tù đày (x. các câu 35-36): tất cả những thực tại đáng tiếc đều quá thời sự. Những người đói khát, những người vô gia cư, thường ăn mặc như họ có thể, tụ tập trên các đường phố của chúng ta: chúng ta gặp họ mỗi ngày. Và cũng liên quan đến bệnh tật và tù đày, tất cả chúng ta đều biết bệnh tật, phạm sai lầm và phải trả hậu quả có ý nghĩa như thế nào.

Vâng, Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta rằng “người có phúc” là những người đáp lại những hình thức nghèo khó này bằng tình yêu thương, bằng sự phục vụ: không phải bằng cách quay lưng lại, nhưng bằng cách cho ăn, cho uống, quần áo, chỗ ở, thăm viếng; tóm lại là gần gũi những người đang cần giúp đỡ. Và điều này là do Chúa Giêsu, Vua của chúng ta, Đấng tự xưng là Con Người, tìm thấy những người anh chị em yêu quý của mình nơi những người nam và nữ mỏng manh nhất. “Tòa án hoàng gia” của Ngài được tổ chức, nơi có những người đau khổ và cần được giúp đỡ. Đây là “tòa án” của Vua chúng ta. Và phong cách mà bạn bè của ngài, những người tôn vinh Chúa Giêsu làm Chúa, được mời gọi để nổi bật chính là phong cách của Ngài: lòng trắc ẩn, lòng thương xót, sự dịu dàng. Chúng làm cho trái tim trở nên cao quý và đổ xuống như dầu trên vết thương của những người bị cuộc đời làm tổn thương.

Vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có tin rằng vương quyền thực sự hệ tại ở lòng thương xót không? Chúng ta có tin vào sức mạnh của tình yêu không? Chúng ta có tin rằng lòng bác ái là biểu hiện cao quý nhất của con người và là một yêu cầu không thể thiếu đối với người Kitô hữu không? Và cuối cùng, một câu hỏi cụ thể: tôi có phải là bạn của Nhà vua không, nghĩa là tôi có cảm thấy mình liên quan đến nhu cầu của những người đau khổ mà tôi gặp trên đường đi của mình không?

Xin Mẹ Maria, Nữ Vương Trời Đất, giúp chúng ta yêu mến Chúa Giêsu, Vua của chúng ta, dù là anh em nhỏ bé nhất của Người.

Sau đó, Đức Ông nói tiếp như sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay tại các Giáo hội địa phương, chúng ta cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 38 với chủ đề Hãy vui mừng trong hy vọng. Tôi chúc lành cho những ai đang tham gia vào các sáng kiến được tổ chức trong các giáo phận, tiếp nối Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon. Tôi ôm lấy những người trẻ, hiện tại và tương lai của thế giới, và tôi khuyến khích họ trở thành những nhân vật chủ đạo vui tươi trong đời sống của Giáo hội.

Hôm qua Ukraine đau khổ tưởng niệm Holodomor, nạn diệt chủng do chế độ Xô Viết gây ra, 90 năm trước, đã khiến hàng triệu người chết đói. Vết thương rách nát ấy, thay vì lành lại, lại càng đau đớn hơn bởi sự tàn ác của chiến tranh vẫn tiếp tục làm cho dân tộc thân yêu ấy đau khổ. Đối với tất cả các dân tộc bị chia cắt bởi các cuộc xung đột, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện không mệt mỏi, bởi vì lời cầu nguyện là sức mạnh hòa bình ngăn chặn vòng xoáy hận thù, phá vỡ vòng xoáy trả thù và mở ra những con đường hòa giải bất ngờ. Hôm nay chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì cuối cùng đã có một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Palestine, và một số con tin đã được giải thoát. Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả họ sẽ được trả tự do càng sớm càng tốt – hãy nghĩ đến gia đình họ! – cầu xin cho viện trợ nhân đạo sẽ đến Gaza nhiều hơn, và việc đối thoại được nhấn mạnh: đó là con đường duy nhất, con đường duy nhất để đạt được hòa bình. Những người không muốn đối thoại không muốn hòa bình.

Ngoài chiến tranh, thế giới của chúng ta còn bị đe dọa bởi một mối nguy hiểm lớn khác, đó là khí hậu, khiến sự sống trên Trái đất, đặc biệt là các thế hệ tương lai, gặp nguy hiểm. Và điều này trái với kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên mọi sự cho sự sống. Vì vậy, cuối tuần tới, tôi sẽ tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để phát biểu vào thứ Bảy tại COP 28 ở Dubai. Tôi cảm ơn tất cả những người sẽ đồng hành với cuộc hành trình này bằng lời cầu nguyện và với sự cam kết thực tâm gìn giữ ngôi nhà chung.

Tôi thân ái chào đón anh chị em những người hành hương đến từ Ý và các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là những người đến từ Pakistan, Ba Lan và Bồ Đào Nha. Tôi chào các tín hữu từ Civitavecchia, Tarquinia và Piacenza, và Deputazione San Vito Martire của Lequile, Lecce. Tôi xin chào các ứng viên để xác nhận từ Viserba, Rimini; Nhóm “Assisi nel vento” và Dàn hợp xướng “Don Giorgio Trotta” từ Vieste.

Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana