Trên trang mạng Community in Mission của Tổng Giáo phận Washington, Hoa Kỳ [ https://blog.adw.org/2024/01/dubious-about-dialogue-a-reflection-on-a-much-used-term-that-has-lost-its-biblical-mean/], ngày 17 tháng 1 năm 2024, Đức Ông Charles Pope tỏ vẻ hoài nghi đối với hạn từ Đối Thoại đang được sử dụng rất nhiều nhưng dường như đã đánh mất ý nghĩa Kinh Thánh của nó.



Thực vậy, ngày nay người ta nhấn mạnh nhiều đến khái niệm “đối thoại”. Hầu hết những người nói tiếng Anh chỉ đơn giản đánh đồng từ này với từ “thảo luận” và những người Công Giáo nói tiếng Anh nghe rất nhiều về cách Giáo hội nên “đối thoại” với thế giới.

Tự nó, “đối thoại”, được hiểu đơn thuần như có một cuộc thảo luận hoặc đàm đạo, chắc chắn là một điều tốt. Các cuộc thảo luận và đàm đạo đặt ra khuôn khổ cho sự hiểu biết, cho việc truyền giáo và chuyển tải sự thật. Theo nghĩa này, có thể nói, đối thoại là điều tốt và dễ hiểu như một điều gì đó giữ cho cánh cửa luôn mở rộng.

Nhưng có một số người trong chúng ta (bao gồm cả tác giả hiện tại của các bạn) đang gặp rắc rối khi sử dụng từ này theo nghĩa không chuẩn mực. Ngay cả trong tiếng Anh, “đối thoại” có tính chất khá mơ hồ và không xác định về nội dung và thời gian. Liệu đối thoại có thực sự nắm bắt được sứ mạng trọng tâm mà Chúa đã trao cho Giáo hội là đi đến với mọi dân tộc, dạy họ mọi điều Chúa Giêsu truyền và làm cho họ trở thành môn đệ không? Tôi không nghĩ là có.

Đối thoại ngụ ý một phẩm chất khá có đi có lại, trong khi giảng dạy ngụ ý rằng một bên có sự thật cần truyền đạt và bên kia cần lắng nghe. Việc giảng dạy cũng có mục tiêu giúp người khác hiểu và tuân thủ sự thật, khoa học, kỹ thuật hoặc kỷ luật đã được công bố. Do đó, thật hợp lý khi Chúa Giêsu không bảo Giáo hội hãy ra đi và đối thoại, nhưng hãy ra đi và giảng dạy, kêu gọi mọi người ăn năn, có một tâm trí mới và tin vào Tin Mừng do Chúa Giêsu Kitô, Con Đường, Sự Thật và Sự Sống, rao giảng. Đây là một lời kêu gọi hơn là một cuộc đối thoại, một lời dạy hơn là một cuộc thảo luận, một lời kêu gọi hơn là một cuộc đàm đạo.

Vấn đề với thuật ngữ “đối thoại” trở nên phức tạp hơn khi chúng ta bước vào Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp. Ở đó, việc sử dụng thuật ngữ đối thoại theo một số nghĩa là tốt, còn ở những nghĩa khác thì chẳng có gì ngoài việc tâng bốc. Chúng ta hãy cùng xem hạn từ đối thoại đôi khi có thể chỉ ra cả điều tốt nhất lẫn điều tồi tệ nhất mà chúng ta, với tư cách là một giáo hội, thực sự hy vọng đạt được ra sao.

Những hạn từ gốc tiếng Hy Lạp làm nền tảng cho hạn từ “đối thoại” trong tiếng Anh của chúng ta là dia ‘thông qua’ + legein ‘nói’. Trong các Sách thánh, có nhiều dạng khác nhau của hạn từ này xuất hiện. Hai trong số các hình thức cho thấy một khái niệm không mấy hay ho của từ ngữ, và hình thức thứ ba, khi được sử dụng một cách tích cực, lại mạnh mẽ hơn nhiều mà chúng ta muốn nói đến khi nói đến đối thoại ngày nay. Chúng ta hãy xem xét từng hình thức xuất hiện trong Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp.

I. διαλαλέω (dialaleo) – Từ điển Strong định nghĩa là “Tôi đàm đạo cùng nhau, nói chuyện về.” Nó chỉ được sử dụng hai lần. Một lần trong Luca 1:65, trong đó, người ở vùng lân cận bàn tán và ngạc nhiên về việc Dacaria đã nói lại được khi Gioan Tẩy Giả ra đời. Và trong Luca 6:11, trong đó các viên chức tôn giáo nói chuyện và cùng nhau bày mưu giết Chúa Giêsu sau khi Người chữa lành cho người đàn ông bị teo bàn tay.

Chúng ta đã biết rõ rằng từ ngữ được sử dụng trong những văn bản này không nói lên một cuộc trò chuyện rõ ràng về các sự kiện hoặc thậm chí là thánh thiện.

II. διαλογίζομαι (dialogizomai) – mà Từ điển Strong định nghĩa là “đi đi lại lại khi đánh giá, nhưng theo cách thường dẫn đến một kết luận mơ hồ”. Thuật ngữ này ám chỉ một tâm trí bối rối tương tác với những tâm trí bối rối khác, mỗi tâm trí lại càng củng cố thêm sự nhầm lẫn ban đầu.

Rất tiếc, thậm chí còn tệ hơn. Sẽ mất quá nhiều thời gian để thảo luận về tất cả 16 lần xuất hiện của từ ngữ này, nhưng trong số những cách sử dụng của từ ngữ này là khi các môn đệ thảo luận và cố gắng hiểu lời quở trách của Chúa Giêsu về việc họ thiếu đức tin trong cơn bão trên biển và nó liên quan ra sao đến việc hóa bánh ra nhiều. Họ tranh luận với nhau xem Người muốn nói gì (Mt 16:7). Trong một dịp khác, từ ngữ này được sử dụng để chỉ cuộc tranh luận và thảo luận giữa những người Biệt Phái khi Chúa Giêsu hỏi họ rằng Phép rửa của Gioan từ trời hay từ loài người. Họ tranh cãi, đồng lõa và không thể đồng ý (Mt 21:25). Hạn từ này được dùng trong Máccô 2:7 khi các thầy thông giáo “tranh cãi” trong lòng về việc Chúa Giêsu có thể tha tội hay không, v.v.

Thành thử, dạng này của từ ngữ cho thấy một “cuộc đối thoại” không chân chính, đầy mưu mô và gây bối rối. Tinh tế hơn, nó chỉ một kiểu lý luận tìm cách tránh né một kết luận bằng cách lái cuộc đàm đạo hoặc dòng lý luận theo hướng không chắc chắn; một cuộc đàm đạo không thực sự quan tâm đến việc thực sự tiết lộ hoặc chia sẻ sự thật.

Tôi buồn bã tin chắc rằng nhiều người sử dụng thuật ngữ đối thoại ngày nay thực sự tham gia nhiều hơn vào kiểu thảo luận này. Nó cho phép một tính đáng tin cậy nào đó cho những người tham gia, vì họ tham gia một cách cao thượng vào một “cuộc đối thoại” nhưng nó không “đặt câu hỏi” hay có mục tiêu làm cho Tin Mừng trở nên hợp lý và do đó đòi hỏi sự tôn trọng.

III. διαλέγομαι (dialégomai) phát xuất từ diá, (thông qua, từ bên này sang bên kia) + légō, (nói đến một kết luận). Dia tăng cường lego để nó chuyển tải một kết luận cách thích đáng bằng cách trao đổi suy nghĩ, lời nói hoặc lý lẽ. Và hình thức này của từ ngữ được sử dụng một cách tích cực, nhưng, như chúng ta sẽ thấy, nó thường được ngày nay sử dụng một cách mạnh mẽ hơn nhiều.

Nó xảy ra 13 lần trong Tân Ước, thường là do những tín hữu thực hiện “lý luận biện chứng”. Đây là quá trình cho và nhận thông tin với ai đó nhằm truyền đạt sự hiểu biết sâu sắc hơn về Chúa cũng như lời và ý muốn của Người. Như vậy, đây không chỉ là một cuộc đàm đạo đang diễn ra mà còn là một cuộc đàm đạo hướng tới mục tiêu, thậm chí một cách mạnh bạo hơn. Hãy xem xét một số thí dụ trong số 13 lần nó được sử dụng:

1 – Người ta nói về Thánh Phaolô trong Công vụ 17:2, 17 và 18:4 khi ngài vào các hội đường vào ngày Sabát và lý luận (dialexato, dieelegeto) với họ về Kinh thánh. Để hiểu được “giọng điệu” của những cuộc đối thoại này, hãy xem dòng sau đây từ Công vụ 19 – Phaolô vào hội đường và dạn dĩ (eparresiazeto) nói ở đó trong ba tháng, tranh luận một cách thuyết phục (dialegomenos kai peithon) về vương quốc của Thiên Chúa. (Cv 19:8)

Và do đó, chúng ta thấy rằng “cuộc đối thoại” được đề cập ở đây không chỉ là một cuộc trò chuyện đơn thuần, mà là một sự táo bạo đưa ra tầm nhìn Kitô giáo với mục tiêu thay đổi tâm trí và hoán cải trái tim.

Tôi chỉ không tin rằng đây là điều mà hầu hết mọi người ngày nay muốn nói khi họ kêu gọi chúng ta đối thoại.

2 – Thuật ngữ này được sử dụng trong Công vụ 20: 7-12 (một cách hài hước) về bài giảng của thánh Phaolô tại Trôa, trong đó ngài giảng một đoạn dài và một thanh niên tên là Êutykhô ngồi trên gờ cửa sổ mở rồi ngủ quên và rơi ra ngoài cửa sổ cao ba tầng mà chết. Thánh Phaolô chạy đi cứu anh ta khỏi chết và quay trở lại để kết thúc Thánh lễ! (tất cả chỉ trong một ngày làm việc!) Đối thoại ở đây dường như không chỉ có nghĩa là đàm đạo mà còn là khuyên bảo mà chúng ta gọi là rao giảng.

3 – Nó được sử dụng trong Công vụ 24:25 để mô tả chứng từ của thánh Phaolô trước Phêlích: Khi Phaolô nói (dialegomenou) về sự công chính, sự tự chủ và sự phán xét sắp đến, Phêlích sợ hãi. Và ở đây, chúng ta cũng thấy “đối thoại” đề cập đến một điều không đơn giản mà là một lời khuyên bảo rõ ràng đến mức khiến một quan chức La Mã phải sợ hãi. Một lần nữa, tôi phải nói rằng tôi không nghĩ đây là điều mà hầu hết những người kêu gọi Giáo hội tham gia vào “đối thoại” đã nghĩ đến.

Quả thực, không có lần nào trong số 13 lần xẩy ra mà tôi có thể tìm thấy bất cứ cảm giác nào về cuộc đàm đạo đơn thuần hoặc cảm giác “chia sẻ thông tin để làm quen với bạn”. Đối thoại trong Kinh thánh Tân Ước là một từ ngữ ám chỉ một lời khuyên bảo và/hoặc bảo vệ đức tin thường mạnh bạo. Nó hướng đến một mục tiêu, không chỉ mang tính liên hệ, và có mục đích thu hút người ta đến với sự ăn năn và đến với Chúa Kitô.

Như thế, chúng ta phải làm gì trước những lời kêu gọi đối thoại thường xuyên ngày nay? Nếu, qua nó chúng ta muốn nói đến một lời tuyên xưng đức tin một cách mạnh bạo và tự tin, để trình bày nó như hợp lý và đáng vâng phục, thì đối thoại là một điều tốt!

Nhưng như đã nêu ở một số chỗ ở trên, tôi không nghĩ đây là điều mà hầu hết những người kêu gọi đối thoại ngày nay nghĩ đến. Đúng hơn, họ chỉ nghĩ đến việc trao đổi ý tưởng đơn thuần, đạt được sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Tự chúng, những điều này không phải là những điều xấu, đặc biệt như khúc dạo đầu cho việc giảng dạy. Nhưng ngày nay chúng dường như thường được trình bày như những mục đích tự thân; như một mục tiêu cuối cùng.

Giáo Hội không được Chúa Kitô sai đến tất cả các dân tộc để “đối thoại” (Mt 28:20) theo nghĩa hiện đại của từ ngữ này. Đúng hơn Giáo Hội được giao nhiệm vụ giảng dạy (theo nghĩa cổ xưa và mạnh bạo hơn được Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp hiểu như dialegomai). Có một chỗ để lắng nghe một cách tôn trọng, nhưng trình bày nó một mình, và ngoài việc giảng dạy sứ mệnh đầy đủ hơn thì sẽ gây hiểu lầm và truyền tải một quan điểm không đúng với Tin Mừng.

Tôi không kêu gọi loại bỏ từ ngữ đối thoại, chỉ kêu gọi một sự hiểu biết đúng đắn hơn về nó theo nghĩa Kinh thánh như một cách trình bày rõ ràng về tính hợp lý của đức tin chúng ta, nhờ đó chúng ta đấu tranh cho các linh hồn và thậm chí mạnh dạn bác bỏ những sai lầm. Nếu đó là đối thoại, hãy thực thi nó!