1. Đoàn giám mục Đức đối thoại với Tòa Thánh vào ngày 22 tháng Ba tới đây

Cuộc đối thoại tới đây giữa phái đoàn Hội đồng Giám mục Đức với Tòa Thánh sẽ diễn ra từ ngày 22 tháng Ba tại Vatican.

Trang mạng của Hội đồng Giám mục Đức cho biết như trên, hôm 26 tháng Hai vừa rồi, trích thuật lời Đức Hồng Y Victor Fernandez, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin. Đây sẽ là buổi gặp đầu tiên trong một loạt các cuộc gặp gỡ đối thoại.

Trong dịp đại hội mùa thu, từ ngày 19 đến ngày 22 tháng Hai vừa qua tại thành phố Augsburg, ba Hồng Y của Tòa Thánh, gồm Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Parolin, Đức Hồng Y Prevost, Tổng trưởng Bộ Giám mục và Đức Hồng Y Fernandez, thừa lệnh Đức Thánh Cha yêu cầu các giám mục Đức đừng bỏ phiếu thông qua Quy chế Ủy ban Tiến trình Công nghị, để tiến tới việc thành lập Hội đồng Tiến trình Công nghị, một cơ quan gồm giáo dân và giám mục điều hành Giáo Hội Công Giáo tại Đức. Tòa Thánh cũng cho biết một loạt các cuộc đối thoại với các giám mục về các vấn đề gây khó khăn.

Các giám mục đã đồng ý ngưng bỏ phiếu và đón nhận đề nghị đối thoại của Tòa Thánh.

Hồi tháng Bảy năm ngoái (2023), nối tiếp cuộc viếng thăm Ad Limina của Hội đồng Giám mục Đức ở Roma hồi tháng Mười Một năm 2022, một phái đoàn của Hội đồng Giám mục Đức cũng đã gặp gỡ đối thoại với các vị đại diện Giáo triều Roma, về Tiến trình Công nghị, dưới các khía cạnh thần học và kỷ luật, nhưng rồi kết quả cuộc đối thoại này không được áp dụng, nên Tòa Thánh đã phải can thiệp, yêu cầu Hội đồng Giám mục ngưng bỏ phiếu về quy chế Ủy ban Tiến trình Công nghị, vì có nhiều điểm đi ngược cơ cấu bí tích của Giáo hội và giáo luật hiện hành

2. Đức Hồng Y Sarah cảnh báo chống lại sự mất đoàn kết giữa các Kitô hữu, nói rằng đó là dấu chỉ phản chứng

Đức Hồng Y Robert Sarah đã nói rằng sự mất đoàn kết giữa những người theo Chúa Kitô sẽ phản tác dụng đối với sứ mệnh làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng và mục vụ truyền giáo.

Vị Tổng trưởng danh dự của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, người đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị chuyên đề Thần học năm 2024 do Trường Thần học thuộc Đại học Tangaza có trụ sở tại Kenya tổ chức đã cảnh báo rằng sự chia rẽ giữa các Kitô hữu đã khiến họ dễ bị “khai thác”.

“Nếu chúng ta không phải là một, nếu chúng ta bị chia rẽ, thì chứng tá của chúng ta về Chúa Kitô cũng bị chia rẽ và thế giới sẽ không tin vào Tin Mừng,” Đức Hồng Y Sarah nói hôm thứ Năm, 22 tháng 2, ngày đầu tiên của sự kiện kéo dài hai ngày.

“Trước tiên hãy tìm kiếm sự hiệp nhất trong đức tin Kitô giáo, sau đó là với những người đồng hương của chúng ta và những người Phi Châu,” ngài nói trong bài phát biểu quan trọng có tựa đề “Làm cho mọi quốc gia trở thành môn đệ: Sứ mệnh truyền giáo do Chúa Kitô ủy nhiệ,”.

Để nhấn mạnh sự cần thiết của sự đoàn kết giữa những người theo Chúa Giêsu Kitô, Đức Hồng Y 78 tuổi sinh ra ở Guinea, người bắt đầu thừa tác vụ Giám mục vào tháng 12 năm 1978 với tư cách là Tổng Giám mục Conakry tại quê hương của ngài đã cảnh báo rằng sự chia rẽ khiến các Kitô hữu “dễ bị khai thác”.

“Nếu chúng ta không nỗ lực đạt được sự hiệp nhất trong Chúa Kitô thì chúng ta còn tệ hơn nữa. Sự chia rẽ giữa chúng ta về tôn giáo, sắc tộc và chính trị rất dễ bị lợi dụng; họ có thể bị các chính trị gia tham nhũng hoặc thậm chí các thế lực nước ngoài lợi dụng”.

Đức Hồng Y Sarah trước đây đã bày tỏ sự phản đối của mình đối với Tuyên ngôn Fiducia Supplicans, vốn đã gây ra những phản ứng trái chiều và chia rẽ sâu sắc giữa dân Chúa nói chung và các Giám mục Công Giáo trên toàn thế giới nói riêng sau khi được công bố vào ngày 18 tháng 12.

Trong một suy tư ngày 6 Tháng Giêng mà ngài chia sẻ với Settimo Cielo, một blog của Ý, Đức Hồng Y từng giữ chức vụ Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích của Vatican từ năm 2014 đến năm 2021 đã duy trì lập trường trước đây của mình là không phản đối Đức Thánh Cha.

“Chúng tôi không phản đối Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng chúng tôi kiên quyết và triệt để phản đối tà giáo làm suy yếu nghiêm trọng Giáo hội, là Thân thể Chúa Kitô”, Đức Hồng Y Sarah nói, đồng thời làm rõ sự phản đối của ông đối với các khuyến nghị của Fiducia Supplicans, cho phép các thành viên Giáo sĩ ban phước lành cho các cặp quan hệ tình dục đồng giới và các cặp đôi trong những “tình huống bất thường” khác.

Những người thực hành đồng tính luyến ái đang “ở trong tù” của tội lỗi, và cần sự thật của “Lời Chúa” để giải thoát họ, ngài nói và nói thêm, “Sự thật là lòng thương xót đầu tiên mà Chúa Giêsu ban cho những người tội lỗi.”

“Sự tự do mà chúng ta phải trao cho những người sống trong các kết hợp đồng tính luyến ái nằm trong sự thật của lời Chúa. Làm sao chúng ta có thể khiến họ tin rằng điều đó là tốt và Chúa mong muốn họ vẫn ở trong ngục tù tội lỗi của họ?”

Sự thiếu rõ ràng của Tuyên ngôn Fiducia Supplicans “chỉ làm tăng thêm sự nhầm lẫn đang ngự trị trong lòng và một số người thậm chí còn lợi dụng nó để hỗ trợ cho nỗ lực thao túng của họ”

Vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Guinea, người được phong Hồng Y vào tháng 11 năm 2010, cho biết: “Chỉ cùng nhau chúng ta mới có thể thịnh vượng”.

Theo Đức Hồng Y Sarah, những thách thức cản trở sứ mệnh làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng và sứ vụ truyền giáo có thể được giải quyết “bằng cách hướng về Chúa trong lời cầu nguyện và ăn chay”.

“Bằng cách hướng về Chúa bằng lời cầu nguyện và ăn chay, Thiên Chúa nâng chúng ta lên. Ngài giải thoát chúng ta khỏi sự ích kỷ và hẹp hòi và mạc khải chính Ngài cho chúng ta bằng cách này hay cách khác.”

Đức Hồng Y tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải kết hợp cầu nguyện và ăn chay, hai trong ba trụ cột của Mùa Chay, bên cạnh việc bác ái qua việc bố thí.

“Việc truyền giáo phải bao gồm việc cầu nguyện và ăn chay cùng nhau, ngay cả với những truyền thống tôn giáo khác để đáp lại những tệ nạn mà chúng ta cùng nhau thừa nhận. Bằng cách cầu nguyện và ăn chay, những trở ngại cho việc truyền giáo sẽ được khắc phục”, Đức Hồng Y Sarah nói.


Source:National Catholic Register