1. 40 bài Suy Niệm Mùa Chay 2024 - Thứ Năm Tuần Thứ Tư Mùa Chay

THỨ NĂM 14/3/2024

Xh 32:7-14

Thánh Vịnh 105(106):19-23

Ga 5:31-47

Người đàn ông mà Chúa đã chọn, đang đứng trước mặt Người (Tv 105:23)

Chính Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng mà chúng ta đang hành trình đến trong Mùa Chay và Phục Sinh, Đấng gắn kết mọi sự lại với nhau và hòa giải mọi sự trong và với Người (Col 1:17,20). Sao điều đó lại quan trọng? Thưa: Bởi vì, giống như tư thế của Môsê, chúng ta cũng có thể, vào những thời điểm đã định, được kêu gọi đứng trước những lỗi lầm: bắt chước tư thế này và để cho sự hòa giải và thống nhất của kinh nghiệm sống diễn ra bên trong chúng ta, mà chung cuộc diễn ra trong Chúa Giêsu Kitô. Đây là một tư thế quan trọng để đứng, và một tư thế đòi hỏi sự vâng phục Chúa Thánh Thần và sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh trong chúng ta, khi chúng ta bắt chước Người.

Theo một nghĩa nào đó, chúng ta đứng vững một chân trong thế giới và chân kia trong Tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Tư thế này thường thích hợp cho việc cầu bầu đích thực, thậm chí đôi khi việc cầu bầu có tính chất tiên tri, nơi chúng ta hòa hợp sâu sắc với trái tim của Thiên Chúa. Khi chúng ta đảm nhận tư thế này, như ngôn sứ Isaia đã tuyên bố: “Các ngươi sẽ được gọi là những người sửa chữa vết nứt” (Is 58:12).

Và lời cầu bầu đầy quyền năng và mang tính tiên tri này có phải là điều Chúa Giêsu làm mẫu trong Vườn Cây Dầu khi Ngài cầu nguyện cho chúng ta không? Không chỉ cho những môn đệ trong lịch sử, mà còn cho những môn đệ như chúng ta, cho đến muôn đời. Và lời cầu nguyện cứu độ này, một mạc khải về trái tim Thiên Chúa dành cho chúng ta, đang được “thực hiện” trong cuộc sống của chúng ta khi Chúa Giêsu tiếp tục cầu bầu cho chúng ta.

Đứng trước những lỗi lầm là một lời kêu gọi được Thiên Chúa soi dẫn: hãy cầu nguyện bằng trái tim của Chúa cho những gì ở trong trái tim của Chúa, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Và lời nói không phải là cách cầu nguyện duy nhất - có lẽ lúc này chúng ta có thể nhìn lên Thập Giá, như trời chạm đất. Lạy Cha, con cầu xin ơn chuyển cầu tiên tri dưới quyền năng của Chúa Thánh Thần. Khi ân sủng này được đổ ra, xin cho sự tự do tuôn chảy từ sự phục sinh của Chúa Giêsu được thể hiện rõ ràng trong cuộc sống của chúng con. Amen.

2. Đức Hồng Y Quốc vụ khanh minh định lập trường Tòa Thánh về Ukraine

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã minh định lập trường của Đức Thánh Cha Phanxicô về chiến tranh Ukraine và Nga, và kêu gọi giải quyết bằng đường lối ngoại giao.

Trong những ngày vừa qua, có nhiều phản ứng tiêu cực từ phía chính phủ Ukraine và một số nhân vật khác, cả Hội đồng Giám mục Đức, về cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha dành cho đài truyền hình Thụy Sĩ-Ý. Họ cho rằng ngài kêu gọi Ukraine đầu hàng, “giương cờ trắng”, chỉ nói về một phía, mặc dù có lời giải thích ngay của Phát ngôn viên Tòa Thánh, ông Matteo Bruni về vấn đề này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo “Người Đưa Tin Chiều”, Corriere della sera, ra ngày 12 tháng Ba vừa qua ở Ý, Đức Hồng Y Parolin nói rằng: “Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha [trong cuộc phỏng vấn] là hãy tạo điều kiện để có một giải pháp ngoại giao cho cuộc tìm kiếm một nền hòa bình công chính và lâu bền”. Theo nghĩa đó, hiển nhiên là việc kiến tạo những điều kiện như thế không phải chỉ từ một phía, nhưng là cả hai, và điều kiện đầu tiên, theo tôi nghĩ, là chấm dứt sự gây hấn, xâm lăng. Không bao giờ được quên bối cảnh, và trong trường hợp này, bối cảnh là câu hỏi được đưa ra với Đức Thánh Cha, và khi trả lời, ngài đã nói về cuộc thương thuyết, đặc biệt là can đảm thương thuyết, chứ không bao giờ là một sự đầu hàng. Tòa Thánh theo đường hướng này và tiếp tục kêu gọi “ngưng chiến”, và việc ngưng chiến trước tiên phải là những người gây hấn, rồi tiếp đó là mở cuộc thương thảo. Đức Thánh Cha giải thích rằng thương thuyết không phải là yếu đuối, nhưng là sức mạnh. Không phải là đầu hàng, nhưng là can đảm. Và ngài nói với chúng ta rằng chúng ta phải coi trọng hơn sinh mạng con người, đối với hàng trăm ngàn người đã bị hy sinh trong cuộc chiến giữa lòng Âu châu này. Đó là những lời có giá trị đối với Ukraine cũng như cho Thánh địa, và các cuộc xung đột khác đang làm thế giới đẫm máu”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Parolin cũng bày tỏ “lo âu của Tòa Thánh về nguy cơ lan rộng chiến tranh, nâng cao mức độ xung đột, làm bùng lên những cuộc đụng độ võ trang mới, chạy đua vũ trang, đó là những dấu hiệu bi thảm và đáng lo âu, theo nghĩa đó. Lan rộng chiến tranh có nghĩa là có thêm những đau khổ mới, tang tóc mới, tàn phá mới, thêm vào những điều mà nhân dân Ukraine, nhất là các trẻ em, phụ nữ, người già, và các thường dân, đang phải chịu, trả giá quá đắt đỏ cho cuộc chiến bất công này”.

Về chiến tranh giữa Israel và Hamas, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh cho biết ngài đặc biệt lo âu vì sự oán ghét đang bành trướng. “Bao giờ người ta mới có thể chữa lành những vết thương sâu rộng như vậy?” Sau cùng, ngài nói đến nguy cơ chết chóc vì “hạt nhân” không phải là không có. “Chỉ cần xem một số đại diện chính quyền thường xuyên đưa ra những lời đe dọa dùng vũ khí hạt nhân. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng đó chỉ là một thứ tuyên truyền chiến lược chứ không phải là một lời cảnh giác về một điều thực sự có thể. Về sự lo sợ sâu đậm của Tòa Thánh, tôi tin rằng lo sợ này là nhiều tác nhân gây ra tình trạng thê thảm này đi tới độ ngày càng khép kín trong những lợi lộc riêng tư và không làm điều họ có thể để đi tới một nền hòa bình công chính và vững bền”.

Những hiểu lầm lời Đức Thánh Cha

Trong số những người hiểu lầm về những lời tuyên bố của Đức Thánh Cha trong cuộc phỏng vấn, đứng đầu là chính phủ Ukraine. Ngoại trưởng nước này đã triệu Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, người Lituani, Sứ thần Tòa Thánh tại thủ đô Kyiv đến và nêu các vấn nạn trên đây, đặc biệt là thành ngữ “giương cờ trắng”. Đức Sứ thần giải thích rằng “Cụm từ ‘giương cờ trắng’ là ở trong câu hỏi của ký giả Thụy Sĩ, trong câu trả lời, Đức Thánh Cha nhắc lại thành ngữ đó là để nói rằng “Thương thuyết không bao giờ là đầu hàng”. Giả sử ký giả hỏi Đức Giáo Hoàng về Nga, câu trả lời của ngài có thể sẽ là: “Anh không được giết hại, và không được gửi binh sĩ, bắn các hỏa tiễn và máy bay không người lái đến tấn công Ukraine!”

Đức Sứ thần Tòa Thánh nhắc lại rằng vấn đề thương thuyết mà Đức Giáo Hoàng nói đến cũng đã được thảo luận trong giới chính trị và xã hội ở Ukraine. “Tại nước này, dân chúng đặt câu hỏi đâu là một con đường khác thay vì phải hy sinh lớn hơn. Từ lịch sử của mình, người Ukraine biết rằng sự tùng phục [Nga] như vậy phải trả giá đắt đỏ thế nào. Điều này bao gồm đau khổ bản thân, nhưng cả thảm hại tập thể Holodomor, toàn dân Ukraine chịu cảnh chết đói do Stalin gây ra. Chính vì thế, dân Ukraine đang tự hỏi: “Phải chăng sẽ có thêm nhiều người chết nếu chúng ta tiếp tục chống lại kẻ xâm lăng, hay là có nhiều người chết hơn nếu chúng ta đạt tới một thỏa hiệp? Và nếu chọn giải pháp thứ hai này, thì chọn thỏa hiệp thế nào? Đó không thể là một sự tùng phục”.

Đức Tổng Giám Mục Kulbokas nói thêm rằng sứ mạng của Tòa Thánh là mời gọi đối thoại. “Chúng tôi mời gọi cởi mở và đối thoại giữa các dân nước và Đức Giáo Hoàng muốn nhấn mạnh khía cạnh này. Đối thoại là con đường vượt thắng cả những chướng ngại lớn nhất”.

3. Tuyên bố của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương về cuộc phỏng vấn cờ trắng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Năm vị Tổng Giám Mục và Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã ra tuyên bố sau.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tuyên bố của Thượng Hội đồng Thường trực của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine sau cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha Phanxicô do Đài Truyền Thanh và Truyền Hình Thụy Sĩ thực hiện

Chúng tôi vẫn chưa có phiên bản đầy đủ của cuộc phỏng vấn do Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra cho RTS (Radio Télévision Suisse) dường như sẽ chỉ được công bố vào ngày 20 tháng 3. Theo Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, việc đề cập đến “cờ trắng” trong cuộc phỏng vấn là lời kêu gọi đàm phán chứ không phải là đề nghị Ukraine đầu hàng. Trong cuộc trò chuyện, Đức Thánh Cha không chỉ nói về cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine mà còn về cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Như đã nhiều lần thực hiện, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi giải quyết các cuộc xung đột vũ trang bằng thương lượng.

Về vấn đề này, chúng tôi muốn đưa ra những suy nghĩ không phải dựa trên tuyên bố của Đức Thánh Cha mà là quan điểm của các nạn nhân trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Điều quan trọng là phải hiểu lập trường của hầu hết người Ukraine.

Đối với bất kỳ ai ở Ukraine, điều rõ ràng như chúng tôi đã nêu trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Giáo Hội, chính trị gia Hoa Kỳ và cộng đồng người hải ngoại ở Washington, DC, Philadelphia và thành phố New York, là các công dân Ukraine “đã bị thương”, nhưng họ không mệt mỏi và vẫn kiên cường.” Người Ukraine không thể đầu hàng vì đầu hàng đồng nghĩa với tự sát. Ý định của Putin và Nga rất rõ ràng và dễ thấy. Mục đích không phải của một cá nhân: 70% dân số Nga ủng hộ cuộc chiến diệt chủng chống lại Ukraine, Thượng phụ Kirill và Giáo hội Chính thống Nga cũng vậy. Mục tiêu đề ra được thể hiện bằng hành động cụ thể.

Trong suy nghĩ của Putin, không có những thứ như Ukraine, lịch sử Ukraine, ngôn ngữ và đời sống cũng như Giáo Hội Ukraine độc lập. Mọi vấn đề của Ukraine đều là những cấu trúc ý thức hệ, có thể bị xóa bỏ. Ukraine không phải là một thực tế mà chỉ là một “ý thức hệ”. Theo Putin, ý thức hệ về bản sắc Ukraine là “Đức Quốc xã”.

Bằng cách gọi tất cả người Ukraine (những người từ chối là người Nga và chấp nhận sự cai trị của Nga) là “Đức Quốc xã”, Putin đã phi nhân tính hóa họ. Đức Quốc xã không có quyền tồn tại, vì thế một khi bị coi là Đức Quốc Xã, người Ukraine không có quyền tồn tại. Họ cần phải bị tiêu diệt, bị giết. Các tội ác chiến tranh ở Bucha, Irpin, Borodianka, Izium và ở những nơi khác bị lực lượng Nga xâm lược đã minh họa cho người Ukraine (và cho tất cả những người có thiện chí) thấy rõ mục đích rõ ràng của cuộc chiến này: đó là loại bỏ Ukraine và người Ukraine. Điều đáng nói là mọi sự xâm lược của Nga trên lãnh thổ Ukraine đều dẫn đến việc tiêu diệt các Giáo Hội Công Giáo Ukraine, và bất kỳ mọi Giáo hội Chính thống Ukraine độc lập nào, đồng thời đàn áp các tôn giáo khác cũng như mọi thể chế và biểu hiện văn hóa không ủng hộ quyền bá chủ của Nga.

Người Ukraine sẽ tiếp tục tự vệ. Họ cảm thấy họ không có sự lựa chọn. Lịch sử gần đây đã chứng minh rằng với Putin sẽ không có cuộc đàm phán thực sự nào. Ukraine đã đàm phán loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình vào năm 1994, lúc đó là kho vũ khí lớn thứ ba trên thế giới, lớn hơn cả Pháp, Anh và Trung Quốc cộng lại. Đổi lại Ukraine nhận được những bảo đảm an ninh liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ (bao gồm cả Crimea) và nền độc lập, là điều mà Putin có nghĩa vụ phải tôn trọng. Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 được Nga, Mỹ và Anh ký kết không có giá trị bằng tờ giấy. Vì vậy, điều đó sẽ xảy ra với bất kỳ thỏa thuận nào được “đàm phán” với nước Nga của Putin.

Bất chấp những đề xuất về nhu cầu đàm phán đến từ đại diện của các quốc gia khác nhau, bao gồm cả chính Đức Thánh Cha, người Ukraine sẽ tiếp tục bảo vệ tự do và phẩm giá để đạt được một nền hòa bình công bằng. Họ tin vào tự do và phẩm giá con người do Thiên Chúa ban tặng. Họ tin vào sự thật, sự thật của Chúa. Họ tin chắc rằng chân lý của Chúa sẽ thắng thế.

Các giám mục của Thượng Hội đồng Thường trực của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, họp tại Hoa Kỳ:

+ Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk,

Tổng Giám mục Trưởng của Kyiv-Halych

Giáo chủ Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương

+ Đức Cha Borys Gudziak,

Tổng Giám mục Công Giáo Ukraine Philadelphia

+ Đức Cha Włodzimierz Juszczak,

Giám mục Giáo phận Wrocław—Koszalin

+ Đức Cha Bohdan Dzyurakh,

Giám mục Tông tòa ở Đức và Scandinavia

+ Đức Cha Josaphat Moshchych,

Giám mục Chernivtsi

Ngày 10 tháng 3 năm 2024


Source:UGCC