David Carlin (*), trên The Catholic Thing, ngày 11 tháng 4, 2024, cho rằng sau Công đồng Vatican II, nhiều người Công Giáo, đặc biệt là các linh mục và chủng sinh trẻ, đã thấm nhiễm điều gọi là “tinh thần Vatican II” - một tinh thần hy vọng thực hiện những cải cách và cải tiến của Giáo hội vượt xa những cải cách và cải tiến thực sự được Công đồng chỉ định.

Tác giả nhớ một linh mục trẻ đã nói trên bục giảng vào một ngày Chúa nhật rằng Giáo hội, mặc dù đã hiện hữu hơn 1,900 năm, nhưng chưa bao giờ thực sự hiểu được ý nghĩa của đạo Công Giáo cho đến khi Vatican II xuất hiện.

Dù sao đi nữa, tác giả chưa bao giờ nghe một bài giảng nào ngu ngốc hơn bài giảng mà ngài nói với cử tọa rằng Vatican II lần đầu tiên cho thấy ý nghĩa của đạo Công Giáo - và tác giả đảm bảo với bạn rằng, ông đã nghe hàng trăm, nếu không phải hàng nghìn bài giảng ngu ngốc như thế.

Nếu vị linh mục nói đúng thì trong số những người không hiểu đạo Công Giáo có các Giáo phụ, các Tiến sĩ của Giáo hội và vài trăm giáo hoàng, chưa kể đến chính các Tông đồ.

Trong số những điều mà những người Công Giáo trước đây không hiểu được (theo người Công Giáo đặc trưng của tinh thần Vatican II) là nhân đức khiết tịnh, mặc dù là một điều tốt, nhưng gần như không phải là điều tốt đẹp như chúng ta thường nghĩ. Trước Công đồng, chúng ta nghĩ rằng khiết tịnh là một nhân đức có tầm quan trọng tối thượng, có thể sánh ngang với chính nhân đức bác ái. Nhưng dưới thời kỳ mới, giờ đây những người Công Giáo hậu Vatican II chúng ta biết rõ hơn. Họ cho rằng khiết tịnh chỉ là một nhân đức thứ yếu so với tình yêu thương người lân cận. Và cũng không đáng kể so với nhân đức chị em, là công bằng, đặc biệt là công bằng xã hội.

(Theo những người Công Giáo cấp tiến như vậy) đối với những người Công Giáo, thậm chí cả những người khác, điều tốt là tránh xa những người bạn đời không phải là vợ/chồng của họ. Nhưng điều tốt hơn – tốt hơn nhiều – là nhớ đến những người nghèo và các nhóm chủng tộc thiểu số, chưa kể đến các nhóm thiểu số khác, kể cả những nhóm thiểu số về giới tính, đặc biệt là những người đồng tính luyến ái. Có dấu vết của thái độ đó trong Tuyên bố “Phẩm giá Vô hạn” vừa được Bộ Giáo lý Đức tin ban hành đầu tuần này.



Sự nhấn mạnh thái quá về đức khiết tịnh phát xuất từ đâu (theo sự khôn ngoan hậu Công đồng)? Chắc chắn không phải từ Chúa Giêsu, Đấng thường xuyên nói về tình yêu thương người lân cận, nhưng hiếm khi nói về đức khiết tịnh. Và vào một dịp đáng nhớ nhất khi Người nói đến sự dâm ô, Người đã từ chối tham gia cùng những người Thanh giáo vào thời của Người để trừng phạt một người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình.

Và khi Người nói thẳng với nàng, Người khiển trách nàng, nhưng chỉ nhẹ nhàng thôi. Nếu Người tiết độ như vậy khi đáp lại hành vi ngoại tình, hãy tưởng tượng thái độ của Người phải tiết độ như thế nào đối với tội gian dâm nhẹ hơn. Về vấn đề đồng tính luyến ái, Người chưa bao giờ đề cập đến vấn đề đó cả.

Vậy thì tại sao chúng ta lại tưởng tượng sai lầm rằng gian dâm là một tội nặng đến chết người? Những người theo tinh thần Vatican II đã có lời giải thích. Đạo Công Giáo Hoa Kỳ đã chịu ảnh hưởng quá mức bởi Đạo Công Giáo Ái Nhĩ Lan, vốn bị định hình một cách sai lầm bởi tà giáo Jansen.

Chủ nghĩa Jansen là thần học phổ biến tại các chủng viện ở Pháp và Bỉ có sự tham dự của các linh mục tương lai xuất thân từ Ái Nhĩ Lan, những người, trong 200 năm trước năm 1795 (năm thành lập Chủng viện Maynooth), không thể học để làm linh mục ở nhà vì những kẻ áp bức Anh Giáo-Thệ phản không cho phép mở một chủng viện Công Giáo ở Ái Nhĩ Lan.

Và những người theo chủ nghĩa Jansen là ai? Trên thực tế, họ là những người Công Giáo theo chủ nghĩa Calvin. Có nghĩa là, họ là những người Thanh giáo. Ái Nhĩ Lan theo Công Giáo là một quốc gia Thanh giáo (giống như Massachusetts thời kỳ đầu), và trong thế kỷ 19 và 20, các linh mục người Ái Nhĩ Lan, trong cách đọc lịch sử này, đã áp đặt chủ nghĩa Thanh giáo của họ lên người Công Giáo Mỹ.

Nhưng “tinh thần của Vatican II” đã phát hiện ra rằng khiết tịnh không phải là một nhân đức thực sự vĩ đại, các chủng viện Công Giáo trong những năm 1970 và 1980 đã sản sinh ra nhiều linh mục mềm mỏng về đức khiết tịnh, và không ít người đã trở thành người đồng tính luyến ái, và hơn thế nữa, một số hóa thành kẻ lạm dụng tình dục các thiếu niên. Làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn, một số linh mục đồng tính hoặc có cảm tình với người đồng tính đã vươn lên làm giám mục và ngoảnh mặt đi trước vụ tai tiếng lớn về linh mục đồng tính.

Nhưng tại sao các Kitô hữu tiên khởi, chẳng hạn như những người ở Ai Cập, Syria và Hy Lạp, những người không được các linh mục người Ái Nhĩ Lan dạy dỗ, lại tin rằng khiết tịnh là một nhân đức có tầm quan trọng to lớn? Bởi vì những yếu tố như sau:

* Kitô giáo có nguồn gốc từ Do Thái giáo, vốn đặt trọng tâm lớn vào đức khiết tịnh - mặc dù người Do Thái cổ thời, ngoại trừ phái Essenes, không đi quá xa đến mức khuyến khích sống độc thân, như các Kitô hữu thường làm.

* Những người ngoại đạo gia nhập Kitô giáo bị thu hút bởi lý tưởng khiết tịnh của Kitô giáo, ít nhất một phần là do phản ứng tiêu cực của họ đối với tình trạng buông thả tình dục phổ biến ở phần lớn Đế quốc La Mã.

* Chúa Giêsu chưa bao giờ kết hôn, và chúng ta có thể tin chắc rằng Người, vốn là một người Do Thái tốt lành, chưa kể đến thiên tính của Người, chưa bao giờ có một mối quan hệ tình dục.

* Địa vị rất cao được trao cho Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu trong Tân Ước và Kitô giáo thời kỳ đầu nói chung – Đức Maria đã thụ thai Chúa Giêsu khi còn là một trinh nữ.

* Ngài là một trinh nữ trọn đời. (Điều này không được đề cập trong Tân Ước nhưng được nhiều người theo Kitô giáo lúc ban đầu tin là như vậy.)

* Chúa Giêsu dạy rằng những người ở trên Thiên Đàng không kết hôn. Từ đó, xem ra cuộc sống giống Thiên đường nhất trên Trái đất sẽ là cuộc sống khiết tịnh độc thân.

* Chúa Giêsu dạy rằng một số người, dù không phải tất cả, được kêu gọi sống đời khiết tịnh độc thân, “hoạn quan vì Nước Trời”.

* Chúa Giêsu lên án không những các hành động dâm ô mà cả những ham muốn dâm dục nữa, vì chúng tương đương với tội ngoại tình trong lòng.

Tóm lại, Giáo Hội sơ khai coi đức khiết tịnh là một nhân đức lớn lao. Và vì vậy, những người Công Giáo hiện đại coi khiết tịnh là một đức tính cao cả sẽ không cúi đầu trước ảnh hưởng xấu xa của Chủ nghĩa Jansen ở Ái Nhĩ Lan. Họ đang cúi đầu trước ảnh hưởng thần linh của Kitô giáo nguyên thủy. Nghĩa là họ đang cúi đầu trước ảnh hưởng của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các Tông đồ.
________________________________________________________________________________________________
(*) David Carlin là giáo sư xã hội học và triết học đã nghỉ hưu tại Đại học Cộng đồng Rhode Island, đồng thời là tác giả cuốn The Decline and Fall of the Catholic Church in America, Three Sexual Revolutions: Catholic, Protestant, Atheist [Sự suy tàn và sụp đổ của Giáo Hội Công Giáo ở Mỹ, Ba cuộc cách mạng tình dục: Công Giáo, Tin lành, Vô thần] và gần đây nhất là cuốn Atheistic Humanism, the Democratic Party, and the Catholic Church [Chủ nghĩa nhân bản vô thần, Đảng Dân chủ và Giáo Hội Công Giáo].