Cyprien Viet, ngày 24/05/2014 viết trên Aleteia rằng các phi hành gia trong sứ mệnh đầu tiên đáp xuống Mặt trăng đã mang theo một lá cờ Vatican nhỏ mà sau này Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã tặng cho Đức Giáo Hoàng Paul VI.

Đó là một trong những hiện vật đáng ngạc nhiên nhất được trưng bày trong Viện Bảo tàng Vatican. Một lá cờ của quốc gia nhỏ nhất thế giới, được các phi hành gia của sứ mệnh Apollo 11 mang lên Mặt trăng, được trưng bày trong tủ trưng bày, cùng với một số mảnh vỡ của bề mặt Mặt trăng. Một tấm bảng nhỏ ghi: “Lá cờ này đã du hành tới Mặt trăng và quay trở lại cùng với tàu Apollo 11, và những mảnh vỡ của bề mặt Mặt trăng này đã được phi hành đoàn đầu tiên tới Mặt trăng đưa về Trái đất.”

Một cử chỉ của Tổng thống Mỹ

Lá cờ được Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon tặng cho Đức Giáo Hoàng Paul VI trong chuyến thăm Vatican lần thứ hai vào ngày 29 tháng 9 năm 1970, sau cuộc gặp đầu tiên với vị Giáo hoàng người Ý vào ngày 2 tháng 3 năm 1969.

Tổng thống Nixon, một người theo đạo Quaker, vốn lo ngại về những gì ông coi là việc Tòa thánh quá cởi mở đối với các chế độ Cộng sản. Phấn khích trước sự nhiệt tình trên toàn thế giới được tạo ra bởi sứ mệnh Mặt trăng, sứ mệnh đã cho phép Hoa Kỳ khẳng định ưu thế vượt trội về kỹ thuật và văn hóa của mình trước đối thủ Liên Xô, do đó, ông đã tìm cách neo giữ Giáo hoàng trong khối phương Tây.

Lá cờ Vatican này được các phi hành gia Apollo 11 mang lên mặt trăng. CV I Aleteia


Nhận thức một cách tự nhiên về nguy cơ bị công cụ hóa trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh phức tạp này, Đức Phaolô VI vẫn say mê theo dõi những bước đi đầu tiên của con người trên Mặt trăng, mà ngài đã theo dõi trực tiếp trên truyền hình từ nơi cư sở mùa hè của ngài tại Castel Gandolfo.

“Thật vinh dự cho các bạn, những người là nghệ nhân của công trình không gian vĩ đại! Vinh dự cho tất cả những người đã thực hiện những chuyến bay táo bạo nhất có thể!” Đức Thánh Cha đã thốt lên sau biến cố này.

Sự nhiệt tình của ngài cũng thể hiện rõ trong các phát biểu tại lúc đọc Kinh Truyền Tin vào ngày 13 tháng 7 năm 1969, một tuần trước khi phi hành đoàn Apollo 11 đến Mặt trăng.

“Con người, tạo vật của Thiên Chúa này – thậm chí còn hơn cả Mặt trăng huyền bí, là trung tâm của công trình này – đã tự biểu lộ chính mình cho chúng ta. Họ tự biểu lộ mình là một người khổng lồ. Họ tự biểu lộ như thần thánh, không phải trong chính họ, nhưng trong sự khởi đầu và số phận của họ. Danh dự cho con người, danh dự cho phẩm giá, tinh thần và cuộc sống của con người”, vị giáo hoàng người ý tuyên bố như thế.

Ba phi hành gia của sứ mệnh Apollo 11 – Neil Armstrong, Edwin Aldrin và Michael Collins – đã được tiếp đón chính thức tại Vatican vào ngày 16 tháng 10 năm 1969. Đức Paul VI đã bày tỏ lòng kính trọng đối với họ bằng những lời này:

“Con người có một sự thôi thúc tự nhiên là khám phá những điều chưa biết - biết những điều chưa biết; tuy nhiên con người cũng có nỗi sợ hãi về cái không biết. Sự dũng cảm của các bạn đã vượt qua nỗi sợ hãi này và thông qua cuộc phiêu lưu dũng cảm của các bạn, con người đã tiến thêm một bước để hiểu biết nhiều hơn về vũ trụ; như cách nói của ông, thưa ông Armstrong, ‘một bước nhảy vọt khổng lồ của nhân loại.’”

Cuộc rước lễ trên mặt trăng của Buzz Aldrin

Sứ mệnh Apollo 11 bao gồm một Ki-tô hữu nhiệt thành trong con người của Edwin Aldrin - thường được gọi là Buzz Aldrin, nguồn cảm hứng cho nhân vật Buzz Lightyear trong Toy Story - người từng là phó tế của Nhà thờ Trưởng lão. Được thúc đẩy bởi đức tin sâu sắc, anh đã rước lễ bằng bánh và rượu trong một nghi lễ bản thân kín đáo ngay sau khi đặt chân lên mặt trăng, sử dụng một bộ dụng cụ được mục sư giao cho anh. (Lưu ý: Giáo hội Trưởng lão không chia sẻ cách hiểu của Giáo Hội Công Giáo về Bí tích Thánh Thể như sự Hiện diện Thực sự của Chúa Kitô thông qua việc biến thể, vì vậy đây không phải là một sự hiệp lễ bí tích theo quan điểm của Giáo hội.)

Nghi lễ tôn giáo này không được NASA phát sóng vì nó nằm ngoài phạm vi khoa học hợp pháp hóa nguồn tài trợ công cho sứ mệnh, nhưng Buzz Aldrin đã công khai mô tả các hoạt động tôn giáo của mình một năm sau đó, tuyên bố: “Thật thú vị khi nghĩ rằng chất lỏng đầu tiên từng được đổ xuống mặt trăng, và thức ăn đầu tiên được ăn ở đó là các yếu tố hiệp lễ.”

Một thánh vịnh trong không gian

Từ mô-đun mặt trăng, trở lại không gian, phi hành gia cũng trích dẫn - lần này là trên truyền hình trực tiếp - đoạn này từ Thánh vịnh 8: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?”

Khoảnh khắc này đã đánh dấu số phận của một người đàn ông có tuổi thơ không chỉ được đánh dấu bằng sinh hoạt hướng đạo mà còn bởi chứng nghiện rượu của mẹ anh, người có tên thời con gái, thật đáng ngạc nhiên, là Marion Moon.

Vẫn rất nổi tiếng ở Mỹ, Buzz Aldrin, 94 tuổi, hiện là người duy nhất sống sót trong sứ mệnh Apollo 11, sau cái chết của Neil Armstrong năm 2012 và Michael Collins năm 2021.