Xem hình

Tối thứ Bảy ngày 4 tháng 5 vừa qua, một buổi văn nghệ thật đặc biệt được tổ chức tại hội trường Th. An Phong của Gx ĐMHCG, Garland, TX.

Đi đến vào lúc 6:45pm chiều, 15 phút trước giờ bắt đầu, thì 4 sân đậu xe đã chật kín! tôi phải chật vật lắm và nhờ cái may có thẻ Handicap của bà xã, nên tôi tìm được một chổ dành cho người tàn tật.

Nhưng khi bước vào hội trường thì thật là bất ngờ...hội trường còn vắng tanh!

Hôm nay là chiều thứ Bảy đầu tháng, mà tháng Năm lại là tháng dâng hoa kính Đức Mẹ, cho nên người ta đi lễ đông lắm, thêm vào là 1 đoàn dâng hoa gần 100 em, kéo theo bằng ngần ấy số gia đình đi tháp tùng, cho nên các bãi đầu xe mà có chật thì là cũng là phải, và đó cũng là điều mà anh trưởng ban tổ chức Đặng Hiếu Sinh đã ưu tư vì không thể dành lấy 1 khu đậu xe riêng cho quan khách được.

Quan sát cái hội trường rộng thêng thang, tôi bỗng nhận ra rằng các anh em thiện nguyện đã phải bỏ ra nhiều công sức lắm mới có thể biến nó thành một khoảng không gian thâm mật ấm cúng như thế này. Ban tổ chức muốn thiết kế hội trường thành một khoảng sân vuông, ghế ngồi xếp theo hình bán nguyệt và qui hướng về một tâm điểm nằm ở giữa.

Mãi đến 7:30 quan khách mới lác đác đến hội trường được và giờ khai mạc đã phải chờ sau khi cha xứ là LM Phanxicô Assisi Đặng Phước Hòa, CSsR, kết thúc các công việc mục tử thông thường sau mỗi buổi lễ, đến vào lúc 8:00 chiều.

Xem bộ hình chi tiết đêm văn nghệ của nhiếp ảnh gia Lê Phước

Buổi văn nghệ hôm nay có mục giới thiệu một số tác phẩm của cha Hòa đã sáng tác từ thời gian dự tu cho đến nay, không hoàn toàn là những bản Thánh Ca, nhưng đều qui hướng về một lý tưởng Tận Hiến.

Rất ít người đã biết về việc Cha Hòa là tác giả của nhiều tác phẩm âm nhạc, bởi vì Ngài không quảng cáo và lại dùng tới hai bút hiệu là ‘Hạ Đăng’ và ‘Hoa Đăng’...có lẽ bây giờ mới là buổi văn nghệ đầu tiên để quảng bá cho các tác phẩm ấy.

Hai bút hiệu ‘Hạ Đăng’ và ‘Hoa Đăng’ thì có ý nghĩa gì? và bút hiệu nào hay hơn? Xin mạn phép để dành như là một ‘bí mật’ và sẽ được ‘bật mí’ vào cuối bài này. Bây giờ thì chúng tôi xin thông báo là những tác phẩm ấy đã được lưu hành khá lâu trên trang mạng thanhcavietnam.net, thí du như các bài sau đây:

Bài Ca Nơi Lưu Đày

Chỉ Là Phù Hoa

Chúa Ở Đâu Bây Giờ?

Dụ Ngôn Của Người Ra Đi

Lễ Vật Sống Động

Mong Tìm Gặp Ngài


Trong buổi văn nghệ, các anh MC Võ tích và Vũ Học đã trình bày cho khán giả biết về các động lực và hoàn cảnh của từng bài hát, được các Ca sĩ ‘thượng thặng’ của nhiều Ca Đoàn trong giáo xứ trình bày, nhiều lần cha Hòa đã được mời lên để ‘san sẻ’ về các cảm nghiệm ‘sống’ khi sáng tác các bài hát ấy.

Bây giờ chúng tôi xin trở lại việc ‘bật mí’ hai bút hiệu ‘Hạ Đăng’ và ‘Hoa Đăng’.

‘Thực ra chẳng có ý nghĩ sâu xa gì, đó chỉ là việc dùng tên của mình bằng cách bỏ dấu đi mà thôi,’ theo lời Cha Hòa cho biết.

Nhưng theo thiển ý của tôi thì cả hai bút hiệu ấy đều có nhiều ý nghĩa sâu xa lắm!

Đây nhé, Đăng có nghĩa là chiếc đèn, ngụ ý ‘Lời Chúa là đèn soi bước con đi’ (Tv 119, 105)

Bút hiệu ‘Hạ Đăng’ mang ý nghĩa khiêm nhường, rất thích hợp với tinh thần của thánh Phanxicô Assisi là vị thánh bổn mạng của tác giả.

Còn bút hiệu ‘Hoa Đăng’?

Xin thưa là đèn hoa. Có hai loại, đèn nước (water lantern) và đèn trời (sky lantern). Cả hai loại đèn đều được người ta dùng để đưa những lời nguyện ước lên cõi linh thiêng.

Đèn nước thông dụng ở VN, nhất là vào các ngày lễ báo hiếu. Ngày nay với kỹ nghệ du lịch, du khách có thể đi xem các buổi hội hoa đăng ở Hội An vào các đêm trăng rằm, hoặc thả ‘hoa đăng’ trên sông Hương khi đi du ngoạn trên các ‘tour Thuyền Rồng’ ở Huế.

Đèn trời vì dễ gây hỏa hoạn nên bị cấm khắp nơi, ngoại trừ một số nơi như Chiang Mai Thái Lan, hoặc ở làng Pingxi cách Taipei (Đài Bắc) Đài Loan 1 giờ xe. Với chỉ 3 Đô La, trong mọi ngày dù trời mưa hay nắng, du khách có thể mua một chiếc đèn lồng khổng lồ, viết đầy khắp 4 mặt của chiếc lồng với hàng trăm lời ước nguyện, và thả chúng lên trời...

Sau cùng thì, hai bút hiệu ‘Hạ Đăng’ và ‘Hoa Đăng’, bút hiệu nào hay hơn nhỉ?

Câu trả lời thì tùy mỗi người, nhưng rõ ràng Cha Hòa đã chọn rồi...Ngài chọn ‘Hoa Đăng’ thay thế cho ‘Hạ Đăng’ mà.