Chương 5: Nền thần học đổi mới và nền văn hóa hiện đại, tiếp theo



Joseph Ratzinger (Bênêđictô XVI)

Cả thế giới giờ đây biết đến Joseph Ratzinger với tư cách là Giáo hoàng Bênêđíctô XVI. Nhưng ít ai biết rằng trước đó ngài đã có hai hy sinh bản thân—đầu tiên, đồng ý với lời yêu cầu của Đức Phaolô VI để trở thành tổng giám mục của Munich và Freising (thánh địa lịch sử ở Bavaria, quê hương của ngài, do Thánh Boniface thành lập năm 739) và sau đó, chấp nhận lời mời của Đức Gioan Phaolô II để trở thành bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin ở Rôma—Ratzinger là một nhà thần học có năng khiếu và là một người tự nhiên yêu thích đời sống trí thức. Ngay cả sau nhiều năm giữ các chức vụ hành chánh đầy đòi hỏi trong Giáo hội, các giảng khóa, bài phát biểu và bài viết của ngài đều mang dấu ấn không thể nhầm lẫn của một bộ óc mạnh mẽ và có tầm nhìn rộng dài. Mặc dù nhiều người chỉ công nhận nhà thần học đáng chú ý này khi các tác phẩm đồ sộ và có phạm vi rộng của ngài xuất hiện kể từ khi được bầu làm giáo hoàng, nhưng vị trí của ngài trong cung thần học của thế kỷ 20 sẽ chỉ trở nên rõ ràng và được bảo đảm hơn khi thời gian trôi qua.



Nhà thần học và vị giáo hoàng tương lai sinh ngày 16 tháng 4 năm 1927, và đã trải qua những năm đầu đời đắm chìm trong tôn giáo và văn hóa đại chúng của xứ Bavaria cổ kính. Ngài từng viết một cách cảm động về các lễ hội tôn giáo mà ngài đã trải qua khi còn nhỏ, kết nối một trong số chúng với một dòng trong bài thánh ca của Thánh Tôma, Quantum potes, tantum aude (“Có thể bao nhiêu hãy dám bấy nhiêu”):

“Tôi vẫn có thể ngửi thấy mùi của những thảm họa đó và sự tươi mát của những cây bạch dương; tôi có thể thấy tất cả những ngôi nhà được trang trí, những biểu ngữ, ca hát; tôi vẫn có thể nghe thấy ban nhạc của làng, trong dịp này, đôi khi thực sự dám nhiều hơn những gì nó có thể! Tôi nhớ niềm vui sống của những chàng trai địa phương, họ nổ súng chào — đó là cách họ chào đón Chúa Kitô với tư cách là nguyên thủ quốc gia, với tư cách là Nguyên thủ quốc gia, Chúa tể của thế giới, hiện diện trên đường phố và làng mạc của họ. Vào ngày này, người ta cử hành sự hiện diện vĩnh viễn của Chúa Kitô như thể đó là một chuyến viếng thăm cấp nhà nước trong đó ngay cả ngôi làng nhỏ nhất cũng không bị làm ngơ.” (59)

Đối với nhiều người vào thời đó, những thực hành tôn giáo bình dân này sẽ được coi là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, chúng đã thâm nhập sâu sắc vào vị giáo hoàng tương lai, và sự gắn bó của ngài với phụng vụ rõ ràng bắt nguồn từ những năm đầu đời: “Đương nhiên, đứa trẻ mà khi đó tôi là không nắm bắt được mọi khía cạnh của điều này, nhưng tôi đã bắt đầu bước vào con đường phụng vụ, và điều này đã trở thành một diễn trình phát triển liên tục thành một thực tại vĩ đại vượt quá tất cả các cá nhân và thế hệ đặc thù, một thực tại đã trở thành cơ hội cho tôi khám phá và kinh ngạc luôn mới mẻ.” (60)

Mặt tương đối điền viên thôn dã này của tuổi trẻ ngài đã sớm bị phá vỡ bởi các thế lực bắt đầu len lỏi vào Bavaria với sự trỗi dậy của Chủ nghĩa xã hội quốc gia. Ratzinger nhập ngũ năm mười sáu tuổi và miễn cưỡng phục vụ hai năm trong quân đội Đức cho đến khi bị quân Mỹ xâm lược bắt giữ. Kể từ đó, ngài thường nói rằng ngài đã học được rất nhiều điều từ việc Đức Quốc xã tiếp quản nước Đức, đặc biệt là sự bất lực của thần học cấp tiến Kitô giáo trong việc phản kháng những cuộc tấn công dữ dội như vậy. Ngài mô tả cách một giáo viên Đức Quốc xã ở quê hương ngài từng dựng một Cây nêu ngày 1 tháng Năm (Maypole)

“như biểu tượng của một lực sống không ngừng đổi mới chính nó. Cây Nêu này được cho là sẽ mang trở lại một phần tôn giáo Đức và do đó giúp dần dần trục xuất Kitô giáo, hiện bị tố cáo là khiến người Đức xa lánh nền văn hóa Đức vĩ đại của họ. Ông cũng tổ chức các lễ hội mặt trời giữa mùa hè, một lần nữa như một sự quay trở lại với tính thánh thiêng của thiên nhiên và nguồn gốc của người Đức, để thay thế các ý niệm xa lạ như tội lỗi và cứu chuộc đã được tôn giáo Do Thái và La Mã ngoại nhập áp đặt lên chúng ta. Ngày nay, khi tôi nghe rằng ở nhiều nơi trên thế giới, Kitô giáo bị chỉ trích là phá hủy bản sắc văn hóa cá nhân và áp đặt các giá trị châu Âu, tôi ngạc nhiên về mức độ giống nhau của các kiểu lập luận và mức độ quen thuộc của nhiều cụm từ.” (61)

Những biến cố sớm sủa này đã để lại dấu ấn đối với ngài, cho thấy khả năng kỳ diệu của ngài trong việc tích hợp suy nghĩ và kinh nghiệm thành một tổng thể. Trong chủng viện, ngài bị thu hút mạnh mẽ nhất bởi tác phẩm của Romano Guardini, Josef Pieper, Theodor Häcker và Peter Wust. Ngài cũng bình luận về sự hiện diện đạo đức của Đức Hồng Y Faulhaber ở Munich, một trong những giáo phẩm vĩ đại chống lại chủ nghĩa Quốc xã. Không phải chỉ có công trình triết học và thần học của Đức Gioan Phaolô II đã bị ảnh hưởng bởi những tội ác của thế kỷ XX.

Một số sợi chỉ xuyên suốt đã xuất hiện sớm trong suy nghĩ của Ratzinger. Thần học thực hiện trong Giáo hội cần phải giữ cho thần học lịch sử và thần học hệ thống liên kết với nhau, theo đuổi việc xem xét cẩn thận hồ sơ lịch sử, đặc biệt là sự trở lại với các Giáo phụ. Và ngay từ đầu, ngài đã biểu lộ một khuynh hướng mạnh mẽ đối với khía cạnh Augustinô và chủ nghĩa nhân vị trong thần học Công Giáo. Như ngài đã viết vài năm sau đó vào năm 1969: “Thánh Augustinô đã bầu bạn với tôi hơn hai mươi năm. Tôi đã khai triển nền thần học của mình trong cuộc đối thoại với Thánh Augustinô, mặc dù theo lẽ tự nhiên, tôi đã cố gắng tiến hành cuộc đối thoại này như một sinh viên và sau đó như một giáo sư cách là một con người của ngày hôm nay.” (62) Đây là đường hướng căn bản được ngài theo đuổi như một sinh viên và sau đó như một giáo sư tại Bonn, Münster, Tübingen và Regensburg —và quá những nơi này.

Người ta thường nói rằng Ratzinger khởi đầu là một người cấp tiến, nhưng sau Công đồng Vatican II, ngày càng trở nên bảo thủ. Điều này đóng khung tư tưởng của ngài trong các loại phạm trù chính trị không đặc biệt hữu ích trong việc hiểu một bộ óc tinh tế như vậy và xuyên tạc tính liên tục sâu xa trong tư tưởng cũng như bản chất căn bản của ngài. Không hề là “Rottweiler [chó săn] của Thiên Chúa” hay der Panzer-Kardinal [Hồng Y xe tăng quốc xã], như đôi khi ngài bị các nhà phê bình mô tả, Ratzinger hầu như, ở mọi nơi, đều biểu lộ một tính khí rất ôn hòa sẵn sàng đối thoại với những quan điểm khác, như ngay cả những sinh viên đại học cấp tiến nhất của ngài cũng đã chứng thực. Ngài rất nhiệt tình về việc đổi mới trước và trong Công đồng vì những thiện cảm căn bản, suốt đời của ngài với một đạo Công Giáo mục vụ bắt nguồn từ Kinh thánh và các Giáo phụ hơn là học thuyết Tôma đôi khi cứng ngắc của các chủng viện. Nhưng ngài trở nên thất vọng với nhiều điều - mặc dù không phải tất cả - từng xuất hiện sau Công đồng Vatican II; đây là vấn đề ngài đánh giá thực nghiệm những gì lúc ấy đang xảy ra trong Giáo hội, một điều hoàn toàn khác với sự thay đổi trong lập trường thần học của ngài. Thật vậy, như trong nhận xét của ngài về cuộc đối thoại của ngài với Thánh Augustinô đã trích dẫn ở trên, điều đáng chú ý nhất trong tác phẩm của Ratzinger là sự kiên định trung thành với một số trào lưu thần học và việc áp dụng chúng một cách khéo léo vào các vấn đề và tranh cãi đương thời.

Giống như nhiều nhà thần học đổi mới khác trong tiền bán thế kỷ 20, Ratzinger nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện thần học trong thực tại lịch sử sống động của Kitô giáo, tức Giáo hội, đồng thời theo dõi những phát triển hiện đại trong nền học thuật Kinh thánh. Ngài đã sớm bác bỏ cách tiếp cận được ngài gọi là “chủ nghĩa cấp tiến bị tín điều hạn chế”, (63) theo chân Guardini và các nhà tư tưởng đổi mới khác trước Công đồng rất lâu trong việc cố gắng tìm kiếm trong chính tín điều một nguyên tắc sống động, năng động: “Tín điều được quan niệm, không phải như một gông cùm bên ngoài, mà là nguồn sống làm cho nhận thức trở nên khả hữu.” (64)

Cuốn sách đầu tiên của ngài (1954) là Volk und Haus Gottes in Augustus Lehre von der Kirche (Dân và nhà Thiên Chúa trong học thuyết của Thánh Augustinô về Giáo hội), tựa đề do giáo sư Gottlieb Söhngen đề xuất cho một cuộc thi giải thưởng học thuật. Ratzinger háo hức hưởng ứng chủ đề này. Sự nhấn mạnh tới việc chính Thiên Chúa lập ra Giáo hội cho thấy việc đặt một Ratzinger “cấp tiến” thời kỳ đầu kình chống một Ratzinger bảo thủ sau này không phù hợp với bản chất thực sự của các lập trường trước công đồng của ngài. Ngài tìm thấy nơi Thánh Augustinô buổi đầu một mô hình suy nghĩ bên trong đời sống chung của Giáo hội như trái ngược với những suy đoán của một tâm trí đơn độc nào đó về thế giới hiện đại. Theo quan điểm của ngài, khiêm tốn và thừa nhận thẩm quyền thích đáng là hai đức tính không thể không có nơi mọi Kitô hữu chân chính, cả hai đức tính này đều đến với chúng ta dưới hình thức lịch sử, y như cuộc sống bản thân thuở ban đầu của chúng ta được thành hình bởi những điều thực sự xẩy ra cho các gia đình cá thể của chúng ta. Khi đọc về Thánh Augustinô, Ratzinger coi các cơ cấu có thẩm quyền của Giáo hội hữu hình là một với Thánh Thần bên trong, cũng như người dân và giáo sĩ. Ở đây, Ratzinger người xứ Bavaria gặp Ratzinger nhà tư tưởng lỗi lạc.

Ngay từ đầu, caritas [đức ái] (chủ đề của thông điệp đầu tiên của ngài trong tư cách giáo hoàng) được coi là có mối quan hệ chặt chẽ với chân lý và tình huynh đệ giáo hội trong phần trình bày của Ratzinger về Thánh Augustinô. Thật vậy, Ratzinger đi xa đến mức cho thấy chúng ta bỏ lỡ điều gì đó nếu chúng ta coi những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo chỉ là một cuộc đối thoại giữa Kinh thánh và văn hóa Hy Lạp. Rôma, với ý thức tổ chức thực tế và tầm quan trọng của thông luật [common laws], cũng có ý nghĩa trí thức liên tục. Nhưng caritas vượt trội tất cả.

Mối quan tâm duy trì bản chất lịch sử cụ thể của Kitô giáo này trong tiếp xúc trực tiếp với thần học suy lý được tiếp tục trong cuốn sách tiếp theo của Ratzinger, The Theology of History in St. Bonaventura [Thần học Lịch sử trong Thánh Bonaventura], (65) tập chú vào các bài giảng của Thánh Bonaventura về sáu ngày sáng thế (Collationes in Hexaemeron [Các Bài nói về Sáu ngày]). Mặc dù ngài cố gắng giải quyết vấn đề trí thức về việc tích hợp lịch sử cứu độ và siêu hình học, nhưng ngài cũng có thể nhìn thấy trước trong việc Thánh Bonaventura xử lý nền linh đạo triệt để của những tu sĩ Phanxicô đệ tử của Joachim thành Fiore, một cách giải quyết các trào lưu đương thời chỉ mới xuất hiện đầy đủ với Công đồng Vatican II. Các đệ tử của Joachim có tiếng tin rằng Giáo hội và thế giới đang bước vào Thời đại Thứ ba của Chúa Thánh Thần, một kiểu hiện hữu không tưởng hoàn toàn mới sẽ biểu thị sự đoạn tuyệt triệt để với quá khứ. Thay vì đơn thuần bác bỏ những anh em Phanxicô này, Thánh Bonaventura đã thực hiện một động thái khéo léo là chấp nhận rằng một thời đại mới của Chúa Thánh Thần đã bắt đầu với các Thánh Phanxicô và Đaminh, nhưng Thánh Bonaventura nói, điều này thể hiện một sự liên tục, chứ không phải là một sự đoạn tuyệt với những gì đã xuất hiện trước đó. Viết vào năm 1959, Ratzinger mô tả một viễn kiến về những gì ngài tìm thấy nơi Thánh Bonaventura sẽ làm ngài hữu ích trong suốt thời kỳ công đồng và lâu dài sau đó:

“Kinh thánh chỉ về tương lai; nhưng chỉ người đã hiểu quá khứ mới có thể hiểu được cách giải thích tương lai bởi vì toàn bộ lịch sử phát triển theo một dòng ý nghĩa không gián đoạn trong đó điều sắp đến có thể được nắm bắt trong hiện tại trên cơ sở của quá khứ.... Bằng cách này, việc chú giải Thánh Kinh trở thành một thần học về lịch sử; việc làm sáng tỏ quá khứ dẫn đến lời tiên tri liên quan đến tương lai.” (66)

Và, trong cách hiểu của Ratzinger, sự nhấn mạnh về tính liên tục này cũng được kết hợp với việc đánh giá cao Thánh Phanxicô một cách đặc biệt như một người nghèo khó khiêm tốn, người hiểu biết về những điều thiêng liêng hơn các tiến sĩ uyên bác nhất vì tình yêu lớn lao của ngài đối với Thiên Chúa. Ratzinger sau đó đã bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với Thánh Tôma Aquinô, nhưng điều rõ ràng là bản thân ngài đồng điệu hơn với các phương thức Phanxicô và Bonaventura và hoan nghênh các nghiên cứu lịch sử đã phục hồi các chiều kích Tân Platông và Augustinô của tất cả các tác giả Kinh viện, kể cả Tiến sĩ Thiên thần. Sẽ không quá lời khi nói rằng Ratzinger đang khám phá cách suy nghĩ bên trong Giáo hội mà ngài nghĩ là cần thiết nhất. Việc suy nghĩ nên tập chú vào Chúa Kitô, hơn là vào triết học và thần học được thực hiện theo lối hiện đại thông thường sử dụng suy lý độc lập, một điều sau đó, bằng cách nào đó phải tìm cách phù hợp với lịch sử cứu độ và thực tế sống động của Giáo hội.

Tất nhiên, tại Công đồng Vatican II, nhiều chủ đề trong số này đã trở thành tâm điểm trong Giáo hội nói chung. Ratzinger là một peritus, một chuyên gia thần học, được Hồng Y Josef Frings, tổng giám mục Cologne, mời tham dự - mặc dù ngài mới ba mươi lăm tuổi khi Công đồng khai mạc. Sau mỗi buổi họp, ngài viết các tiểu luận có tính phân tích cung cấp một cửa sổ dẫn vào suy nghĩ của ngài về những gì đã xảy ra, và tất nhiên ngài quay lại chủ đề này nhiều lần trong những năm sau đó. Phiên họp đầu tiên ngài nghĩ rất thích hợp dành cho phụng vụ, một yếu tố cũng rất trung tâm trong tư tưởng của Ratzinger, đến nỗi vào năm 2008, khi toàn bộ tác phẩm của ngài bắt đầu được xuất bản, tập đầu tiên đã cố ý thu thập nhiều bài viết khác nhau về phụng vụ. Quay trở lại năm 1963, ngài đã mô tả phụng vụ là “suối nguồn thực sự của Giáo hội và do đó là điểm khởi đầu đích thực của mọi sự đổi mới”. (67) Mặc dù sau đó, ngài thường bày tỏ sự thất vọng không biết việc “đổi mới” phụng vụ sẽ kết cục ở đâu, nhưng thoạt đầu ngài rất nhiệt tình đối với cách tiếp cận tổng thể, dường như ít tập trung vào việc chỉ đơn thuần chống lại “thuyết duy hiện đại” như trước đây và tự tin hơn trong việc tìm kiếm những cách mới để trình bày các chân lý cũ, thậm chí đôi khi không tuyệt đối tuân giữ tiếng Latinh trong cả trong phụng vụ lẫn học hành.

Ngài cũng có quan điểm tương tự đối với cuộc thảo luận về mạc khải, một mối quan tâm lâu đời khác đã dẫn đến bài bình luận (68) của ngài về văn kiện Dei Verbum và đáng chú ý nhất là cuốn Chúa Giêsu thành Nadarét (Jesus of Nazareth) năm 2007 của ngài. Nhưng ở cả hai chỗ, ngài cũng tỏ ra cảnh giác đối với xu hướng để cho sự lạc quan lướt thắng cảm thức cũ hơn, thực tế hơn của Công Giáo đối với mặt tối của cuộc sống con người. Trong một số nhận xét có tính tiên tri trong bài bình luận năm 1969 về Dei Verbum, ngài ghi nhận sự thiếu chú ý tới khái niệm “cơn giận” của Thiên Chúa, một sự đúc khuôn lại toàn bộ lịch sử cứu độ thời hiện đại khiến người ta khó hiểu tại sao cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô trên Thập giá lại cần phải xảy ra và chuyển toàn bộ bi kịch của con người ra khỏi những chân lý trung tâm của Kitô giáo vốn đã có mặt ngay từ những ngày đầu. Ngài vẫn nghĩ rằng văn kiện này khá có giá trị, nhưng kết luận rằng—như với thần học tự do mà chúng ta đã lưu ý ở trên—trừ khi Kinh thánh được đọc trong Giáo hội, nó sẽ có xu hướng rơi vào các cực đoan của chủ nghĩa văn tự hoặc, trong những cuộc tranh luận học thuật không bao giờ kết thúc, rơi vào một thuyết duy hiện đại trống rỗng.

Và có một vấn đề căn bản, có lẽ ít với Dei Verbum cho bằng với ấn tượng mà cách nào đó, Công đồng đã để lại, cho rằng không nên dạy điều gì “mà không được minh nhiên chứa đựng trong Kinh thánh”:

“Trên thực tế, lý thuyết mới này có nghĩa là khoa chú giải giờ đây phải trở thành thẩm quyền cao nhất trong Giáo hội; và vì, theo bản chất của lý trí con người và công trình lịch sử, không thể mong đợi sự đồng thuận giữa những nhà giải thích trong trường hợp có những bản văn khó hiểu như vậy (vì ở đây những định kiến được thừa nhận hoặc không được thừa nhận luôn hoạt động), tất cả những điều này có nghĩa là đức tin phải rút lui vào khu vực thay đổi bất định và liên tục, vốn là đặc trưng của các giả thuyết lịch sử hoặc có thể trở thành có tính lịch sử. Nói cách khác, giờ đây tin tưởng đồng nghĩa với việc có ý kiến và cần được xem xét lại liên tục.” (69)

Tính chừng mực và cảm thức quân bình tự nhiên của Ratzinger biểu lộ rõ ràng trong các nhận xét của ngài về phiên họp thứ hai của Công đồng, phần lớn đề cập đến Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Lumen Gentium. Ngài đánh giá cao vai trò của các giám mục, đặc biệt là trong sự hiệp thông với giám mục Rôma, và tầm quan trọng của giám mục Rôma trong việc giúp bảo vệ quyền tự do của các giám mục khác, đặc biệt là khi các điều kiện địa phương hoặc quốc gia đè nặng lên Giáo hội—một hiện tượng hiện nay khá quen thuộc với chúng ta trong cả các quốc gia độc tài lẫn dân chủ tự do. Các phiên họp sau đó của Công đồng dường như đã truyền cảm hứng cho ngài ở mức độ thấp hơn, có lẽ vì một số thế lực chẳng bao lâu nữa sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn trong Giáo hội đã bắt đầu lộ diện. Thật vậy, ngài phàn nàn về Gaudium et Spes, văn kiện về Giáo hội trong thế giới hiện đại, cho rằng nó mơ hồ đến mức gần giống với bất cứ suy tư chung nào về đạo đức, “trong khi những gì thích đáng đối với thần học, với diễn ngôn về Chúa Kitô và công việc của Người, đã bị bỏ lại phía sau trong tình trạng đóng băng sâu xa về mặt khái niệm, và như vậy được phép xuất hiện, trái ngược với phần dễ hiểu, thậm chí bất khả niệm và lỗi thời hơn”. (70) Ngài viết tiếp, ơn cứu rỗi dường như dư thừa bởi vì, theo cách trình bày như thế, con người dường như hoàn toàn có khả năng sống một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc mà không cần bận tâm đến những vấn đề như vậy. Thật vậy, văn kiện có thể để lại ấn tượng cho rằng người ta có thể nghi ngờ các vấn đề tôn giáo, trong khi chắc chắn về cách giải quyết các vấn đề thế gian. Thái độ này không thể không làm giảm đi lòng nhiệt thành truyền giáo cũ và làm cho các giá trị thế tục hiện đại trở thành thước đo của Kitô giáo chân chính. Thật vậy, vết rạn nứt đã mở ra vào cuối Công đồng, đặt Giáo Hội tiền công đồng chống lại Giáo hội hậu công đồng. Ratzinger từng cảnh cáo: “Chúng ta không được quên rằng Giáo hội vẫn là Giáo hội của mọi thời đại. Trong tất cả các thế hệ, con đường của Tin Mừng có thể được tìm thấy nơi Giáo Hội, và quả đã được tìm thấy ở đó.” (71)

Tuy nhiên, ngay trước khi Công đồng kết thúc, Ratzinger đã bắt đầu thực hiện một loạt giảng khóa tại Tübingen về Kinh Tin Kính, mà cuối cùng biến thành cuốn Einführung in das Christentum: Vorlesungen über das apostolische Glaubensbekenntnis (Dẫn nhập vào Kitô giáo). (72) Không chỉ là một bài trình bày đơn thuần, cuốn sách còn là một cuốn hộ giáo xuất sắc, khéo léo trình bày các lập luận hiện đại chống lại các điều khoản chuyên biệt của Kinh Tin kính—và chống lại bất cứ niềm tin nào—và thậm chí còn trả lời chúng một cách khéo léo hơn. (Đây chỉ là phần “dẫn nhập” theo cùng một nghĩa cao siêu như Tổng Luận Thần Học [Summa Theologiae] của Thánh Tôma Aquinô vốn được tác giả dự định dành cho “những người mới bắt đầu”.) Ngài nhận ra tai tiếng của tính “tích cực” mà Kitô giáo đưa ra so với các nền linh đạo mơ hồ của phương Đông (bảo vệ một điều chuyên biệt là điều khó khăn hơn). Và ngài ghi nhận xu hướng, trong trường hợp thiếu tin tưởng vào lịch sử cứu độ, thiên về những điều sẽ trở thành một dự án của đời này, cho dù có bản chất bảo thủ hay cấp tiến.

Và đặc biệt, ngài nhấn mạnh việc Kitô giáo không phải là một tập hợp các học thuyết mà là một “con đường” mang tính cộng đồng—và tính Giáo hội—:

“Cộng đồng với đồng loại của mình là một thực tại nằm trên một bình diện khác với bình diện của “ý niệm” đơn thuần. Nếu chủ nghĩa Platông cung cấp một ý tưởng về sự thật, thì niềm tin Kitô giáo cung ứng sự thật như một con đường, và chỉ bằng cách trở thành một con đường, nó mới trở thành sự thật của con người. Sự thật như một tri nhận đơn thuần, như một ý tưởng đơn thuần, mãi mãi không có sức mạnh; nó chỉ trở thành chân lý của con người như một con đường đòi họ nên và phải bước đi trên đó.” (73)

Mọi thực tại, bao gồm cả Chúa Ba Ngôi, đều có một yếu tố tương quan. Đồng thời, Thiên Chúa Ba Ngôi siêu việt, mà nhiều người cho rằng nằm ngoài tầm nhận thức và quan tâm của chúng ta, cung cấp một con đường không phải là một dự án chính trị thuộc bất cứ hình thức nào, thực sự như thế, đứng phán xét mọi mệnh lệnh chính trị. Ratzinger quả quyết rằng chúng ta phải thực thi một sự khiêm tốn cần thiết khi nói về mầu nhiệm này nhưng cũng phải tin tưởng rằng Thiên Chúa Cha đã tự tỏ mình ra cho chúng ta qua mạc khải theo những cách mà chính chúng ta không tự mình đạt tới được, một điểm giống như những chủ trương tương tự nơi von Balthasar, như chúng ta đã thấy trên đây. Nhưng phương thức tự biểu lộ đó - Chúa Giêsu trong tư cách vừa là người mang thông điệp vừa là chính thông điệp - đã kết hợp, trong con người của Người, lịch sử và đức tin. Và Chúa Thánh Thần mãi hiện diện trong Giáo hội – bất chấp Chúa Thánh Thần có thể bất toàn theo cách hiểu của con người - thực sự, tự tỏ mình ra trong cuộc sống hàng ngày của dân Chúa Kitô hơn là trong các dự án cải cách và đổi mới lớn lao của Giáo hội.

Đằng sau quan điểm này, người ta dễ phát hiện ra sự thất vọng của Ratzinger trước những diễn biến vào khoảng năm 1968 trong Giáo hội, đại học và thế giới. Một số điểm khác biệt trước đây của ngài với những nhân vật như Karl Rahner trở nên sắc nét hơn khi bản thân Rahner chuyển từ thần học của Bultmann và triết học của Heidegger - lập trường duy hiện sinh của giữa thế kỷ - sang chính trị cấp giáp giới với chủ nghĩa Mácxít. Ratzinger phàn nàn về việc biết bao người vẫn giữ lòng nhiệt thành tôn giáo của họ nhưng giờ đây lại bắt nó xa rời khỏi Thiên Chúa và hướng nó tới hoạt động chính trị của con người:

“Cung cách phạm thượng trong đó Thập giá giờ đây bị coi thường như một dấu hiệu của chủ nghĩa thông ác dâm [sadomasochism], thói đạo đức giả mà với nó một số người vẫn tự cho mình là tín hữu khi điều này hữu ích, để không gây nguy hiểm cho các công cụ phục vụ mục đích riêng tư của họ: tất cả những điều này có thể và không nên bị coi là vô hại hoặc được coi chỉ như một cuộc tranh cãi học thuật khác.” (74)

Đây là những phán xét khắc nghiệt khác thường từ một người thường tìm kiếm con đường đối thoại, nhưng bất cứ ai từng sống qua cơn sốt dư luận vào thời đó, và không chỉ trong các vấn đề tôn giáo, sẽ nhận ra sự công bằng của những lời buộc tội.

Năm 1972, Ratzinger được mời tham gia Ủy ban Thần học Quốc tế, nơi ngài, de Lubac, von Balthasar, Louis Bouyer, và những người khác đã làm việc để chống lại việc chính trị hóa thần học. Yves Congar đã cố gắng trở thành một người hòa giải, nhưng đó là một nhiệm vụ bất khả và chẳng mấy chốc đã thất bại: “Những cuộc tranh luận về những gì chúng ta, trong tư cách các nhà thần học, buộc phải làm trong giờ phút quan trọng này đã trở nên cực kỳ sôi nổi và chúng cũng đòi hỏi tất cả năng lực thể chất mà một người có thể sử dụng. [Karl] Rahner và Feiner, nhà đại kết người Thụy Sĩ, cuối cùng đã rời khỏi Ủy ban bởi vì, theo ý kiến của họ, nó vô giá trị vì phần lớn các thành viên của Ủy ban không sẵn sàng ủng hộ các luận điểm cấp tiến.” (75) Thật đáng mừng, nhiều người trong nhóm vẫn ở lại đã thành lập Communio, một tạp chí học thuật hàng tam cá nguyệt được xuất bản bằng mười tám thứ tiếng.

Đáng buồn thay cho Ratzinger, phụng vụ của Giáo hội trước đó đã trải qua một sự thay đổi đột ngột và triệt để với việc xuất bản Sách lễ của Đức Phaolô VI năm 1969 và việc cấm sử dụng Sách lễ trước đó. Ngài coi đây không phải là một diễn trình cải cách phụng vụ thông thường, vốn thường xảy ra trong lịch sử Giáo hội, mà là một sự đoạn tuyệt với quá khứ, một đoạn tuyệt đã truyền tải một thông điệp sai lầm. Nó mang lại một số lợi ích so với đạo Công Giáo thời Baroque mà Ratzinger đã chỉ trích từ lâu, “nhưng đặt nó như một công trình xây dựng mới chống lại những gì đã phát triển trong lịch sử, ngăn cấm các kết quả của sự phát triển lịch sử này, do đó làm cho phụng vụ dường như không còn là một sự phát triển sống động mà là sản phẩm của công việc học thuật và thẩm quyền pháp lý; điều này đã gây ra cho chúng ta thiệt hại to lớn. Vì lúc đó người ta có ấn tượng rằng phụng vụ là một điều gì đó được ‘làm ra’, chứ không phải là điều được ban cho trước.” Và ngài viết tiếp: “Tôi tin chắc rằng cuộc khủng hoảng trong Giáo hội mà chúng ta đang trải qua ngày nay phần lớn là do sự tan rã của phụng vụ, một tan rã đôi khi thậm chí khiến người ta tưởng tượng etsi Deus non daretur [như thể Thiên Chúa không hiện hữu], rằng việc Thiên Chúa có hiện hữu hay không cũng như việc Người có nói với chúng ta và nghe chúng ta hay không cũng không quan trọng.” (76)

Tất nhiên, theo quan điểm của Ratzinger, định hướng đó biểu thị một sự nhấn mạnh quá mức vào Giáo hội như dân Thiên Chúa, một điều, theo một số kiểu tư tưởng hiện đại, đủ dễ dàng rơi vào chỗ coi nhiệm vụ chính của Giáo hội là chính trị. Nhưng đối với Ratzinger, điều này khiến mọi sự trở nên thụt lùi một cách sâu xa. Như ngài viết trong Lễ Đức Tin (Feast of Faith), “Chỉ khi nào con người, mọi người, đứng trước mặt Thiên Chúa và chịu trách nhiệm trước mặt Người, thì con người mới có thể được bảo đảm trong phẩm giá của mình như một hữu thể nhân bản. Do đó, mối quan tâm đến hình thức thờ phượng thích hợp không phải là ngoại vi mà là trung tâm đối với mối quan tâm của chúng ta về chính con người.” (77) Bằng những cụm từ gợi nhớ đến một số quan điểm căn bản của von Balthasar, Ratzinger đã nói về việc học ngôn ngữ phụng vụ từ Mẹ của chúng ta là Giáo hội. Và ngài đã theo Romano Guardini khi nói rằng phụng vụ phải luôn là sự pha trộn giữa các yếu tố vũ trụ, lịch sử và mầu nhiệm. Việc làm cho phụng vụ trở nên quá bình dân không chỉ làm hỏng các chiều kích của phụng vụ, chẳng hạn như âm nhạc – luôn là mối quan tâm lớn đối với Ratzinger và anh trai của ngài, Georg, một linh mục và nhạc sĩ của Giáo hội – mà còn làm tắt tiếng các chiều kích cấu trúc, sâu sắc đó. Nói quá nhiều, quỳ gối biến mất, và linh mục bị coi thường vì cho là “quay lưng lại với giáo dân”—thực ra là một sự hiểu sai về mặt xã hội học đối với tập tục lâu đời là để tất cả những người tham dự Thánh Thể quay mặt về phía Đông như hình ảnh về sự trở lại của Chúa Phục sinh—là những phương thức mà việc bình dân hóa sai lầm này đã tự biểu lộ. Và hậu quả tổng thể là đánh đổi chiều kích siêu việt của con người, điều mà rất nhiều người trong thế giới hiện đại tìm kiếm, để lấy một cảm thức nông cạn về cộng đồng.

Ratzinger được Đức Phaolô VI yêu cầu trở thành tổng giám mục của Munich-Freising vào năm 1977 và bốn năm sau được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin - Văn phòng Thánh, như đã từng được gọi - với trách nhiệm định chế giám sát những gì thuộc về bên trong và bên ngoài niềm tin Công Giáo. Điều này đòi hỏi rất nhiều sự khéo léo từ phía ngài, nhưng cũng có những ứng dụng của giáo hội học rất phức tạp mà ngài đã phát triển trong nhiều năm, một giáo hội học tôn trọng cả chiều kích dân Chúa cũng như vai trò không thể thiếu của các giám mục trong các Giáo Hội địa phương và vị trí hoàn cầu của Đức Giáo Hoàng trong việc đại diện và giảng dạy chân lý của Chúa Kitô. Chẳng hạn, Ratzinger nhắc nhở mọi người rằng Lumen Gentium, những từ đầu tiên của Hiến chế công đồng về Giáo hội, không biến Giáo hội thành ánh sáng thế gian, mà là Chúa Kitô (Lumen gentium cum sit Christus [vì Chúa Kitô là ánh sáng muôn dân]). Để ánh sáng đó tỏa sáng, chúng ta phải nhìn thấy nguồn gốc lịch sử của nó nhưng cũng phải tính đến sự phát triển của nó theo thời gian cho đến hiện tại và tương lai. Đó không phải chỉ là tín lý mà còn là định chế sống—các giám mục là giám mục vì các ngài sống và giảng dạy liên tục với những người đã hoàn thành cùng vai trò trước các ngài.

Và mặc dù Giáo hội sẽ không hoàn hảo và cho đến ngày tận thế mới bước vào Giêrusalem Mới, nhưng Giáo hội nắm giữ những khả thể rộng mở sẽ không được thể hiện trong bất cứ trật tự trần thế nào, dù thánh thiêng hay trần tục. Chính lập trường thần học này, ít nhất đã có từ thời Augustinô, đã đặt Ratzinger Tổng Trưởng chống lại các nền thần học giải phóng trong thập niên 1980. Theo một nghĩa nào đó, ngài đã nhận ra sớm hơn trong tư cách một giáo sư và viên chức đại học vào thập niên 1960: “Tôi đã học được rằng không thể thảo luận với khủng bố và về khủng bố, vì không có tiền đề cho một cuộc thảo luận — và một cuộc thảo luận như vậy trở thành sự hợp tác với khủng bố.... Tôi nghĩ rằng trong những năm đó [thập niên 1960], tôi đã học được việc cuộc thảo luận phải dừng lại ở chỗ nào vì nó đang biến thành dối trá, và phản kháng phải bắt đầu để duy trì tự do”, như ngài nói với Tạp chí New York Times năm 1985. (78) Sự phân biệt lâu đời giữa những điều thuộc Xêda và những điều thuộc Thiên Chúa cũng rất quan trọng bởi vì “nơi nào thiếu tính nhị nguyên như vậy, thì tính toàn bộ, tức là, hệ thống toàn trị là không thể tránh khỏi.” (79)

Trong Giáo hội, hành động cân bằng khó khăn luôn phản ảnh tính đa dạng của các quan điểm—một tính đa dạng được xây dựng trong Tân Ước bởi chính bốn sách Tin Mừng cũng như bởi nhiều cách giải thích tiên tiến về chúng kể từ thời các Giáo phụ-và sự hiệp nhất cần thiết do Chúa Kitô mong muốn. Ngoài ra, trong hoàn cảnh hiện đại, các yếu tố chủ quan và khách quan, lịch sử và vĩnh cửu, tạo nên nhiều thách thức khác nhau mà Giáo hội phải đón nhận mà không đánh mất năng lực truyền giáo của mình như người mang chân lý của Chúa Kitô. Đối với Ratzinger, sau Công đồng Vatican II, chẳng hạn, mối quan hệ nhất thiết giữa việc trở về nguồn (sự trở lại với các nguồn trong Kinh thánh và các Giáo phụ) và cập nhật (aggiornamento, tức việc trình bày lại truyền thống cho thời đại đặc thù của chúng ta) phần lớn đã bị cắt đứt để ủng hộ điều sau, với kết quả là Giáo hội thấy mình hiện diện trên thế giới, nhưng với rất ít điều để nói rằng đó chưa phải là một phần của nền văn hóa xung quanh.

Điều này thể hiện khá rõ ràng trong Báo cáo Ratzinger, một cuộc phỏng vấn dài sau xuất bản thành sách cùng với Vittorio Messori, một cuốn sách đã gây được tiếng vang trên toàn thế giới vào thập niên 1980. Vị tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin khi đó đã nói khá thẳng thắn về nhiều vấn đề mà Giáo hội đang phải đối diện, nhất là sự xáo trộn nội bộ của chính Giáo hội và nhu cầu “tái khám phá” Công đồng Vatican II - nghĩa là đọc nó một cách trung thực hơn. Một phần của khám phá lại đó là nhu cầu đọc lại nhiều quan niệm đương thời về thần học và giáo hội học đã dẫn đến sự rối loạn về thẩm quyền, tín điều thần học và nền luân lý căn bản của Kitô giáo. Ngài cũng có một số quan sát sắc bén về phong trào duy nữ, phụng vụ, đại kết, thần học giải phóng và nhu cầu loan báo Chúa Kitô một lần nữa. Đối với những người đánh giá cao Ratzinger, đây là một luồng gió mới trong thời kỳ khủng hoảng. Đối với những người không thích ngài, điều đó xác nhận điều họ tin là ngài đã từ một người cấp tiến trở thành một người bảo thủ độc đoán.

Nhưng lời tố cáo sau không hoàn toàn công bằng. Trong một số cuốn sách sau đó, đôi khi được tổng hợp từ các bài giảng mà ngài được yêu cầu thực hiện, ngài đã tự biểu lộ như một nhà bình luận sâu rộng và nhạy cảm về mọi điều, từ sinh thái học đến khủng hoảng văn hóa của phương Tây. (80) Ngay một cái nhìn lướt qua vào các bản văn này – vốn tạo nên thành quả kỳ diệu từ một con người lúc đó đang đảm nhận một công việc đòi hỏi khắt khe trong cơ cấu giáo triều Rôma—cho thấy rằng ngài không phải là người bảo thủ theo nghĩa chỉ tìm cách bảo vệ hiện trạng trong Giáo hội hoặc thế giới. Thật vậy, lối suy nghĩ của ngài hoàn toàn trái ngược với kiểu luyến tiếc quá khứ mà một số người Công Giáo bảo thủ vốn biểu lộ. Ratzinger đã thực sự cố gắng suy nghĩ về ý nghĩa của đạo Công Giáo Tin Mừng trong điều kiện hiện đại và hậu hiện đại. Trong những cuộc đối thoại với các nhà trí thức giáo dân như Jürgen Habermas và Marcello Pera, (81) Ratzinger đã cho thấy mình ngang hàng với bất cứ nhà trí thức châu Âu nghiêm túc nào vào thời của ngài. Ngài sở hữu một bộ óc cố gắng suy nghĩ, không thụt lùi mà hướng tới một mùa hưng thịnh mới về văn hóa và tôn giáo.

Khi trở thành giáo hoàng, lập trường này càng rõ rệt hơn. Ngay trước cuộc bầu cử ngài, ngài đã có một bài giảng cho các Hồng Y tập hợp tại mật nghị, trong đó ngài tóm tắt phần lớn những gì ngài đã nói trong hai mươi năm trước. Người ta chú ý nhiều nhất đến một cụm từ duy nhất: “chế độ độc tài duy tương đối”. (82) Năm 2005, vài ngày trước khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, Ratzinger đã có một bài giảng tại tu viện Biển Đức ở Subiaco, trong đó ngài đã khá cởi mở đối với nhiều điều ngoài việc thời hiện đại hiển nhiên thiếu khả năng để tự tin về sự thật và các phán đoán luân lý. Thực thế, ngài đã bắt đầu bằng cách mô tả thời điểm hiện tại như “một thời điểm của những mối nguy hiểm lớn lao và những cơ hội lớn lao cho con người và thế giới”. (83) Khi nói điều này, ngài muốn nói rằng khoa học và kỹ thuật đã mang lại cho chúng ta những sức mạnh to lớn, cho cả điều tốt lẫn điều xấu. Và xa hơn nữa, cách mà nhận thức đơn thuần có tính kỹ thuật đã tiến tới chỗ thống trị mọi điều khác, tự nó đủ gây lo ngại: “Như vậy, nét huy hoàng được làm hình ảnh của Thiên Chúa không còn tỏa sáng trên con người, vốn là điều ban cho con người phẩm giá và quyền bất khả xâm phạm, và con người bị để mặc với sức mạnh của các năng lực nhân bản của chính mình. Họ không hơn gì hình ảnh của con người – của con người nào?” (84) Có một “thuyết duy luân lý mới” nói về tự do và phẩm giá, nhưng trong thực hành cụ thể, nó thường dẫn đến việc các quốc gia chà đạp con người một cách thô bạo:

“Chủ nghĩa duy luân lý chính trị, như chúng ta đã sống và vẫn đang sống, không mở đường cho sự tái sinh, thậm chí còn cản trở nó. Do đó, điều y hệt cũng đúng cho một Kitô giáo và một nền thần học chuyên giản lược tâm điểm thông điệp của Chúa Giêsu, “vương quốc của Đức Chúa Trời,” chỉ còn là “các giá trị của vương quốc”, đồng nhất hóa các giá trị này với những từ ngữ chủ chốt của chủ nghĩa duy luân lý chính trị, và đồng thời tuyên bố chúng như một tổng hợp của các tôn giáo.

“Tuy nhiên, Thiên Chúa bị bỏ quên theo cách này, bất chấp sự kiện chính Người là chủ thể và nguyên nhân của vương quốc Thiên Chúa. Thay vào đó, những lời nói (và giá trị) vĩ đại vẫn còn đó, nhưng phục vụ mọi hình thức lạm dụng.” (85)

Theo Đức Bênêđíctô, gốc rễ của vấn đề này là sự thống trị của một loại lý tính phi lý ở chỗ nó coi phương pháp khoa học hiện đại là phương thức duy nhất của chân lý: “Vì luân lý thuộc về một lĩnh vực hoàn toàn khác, nên nó biến mất như một phạm trù vào chính nó và phải được nhận diện cách khác, trong chừng mực phải thừa nhận rằng luân lý là thiết yếu, trong bất cứ trường hợp nào.” (86)

Việc loại trừ tôn giáo khỏi văn hóa châu Âu – và nói rộng hơn, khỏi mọi nền văn hóa lấy lý trí của Phong trào Ánh sáng làm tiêu chuẩn – xem ra giống như một sự mở đầu cho một nền văn hóa trung lập và phổ quát. Nhưng thực ra, nó chỉ dung thứ và bao gồm các cách suy nghĩ và lý luận khác trong chừng mực phải tuân theo các tiêu chuẩn của Phong trào Ánh sáng – điều mà các nhà tư tưởng hậu hiện đại cũng như Ratzinger biết là không trung lập cũng không phổ quát, mà là sản phẩm của văn hóa châu Âu tại một thời điểm đặc thù. Có những yếu tố phổ quát trong nền văn hóa Ánh sáng đó, cũng như trong tất cả các nền văn hóa của loài người, nhưng chúng thường bắt nguồn từ những quan điểm tiền hiện đại về thế giới và con người. Chúng dường như không tuôn chảy một cách tự nhiên từ tính hợp lý khá hạn hẹp của khoa học và kỹ thuật hiện đại:

“Nói như vậy, không phải người ta phủ nhận tất cả những gì tích cực và quan trọng của nền triết học này, mà ngược lại, người ta khẳng định việc nó cần tự hoàn thiện, một việc nó thiếu sót một cách sâu xa. Và vì vậy, một lần nữa chúng ta phải giải quyết hai điểm gây tranh cãi trong Lời nói đầu của Hiến pháp Châu Âu. Việc loại bỏ nguồn gốc Kitô giáo không tự biểu lộ như biểu thức của lòng khoan dung cao hơn, nhằm tôn trọng mọi nền văn hóa cùng một cách, không muốn đặc ân cho bất cứ nền văn hóa nào, mà đúng hơn như một tuyệt đối hóa một kiểu suy nghĩ và lối sống hoàn toàn trái ngược với các nền văn hóa lịch sử khác của nhân loại.” (87)

Đây là bối cảnh mà chế độ độc tài của chủ nghĩa duy tương đối xuất hiện. Mục tiêu của Ratzinger là một “chủ nghĩa duy lý” cao hơn: “Đây có phải là một sự bác bỏ đơn giản đối với Phong trào Ánh sáng và tính hiện đại không? Tuyệt đối không. Ngay từ đầu, Kitô giáo đã tự hiểu mình là tôn giáo của 'Lời’ [Logos], là tôn giáo phù hợp với lý trí... Đề xuất một lần nữa các giá trị nguyên thủy này của Kitô giáo và trả lại cho lý trí tiếng nói của chính nó đã là và vẫn còn là công lao của Phong trào Ánh sáng.” (88) Và thậm chí còn sâu xa hơn, điều này nêu ra một câu hỏi mà với nó, thế giới hiện đại khó lòng thấu hiểu: “thế giới bắt nguồn từ điều phi lý, và do đó, lý trí không phải là gì khác hơn là một 'sản phẩm phụ', thậm chí đôi khi có hại cho sự phát triển của nó, hay thế giới bắt nguồn từ lý trí, và như một hệ quả, là tiêu chuẩn và mục tiêu của nó?.” (89) Ngài không tiếc lời nói về ý nghĩa của điều này, ngay cả khi ít người nhìn thấy nó: “Một lý do bắt nguồn từ sự phi lý, và xét cho cùng, bản thân nó cũng phi lý, không tạo thành một giải pháp cho vấn đề của chúng ta. Chỉ có lý trí sáng tạo, được biểu lộ nơi Thiên Chúa chịu đóng đinh như tình yêu, mới có thể thực sự chỉ đường cho chúng ta. Trong cuộc đối thoại hết sức cần thiết giữa những người duy thế tục và người Công Giáo, các Kitô hữu chúng ta phải hết sức cẩn thận để trung thành với đường lối căn bản này: sống một đức tin phát xuất từ ‘Lời’ [Logos], từ lý trí sáng tạo, và nhờ đó, cũng cởi mở đối với tất cả những gì thực sự hợp lý.” (90)

Ngài kết thúc với lời kêu gọi cuối cùng. Immanuel Kant muốn thiết lập một nền luân lý từ lý trí, một nền luân lý sẽ nói lên điều gì là đúng etsi Deus non daretur: “ngay cả khi Chúa không hiện hữu”. Ratzinger đưa ra một đề nghị hơi khác:

“Nỗ lực, được thực hiện đến mức cực đoan, để quản lý các công việc của con người, hoàn toàn coi thường Thiên Chúa, ngày càng dẫn chúng ta đến bờ vực thẳm, đến việc con người càng ngày càng bị cô lập khỏi thực tại. Chúng ta phải đảo ngược tiên đề của Phong trào Ánh sáng và nói: Ngay cả một người không thành công trong việc tìm ra con đường chấp nhận Thiên Chúa, tuy nhiên, nên tìm cách sống và định hướng cuộc sống của mình “veluti si Deus daretur,” như thể Thượng đế hiện hữu. Đây là lời khuyên mà Pascal đã đưa ra cho những người bạn không tin của mình. Bằng cách này, không ai bị giới hạn trong quyền tự do của mình, nhưng tất cả các công việc của chúng ta đều tìm được sự hỗ trợ và tiêu chuẩn mà chúng đang cần một cách cấp thiết.” (91)

Khi Ratzinger trở thành Đức Bênêđictô XVI, ngài tiếp tục nhấn mạnh chủ đề này, mặc dù ngài cũng dẫn nhập, thông qua các thông điệp đầu tiên của ngài, một cảm thức cấp bách hơn về nhu cầu cần có caritas, đức ái theo nghĩa thần học, để cung cấp thông tin cho toàn bộ cuộc sống con người từ các mối quan hệ liên bản vị đến các điểm đặc thù của đời sống kinh tế. Ở một số khía cạnh, điều này phản ảnh cảm thức liên đới mạnh mẽ hơn, thường được giải thích như chủ nghĩa duy nhà nước [statism] theo truyền thống của học thuyết xã hội Công Giáo, một sự kiện làm khó chịu không ít người Công Giáo bảo thủ. Nhưng lời khuyến nghị của Đức Bênêđictô về sự liên đới công cộng đã không quên một số bài học thu được từ kinh nghiệm của Chủ nghĩa Cộng sản và những cởi mở mà Đức Gioan Phaolô II đã dành cho nền kinh tế dựa trên thị trường. Dường như ngài chủ yếu muốn nhìn thấy các vấn đề của con người ở bình diện quốc gia và quốc tế được thông tri đầy đủ hơn bởi một lý trí đầy đủ hơn, một lý trí bắt nguồn từ Logos cũng là Caritas.

Theo nghĩa đó, bài thuyết trình gây tranh cãi năm 2006 của ngài tại Đại học Regensburg—nơi ngài từng giảng dạy nhiều thập niên trước đó trong tư cách một giáo sư trẻ—đã che đậy phần lớn cuộc tranh luận thần học vào cuối thế kỷ XX. (92) Đức Bênêđíctô đã đề cập sơ qua đến Manuel II Palaeologus, một hoàng đế Byzantine thời trung cổ, khi trò chuyện với “một người Ba Tư có học thức” (một người Hồi giáo không được nêu tên trong lịch sử), đã lập luận rằng tôn giáo là vấn đề của lý trí chứ không phải vũ lực. Trong mối quan hệ mong manh Kitô giáo-Hồi giáo hiện hữu sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, nhiều người coi đây là một sự xúc phạm chống lại Hồi giáo, những người này dường như cũng muốn sử dụng một thí dụ được thừa nhận là khiêu khích để tấn Công Giáo hoàng nói chung hơn. Nhưng điểm chính trong bài giảng của ngài không phải là về đạo Hồi – hay ít nhất không phải chỉ nói về đạo Hồi– mà là về điều gì sẽ xảy ra khi tôn giáo và lý trí bị tách rời nhau. Đó là về diễn trình phi Hy Lạp hóa Kitô giáo, điều đã dẫn đến sự tách rời đức tin khỏi lý trí — và những cách thức mà, như ngài từng nói tại Subiaco, nền văn minh phương Tây đang phải gánh chịu một phiên bản hạn hẹp của lý trí, chứ không phải phiên bản đầy đủ hơn bắt nguồn từ việc nắm lấy Logos nguyên khởi, sáng tạo.

Theo quan điểm của ngài, quá trình phi Hy Lạp hóa diễn ra theo ba giai đoạn. Đầu tiên, Luther nhấn mạnh vào sola Scriptura, vốn có một số biện minh như là một phản ứng đối với Chủ nghĩa Kinh viện bị thổi phồng quá mức—nhưng đã đi quá xa. Sau đó, có Adolf Harnack và trường phái thần học duy lý ở thế kỷ 19 tuyên bố ảnh hưởng của Hy Lạp là sự bồi đắp sau này và muốn quay trở lại với một “Chúa Giêsu đơn giản”, người thực sự được đúc khuôn lại dưới hình thức “tính duy lý” của thế kỷ 19. Điều đó đã bỏ qua phần lớn Kitô giáo lịch sử. Cuối cùng, có quan điểm hiện đại cho rằng sự hội nhập văn hóa ban đầu ở Hy Lạp chỉ là một hình thức—nhiều hình thức khác cũng có giá trị như nhau—của thông điệp Tin Mừng nguyên thủy. Đức Bênêđíctô kiên quyết bác bỏ tất cả những điều này như sai lầm về mặt trí thức và coi thường kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa trong việc Kitô giáo xuất hiện dưới hình thức như vậy:

“Và vì vậy tôi đi đến kết luận của tôi. Nỗ lực này, được vẽ bằng những nét vẽ rộng, nhằm phê phán lý trí hiện đại từ bên trong không liên quan gì đến việc đưa đồng hồ quay ngược thời gian trước thời Phong trào Ánh sáng và bác bỏ những hiểu biết sâu sắc của thời hiện đại. Những khía cạnh tích cực của thời hiện đại cần được thừa nhận một cách không dè dặt: tất cả chúng ta đều biết ơn về những khả năng kỳ diệu mà nó đã mở ra cho nhân loại và về sự tiến bộ của nhân loại đã được ban cho chúng ta. Hơn nữa, đặc tính khoa học là... ý chí vâng theo chân lý, và như vậy, nó hiện thân một thái độ vốn thuộc về những quyết định thiết yếu của tinh thần Kitô giáo. Mục đích ở đây không phải là cắt giảm hay chỉ trích tiêu cực, mà là mở rộng khái niệm của chúng ta về lý trí và ứng dụng của nó. Trong khi chúng ta vui mừng trước những khả năng mới mở ra cho nhân loại, chúng ta cũng thấy những mối nguy hiểm phát sinh từ những khả năng này và chúng ta phải tự hỏi mình làm thế nào để vượt qua chúng. Chúng ta sẽ chỉ thành công khi làm như vậy nếu lý trí và đức tin kết hợp với nhau theo một cách mới, nếu chúng ta vượt qua giới hạn tự áp đặt của lý trí đối với điều có thể sai lệch về mặt thực nghiệm, và nếu chúng ta một lần nữa tiết lộ những chân trời rộng lớn của nó. Theo nghĩa này, thần học xứng đáng thuộc về trường đại học và trong cuộc đối thoại rộng rãi của các khoa học, không những trong tư cách một bộ môn lịch sử và một trong những khoa học về con người, mà chính trong tư cách thần học, trong tư cách cuộc điều tra tính hợp lý của đức tin. Chỉ như vậy chúng ta mới có khả năng đối thoại chân thực giữa các nền văn hóa và tôn giáo hết sức cần thiết ngày nay.” (93)

Những lời cuối cùng của ngài trong bài giảng xác nhận kiểu theo đuổi lý trí mà ngài coi là một nhiệm vụ thế tục và tôn giáo: “Chính vì logos vĩ đại này, với bề rộng của lý trí này, mà chúng ta mời các đối tác của mình tham gia vào cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa.” (94) Kết hợp với những nghiên cứu của ngài về truyền thống Kitô giáo và đặc biệt những cuốn sách sau này về Tân Ước (sẽ được xem xét trong chương sau), Đức Bênêđíctô đã cung cấp một loại tổng kết về tư tưởng Công Giáo hiện đại và cung cấp cho thần học một số nhiệm vụ trong lãnh vực đức tin và lý trí không thể không trở thành một động lực, không những trong Giáo Hội Công Giáo mà còn trong cuộc đối thoại hoàn cầu hiện nay của các tôn giáo và các nền văn hóa.

Ghi Chú

1 Karl Rahner, S.J., “Towards a Fundamental Theological Interpretation of Vatican II” [Hướng tới một lối giải thích thần học cơ bản về Vatican II], Theological Studies 40, no. 4 (1979): 716-27.

2 Mark Lowery, “Retrieving Rahner for Orthodox Catholicism” [Truy tìm Rahner cho Đạo Công Giáo Chính thống], Faith & Reason (Fall 1991), 251-72.

3 Ví dụ, hãy xem, Karen Kilby, Karl Rahner: A Brief Introduction [Kark Rahner: Một Dẫn nhập ngắn](New York: Crossroad, 2007), 75-78. Cuốn sách của Kilby trình bày các lập luận của Rahner một cách công bằng, nhưng cô cũng cân nhắc điểm mạnh, điểm yếu và tính hợp lý của chúng, dựa trên khía cạnh “hối lỗi” của Rahner.

4 Joseph Ratzinger, radio interview with Stephanscom [cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh với Stephanscom], March 3, 2004.

5 Philip Endean, Karl Rahner and Ignatian Spirituality [Karl Rahner và Linh đạo I-Nhã] (New York: Oxford University Press, 2001).

6 Karl Rahner, S.J., Theological Investigations [Điều tra thần học] (New York: Crossroad, 1982—).

7 Từ Theological Investigations [Điều tra thần học] 9:122, trích dẫn trong Kilby, Karl Rahner, 6.

8 See R. R. Reno, “Rahner the Restorationist” [Rahner Người Xét Lại], First Things, May 2013.

9 See Thomas Sheehan, “Rahner’s Transcendental Project” [Dự án siêu việt của Rahner], trong Declan Marmion and Mary E. Hines, eds., The Cambridge Companion to Karl Rahner [Sách Hướng dẫn đọc Karl Rahner] (Cambridge and New York: Cambridge University Press, 2005), 29-42, đặc biệt ở trang 33.

10 Xem phần thảo luận về những câu hỏi này trong Patrick Burke, Reinterpreting Rahner: A Critical Study of His Major Themes See the discussion of these questions in Patrick Burke, Reinterpreting Rahner: A Critical Study of His Major Themes [Tái giải thích Rahner: Nghiên cứu có Phê phán các Luận đề Chính của ngài] (New York: Fordham University Press, 2002), 47-72.

11 Trích trong ibid., 97, từ “Zur Theologie des Symbols”, Schriften 4:293-94.

12 Hans Urs von Balthasar, The Moment of Christian Witness [Khoảnh khắc của nhân chứng Kitô giáo], bản dịch của Richard Beckley (San Francisco: Ignatius Press, 1994), 119ff.

13 “Third Church?” [Giáo hội thứ ba?], Theological Investigations 17:38-39.

14 Karl Rahner, Thoughts on the Possibility of Belief Today [Suy nghĩ về khả năng có được niềm tin ngày nay], bản dịch của Karl-H. Kruger (Baltimore: Helicon, 1966), 7-8.

15 Joseph Ratzinger với Vittorio Messori, The Ratzinger Report: An Exclusive Interview on the State of the Church [Báo cáo của Ratzinger: Một cuộc phỏng vấn độc quyền về Tình trạng của Giáo hội], Bản dịch của Salvator Attanasio and Graham Harrison (San Francisco: Ignatius Press, 1985), 197.

16 Joseph Ratzinger, Principles of Catholic Theology: Building Stones for a Fundamental Theology [Nguyên tắc thần học Công Giáo: Những viên đá xây dựng nền thần học cơ bản], bản dịch của Mary Frances McCarthy, S.N.D. (San Francisco: Ignatius Press, 1987), 166.

17 Xem Avery Dulles, S.J., “Karl Rahner on Humanae Vitae” [Karl Rahner về Humanae Vitae], America, September 28, 1968.

18 “Experiences of a Catholic Theologian” [Kinh nghiệm của một nhà thần học Công Giáo], Marmion and Hines, Cambridge Companion to Karl Rahner, 297-310. Đoạn văn được trích dẫn ở đây có thể được tìm thấy ở số 300-301.

19 Cùng nguồn, 299.

20 Cùng nguồn, 301.

21 Cùng nguồn,

22 Cùng nguồn, 302.

23 Cùng nguồn, 304.

24 Rowan Williams, Wrestling with Angels: Conversations in Modern Theology {Vật lộn với Cac Thiên thần: Các cuộc đàm đạo trong Nền Thần học Hiện đại] (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 2007), 99.

25 Truth Is Symphonic: Aspects of Christian Pluralism [Chân lý là bản giao hưởng: Các khía cạnh của thuyết đa nguyên Kitô giáo] Bản dịch của Graham Harrison (San Francisco: Ignatius Press, 1987), ban đầu được xuất bản dưới tên Die Wahrheit ist symphonisch [Sự thật là một bản giao hưởng] năm 1972.

26 Henri de Lubac, S.J., The Church: Paradox and Mystery [Giáo hội: Nghịch lý và Mầu nhiệm] bản dịch của James R. Dunne (Staten Island, N.Y.: Alba House, 1969), 105.

27 Trong David L. Schindler, chủ biên, Hans Urs von Balthasar: His Life and Work [Hans Urs von Balthasar: Cuộc đời và công việc của ngài] (Communio Books; San Francisco: Ignatius Press, 1991), 1-5.

28 Cùng nguồn, 1.

29 Cùng nguồn, 2-3.

30 Cùng nguồn, 30.

31 Cùng nguồn,

32 Love Alone Is Credible [Chỉ có Tình yêu Đáng tin cậy], bản dịch của D. C. Schindler (San Francisco: Ignatius Press, 2004), 44; Nguyên bản tiếng Đức: Glaubhaft ist nur Liebe (1963). Nhiều người nghiên cứu Balthasar coi cuốn sách nhỏ này là nơi tốt nhất để bắt đầu nghiên cứu nhà thần học vĩ đại.

33 Cùng nguồn, 51.

34 Cùng nguồn, 53.

35 Cùng nguồn, 56.

36 The Theology of Karl Barth: Exposition and Interpretation[Thần học của Karl Barth: Trình bày và diễn giải], bản dịch của Edward T. Oakes, S.J. (Communio Books; San Francisco: Ignatius Press, 1992); Nguyên bản tiếng Đức: Karl Barth: Darstellung und Deutung seiner Theologie, 1951.

37 Edward T. Oakes, Pattern of Redemption: The Theology of Hans Urs von Balthasar [Khuôn mẫu Cứu chuộc: Nền Thần học của Hans Urs von Balthasar ] New York: Continuum, 1997), 217.

38 A Theology of History [Thần học lịch sử] Communio Books; San Francisco: Ignatius Press, 1994), 39-40; Nguyên bản tiếng Đức: Theologie der Geschichte, 1959.

39 Theo-Drama: Theological Dramatic Theory [Theo-Drama: Lý thuyết kịch tính thần học] l. 2: The Dramatis Personae: Man In God bản dịch của Graham Harrison (San Francisco: Ignatius Press, 1990), 250-51.

40 Trích dẫn bởi Peter Henrici, S.J., trong tiểu luận "Han Urs von Balthasar: A Sketch of His Life”,trong Schindler, Han Urs von Balthasar, 28.

41 Bản dịch của W.J. O’Hara, in lại trong Communio 33 (Spring 2006): 166.

42 Hans Urs von Balthasar, First Glance at Adrienne von Speyr [Cái nhìn đầu tiên về Adrienne von Speyr] Bản dịch của Antje Lawry và Sr. Sergia Englund, O.C.D. (San Francisco: Ignatius Press, 1981), 31.

43 Xem Dare We Hope “That All Men Be Saved?”? [Chúng ta có dám hy vọng “Rằng tất cả mọi người đều được cứu không?] với một diễn từ ngắn về Hỏa ngục bản dịch của David Kipp và cha Lothar Krauth, 2nd ed. (San Francisco: Ignatius Press, 2014): Nguyên bản tiếng Đức: Was dürfen wir hoffen? (1986).

44 Hans Urs von Balthasar, Our Task [Nhiệm vụ của chúng ta] bản dịch của Saward (Communio Books; San Francisco: Ignatius Press, 1994), 65.

45 Xem cuộc tranh luận giữa Alyssa Lyra Pistick và Edward T. Oakes, S.J., về câu hỏi này trong First Things , December 2006.

46 Trích dẫn từ Wer ist ein Christ? (Einsiedeln, Switz.: Benziger, 1965), 30, trong Schindler, Han Urs von Balthasar, 36.

47 Gustavo Gutierrez, A Theology of Liberation: History, Politics, and Salvation [Thần học giải phóng: Lịch sử, Chính trị và Sự cứu rỗi] Bản dịch và hiệu đính của Nữ tu Caridad Inda và John Eagleson (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1973). Nguyên bản Tây ban Nha ra đời năm 1970.

48 Xem George Weigel, chủ biên, A New Wordly Order: John Paul II and Human Freedom (Washington, D.C.: Ethics and Public Policy Center, 1992), để biết ví dụ điển hình về những phản ứng ủng hộ và chống đối ban đầu.

49 Một hướng dẫn hữu ích về nhiều vấn đề này do một người bạn của Đức Giáo Hoàng thực hiện là Maciej Zieba, Papal Economics: The Catholic Church on Democratic Capitalism, from Rerum Novarum to Caritas in Veritate [Kinh tế học của Giáo hoàng: Giáo Hội Công Giáo về Chủ nghĩa Tư bản Dân chủ, từ Rerum Novarum đến Caritas in Veritate](Wilmington, Del.: ISI Books, 2013).

50 Một ví dụ nổi bật của xu hướng này là Servais Pinckaers, O.P., The Sources of Christian Ethics [Các nguồn của Đạo dức học Ki-tô giáo], D.C.: Catholic University of America Press, 1995).

51 Gioan Phaolô II, Man and Woman He Created Them: A Theology of the Body [Đàn Ông và Đàn Bà Người đã Tạo dựng Họ: Thần học về Thân xác]Bản dịch của Michael M. Waldstein (Boston: Pauline Books & Media, 2006). Đây là một bản dịch được chỉnh sửa và thống nhất nhằm khắc phục một số điểm không nhất quán trong các bản dịch do Vatican thực hiện riêng lẻ khi mỗi buổi tiếp kiến diễn ra.

52 “Trong khi thừa nhận những hạn chế có thể có trong các lập luận của con người mà Huấn quyền sử dụng, các nhà thần học luân lý được kêu gọi phát triển sự hiểu biết sâu sắc hơn về các lý do nằm dưới các giáo huấn của nó và giải thích tính giá trị và tính chất bắt buộc của các giới luật mà Huấn quyền đề xuất, chứng minh mối liên hệ của chúng với nhau và mối quan hệ của chúng với mục đích cuối cùng của con người. Các nhà thần học luân lý phải nêu ra giáo huấn của Giáo Hội và trong khi thi hành thừa tác vụ của mình, nêu gương về sự tán thành trung thành, cả bên trong lẫn bên ngoài, đối với giáo huấn của Huấn Quyền trong các lĩnh vực tín điều và luân lý. Cùng hợp tác với Huấn quyền phẩm trật, các nhà thần học sẽ quan tâm sâu sắc đến việc làm sáng tỏ đầy đủ hơn bao giờ hết các nền tảng Kinh thánh, ý nghĩa đạo đức và các mối quan tâm nhân học làm nền tảng cho học thuyết luân lý và tầm nhìn về con người do Giáo hội đề ra” (VS 110).

53 “Thật vậy, sự hiểu biết và lòng cảm thương đích thực phải có nghĩa là yêu thương con người, vì thiện ích thực sự của con người, vì sự tự do đích thực của con người. Và điều này chắc chắn không phải là kết quả của việc che giấu hoặc làm suy yếu chân lý luân lý, mà là đề xuất nó theo ý nghĩa sâu sắc nhất của nó như là sự tuôn đổ Khôn ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa, mà chúng ta đã nhận được trong Chúa Kitô, và như một sự phục vụ cho con người, cho sự tăng trưởng tự do và đạt được hạnh phúc của họ” (VS 95).

54 ”Sự bất đồng, dưới hình thức các cuộc phản đối và bút chiến được dàn dựng cẩn thận được thực hiện trên các phương tiện truyền thông, chống lại sự hiệp thông của Giáo hội và sự hiểu biết đúng đắn về hiến pháp phẩm trật của Dân Thiên Chúa. Việc phản đối lời giảng dạy của các Mục tử của Giáo hội không thể được coi là một biểu hiện hợp pháp về quyền tự do Kitô giáo hoặc về sự đa dạng của các ân sủng của Chúa Thánh Thần. Khi điều này xảy ra, các Mục tử của Giáo hội có nhiệm vụ hành động phù hợp với sứ mệnh tông đồ của mình, đồng thời nhấn mạnh rằng quyền của tín hữu được tiếp nhận giáo lý Công Giáo trong sự trong sạch và toàn vẹn của nó phải luôn được tôn trọng. ‘Đừng bao giờ quên rằng mình cũng là thành viên của dân Chúa, nhà thần học phải tôn trọng họ và dấn thân cống hiến cho họ một giáo huấn không hề gây tổn hại đến giáo lý đức tin’” (VS 113).

55 Bản tóm tắt của Evangelium Vitae do Vatican ban hành cùng ngày được công bố đòi không những thẩm quyền nghiêm túc đối với việc giảng dạy của nó mà còn là sự nhất trí giữa các giám mục trên thế giới: “Thông điệp được trình bày với thẩm quyền giáo lý to lớn: Nó không chỉ là một cách diễn đạt, giống như mọi thông điệp khác, của huấn quyền thông thường của giáo hoàng, cũng như của tính hợp đoàn giám mục, được thể hiện đầu tiên trong công nghị bất thường của các Hồng Y vào tháng 4 năm 1991 và sau đó trong cuộc tham khảo ý kiến của tất cả các giám mục của Giáo Hội Công Giáo, những người nhất trí và kiên quyết đồng ý với lời dạy được truyền đạt trong đó” (số 5).

56 Gioan Phaolô II, The Poetry of Pope John Paul II: Roman Triptych; Meditations [Thơ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Bộ ba bức tranh Rôma; Suy Niệm] Bản dịch của Jerzy Peterkiewicz (Washington, D.C.: Nhà xuất bản USCCB, 2003).

57 Như trên, 24-25.

58 “Sứ điệp đầu tiên của Đức Bênêđictô XVI khi kết thúc Thánh lễ với các thành viên Hồng Y đoàn tại Nhà nguyện Sistine”, ngày 20 tháng 4 năm 2005. Từ bản dịch chính thức của Cơ quan Thông tin Vatican từ nguyên bản tiếng Latinh.

59 Joseph Ratzinger, “What Corpus Christi Means to Me: Three Meditations” [ánh Thể Chúa Kitô có ý nghĩa gì với tôi: Ba Suy Nghĩ] trong Lễ Đức Tin, Graham Harrison dịch (San Francisco: Ignatius Press, 1986), 127.

60 Joseph Ratzinger, Milestones: Memoirs [Các cột mốc: Ký ức] 1927—1977, Erasmo Leiva-Merikakis dịch (San Francisco: Ignatius Press, 1998), 20.

61 Cùng nguồn, 16.

62 Được trích dẫn trong Thomas P. Rausch, Pope Benedict XVI: An Introduction to His Theological Vision [Đức Giáo oàng Bênêđíctô XVI: Giới thiệu về Tầm nhìn Thần học của ngài](New York: Paulist Press, 2009), 47.

63 Ratzinger, Milestones: Memoirs , 52.

64 Trích trong Peter Seewald, Benedict XVI: An Intimate Portrait [Benedict XVI: Một bức chân dung thân mật] Henry Taylor và Anne Englund Nash dịch (San Francisco: Ignatius Press, 2008), 187.

65 Zachary Hayes dịch. (Chicago: Nhà xuất bản Franciscan Herald, 1971). Bản gốc tiếng Đức được xuất bản năm 1959.

66 Như trên, 8-9.

67 Joseph Ratzinger, Die erste Sitzungsperiode des zweiten Vatikan Konzils: Ein Rückblick [Phiên họp đầu tiên của Công đồng Vatican II: Một việc nhớ lại] Cologne, 1963), dịch và được Aidan Nichols trích dẫn trong The Thought of Pope Benedict XVI: An Introduction to the Theology of Joseph Ratzinger [ư tưởng của Giáo hoàng Bênêđíctô XVI: Giới thiệu về Thần học của Joseph Ratzinger](New York: Burns & Oates, 2005), 78.

68 Trong Lexikon für Thần học und Kirche [Từ điển Thần học và Giáo hội] tập 13, (Freiburg im Breisgau: Herder, 1967).

69 Ratzinger, Milestones: Memoirs , 125-26.

70 Trích trong Nichols, Thought of Pope Benedict XVI [Suy nghĩ của Giáo hoàng Bênêđíctô XVI],100.

71 Cùng nguồn, 102.

72 Joseph Ratzinger,Introduction to Christianity [Nhập môn Kitô giáo], J. R. Foster dịch(Communio Books; San Francisco: Ignatius Press, 2004).

73 Như trên, 99-100.

74 Ratzinger, Milestones: Memoirs , 137-38.

75 Cùng nguồn, 144.

76 Seewald, Benedict XVI, 204-5.

77 Ratzinger, Feast of Faith [Lễ Đức Tin] 7.

78, Ngày 24 tháng 11 năm 1985, trích dẫn trong Nichols,Thought of Pope Benedict XVI [Suy nghĩ của Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, 182n24.

79 Joseph Ratzinger,The Church, Ecumenism, and Politics: New Endeavors in Ecclesiology [Giáo hội, Đại kết và Chính trị: Những nỗ lực mới trong Giáo hội học] Michael J. Miller và cộng sự dịch (San Francisco: Ignatius Press, 2008), 157.

80 Cf. Joseph Ratzinger,In the Beginning...: A Catholic Understanding of the Story of Creation and the Fall [Lúc khởi đầu...: Một sự hiểu biết của người Công Giáo về câu chuyện sáng thế và sự sa ngã] Boniface Ramsey, O.P. dịch (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1995). On the cultural crisis: Values in a Time of Upheaval[Về cuộc khủng hoảng văn hóa: Các giá trị trong thời kỳ biến động] Brian McNeil dịch (New York: Crossroad; San Francisco: Ignatius Press, 2006);Truth and Tolerance: Christian Belief and World Religions [Chân lý và Khoan dung: Niềm tin Kitô giáo và Tôn giáo Thế giới], Henry Taylor dịch (San Francisco: Ignatius Press, 2004), trong số những cuốn khác.

81 Xem Jürgen Habermas và Joseph Ratzinger,The Dialectics of Secularization: On Reason and Religion [Phép biện chứng của thế tục hóa: Về lý trí và tôn giáo],Brian McNeil, C.R.V. dịch (San Francisco: Nhà xuất bản Ignatius, 2006); và Joseph Ratzinger và Marcello Pera, Without Roots: The West, Relativism, Christian, Islam, [Không gốc rễ: Phương Tây, Chủ nghĩa tương đối, Ki-tô giáo, Hồi giáo] Michael F. Moore dịch (New York: Basic Books, 2006).

82 Thánh lễ “Pro Eligendo Romano Pontifice” [cầu cho việc bầu cử giáo hoàng] ngày 18 tháng 4 năm 2005, http://www.vatican.va/gpII/documents/homily-pro-eligendo-pontifice_20050418_en.html.

83 “Cardinal Ratzinger on Europe’s Crisis of Culture (Part 1)" (Đức Hồng Y Ratzinger về cuộc khủng hoảng văn hóa châu Âu (Phần 1)] Zenit, 26/7/2005, http://www.zenit.org/en/articles/cardinal-ratzinger-on-europe-s-crisis-of- văn hóa-phần-1.

84 Như trên.
85 Như trên.
86 Như trên..
87 Như trên, trang. 3, ngày 28 tháng 7 năm 2005.
88 Như trên, trang. 4, ngày 29 tháng 7 năm 2005.
89 Như trên.
90 Như trên.
91 Như trên.

92 Để có bình luận sâu sắc, đầy đủ văn bản, xem James V. Schall, The Regensburg Lesson (South Bend, Ind.: St. Augustine's Press, 2007).

93 Bài thuyết giảng của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Đại học Regensburg, ngày 12 tháng 9 năm 2006.

94 Như trên. Về điểm này, xem Tracey Rowland, Ratzinger’s Faith: The Theology of Pope Benedict XVI [nền thần học của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI],Oxford University Press, 2008), 84-104.