John Burger, trên Aleteia, ngày 11/05, 2024, cho hay: Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu áp đảo vào thứ Sáu để cho phép Palestine trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc, khiến Tòa thánh trở thành quốc gia duy nhất có tư cách “quan sát viên” tại cơ quan thế giới này.



149 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ việc trao quy chế đầy đủ cho Palestine, chỉ có 9 quốc gia phản đối, trong đó có Hoa Kỳ, vốn duy trì rằng việc công nhận tư cách nhà nước của Palestine cần đạt được thông qua các cuộc đàm phán giữa người Israel và người Palestine, 25 nước bỏ phiếu trắng.

Với tư cách là quan sát viên tại Liên Hợp Quốc, Tòa thánh không thể bỏ phiếu về một quyết định như vậy. Nhưng Phái đoàn Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại Liên Hợp Quốc đã liên tục đưa ra các tuyên bố ủng hộ người dân Palestine trong những năm qua, và Vatican đã kêu gọi “giải pháp hai nhà nước”.

Một phát ngôn viên của Phái bộ Tòa Thánh chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.

Cho phép trong tình trạng khủng bố?

Hôm thứ Sáu, đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc, Riyad Mansour, cho biết trước cuộc bỏ phiếu rằng người dân của ông muốn “hòa bình và tự do”.

Mansour phát biểu trước Đại hội đồng gồm 193 thành viên: “Bỏ phiếu đồng ý là bỏ phiếu cho sự tồn tại của người Palestine, nó không chống lại bất cứ nhà nước nào”. Bỏ phiếu đồng ý là “điều đúng đắn nên làm”.

Nhưng đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc, Gilad Erdan, nói với những người đồng cấp của mình rằng việc bỏ phiếu cho nghị quyết sẽ cho phép một kẻ khủng bố gia nhập cơ quan thế giới, được thành lập sau cuộc chiến chống lại sự tàn sát người Do Thái của chủ nghĩa Quốc xã. Ông nói Hamas chính là Adolf Hitler của ngày nay.

Tờ New York Times giải thích: Hiến chương Liên hợp quốc quy định rằng Đại hội đồng chỉ có thể cấp tư cách thành viên đầy đủ cho một quốc gia sau khi được Hội đồng Bảo an chấp thuận. “Các ví dụ về điều đó bao gồm việc thành lập các quốc gia Israel và Nam Sudan. Nghị quyết được thông qua hôm thứ Sáu tuyên bố rõ ràng rằng vấn đề Palestine là một ngoại lệ và sẽ không tạo ra tiền lệ.”

Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Sáu trao cho người Palestine quyền phát biểu tại các cuộc họp của Đại hội đồng về bất cứ chủ đề nào, thay vì chỉ giới hạn trong các vấn đề của người Palestine. Họ có thể gửi đề xuất, sửa đổi và tham gia tại các hội nghị của Liên hợp quốc và các cuộc họp quốc tế.

Giải pháp hai nhà nước

Trong khi nhắc lại lời lên án của Tòa thánh về cuộc tấn công vào Israel ngày 7 tháng 10 năm 2023 của Hamas, tổ chức chiến binh cai trị Dải Gaza, Quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại Liên hợp quốc, Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia, cho biết vào tháng 11 năm ngoái,

“Phản ứng lâu dài duy nhất đối với hoàn cảnh khó khăn của người tị nạn Palestine là một nền hòa bình công bằng đáp ứng các yêu cầu chính đáng của cả người Palestine và người Israel. Để đạt được một giải pháp như vậy dựa trên giải pháp hai nhà nước đòi hỏi phải chấm dứt các hành động thù địch hiện tại và giảm căng thẳng, kể cả ở cấp khu vực. Điều quan trọng là các chính quyền hợp pháp của Nhà nước Palestine và chính quyền của Nhà nước Israel, với sự hỗ trợ của toàn thể cộng đồng quốc tế, phải chứng tỏ sự táo bạo trong việc đổi mới cam kết của mình đối với một nền hòa bình dựa trên công lý và tôn trọng lẫn nhau. Mặc dù con đường đối thoại hiện nay có vẻ rất hẹp, nhưng đó là lựa chọn khả thi duy nhất để chấm dứt lâu dài chu kỳ bạo lực đã nhấn chìm vùng đất rất thân yêu này đối với các Kitô hữu, người Do Thái và người Hồi giáo”.

Đức Tổng Giám Mục Caccia cũng bày tỏ mối quan ngại trước “tình hình nhân đạo thảm khốc ở Dải Gaza, dẫn đến việc hàng nghìn người Palestine vô tội thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, hàng trăm nghìn người phải di dời và sự đau khổ bừa bãi của người dân” tạo ra bởi thiếu lương thực, nhiên liệu và vật tư y tế, ngoài những vấn đề khác.”

Hai nhà nước sống hoà bình

Vatican từ lâu đã nhấn mạnh rằng giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất tiến tới, và trong lời cầu xin hòa bình gần đây nhất, Đức Giáo Hoàng đã nói cụ thể như vậy.

Vào ngày 27 tháng 4, khi kết thúc buổi tiếp kiến chung, ngài nói:

“Và chúng ta cũng cầu nguyện cho Trung Đông, cho Gaza: nơi đây đang phải chịu đựng quá nhiều đau khổ trong chiến tranh. Vì hòa bình giữa Palestine và Israel, để họ trở thành hai quốc gia, tự do và có quan hệ tốt đẹp. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình”.

Vào ngày 14 tháng 4, sau khi đọc kinh Regina Caeli [Lạy Nữ vương Thiên đàng], Đức Thánh Cha nói:

“Không ai nên đe dọa sự tồn tại của người khác. Thay vào đó, cầu mong tất cả các quốc gia đứng về phía hòa bình và giúp đỡ người Israel và người Palestine sống ở hai quốc gia cạnh nhau trong sự an toàn. Đó là mong muốn sâu sắc và chính đáng của họ, và đó là quyền của họ! Hai nước láng giềng”.