Theo tạp chí The Pillar, tuần này đánh dấu thời hạn để các hội đồng giám mục thế giới gửi phản hồi trước phiên họp của thượng hội đồng về tính đồng nghị vào tháng 10 này, và một số báo cáo đã khẳng định sự ủng hộ đáng kể đối với việc tiếp nhận phụ nữ vào chức phó tế.
Úc, Áo, Luxembourg và Thụy Sĩ đều đăng báo cáo của họ lên mạng và, như Luke Coppen đã lưu ý sáng nay, đã tuyên bố “có sự đồng thuận rộng rãi” đối với chức nữ phó tế.
Tuy nhiên, một lần nữa, như Luke đã lưu ý, có rất ít sự đồng thuận rõ ràng về việc chức nữ phó tế sẽ là gì hoặc sẽ làm gì. Đó sẽ là sự phục hồi của một định chế thời Tông đồ hay một điều gì đó mới mẻ? Đó có phải là việc truyền chức bí tích - được cho là không thể có trong giáo huấn của Giáo hội - hay điều gì khác?
Không ai có vẻ đồng ý.
Và không rõ chính xác sự đồng thuận được báo cáo thực sự như thế nào. Chẳng hạn, báo cáo của Thượng Hội đồng Úc Châu tuyên bố “có sự đồng thuận rộng rãi trên nhiều giáo phận địa lý” đối với các nữ phó tế, nhưng cũng lưu ý “sự mệt mỏi trong việc tham vấn” đã dẫn đến “sự tham gia ít hơn trong các giai đoạn sau”.
Trong một số trường hợp, các báo cáo dường như liên quan đến sự đồng thuận của các viên chức tòa giám mục và các nhà tư vấn được chỉ định đặc biệt, thay vì các tín hữu nói chung, điều này khiến người ta nghi ngờ rằng làn sóng hỗ trợ được cho là này có thể mang tính “phịa” (astroturf) hơn là ở cơ sở.
Xin đọc phân tích đầy đủ của Luke sau đây:
Các báo cáo của Thượng Hội đồng có cho thấy sự đồng thuận thực sự về các nữ phó tế không?
LUKE COPPEN
Ngày 18 tháng 5 năm 2024 .
Tuần này đã trôi qua thời hạn để các hội đồng giám mục thế giới gửi phản hồi trước phiên họp của thượng hội đồng về tính đồng nghị vào tháng 10 này.
Một số vùng lãnh thổ đã đăng báo cáo của họ trực tuyến, bao gồm Úc, Áo, Luxembourg và Thụy Sĩ.
Có một sự đồng nhất đáng chú ý trong bốn báo cáo đó: tất cả đều cho thấy có sự ủng hộ đáng kể đối với việc tiếp nhận phụ nữ làm phó tế trong số những người Công Giáo ở nước họ.
Tại sao các báo cáo lại đề cập đến chủ đề nữ phó tế ngay từ đầu? Chính xác thì họ đang nói gì? Và chúng có thể quan trọng đến mức nào?
Chúng ta hãy lần lượt xem qua.
Tại sao các báo cáo phản hồi lại đề cập đến các nữ phó tế?
Sau phiên họp đầu tiên của thượng hội đồng tại Rome vào tháng 10 năm 2023, Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng hội đồng - cơ quan Vatican giám sát tiến trình thượng hội đồng hoàn cầu - đã yêu cầu các Giáo hội địa phương đưa ra phản hồi.
Nó mời các hội đồng giám mục thực hiện “một cuộc tham vấn sâu hơn” dựa trên “báo cáo tổng hợp” của phiên họp đầu tiên và gửi cho Văn phòng một bản tóm tắt các câu trả lời, “có độ dài tối đa 8 trang” trước ngày 15 tháng 5.
Nó nói rằng các câu trả lời sẽ giúp định hình tài liệu làm việc (Instrumentum laboris) cho phiên họp thứ hai của thượng hội đồng vào các ngày 2-27 tháng 10.
Trong bản tóm tắt cuộc tranh luận về các nữ phó tế, báo cáo tổng hợp lưu ý rằng “các quan điểm khác nhau” đã được bày tỏ tại phiên họp đầu tiên.
Báo cáo cho biết: “Đối với một số người, bước đi này sẽ không thể chấp nhận được vì họ coi đó là sự gián đoạn với Truyền thống. Tuy nhiên, đối với những người khác, việc mở rộng khả năng tiếp cận chức phó tế cho phụ nữ sẽ khôi phục việc thực hành của Giáo hội sơ khai”.
“Những người khác nữa nhận thấy đây là một phản ứng thích hợp và cần thiết trước những dấu chỉ của thời đại, trung thành với Truyền thống, và là một phản ứng sẽ tìm thấy tiếng vang trong trái tim của nhiều người đang tìm kiếm nguồn năng lượng và sức sống mới trong Giáo hội.”
“Nhưng một số người bày tỏ lo ngại rằng yêu cầu này nói lên một sự nhầm lẫn đáng lo ngại về mặt nhân học, mà nếu được chấp nhận, sẽ khiến Giáo hội phải tuân theo tinh thần của thời đại”.
Vì vậy, các bản tóm tắt tham vấn do các hội đồng giám mục đệ trình đều đề cập đến các nữ phó tế vì chủ đề này đã được nhấn mạnh trong báo cáo tổng hợp, mặc dù “câu hỏi hướng dẫn” của cuộc tham vấn – “ LÀM THẾ NÀO chúng ta có thể trở thành một Giáo hội đồng nghị trong truyền giáo?” - không trực tiếp quan tâm đến vấn đề này.
Các báo cáo phản hồi của Thượng Hội đồng nói gì?
Các báo cáo phản hồi rõ ràng đề cập đến nhiều chủ đề khác ngoài các nữ phó tế. Nhưng sự đồng thuận dường như về chủ đề trong các báo cáo được công bố thật đáng chú ý.
Một số trình bày vấn đề trong một câu duy nhất, trong khi những báo cáo khác dành nhiều đoạn văn.
Báo cáo do Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc đệ trình cho biết: “Khả năng phụ nữ được nhận chức phó tế được nhiều nhóm coi là một dấu hiệu hy vọng, với sự đồng thuận rộng rãi ở nhiều giáo phận địa lý”.
“Các đề nghị đã được đưa ra để các giáo phận chuẩn bị trước nếu điều này được Tòa thánh chấp thuận và xem xét các chương trình đào tạo và phó tế cho phụ nữ.”
Nhưng báo cáo cũng lưu ý rằng các Giáo Hội Công Giáo Đông phương “đã bày tỏ sự bất khả trong việc hỗ trợ việc phong chức phó tế cho phụ nữ nhưng lại ủng hộ mạnh mẽ việc phụ nữ làm giảng viên, giáo lý viên và nhân viên trong các giáo triều và các cơ cấu khác của Giáo hội”.
Báo cáo của Hội đồng Giám mục Áo cho biết rằng “trong khi chức linh mục của phụ nữ được thảo luận không thường xuyên, vẫn có một cuộc bỏ phiếu mạnh mẽ, được đa số trong các giáo phận (bao gồm cả các lãnh đạo giáo phận, các phó tế Linz), ủng hộ việc nhận phụ nữ vào chức phó tế”.
Nó nhận xét, “Cũng như cộng đồng Kitô hữu tiên khởi đã công nhận trong Công vụ 6 rằng cần có một thừa tác vụ (mới) cho sứ mạng của Giáo hội, ngày nay chúng ta thừa nhận rằng thừa tác vụ này, được ban qua bí tích qua việc đặt tay, cần phải được mở rộng cho phụ nữ để Giáo hội có thể hoàn thành đầy đủ sứ mệnh của mình trong thế kỷ 21”.
Báo cáo lập luận rằng các nữ phó tế sẽ là một sự phát triển “theo hướng của Công đồng Vatican II”.
Nó nói rằng, “Vì thừa tác vụ này đã được thực hiện bởi cả nữ giới lẫn nam giới, nên 'đã đến lúc phải thừa nhận điều này dưới góc độ thần học về mục vụ và các bí tích, đồng thời mở ra chức phó tế vĩnh viễn trong một ordo [chức] cho cả nữ giới lẫn nam giới’".
“Trên cơ sở một quyết định cơ bản đúng đắn về mặt thần học, giáo luật có thể được điều chỉnh cho phù hợp. Kết quả là, các ơn gọi mà phụ nữ trải nghiệm có thể được nhìn thấy và khảo sát, đào tạo có thể được cung cấp và phụ nữ có thể được phong chức phó tế bí tích trong các giáo hội địa phương.”
Báo cáo của Áo cho biết thêm: “Một bước như vậy cũng có thể mang lại lợi ích cho cam kết hoàn cầu của Giáo hội trong việc chống lại nghèo đói và phân biệt đối xử đối với phụ nữ, vì Giáo hội sẽ ít bị nghi ngờ phải chịu trách nhiệm một phần về sự bất lợi và phân biệt đối xử đối với phụ nữ thông qua các cơ cấu của chính mình”.
Báo cáo của Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ cho biết người Công Giáo trong nước sẽ hoan nghênh việc mở chức phó tế cho phụ nữ “nếu nó nói lên một sự tiến hóa hướng tới sự công nhận bình đẳng về phẩm giá rửa tội của nam giới và nữ giới trong Giáo hội”.
Báo cáo nói thêm: “Nếu Giáo hội muốn đạt được sự tín nhiệm cơ bản trong sứ mệnh của mình ở Thụy Sĩ, thì phẩm giá rửa tội hoàn toàn tương đương với khả năng truyền giáo của Giáo hội cũng phải được phản ảnh trong thừa tác vụ được thụ phong của Giáo hội”.
Trong khi đó, Tổng Giáo phận Luxembourg – do Hồng Y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình viên của thượng hội đồng chủ trì – cho biết trong báo cáo phản hồi của thượng hội đồng rằng vai trò của phụ nữ trong Giáo hội cần được đánh giá lại, “trong số những điều khác thông qua việc phụ nữ tiếp cận với chức phó tế.”
Các báo cáo phản hồi có ý nghĩa như thế nào?
Người ta không rõ tác động của các báo cáo phản hồi của hội đồng giám mục có tác dụng gì đối với cuộc tranh luận về nữ phó tế.
Đó là bởi vì vào tháng 3 năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thông báo rằng nhiều chủ đề nóng bỏng được nêu ra trong phiên họp đầu tiên sẽ được giao cho các nhóm nghiên cứu do Vatican chỉ định, “để chúng có thể được xem xét kỹ lưỡng”.
Các viên chức Vatican xác nhận rằng các nhóm nghiên cứu sẽ đề cập đến chủ đề nữ phó tế.
Mặc dù các nhóm nghiên cứu sẽ trình bày “báo cáo ban đầu” về công việc của họ tại phiên họp thượng hội đồng lần thứ hai vào tháng 10 này, nhưng họ sẽ không phải kết thúc cho đến tháng 6 năm 2025. Vì vậy, các báo cáo phản hồi được các hội đồng giám mục thế giới gửi trong tháng này chỉ là một bước nhỏ trong một quá trình mở rộng hơn bao giờ hết trong tương lai.
Bốn báo cáo được xem xét ở đây chỉ là một phần nhỏ trong số những báo cáo được hơn 100 hội đồng giám mục trên toàn thế giới đệ trình lên Vatican. Và mặc dù bốn tài liệu báo cáo sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các nữ phó tế, vẫn có những sắc thái khác nhau.
Các bản tóm tắt của Thụy Sĩ và Áo rõ ràng kêu gọi việc phong chức phó tế cho phụ nữ. Nhưng các văn bản của Úc và Luxembourg không nói rõ ý nghĩa của chức nữ phó tế. Do đó, không rõ liệu họ có nói về việc truyền chức bí tích, hay việc thành lập một thừa tác vụ giáo dân mới, hay việc thay thế chức nữ phó tế trong Giáo hội sơ khai dưới một hình thức nào đó.
Vì vậy, chúng ta không thể biết chắc việc người Công Giáo ở Úc, Áo, Luxembourg và Thụy Sĩ có nhất thiết tán thành điều tương tự.
Chính bản báo cáo tổng hợp của Thượng Hội đồng đã ghi nhận sự nhầm lẫn trong cuộc tranh luận về các nữ phó tế.
Nó thừa nhận rằng có “những điều không chắc chắn xung quanh thần học về chức phó tế,” mà nó nói là do “thực tế là nó chỉ được khôi phục thành một thừa tác vụ phẩm trật riêng biệt và lâu dài trong Giáo hội Latinh kể từ Công đồng Vatican II.”
Nó gợi ý, “Nghiên cứu sâu hơn sẽ làm sáng tỏ vấn đề về khả năng tiếp cận chức phó tế của phụ nữ”.
Nhưng các nhóm nghiên cứu được thành lập để “làm sáng tỏ” chủ đề này khó có thể đạt được bất cứ kết luận dứt khoát nào vào thời điểm bắt đầu phiên họp thứ hai của thượng hội đồng.
Ngoài ra còn có một câu hỏi về mức độ đại diện của các báo cáo phản hồi. Trong khi Vatican yêu cầu các hội đồng giám mục tiến hành “tham vấn thêm”, nhưng lại không nêu rõ việc này sẽ được tiến hành như thế nào. Nó cho phép các Giáo hội địa phương tự do quyết định “điều gì có thể làm được trong thời gian sẵn có và cách tiếp cận tốt nhất để thực hiện”.
Điều này có nghĩa là các hội đồng giám mục có thể đã sử dụng một loạt các phương pháp, một số có nhiều khả năng gợi ra những phản hồi mang tính đại diện hơn những phương pháp khác.
Ví dụ, báo cáo của Úc cho biết các cuộc tham vấn đã được tổ chức từ tháng 2 đến tháng 4 năm nay, được giám sát bởi Trung tâm Nghiên cứu Mục vụ Quốc gia (NCPR) của đất nước. Trung tâm này đã nhận được phản hồi “từ 25 giáo phận địa lý và ba giáo phận của Giáo Hội Công Giáo Đông phương”. Nhưng có 28 giáo phận ở Úc và 5 giáo phận Công Giáo Đông phương, vì vậy một số bộ phận của Giáo hội địa phương đã không tham gia vào quá trình này. Báo cáo cũng ghi nhận cảm giác “mệt mỏi khi tham vấn”, điều này được cho là đã dẫn đến “ít việc tham gia hơn trong các giai đoạn sau”.
Nó cho biết: “Khung thời gian ngắn của cuộc tham vấn năm 2024 và việc lên lịch trong suốt Mùa Chay và Lễ Phục sinh cũng gây ra nhiều khó khăn”. Vì vậy, trong khi báo cáo của Úc kết luận rằng đã có “sự đồng thuận rộng rãi ở nhiều giáo phận địa lý” về nhu cầu cần có nữ phó tế, thì vẫn chưa rõ chính xác sự đồng thuận rộng đến mức nào. Cuối cùng, các báo cáo phản hồi của Thượng Hội đồng có ý nghĩa gì? Có lẽ không nhiều hơn những bản phác thảo mang tính gây ấn tượng về quan điểm trong các Giáo hội địa phương. Chúng có thể được sử dụng để chứng minh rằng có một làn sóng hoàn cầu ủng hộ các nữ phó tế trong Giáo Hội Công Giáo. Nhưng điều đó sẽ đòi hỏi nhiều bằng chứng hơn chúng ta có cho đến nay.
Thượng hội đồng chúng ta đáng có
Ed. Condon cũng của The Pillar thì cho rằng Nếu có ai thắc mắc tại sao dường như đột nhiên có sự thúc đẩy đột ngột về các tài liệu của Thượng Hội đồng liên quan đến chức nữ phó tế nữ, thì Đức Hồng Y tổng thư ký của Thượng Hội đồng đã giải thích sáng nay một cách hữu ích. Phát biểu với cổng thông tin truyền thông chính thức của Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ, Đức Hồng Y người Bỉ nói rằng chiến dịch truyền chức bí tích cho phụ nữ cần thể hiện một số “sự khéo léo và kiên nhẫn” nếu họ muốn thấy “các giải pháp thực sự”. Người phụ trách sắp xếp và tổng hợp các kết luận của tiến trình thượng hội đồng đã cảnh cáo: “Nếu bạn tấn công quá nhiều, bạn sẽ không đạt được nhiều thành tựu. Bạn phải thận trọng, thực hiện từng bước một và sau đó bạn có thể đi rất xa." Theo cổng thông tin của các giám mục Đức, việc giảng dạy về việc truyền chức bí tích chỉ dành riêng cho nam giới “không phải là giáo lý không thể sai lầm”, và Đức Hồng Y dường như đồng ý khi nói rằng “Nó có thể được thay đổi. Nó cần tranh luận và thời gian.”
Điểm mấu chốt trong lập luận của ĐHY Hollerich là Giáo hội nói chung chưa sẵn sàng chấp nhận các nữ linh mục vào lúc này, và cần phải có cam kết tranh luận lâu dài để thay đổi, và việc cố gắng quá sớm có thể thúc đẩy việc đối lập. Ngài nói: “Chúng ta phải hết sức cẩn thận để không gây ra phản ứng dữ dội lớn”. Như tôi đã lưu ý trong một bài phân tích, đối với những người bảo vệ thượng hội đồng như một công việc chân thành của Chúa Thánh Thần, không có các chương trình nghị sự chính trị-giáo hội, những bình luận của Hollerich có thể sẽ như một xô nước lạnh. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần khẳng định rằng việc thụ phong linh mục cho nữ là điều không thể – vào tháng 5 năm 2019, ngài đã đưa ra quan điểm khá gay gắt trong một cuộc họp của các nữ bề trên, khi nói với họ rằng “Chúng ta là người Công Giáo, nhưng nếu có ai trong số các chị muốn thành lập một Giáo hội khác thì các chị được tự do ra đi.” Ngài cũng nhất quán khi nói rằng tiến trình thượng hội đồng không phải là một nghị viện và nó không phải là một diễn đàn để tranh luận về những thay đổi đối với tín lý.
Nhưng Đức Hồng Y Hollerich rõ ràng không đồng ý trên cả hai mặt. Và, bất kể Đức Giáo Hoàng có thể nói gì, miễn là Đức Phanxicô giữ Đức Hồng Y ở lại chức vụ và không bị chỉnh sửa với tư cách là người tổng kết các phiên họp của thượng hội đồng, thì nhiều người sẽ kết luận rằng việc không hành động của ngài có ý nghĩa hơn lời nói.
Tại thời điểm này, tôi nghĩ “phản ứng dữ dội” của ĐHY Hollerich có lẽ là điều khó tránh khỏi. Các đại biểu từ mọi phía sẽ đọc lời của ngài và hiểu rằng mọi cuộc đánh cuộc sẽ kết thúc khi hội nghị triệu tập lại vào tháng 10 và họ sẽ chuẩn bị cho phù hợp.
Kết quả sẽ gây chia rẽ, gay gắt, sẽ gieo rắc sự hoang mang và nghi ngờ nơi các tín hữu.
Nó sẽ không giống như Thượng Hội đồng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hứa. Nhưng xét vì quyết định của ngài để yên vị một Hồng Y, người có vẻ thoải mái bác bỏ tính bất biến trong giáo huấn của Giáo hội và phớt lờ những chỉ thị của chính Đức Giáo Hoàng, có lẽ đó là thượng hội đồng mà tất cả chúng ta đều đáng có.