1. Báo cáo cho thấy cuộc tấn công Crimea đã phá hủy hai máy bay MiG-31 của Nga và hệ thống S-400 quý giá

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Crimea Strike Destroys Two Russian MiG-31s, Prized S-400 System—Report”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Ukrainska Pravda, vào chiều Thứ Sáu, 17 Tháng Năm,, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết một hệ thống phòng không tiên tiến của Nga và hai chiến đấu cơ đã bị hư hại trong cuộc tấn công bằng hỏa tiễn tầm xa mới nhất của Ukraine nhằm vào một căn cứ không quân quan trọng ở Crimea.

Các phương tiện truyền thông độc lập của Nga cũng xác nhận điều này. Một cặp chiến đấu cơ MiG-31 đã bị “phá hủy” và hệ thống phòng không S-400 bị hư hại sau khi Ukraine tấn công phi trường quân sự Belbek gần thành phố Sevastopol phía tây Crimea vào đêm thứ Năm 16 Tháng Năm, hãng tin độc lập Astra của Nga đưa tin hôm thứ Sáu, trích dẫn các nguồn ẩn danh trong các dịch vụ khẩn cấp của Crimea.

Từ hôm Thứ Ba, 14 Tháng Năm, quân Ukraine đã liên tục tấn công vào Crimea và đặc biệt là vào căn cứ không quân Belbek, là nơi đang tàng trữ các hỏa tiễn và đạn pháo cho một cuộc tấn công lớn của Nga vào cuối Tháng Năm, hay đầu Tháng Sáu.

Astra đưa tin một nhà kho chứa nhiên liệu đã bốc cháy. Một kênh Telegram của Crimea hôm thứ Tư cho biết “một kho nhiên liệu đã bị tấn công ở phi trường Belbek và một đám cháy bắt đầu”.

Sáng sớm thứ Tư, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không của nước này đã đánh chặn 10 hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, do Mỹ cung cấp trên Crimea trong đêm. Mỹ đã trang bị cho Kyiv một số loại ATACMS khác nhau, bao gồm cả các phiên bản tầm ngắn và tầm xa hơn, giúp Ukraine có khả năng tấn công các tài sản có giá trị cao ở sâu phía sau tiền tuyến.

Thống đốc Sevastopol do Nga bổ nhiệm, Mikhail Razvozhaev, cho biết lực lượng phòng không Nga đã “đẩy lùi một cuộc tấn công lớn” vào Sevastopol, bao gồm một số hỏa tiễn xung quanh phi trường Belbek.

Nhóm du kích ATESH của Ukraine, hoạt động ở Crimea, hôm thứ Tư cho biết “kho pháo chính” của phi trường Belbek đã bị hư hại, ảnh hưởng đến hỏa tiễn được máy bay phản lực Nga sử dụng để bắn vào Ukraine.

Olexander Scherba, cựu đại sứ Ukraine tại Áo, cho biết hôm thứ Năm rằng “nhiều máy bay phản lực” và hệ thống phòng không S-400, và có thể là một kho hỏa tiễn chiến lược, đã bị “phá hủy” tại phi trường Belbek trong hai ngày qua.

Các bức ảnh được lan truyền rộng rãi trên mạng hôm thứ Tư dường như cho thấy một radar S-400 bị hư hỏng, nhưng chúng không thể được xác minh độc lập.

Trong một tuyên bố riêng vào cuối ngày thứ Tư, Razvozhaev cho biết quân đội Nga đã “đẩy lùi” một cuộc tấn công khác của Ukraine vào thành phố cảng. Mạc Tư Khoa cho biết Ukraine đã bắn ATACMS vào các cơ sở không xác định vào khoảng 23h tối thứ Tư theo giờ Mạc Tư Khoa. Chính phủ Nga cho biết 5 hỏa tiễn đã bị lực lượng phòng không Nga “phá hủy” trên bầu trời Crimea.

Kyiv đã tăng cường các cuộc tấn công vào Crimea, bán đảo ở phía nam đất liền Ukraine mà Mạc Tư Khoa đã kiểm soát trong một thập niên. Tình báo Anh đánh giá, Kyiv tuyên bố sẽ đòi lại lãnh thổ và thường xuyên tấn công vào các cơ sở quân sự như căn cứ không quân Belbek, vốn thuộc về Ukraine trước khi Nga sáp nhập vào năm 2014. Vào cuối tháng Giêng, một cuộc tấn công của Ukraine đã phá hủy một hầm trú ẩn của Nga tại căn cứ không quân Belbek. đầu năm nay.

2. Máy bay không người lái của Ukraine tấn công các cơ sở của nhà sản xuất quốc phòng Nga ở Tula

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Sáu, 17 Tháng Năm, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết các máy bay không người lái do cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR, điều hành đã tấn công các cơ sở sản xuất của công ty sản xuất vũ khí nhà nước Nga “Basalt” ở thành phố Tula vào đêm 16 Tháng Năm.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, tuyên bố lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ hai máy bay không người lái trên vùng Tula, một chiếc trên vùng Bryansk, một chiếc trên vùng Kaluga, một chiếc trên vùng Belgorod và sáu chiếc trên vùng Crimea bị tạm chiếm vào ban đêm.

“Basalt” được cho là doanh nghiệp quốc phòng chính sản xuất và cung cấp vũ khí, đạn dược cho Lực lượng Lục quân, Không quân và Hải quân Nga, có trụ sở chính tại Mạc Tư Khoa.

Đại Úy Andriy Yusov cũng khẳng định rằng HUR đã tấn công vào một kho dầu ở Belgorod và một trạm biến áp điện ở Lipetsk vào ngày 13 tháng 5.

Hai ngày trước đó, tình báo quân sự Ukraine tuyên bố họ đứng sau vụ tấn công vào nhà máy lọc dầu ở Volgograd. Kho dầu Kaluganefteprodukt và nhà máy luyện kim Novolipetsk cũng bị máy bay không người lái tấn công.

3. Putin đã sa thải nhà lãnh đạo an ninh hoang tưởng của mình. Dưới đây là 5 câu nói quái đản nhất của Nikolai Patrushev

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin has ditched his paranoid security chief. Here are 5 of the wackiest things Nikolai Patrushev has said.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Những người tin rằng thế giới quan nhiễm sắc màu Đức Quốc xã được Vladimir Putin tán thành - nói một cách nhẹ nhàng – chỉ là cá biệt, vẫn chưa gặp Nikolai Patrushev.

Người đàn ông được mệnh danh là diều hâu nhất trong số những người diều hâu, là kẻ có đường lối cứng rắn nhất trong số những kẻ sắt máu, đã gây chú ý trong tuần này sau khi bị đẩy khỏi vai trò thư ký Hội đồng An Ninh Quốc Gia sau 16 năm đảm nhiệm, để thay thế bởi Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu trong cuộc cải tổ nội các do Putin ra lệnh.

Chức vụ mới của ông với tư cách là trợ lý của Putin, chuyên trách về đóng tàu, có vẻ như bị giáng chức.

Nhà phân tích Nikolai Petrov nói với POLITICO: “Điều này nói cho cùng chỉ là việc nghỉ hưu trong danh dự”.

Nếu đúng như vậy, nó đánh dấu sự đoạn tuyệt sâu sắc với một điệp viên thân thiết với Putin kể từ những năm KGB của họ ở Leningrad những năm 1970 và tiếp tục đóng vai trò then chốt trong sự cai trị kéo dài một phần tư thế kỷ của nhà độc tài.

“Đây là người đồng chí tốt của tôi,” Putin được cho là đã nói vào năm 1999, khi giới thiệu Patrushev là người kế nhiệm ông tại cơ quan tình báo FSB sau khi chính ông trở thành thủ tướng. “Ông ấy sẽ làm mọi thứ để lực lượng an ninh trở nên mạnh mẽ hơn nữa”.

Đó là điều Patrushev đã làm. Và sau đó, làm thêm vài điều nữa.

Trong những năm qua, Patrushev, người từng gọi ma quỷ là “quý tộc” thời hiện đại - đã nổi lên như một kẻ đứng đầu theo chủ nghĩa âm mưu của Nga, đưa ra các lý thuyết củng cố chủ nghĩa bành trướng ở nước ngoài và đàn áp trong nước của chế độ Putin.

Thật khó tưởng tượng có một ngày mà thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia được chuyển qua chuyên trách việc đóng tàu, là công việc mà một số người khẳng định là nghỉ phép trong vườn. Thật vậy, đã có lúc các nhà phân tích tự hỏi liệu Patrushev có phải là quyền lực thực sự đằng sau ngai vàng hay không.

Điều quan trọng là ông thực sự là cố vấn an ninh quốc gia của Nga và là người liên lạc chính về an ninh với các cường quốc nước ngoài, bao gồm cả Hoa Kỳ - là đối tượng khiến ông luôn luôn phẫn nộ.

Được biết chính Patrushev là người đã xúi giục Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Nhưng đó dường như cũng là khởi đầu cho sự sáng tỏ các huyền thoại chung quanh chính ông ta.

Với tư cách là giám đốc an ninh, ông sẽ phải đối mặt với những câu hỏi về quan niệm sai lầm của Điện Cẩm Linh về việc dễ dàng nắm quyền kiểm soát Ukraine, và làm thế nào mà chiến thắng chớp nhoáng kéo dài ba ngày đã trở thành một cuộc chiến kéo dài và khốc liệt.

Chưa kể đến những vi phạm an ninh nghiêm trọng ở trong nước, chẳng hạn như cuộc binh biến của lãnh chúa Yevgeny Prigozhin năm ngoái hay vụ tấn công khủng bố gần đây vào phòng hòa nhạc Crocus ở ngoại ô Mạc Tư Khoa.

Tuy nhiên, theo một số người, bức màn cuối cùng vẫn chưa buông xuống trong sự nghiệp của Patrushev. Vị trí mới của ông vẫn để lại một số khoảng trống cho ảnh hưởng. Và - điều quan trọng nhất - ông ấy vẫn sẽ được Putin lắng nghe.

Xem xét những gì ông ấy đã nói trong những năm qua, chỉ riêng điều đó thôi cũng là lý do cần lưu ý. Đây là 5 câu nói gian ác nhất mà Patrushev đã tuôn ra.

Câu thứ nhất: Phương Tây đang buôn bán trẻ mồ côi và nội tạng của Ukraine

Hai tháng sau khi Nga phát động cuộc xâm lược, vào tháng 4 năm 2022, Patrushev cáo buộc trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Rossiiskaya Gazeta rằng bọn tội phạm Ukraine đang “buôn trẻ mồ côi được đưa từ Ukraine để nhận con nuôi bất hợp pháp sau đó ở Âu Châu”.

Hãy nghĩ mà xem: Căn cứ theo lệnh bắt giữ của ICC và các cuộc điều tra của những nhà báo độc lập, phải chăng Patrushev đã đọc sai thông tin của chính mình và dự đoán chính xác tội ác của Nga trong việc bắt cóc trẻ em và giao chúng cho các gia đình người Nga,?

Đó chưa phải là tất cả: Hắn ta còn tuyên bố rằng phương Tây đã “hồi sinh thị trường ngầm để mua nội tạng người từ những bộ phận dân cư Ukraine dễ bị tổn thương về mặt xã hội để cấy ghép bí mật cho bệnh nhân Âu Châu”.

Câu thứ hai: “Hàng tỷ vàng”

Một trong những thuyết âm mưu cứng đầu nhất thời hậu Xô Viết cho rằng một tầng lớp nhỏ những người giàu có cố tình tạo ra các cuộc khủng hoảng toàn cầu để làm giàu cho bản thân.

Các bạn hãy đoán xem ai không chỉ tin vào lý thuyết đó mà còn nâng nó lên thành vấn đề an ninh quốc gia? Đó chính là Patrushev.

Nhiều tháng sau cuộc xâm lược của Nga, vào tháng 5 năm 2022, Patrushev nói với tờ báo Argumenty i Fakti rằng “Người Anglo-Saxon” đã được hướng dẫn bởi nguyên tắc đó trong “nhiều thế kỷ”.

Ông nói: “Ẩn mình đằng sau những lời nói như đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ, trên thực tế, họ đang thực hiện học thuyết 'tỷ vàng', quy định rằng chỉ một số lượng hạn chế người mới có thể phát triển mạnh mẽ trên thế giới này”.

Âm mưu xấu xa của “một số ít ông trùm ở Thành phố Luân Đôn và Phố Wall” là nguyên nhân gây ra tình trạng thất nghiệp và khủng hoảng di cư ở Âu Châu cũng như nạn đói ở Phi Châu do nguồn cung cấp ngũ cốc bị gián đoạn (và chắc chắn không phải do vụ đánh bom của Nga vào các cảng Ukraine).

Đừng quên Corona virus, là loại virus mà Patrushev cho rằng có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm của Ngũ Giác Đài.

Ông nói: “Các quỹ Clinton, Rockefeller, Soros và Tổng thống Biden đã tham gia vào công việc này.

Câu thứ ba: Madeleine Albright lên tiếng từ bên kia nấm mồ

Năm 2015, một năm sau khi Mạc Tư Khoa sáp nhập Crimea, Patrushev bày tỏ niềm tin rằng Hoa Kỳ muốn xóa sổ Nga khỏi bề mặt trái đất.

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn: “Có lẽ bạn còn nhớ tuyên bố của cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright rằng cả vùng Viễn Bắc và Siberia đều không thuộc về Nga.

Ý tưởng đó bắt nguồn từ một cuộc phỏng vấn năm 2006, trong đó Boris Ratnikov, một thiếu tướng đã nghỉ hưu của Cơ quan Vệ binh Liên bang, đã khoe khoang về bộ phận tâm lý đặc biệt của cơ quan.

Theo lời kể của Ratnikov, ông chủ của anh ta là Georgy Rogozin đã nằm xuống và rơi vào trạng thái giống như bị thôi miên. Sử dụng bức ảnh của Albright để triệu hồn, Rogozin đóng vai trò là “trung gian” giữa Ratnikov và chính trị gia hàng đầu nước Mỹ.

Trong khi rơi vào trạng thái xuất thần, Rogozin nhận ra “sự căm ghét bệnh hoạn đối với người Slav” của Albright và sự ghen tị đối với Nga vì có “trữ lượng tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới”.

Câu thứ tư: Sinh viên là đặc vụ cách mạng

Phương Tây đang tìm cách phá hoại không chỉ sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga.

Vào năm 2021, phát ngôn nhân của Patrushev thông báo với báo chí rằng ông sẽ sớm báo cáo với Putin về các cuộc tấn công của phương Tây nhằm vào các giá trị đạo đức và tinh thần của Nga, cũng như những nỗ lực áp đặt “những lý tưởng và chuẩn mực xa lạ” sẽ làm suy yếu sự ổn định xã hội.

Trong số đó có việc tuyên bố các giá trị LGBT+ - một nỗ lực khác của “tỷ vàng” nhằm loại bỏ khỏi thế giới này “những người thừa”.

Sử dụng các tổ chức phi chính phủ làm đặc vụ, phương Tây nhắm vào các nhóm dễ bị tổn thương ở Nga, chẳng hạn như các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo, với mục đích “làm mất ổn định tình hình chính trị xã hội và làm mất uy tín của chính quyền Nga”.

Một công cụ khác là sinh viên, bị thu hút tới phương Tây bằng các khoản trợ cấp và chương trình trao đổi. Từ Hoa Kỳ, “họ trở về với tư cách là những kẻ kích động sẵn sàng thực hiện cái gọi là chuyển đổi dân chủ và chuẩn bị nền tảng cho việc thực hiện các kịch bản 'cách mạng màu',” Patrushev phát biểu tại một cuộc họp an ninh ở thủ đô Yerevan của Armenia.

Trước đó, Patrushev đã cảnh báo về những nỗ lực chiêu mộ thanh niên Nga của các giáo phái nước ngoài theo chủ nghĩa tân ngoại giáo, thuyết huyền bí và chủ nghĩa Satan.

Trong cuộc phỏng vấn năm 2023, Patrushev cảnh báo: “Người phương Tây đang cố gắng làm suy yếu đất nước chúng ta, chia cắt nó, phá hủy tiếng Nga và thế giới Nga”.

Câu thứ năm: Ukraine đang bị xâm chiếm… bởi Ba Lan.

Không phải Nga, mà là Ba Lan đang cố gắng xâm chiếm Ukraine, Patrushev giải thích tại cuộc họp an ninh quốc gia vào tháng 5 năm 2022.

Ông nói: “Những người được gọi là đối tác phương Tây của chế độ Kyiv đang lợi dụng tình hình hiện tại vì lợi ích ích kỷ của riêng họ và có những kế hoạch lớn đối với vùng đất Ukraine”.

Để làm bằng chứng, ông trích dẫn chuyến thăm Kyiv của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và “tuyên bố của ông rằng biên giới Ba Lan-Ukraine sẽ sớm chấm dứt tồn tại”.

“Xét về mọi mặt, Ba Lan đã tiến tới việc chiếm giữ lãnh thổ ở miền Tây Ukraine.”

Trên thực tế, Duda đã cam kết tiếp tục viện trợ của Ba Lan cho Ukraine và những người Ukraine chạy trốn, nói rằng biên giới giữa hai nước nên “đoàn kết, không chia rẽ”. Ông cũng gọi người Ukraine là “anh hùng” vì đã đấu tranh cho nền độc lập của mình.

Bạn có cảm thấy nhẹ nhõm khi xem xét tất cả những điều trên trong bối cảnh Patrushev có thể sắp ra đi?

Nếu đúng như vậy, bạn nên nhớ rằng Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenza đã từng nói với Hội đồng Bảo an rằng Hoa Kỳ đã triển khai muỗi chống muỗi ở Ukraine.

“Tất cả chúng ta đều biết những tuyên bố này chỉ là bịa đặt, được đưa ra mà không có một chút bằng chứng nào. Và tôi thậm chí còn mạo hiểm nói rằng phái đoàn Nga biết những cáo buộc này là bịa đặt. Nhưng họ nghiêm chỉnh thực hiện mệnh lệnh của Putin,” Đại sứ Hoa Kỳ Linda Thomas-Greenfield phản bác.

4. Bộ Tái hòa nhập Ukraine đã đưa cậu bé 17 tuổi từ vùng lãnh thổ bị Nga xâm lược về nước

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Năm 16 Tháng Năm, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết Ukraine đã đưa về một cậu bé 17 tuổi, tên là Denys, từ vùng lãnh thổ do Nga nắm giữ ở tỉnh Zaporizhzhia.

Theo cơ sở dữ liệu của Children of War, hơn 19.500 trẻ em đã được xác nhận bị Nga bắt cóc kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine và chưa đến 400 trẻ trong số đó đã được đưa về nước.

Cô cho biết Bộ Tái hòa nhập đã đưa cậu bé trở lại với sự hợp tác của tổ chức phi chính phủ Mạng lưới Quyền Trẻ em Ukraine.

Denys là một đứa trẻ mồ côi. Theo tuyên bố của Bộ, em đã sống ở các vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm dưới sự chăm nom của người hàng xóm và tìm kiếm các lựa chọn để chuyển đến lãnh thổ do Ukraine kiểm soát kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Dì của Denys trước đó đã kêu gọi Bộ giúp đỡ đưa cậu bé trở lại. Hiện tại, Denys sống dưới sự giám hộ của dì.

Bộ cho biết cậu bé sẽ sớm đến trung tâm phục hồi chức năng ở thành phố Truskavets ở Lviv để phục hồi thêm.

Một ngày trước đó, Ukraine đã giải cứu 6 trẻ em khỏi vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm ở Kherson.

Tổng cộng có 84 trẻ em đã được đưa về từ lãnh thổ bị Nga tạm chiếm ở Kherson kể từ đầu năm 2024.

5. Thủ tướng Slovakia Robert Fico là ai? Một người vay mượn các ý tưởng của cựu Tổng thống Trump và Viktor Orbán

Tờ The Guardian có bài tường trình nhan đề “He is borrowing from Trump’: the rise of Robert Fico, Slovakia’s populist leader”, nghĩa là “Ông ấy đang vay mượn từ cựu Tổng thống Trump': sự trỗi dậy của Robert Fico, nhà lãnh đạo dân túy của Slovakia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy của Slovakia, Robert Fico, người bị bắn và bị thương hôm thứ Tư, là một cựu chiến binh chính trị vạm vỡ và thô lỗ nổi tiếng với những cuộc tấn công nhằm vào giới truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các công tố viên.

Từng đảm nhiệm ba nhiệm kỳ thủ tướng trước đây, Fico, 59 tuổi, được các cử tri và nhà quan sát biết đến như một chính trị gia tìm cách bắt chước Viktor Orbán, người bạn của ông ở nước láng giềng Hung Gia Lợi, bằng cách cố gắng phá hoại các cơ chế kiểm tra và cân bằng của nền dân chủ để củng cố quyền lực của ông ta. Đồng thời, ông ta cũng giống Orbán ở lập trường thân thiện với Nga hơn Liên Hiệp Âu Châu.

Robert Fico là ai?

Việc Fico trở lại nắm quyền vào năm ngoái đã gây ra mối lo ngại trong và ngoài đất nước của ông, là điều mà các nhà phê bình cho rằng đang ngày càng trở nên nóng sốt và phân cực dưới sự giám sát của ông. Các nhà báo ở Slovakia đã bày tỏ sự lo ngại về một quyết định gần đây của chính phủ sẽ thay thế đài truyền hình công cộng của đất nước và, họ nói, sẽ tạo điều kiện cho đài này có khuynh hướng nâng bi chế độ hơn là nói lên sự thật một cách khách quan và công bằng.

Trong khi đó, động thái đóng cửa văn phòng công tố viên đặc biệt tập trung vào tham nhũng của Fico đã làm tăng khả năng Liên Hiệp Âu Châu có thể đóng băng một số khoản tài trợ được phân bổ cho Slovakia.

Dự luật “đặc vụ nước ngoài” giống như Nga, quy định các nhóm xã hội dân sự nhận được hơn 5.000 euro tài trợ quốc tế mỗi năm là “các tổ chức có sự hỗ trợ của nước ngoài” cũng gây ra lo ngại ở Liên Hiệp Âu Châu và các tổ chức phi chính phủ. Tổ chức Ân xá Quốc tế Slovakia đã mô tả dự luật này là “một nỗ lực trá hình sơ sài nhằm bêu xấu các tổ chức xã hội dân sự chỉ trích chính quyền và cản trở công việc quan trọng của họ”.

Fico là điển hình cho làn sóng mới của các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy-dân tộc đã nổi lên trong thập niên qua, thúc đẩy làn sóng phẫn uất tạo ra trong hàng chục triệu người Âu Châu bởi những thất vọng của thế kỷ 21.

Anh ta lớn lên ở Topoľčany, một thị trấn nhỏ ở phía tây Slovakia, là con trai của một tài xế xe nâng và một nhân viên cửa hàng. Xe tăng Liên Xô đã đè bẹp phong trào cải cách Tiệp Khắc khi anh ta mới ba tuổi và ít ai ngờ rằng sẽ có bất kỳ thay đổi nào đối với sự kìm kẹp sắt đá của Đảng Cộng sản đối với vùng đất lúc đó là Tiệp Khắc trong những năm đầu đời của anh ta.

Khi còn trẻ, Fico tham gia rất nhiều vào hệ thống kềm kẹp, gia nhập Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, thực hiện nghĩa vụ quân sự với tư cách là điều tra viên, lấy bằng Tiến sĩ để nghiên cứu về hình phạt tử hình và sau đó làm việc trong bộ phận pháp lý của Viện Hàn lâm Khoa học Slovakia.

Nhưng sự sụp đổ của Bức tường Berlin, Cách mạng Nhung bất bạo động đã chấm dứt chế độ cộng sản ở Tiệp Khắc, và sự độc lập của Slovakia, đã mở ra một kỷ nguyên tư bản tự do mới, mang đến những cơ hội kinh doanh và chính trị.

Fico, một người còn trẻ, có sức thuyết phục đã nhanh chóng nhận ra tham vọng tham gia chính trị từ thời thơ ấu của mình sẽ phải được điều chỉnh như thế nào trong bối cảnh mới khi cộng sản đã sụp đổ tan tành trên khắp Âu Châu.

Anh ta tiếnlên nhanh chóng. Sau khi gia nhập Đảng Dân chủ Tả, ông chuyển sang thành lập Smer – sociallna demokracia, nghĩa là Định hướng – Dân chủ Xã hội. Tổ chức mới chỉ nói suông về cả nền dân chủ và chủ nghĩa xã hội, mặc dù nhiều nhà quan sát nhanh chóng kết luận rằng ý thức hệ của nó đứng thứ hai sau tham vọng của chính Fico.

Bảy năm đối lập đã dẫn đến chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2006. Điều này chứng tỏ tiềm năng chính trị của việc hứa bảo vệ những người bị bỏ lại ở một đất nước mà mức sống của nhiều người chỉ mới bắt kịp Tây Âu và do đó, nhiều người hoài niệm về những gì đã xảy ra trong quá khứ thời cộng sản.

Mất quyền lực vào năm 2010, đảng của Fico lại giành chiến thắng hai năm sau đó sau khi một liên minh trung hữu khác tan rã. Lập trường cứng rắn chống lại người di cư đã dẫn đến cuộc bầu cử lại vào năm 2016. Nhưng sau đó, khi nhà báo Ján Kuciak, người đang điều tra tham nhũng cao cấp, và vợ chưa cưới của ông, Martina Kušnírová, bị một kẻ giết người hợp đồng sát hại vào năm 2018, Fico lại gặp rắc rối. Những cuộc biểu tình lớn đã buộc ông phải từ chức. Smer mất quyền lực trong cuộc bầu cử năm 2020 vào tay các đảng cam kết loại bỏ tham nhũng và đảng của ông bị chia rẽ.

Tuy nhiên, Fico không từ bỏ, thích một cuộc chiến chính trị tàn khốc hơn là đam mê thể hình hoặc xe hơi nhanh. Đại dịch Covid đã mang đến cho Fico – lúc đó có tỷ lệ bỏ phiếu dưới 10% – một cơ hội mới.

Grigorij Mesežnikov, một nhà phân tích chính trị ở Bratislava cho biết: “Ông ấy trở thành đại diện chính trị nổi bật nhất của phong trào chống khẩu trang và chống tiêm chủng.”

Bản thân nhà lãnh đạo Smer đã phải đối mặt với cáo buộc hình sự, điều mà ông luôn phủ nhận, về việc thành lập một nhóm tội phạm và lạm dụng quyền lực, nhưng tổng công tố Slovakia đã bác bỏ cáo trạng. Điều này tạo thêm động lực để giành lại quyền lực.

Milan Nič, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho biết: “Ông ấy đang vay mượn các ý tưởng của Donald Trump và sẽ làm và nói những gì cần thiết, từ phải sang trái”.

“Anh ta rất khéo léo trong việc định vị mình là người chống lại chính quyền. Mối quan tâm chính của anh ta bây giờ là phá bỏ nỗ lực tư pháp.”

Để đạt được mục tiêu này, Fico đã chấp nhận các quan điểm cực đoan hơn bao gồm tấn công các đồng minh phương Tây, cam kết ngừng hỗ trợ quân sự cho Kyiv, chỉ trích các lệnh trừng phạt đối với Nga và đe dọa phủ quyết bất kỳ lời mời nào của NATO trong tương lai đối với Ukraine. Ông cũng đã nỗ lực khai thác sự chia rẽ giữa cử tri cấp tỉnh lớn tuổi, bảo thủ hơn và cử tri ở thủ đô Bratislava, nơi có nền văn hóa tiến bộ hơn, dân số giàu có hơn và thường có trình độ học vấn cao hơn.

Một trong những mục tiêu mà Fico đánh phá gay gắt là tổng thống theo chủ nghĩa tự do của đất nước, cựu luật sư nhân quyền và nhà hoạt động Zuzana Čaputová, người mà ông gọi là “con rối của Hoa Kỳ” và là người đã kiện ông vào năm ngoái vì đã truyền bá những lời dối trá về bà. Fico cũng đã dán nhãn cho nhiều đối thủ và tổ chức phi chính phủ khác nhau theo chỉ dẫn của nhà tài chính Hoa Kỳ George Soros. Một mục tiêu khác là cộng đồng LGBT của Slovakia.

Fico, người mà các nhà phân tích cho là được truyền cảm hứng từ Orbán ở Hung Gia Lợi, khẳng định rằng ông thực sự quan tâm đến lợi ích của Slovakia.

Fico nói với Reuters vào tháng 9 năm ngoái: “Chúng tôi coi Viktor Orbán là một trong những chính trị gia Âu Châu không ngại công khai bảo vệ lợi ích của Hung Gia Lợi và người dân Hung Gia Lợi”. “Anh ta đặt chúng lên hàng đầu. Và đó phải là vai trò của một chính trị gia được bầu, để chăm sóc lợi ích của cử tri và đất nước của mình.”

6. Nhóm du kích cho biết các kho đạn bị tấn công tại phi trường Belbek ở Crimea bị tạm chiếm

Theo nhóm du kích Atesh, kho hỏa tiễn và đạn pháo của phi trường quân sự Belbek của Nga gần Sevastopol bị tạm chiếm đã nổ tung trong hai đêm 15 và 16 Tháng Năm.

Theo các nhân chứng, kênh Crimea Wind Telegram trước đó đưa tin rằng phi trường Belbek đã bị tấn công và một kho nhiên liệu bốc cháy do cuộc tấn công. Các vụ nổ đã được báo cáo ở Sevastopol, Simferopol, Dzhankoi và Hvardiiske bị tạm chiếm.

Các nhóm du kích cho rằng kho chứa bị hư hại đã lưu trữ “hầu hết hỏa tiễn” cho các chiến đấu cơ Su-27 và Su-30 của Nga cũng như máy bay MiG-31, là các phương tiện mang hỏa tiễn đạn đạo Kinzhal mà Nga sử dụng để tấn công Ukraine. Cho đến nay vẫn chưa rõ liệu đạn dược phát nổ có bao gồm Kinzhals hay không. Đó là thứ hỏa tiễn của Nga đáng lo ngại nhất.

Atesh tuyên bố: “Cơ sở hạ tầng của phi trường cũng bị thiệt hại đáng kể do các vụ nổ thứ cấp”.

Bộ Quốc phòng Nga cho rằng 5 hỏa tiễn ATACMS do Mỹ cung cấp đã bị lực lượng phòng không đánh chặn trong đêm.

Người ta cho biết người ta đã nghe thấy tiếng nổ ở Sevastopol bị tạm chiếm và hỏa hoạn bùng phát gần phi trường quân sự Belbek trong nhiều đêm liên tiếp.

Sevastopol cũng là nơi đóng quân của Hạm đội Hắc Hải của Nga và thường xuyên là mục tiêu của các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và thuyền không người lái của hải quân Ukraine.

Chính quyền Nga thường xuyên tuyên bố đã bắn hạ hỏa tiễn và máy bay không người lái của Ukraine mà không báo cáo thiệt hại, mặc dù các báo cáo sau đó đôi khi xuất hiện cho thấy các mục tiêu quân sự hoặc cơ sở hạ tầng dường như đã bị tấn công.

7. Kỷ lục cảnh báo không kích dài nhất ở Kharkiv, sáu vụ nổ được ghi nhận

Vào khoảng 1 giờ sáng ngày Thứ Sáu, 17 tháng 5, một cảnh báo không kích kéo dài cuối cùng đã được dỡ bỏ ở Kharkiv sau khi các quan chức báo cáo về nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga và mối đe dọa hỏa tiễn đạn đạo.

Cảnh báo trên không kéo dài hơn 16 tiếng rưỡi, dài nhất kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Sáu vụ nổ đã được ghi nhận ở Kharkiv trong suốt ngày 16 tháng 5. Không có báo cáo ngay lập tức về thương vong.

Thống đốc tỉnh Kharkiv Oleh Syniehubov xác nhận rằng một trong những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã gây ra hỏa hoạn ở quận Kholodnohirskyi của Kharkiv.

Kharkiv thường xuyên trở thành mục tiêu trong những tuần gần đây và giao tranh vẫn tiếp diễn xung quanh một số thị trấn gần biên giới Nga sau một cuộc tấn công gần đây của Nga.

8. Tổng thống Zelenskiy nói tình hình ở Kharkiv 'khó khăn' nhưng 'trong tầm kiểm soát', Nga chịu 'tổn thất đáng kể'

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối thứ Sáu 17 tháng 5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông đã đến thăm Kharkiv hôm Thứ Năm, 16 Tháng Năm và nhận được báo cáo từ các chỉ huy quân sự về tình hình chiến trường ở tỉnh này.

Nga phát động cuộc tấn công mới với 30.000 quân vào ngày 10 Tháng Năm, nhằm vào tỉnh Kharkiv, nằm ở biên giới chung giữa hai nước ở phía đông bắc Ukraine.

Quân đội Mạc Tư Khoa đã tập trung nỗ lực vào hướng Lyptsi và Vovchansk, hai khu định cư cách biên giới vài km về phía nam. Theo thông tin mới nhất, giao tranh đang diễn ra ở vùng ngoại ô phía bắc Vovchansk.

Zelenskiy cho biết ông đã nhận được báo cáo chi tiết về tình hình từ Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi, chỉ huy nhóm lực lượng Khortytsia, Yurii Sodol, và chỉ huy nhóm tác chiến-chiến thuật “Kharkiv”, Mykhailo Drapatyi.

Ông Zelenskiy nói: “Tính đến hôm nay, tình hình ở Kharkiv nhìn chung đã được kiểm soát, binh lính của chúng tôi đang gây tổn thất đáng kể” cho quân đội Nga.

“Tuy nhiên, tình hình vẫn còn khó khăn, chúng tôi đang tăng cường các đơn vị của mình.”

Tổng thống cũng nhận được báo cáo từ nhà lãnh đạo cơ quan tình báo về kế hoạch của Nga.

Ông Zelenskiy cho biết: “Một kế hoạch cho các hành động tiếp theo đã được xác định cho cả chính quyền khu vực Kharkiv và tất cả các cơ cấu an ninh trong khu vực”.

9. Reuters: Phần Lan dự định dùng quân dự bị tuần tra biên giới với Nga

Theo thông tấn xã Reuters, Phần Lan đang lên kế hoạch thay đổi quy định nhập ngũ để cho phép lực lượng dự bị giúp tuần tra biên giới với Nga trong trường hợp có làn sóng người di cư bất ngờ.

Theo quy định mới, những người Phần Lan đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong lực lượng biên phòng giờ đây có thể được gọi đi tuần tra biên giới với Nga trong những trường hợp đặc biệt.

Phần Lan đã đóng cửa biên giới với Nga vào cuối tháng 11 năm 2023 sau khi Nga dàn xếp một làn sóng người di cư như một cách để gây áp lực với Helsinki.

Chỉ riêng trong tháng 11, khoảng 900 người xin tị nạn từ các quốc gia như Kenya, Maroc, Pakistan, Somalia và Yemen đã vào Phần Lan từ Nga.

Chính phủ Phần Lan hồi tháng trước đã quyết định đóng cửa biên giới vô thời hạn.

Chính phủ Phần Lan cũng quyết định đóng cửa một số điểm giao thông hàng hải để chèo thuyền giải trí do lo ngại rằng Nga có thể khuyến khích người di cư đến Phần Lan bằng đường biển hoặc đường hồ.

Chiến lược đưa người xin tị nạn đến biên giới phía đông Phần Lan của Nga tương tự như tình hình ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan năm 2021, khi Minsk khuyến khích hàng ngàn người xin tị nạn từ Trung Đông và Phi Châu cố gắng đến Liên Hiệp Âu Châu qua biên giới Ba Lan.

Những thay đổi trong chính sách bắt buộc của Phần Lan sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại quốc hội.

10. Bộ trưởng Nội Vụ: Nga bắt, và bắn dân thường chạy giặc ở miền bắc Vovchansk

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Sáu, 17 Tháng 5, Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko cho biết các lực lượng Nga đang bắt giữ thường dân Ukraine và ngăn chặn việc di tản của họ ở khu vực phía bắc Vovchansk đang bị bao vây ở tỉnh Kharkiv.

Ông nói: “Chúng tôi biết về những trường hợp đầu tiên quân đội Nga hành quyết dân thường”.

Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 15 Tháng Năm xác nhận rằng các đơn vị Nga đã tiến vào khu vực phía bắc thị trấn, nhưng quân đội Ukraine được tường trình đã ngăn cản chúng thiết lập chỗ đứng sâu hơn ở Vovchansk.

Klymenko kể về trường hợp một người dân Vovchansk bị lính Nga giết chết sau khi anh ta không chịu tuân theo mệnh lệnh của họ và cố gắng đi bộ trốn thoát. Cảnh sát điều tra đã mở một vụ án hình sự cáo buộc Nga vi phạm các quy tắc chiến tranh.

Theo Bộ trưởng, những thường dân khác đang bị bắt giữ và buộc phải xuống tầng hầm.

Ông nói thêm rằng các sĩ quan cảnh sát Ukraine tiếp tục di tản người dân bất chấp tình trạng căng thẳng đang diễn ra.

Tính đến tháng 2, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là OHCHR, đã xác minh 30.457 thương vong dân sự, trong đó có 19.875 người bị thương, do cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

OHCHR lưu ý rằng con số thực tế có thể cao hơn. Nga không cho phép giám sát tại các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, một số vùng trong số đó có thể phải chịu thiệt hại nặng nề nhất về sinh mạng dân thường, chẳng hạn như Mariupol.

Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc từ tháng 12 năm ngoái cho biết tổ chức quốc tế này đã ghi nhận 142 trường hợp quân đội Nga hành quyết thường dân Ukraine.

11. Để giảm thiểu tổn thất: Bộ trưởng Quốc phòng mới của Nga liệt kê các ưu tiên cho cuộc xâm lược Ukraine

Tờ Kyiv Post có bài tường trình nhan đề “To Minimize Losses: Russia’s New Defense Minister Lists Priorities for Ukraine Invasion” đề cập đến bài diễn văn đầu tiên của tân Bộ trưởng Quốc phòng Nga. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Andrey Belousov, Bộ trưởng Quốc phòng mới được Vladimir Putin đề cử và chưa từng có kinh nghiệm quân sự, đã chia sẻ danh sách các ưu tiên mà ông sẽ thực hiện sau khi nhậm chức.

Tại cuộc họp toàn thể của Hội đồng Liên bang Nga, hay Thượng viện Nga, Belousov cho biết việc trang bị cho quân đội tiền tuyến, phát triển công nghệ mới cho chiến tranh và bảo đảm thanh toán kịp thời cũng như hỗ trợ nhà ở cho quân nhân đều là những ưu tiên quan trọng không kém đối với ông với tư cách là bộ trưởng quốc phòng mới.

“Tất nhiên, nhiệm vụ trọng tâm vẫn là giành được chiến thắng và bảo đảm đạt được các mục tiêu chính trị-quân sự của chiến dịch quân sự đặc biệt do tổng thống đặt ra. Về mặt này, tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh: những mục tiêu này cần phải đạt được với tổn thất về người ở mức tối thiểu”, Belousov phát biểu tại một phiên họp của các nhà lập pháp Nga hôm Thứ Năm, 16 Tháng Năm.

Belousov, một nhà kinh tế và cựu phó thủ tướng Nga, cũng cho biết Putin đã chỉ đạo ông lồng ghép tài chính của quân đội Nga vào nền kinh tế đất nước, điều này đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả chi tiêu quân sự.

“Tôi muốn nhấn mạnh: tối ưu hóa không có nghĩa là cắt giảm sâu rộng. Tối ưu hóa, trước hết, có nghĩa là tăng hiệu quả để mỗi đồng rúp tiền ngân sách mà người dân của chúng ta phải trả cuối cùng đều mang lại hiệu quả tối đa.”

Belousov cho biết: “Điều này áp dụng đối với thực phẩm, sản xuất và cung cấp thiết bị, vũ khí quân sự mới cũng như nhân sự”. Điều này củng cố suy đoán bên ngoài rằng việc bổ nhiệm ông diễn ra khi Putin ngày càng bất mãn với tình trạng tham nhũng và kém hiệu quả dưới sự chỉ huy của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.

Ông Belousov cũng đề cập đến việc cung cấp cho tất cả quân đội Nga ở Ukraine các thiết bị hiện đại, bao gồm đạn pháo, hỏa tiễn, thiết bị bảo vệ cá nhân, thông tin liên lạc đặc biệt, máy bay không người lái và thiết bị tác chiến điện tử - tất cả đều đòi hỏi phải lập kế hoạch tinh tế và đồng bộ.

Một ưu tiên khác mà ông đề cập là phát triển các công nghệ mới để giành lợi thế trước Kyiv. Điều trớ trêu thay nhận định này của Belousov lại phản ánh niềm tin của cựu tổng tư lệnh Ukraine Valery Zaluzhny rằng đột phá công nghệ là chìa khóa dẫn đến chiến thắng của Ukraine.

Thành công của Belousov trong việc lãnh đạo dự án phát triển máy bay không người lái quốc gia của Nga kể từ đầu năm 2023 có thể đã mang lại cho ông một số ưu ái với Putin, vì máy bay không người lái của Nga tiếp tục gây khó khăn cho quân đội Ukraine bất chấp các lệnh trừng phạt đang diễn ra của phương Tây và trong bối cảnh Nga chỉ đạt được những thành công hạn chế trên chiến trường.

Belousov cũng cho biết vấn đề nhân sự là ưu tiên hàng đầu của ông, mặc dù ông cũng nhấn mạnh rằng ông không nói về việc huy động, theo RIA Novosti.

Ông cũng nêu ra tình trạng thiếu cơ sở y tế cho quân đội Nga.

Ông nói: “Có những vấn đề liên quan đến sự sẵn có của các dịch vụ y tế do các tổ chức dân sự cung cấp cho quân nhân”.

Việc bổ nhiệm Belousov diễn ra khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine đi từ mục tiêu ban đầu của Mạc Tư Khoa là chiếm Kyiv trong vòng vài tuần nhưng đến nay đã hơn hai năm mà chỉ có các tiến bộ chậm chạp và tổn thất nhân sự nghiêm trọng. Kyiv tuyên bố đã tiêu diệt gần 500.000 quân Nga.

Trong khi Nga đã đạt được một số lợi ích chiến thuật trong những tháng gần đây - phần lớn là nhờ tình trạng thiếu đạn dược ở Kyiv - thì hiệu suất mờ nhạt của nước này đã ngăn cản Điện Cẩm Linh không thể chiếm được toàn bộ khu vực Donetsk và Luhansk, là hai khu vực ly khai của Ukraine mà Nga lấy đó làm cái cớ để mở cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022.

Với suy nghĩ đó, người ta vẫn còn phải chờ xem liệu việc bổ nhiệm một quan chức và nhà kinh tế chuyên nghiệp vào lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga có thể khắc phục được những thất bại và thiếu sót của quân đội Nga trong hai năm qua hay không – nhiều vấn đề trong đó có tính hệ thống.