Marie-Joseph Lagrange, O.P.



Nỗ lực đáng kể và lâu dài đầu tiên giữa những người Công Giáo trong việc nắm bắt được nền học thuật Kinh thánh hiện đại đã được thực hiện bởi Marie Joseph Lagrange, O.P. (26) (1855-1938), một học giả và nhà lãnh đạo năng nổ, người đã lấy bằng tiến sĩ luật trước khi quyết định trở thành một linh mục dòng Đa Minh. Năm 1890, tại Tu viện Saint Stephen của Dòng Đa Minh ở Giêrusalem, ngài đã thành lập một trường học, École pratique d'études bibliques [Trường Thực hành Nghiên cứu Kinh thánh], để nghiên cứu Kinh thánh, trường này vào năm 1920 đã trở thành École biblique et archéologique française de Jérusalem [Trường Kinh thánh và Khảo cổ Pháp của Giêrusalem] và vẫn là trụ cột của việc nghiên cứu kinh thánh Công Giáo cho tới nay. (Thí dụ, khi các Sách Cuộn Biển Chết được phát hiện tại Qumran vào năm 1947, Roland de Vaux, một linh mục Công Giáo và là học giả tại Trường này được chỉ định lãnh đạo nhóm các nhà tìm tòi nghiên cứu chúng.) Năm 1892, cùng với Pierre Battifol, Lagrange khởi đầu tạp chí sẽ trở thành Revue biblique (Tạp chí Kinh thánh], ấn phẩm Công Giáo quan trọng nhất trong lĩnh vực này vào thời điểm đó. Bản thân Lagrange đôi khi cũng bị nghi ngờ, đặc biệt khi vào năm 1902, ngài bắt đầu thuyết trình về “phương pháp lịch sử”. Ngài vẫn ở dưới một đám mây nghi ngờ nào đó cho đến những năm 1930 và thậm chí có lúc bị cấm xuất bản bài bình luận của ngài về sách Sáng thế. Tuy nhiên, ngài là một nhân vật chuyển tiếp mà công việc của ngài đã giúp mang lại những điều kiện làm cho một bước đột phá khả hữu vào năm 1943 với thông điệp Divino Afflante Spiritu [dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần].

Lagrange đã du nhập một số thay đổi về quan điểm nhằm giảm bớt căng thẳng giữa điều dường như là khoảng cách không thể lấp đầy giữa các cách tiếp cận lịch sử hiện đại đối với Kinh thánh và ý tưởng về tính không sai lầm ít nhất đã có từ thời Công đồng Trent bằng cách sử dụng các tài liệu gần đây hơn của Giáo hội. (27) Lagrange đã xoa dịu các nỗi sợ hãi của thẩm quyền cả bằng cách tính đến vai trò của Giáo hội trong việc giải thích lẫn bằng cách cho rằng có rất ít điều trong học thuật hiện đại mâu thuẫn với tín điều của Giáo hội. Thông điệp Providentissimus Deus [Thiên Chúa hết sức quan phòng] (1893) của Đức Lêô XIII đã khẳng định rằng tính không sai lầm mở rộng đến các điểm đặc thù lịch sử, nhưng ít nhất những điều đó có lẽ đã xuất hiện đối với các tác giả hoặc người dân vào thời điểm đó. Lagrange tập chú vào điểm thứ hai này và rút ra từ đó một nguyên tắc vững chắc và hữu ích: ý định của tác giả, tức điều mà các tác giả Kinh thánh được linh hứng để dạy dỗ chúng ta, là không thể sai lầm. Nhưng phải chăng các tác giả này có ý định dạy chúng ta về nhiều vấn đề lịch sử mà khoa phê bình lịch sử và các khám phá khảo cổ nghi ngờ? Về những điều này, có thể rút ra sự phân biệt: “Rất đơn giản. Một đề xuất là đúng hoặc sai, nhưng ở đây không có đề xuất.” (28)

Lagrange đã khai triển ba khái niệm lớn từ cái nhìn sâu sắc căn bản này:

1. Các vấn đề khoa học và lịch sử thường có thể nằm ngoài ý định của tác giả theo nghĩa được định rõ ở đây.

2. Kinh Thánh dạy những điều “cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta” mà không có sai lầm, nhưng những vấn đề ngẫu nhiên khác có thể không nằm trong mục tiêu đó.

3. Thể loại hoặc hình thức của các phần chuyên biệt trong Kinh thánh là điều chủ yếu để hiểu ý định của tác giả và do đó hiểu được ý nghĩa của chúng.

Đức Piô XII đặc biệt khuyến nghị loại “phê bình hình thức” sau này và cũng sẽ nhấn mạnh ý định của tác giả trong thông điệp Divino Afflante Spiritu (1943), dường như phần lớn là vì điều này đã tạo không gian cho các nhà chú giải xoay sở trong việc xử lý những đoạn rắc rối xem ra không chính xác về mặt lịch sử hoặc những chỗ trong Kinh thánh xem ra không nhất quán với nhau.

Đó là sự mở đầu cho phép sử dụng các cách tiếp cận khác, mặc dù những nhân vật bị coi là quá mạo hiểm vẫn có thể bị Rôma kiểm duyệt. Đồng thời, những cải tiến mà Lagrange giúp đưa ra không phải là thuốc chữa bách bệnh. Những câu hỏi nghiêm trọng vẫn còn đó không dễ giải quyết. Nếu một tác giả nhân bản có thể nhầm lẫn về các vấn đề hoặc chi tiết lịch sử không cần thiết, thì làm thế nào để hiểu nguyên tắc Kinh thánh cũ của Công Giáo cho rằng có “Thiên Chúa là tác giả của nó” song song với những hạn chế của con người? Tương tự như vậy, nếu các bản văn riêng lẻ được dành cho một hình thức nào đó hoặc được biên tập (“được soạn thảo lại” theo thuật ngữ chuyên môn) để truyền đạt một quan điểm thần học nào đó hoặc dành cho một cộng đồng nào đó, thì điều đó đã ảnh hưởng bao nhiêu đến tính đáng tin cậy nghiêm ngặt và tính lịch sử của các phiên bản chúng ta hiện có? Thí dụ, trong thông diễn học thế tục, việc xác định “ý định của tác giả” là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi. Phong trào văn học thế tục có ảnh hưởng được biết đến dưới điều gọi là Khoa Phê bình Mới [New Criticism] về cơ bản đã bác bỏ nó và gọi đó là “ngụy biện có chủ ý”. Cũng rõ ràng là việc cố gắng tái tạo lại các cộng đồng cổ thời—thậm chí từ những phân tích bản văn và bằng chứng khảo cổ học tốt nhất—là một quá trình rất khó khăn và chứa đựng nhiều điều không chắc chắn, như chúng ta đã thấy trước đó từ những thử thách gai góc của C. S. Lewis. Các nhà chú giải Công Giáo sẽ sớm khám phá những vấn đề này một cách mạnh mẽ nhưng, giống như những người tiền nhiệm Thệ phản của họ, sẽ không đạt được các giải pháp hoàn toàn thỏa đáng hoặc được chấp nhận phổ quát cho cả các câu hỏi khoa học lẫn cho các câu hỏi về việc những kết quả này có thể phục vụ các cộng đồng đức tin ra sao. (29)

Một vài trong số những câu hỏi này đã được đặt ra trong giới Công Giáo kể từ thế kỷ XIX. Công đồng Vatican I (1869–1870) được nhớ đến nhiều nhất vì tuyên bố rằng giáo hoàng không thể sai lầm trong các vấn đề về đức tin và luân lý. Về các vấn đề kinh thánh, Vatican I vẫn khá bảo thủ, tất nhiên, gần với quan điểm của Công đồng Trent, ba thế kỷ trước đó. Một đoạn quan trọng trong Hiến chế Dei Filius của Công đồng từ chương 2, “Về Mặc khải”, đã đặt vấn đề khá rõ ràng:

“Các sách Cựu Ước và Tân Ước này phải được tiếp nhận như thánh thiêng và hợp quy điển trong tính toàn vẹn của chúng, với tất cả các phần của chúng, như được liệt kê trong sắc lệnh của công đồng nói trên [Trent] và được chứa trong ấn bản tiếng Latinh cổ của Vulgata. Những điều này được Giáo hội coi là thánh thiêng và thuộc quy điển, không phải bởi vì, đã được biên soạn cẩn thận bởi công việc đơn thuần của con người, sau đó chúng đã được thẩm quyền của Giáo hội phê chuẩn... nhưng bởi vì, được viết ra bởi sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, chúng có Thiên Chúa là tác giả của chúng và đã được giao phó như vậy cho chính Giáo hội. [Nhấn mạnh thêm.] (30)

Tất nhiên, ngay cả việc cố gắng giới hạn cách đọc bản văn vào tiếng Latinh cổ khi nhiều khám phá bắt đầu được thực hiện trong khảo cổ học và những tiến bộ đang diễn ra trong việc giải mã các ngôn ngữ không thể giải mã trước đây của Trung Đông và Địa Trung Hải cổ thời có lẽ là một động thái thận trọng trong thời đại nổi loạn học thuật. Nhưng rõ ràng là sớm muộn gì Giáo hội cũng sẽ phải đối diện với thách thức của nhận thức mới này.

Thí dụ, thông điệp Providentissimus Deus năm 1893 của Đức Lêô XIII, cùng với những nỗ lực khác của ngài nhằm đổi mới trí thức Công Giáo, đã khuyến khích các học giả và giáo sư tại các định chế Công Giáo tham gia mạnh mẽ hơn vào các bản văn thánh, bao gồm cả việc nghiên cứu các ngôn ngữ Cận Đông, vốn đang cách mạng hóa sự hiểu biết về vị trí của Kinh thánh Do Thái trong thời đại của chúng. Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh, ra đời vào năm 1902, là một trong những công cụ mà Đức Lêô đã tạo ra như một cách để thúc đẩy sự hiểu biết Công Giáo đích thực về Kinh thánh và bảo vệ nó khỏi những lời chỉ trích. Tuy nhiên, ngài vẫn thấy các phương pháp luận văn học mới có thể hữu ích như thế nào và thậm chí cả việc các nghiên cứu riêng tư về các câu hỏi gây tranh cãi có thể dẫn đến những khám phá hữu ích như thế nào, miễn là luôn ghi nhớ rằng kết quả của học thuật không thể mâu thuẫn với các giáo huấn tín điều của Giáo hội.

Đức Lêô thậm chí còn thừa nhận vai trò của “tác giả nhân bản” trong việc phát sinh ra các bản văn, một yếu tố sẽ được tăng thêm tầm quan trọng khi thế kỷ XX phát triển, nhưng ngài lập luận rằng sự linh ứng thần thiêng bảo vệ chống lại bất cứ lầm lẫn nào trong Kinh thánh:

“Do đó, vì Chúa Thánh Thần sử dụng con người làm công cụ của Người, nên chúng ta không thể nói rằng chính những công cụ được linh hứng này có thể tình cờ đã mắc sai lầm, chứ không phải tác giả chính. Vì, bằng quyền năng siêu nhiên, Người đánh động và thôi thúc họ viết— Người hiện diện với họ—đến nỗi những điều Người đã ra lệnh, và chỉ những điều này thôi, trước hết họ hiểu đúng, sau đó mong muốn trung thành viết ra, và cuối cùng phát biểu bằng những lời thích hợp và với sự thật không thể sai lầm. Nếu không, không thể nói rằng Người là Tác giả của toàn bộ Kinh thánh. Đó luôn là xác tín của các Giáo Phụ.” (PD 20)

Tuy nhiên, cách đặt vấn đề này chủ yếu giản lược tác giả nhân bản xuống vai trò của một người ghi chép đơn thuần, không phải là một tác giả thực sự. Và tuyên bố lịch sử về “các giáo phụ” tự nó không hoàn toàn chính xác, vì họ ghi nhận những điểm khác biệt và có quan điểm tinh tế hơn về sự thật trong Kinh thánh, cho phép có một số khác biệt về chi tiết hoặc thậm chí mâu thuẫn, như sẽ xuất hiện dưới đây.

Tuy nhiên, nơi Đức Lêô và cả nơi những người kế vị đúng nghĩa của ngài, các Đức Piô X và Bênêđíctô XV, cũng có sự khuyến khích thực sự đối với các phương pháp phê bình hiện đại - miễn là kết luận của chúng phù hợp với giáo huấn của Giáo hội. Trong thông điệp Spiritus Paraclitus [Chúa Thánh Thần Đấng An Ủi] năm 1920, Đức Bênêđíctô “nhiệt liệt khen ngợi” (SP 18) những phương pháp đó, nhưng bác bỏ ý niệm cho rằng người ta có thể thực hiện bất cứ sự phân biệt nào giữa các yếu tố chính và phụ trong Kinh thánh hoặc giữa các chân lý tuyệt đối và tương đối (các chân lý sau, chủ yếu là câu hỏi về chi tiết lịch sử). Thật vậy, thậm chí ngài còn cảnh cáo về sự phân biệt, vốn đã có sức mạnh sau Công đồng Vatican II, giữa quan niệm của người Hy Lạp hoặc duy thực chứng về lịch sử và quan niệm của người Do Thái hoặc Kinh thánh và cảnh cáo rằng các tác giả Kinh thánh không có ý định khẳng định những sự thật lịch sử hoặc trần tục. Tất cả những điều này trình bày lại và cô đọng những điểm tương tự đã được đưa ra trong thông điệp Pascendi Dominici Gregis [Chăn dắt Đàn chiên của Chúa] (1907) trước đó của Đức Piô X, nhằm bác bỏ những người duy hiện đại Công Giáo, như chúng ta đã thấy trong chương 3.

Nhưng Đức Piô X đã làm tình thế thêm phức tạp trong thông điệp Lamentabili Sane Exitu [với những kết quả đáng phàn nàn] của ngài, trong đó ngài liệt kê sáu mươi lăm mệnh đề tiêu cực, hơi khó hiểu, mà người Công Giáo không được chấp nhận. Vấn đề với bảng liệt kê này, như chúng ta đã thấy trước đó, không những chỉ tiêu cực kép. Bất cứ ai đọc nó sẽ thấy rằng, tùy thuộc vào ý nghĩa của nó, họ có thể đồng ý hoặc không đồng ý. Chẳng hạn, Đức Piô X lên án quan điểm cho rằng: “2. Việc giải thích các Sách Thánh của Giáo hội hoàn toàn không phải là điều cần bị loại bỏ; tuy thế, nó tùy thuộc vào sự phán đoán và sửa chữa chính xác hơn của các nhà chú giải.” Ở đây, mọi điều phụ thuộc vào những gì chúng ta cho là được “diễn giải” bao trùm. Nếu đó là vấn đề về những sự thật thuộc tín điều không thể chối cãi như Sáng thế, Chúa Ba Ngôi, Nhập thể, Phục sinh, v.v., thì chắc chắn đó là sự thật. Nhưng liệu có thể áp dụng cùng một tiêu chuẩn này theo cùng một cách y hệt như vậy đối với các đoạn văn (Mc 10:25, Mt 19:24) trong đó Chúa Kitô nói về “con lạc đà” chui qua lỗ kim (hoặc, phải chăng bản văn bị làm cho sai lạc hoặc hiểu lầm vào thời điểm này), một nhà chú giải hiện đại dám nói “một sợi dây thừng” không?

Và điều này cũng đúng với những khác biệt quan trọng hơn. Đức Piô X cũng nói người Công Giáo nên bác bỏ quan điểm sau: “5. Vì kho tàng Đức tin chỉ chứa những sự thật được mặc khải, nên Giáo hội không có quyền đưa ra phán quyết về những khẳng định của khoa học nhân văn.” Đúng, nếu những “khoa học” đó cố gắng nói, ngoài năng lực của chính họ, rằng Sự sáng tạo không bao giờ xảy ra, rằng không có gì tồn tại ngoài vật chất và năng lực, hoặc phép lạ là điều bất khả. Nhưng sẽ hoàn toàn sai lầm—đối với truyền thống Công Giáo cũng như đối với bất cứ điều gì khác—nếu nói rằng lý trí con người không có cách sử dụng hợp lý của riêng mình trong việc xác định các chân lý không hề mâu thuẫn với đức tin. Một phần đó là điều gây tranh cãi khi Giáo hội lên án Galileo về thuyết nhật tâm. Một Augustinô hoặc một Tôma Aquinô hẳn mạnh mẽ bảo vệ quan điểm ngược lại—và một vai trò được quan niệm đúng đắn cho lý trí.

Còn nhiều những tuyên bố như vậy nữa, nhưng trong căn bản, tất cả chúng đều được hướng dẫn bởi mục tiêu duy trì quyền của các thẩm quyền Giáo hội trong việc phán đoán sự thật và bảo vệ các tín hữu, theo nghĩa mạnh mẽ, khỏi mọi hàm ý của mệnh đề cho rằng, “11. Sự linh hứng thần thiêng không áp dụng vào mọi Sách Thánh để làm cho các phần của nó, mỗi một và mọi phần, thoát khỏi mọi sai lầm.” Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV, cũng vậy, ngài đã tìm cách loại bỏ mọi dấu hiệu sai lầm khỏi các bản văn thánh thiêng; ngài có quan điểm rất mạnh mẽ về ơn linh hứng trong Spiritus Paraclitus mười ba năm sau, cả khi ngài xem xét vai trò của các tác giả nhân bản. Ngài cảm thấy cần phải bảo vệ chủ trương của Đức Lêô khỏi những người mà ngài cho là đang bóp méo nó:

“Cho đến nay chưa có trường hợp nào cho thấy sai lầm có thể tương thích với linh hứng, ngược lại, từ bản chất, nó không những loại trừ sự hiện diện của sai lầm, mà còn nhất thiết phải loại trừ và cấm nó vì Thiên Chúa, Chân lý tối cao, nhất thiết không thể là Tác giả của sai lầm.

“17. Sau đó, sau khi đưa ra các định nghĩa của Công đồng Florence và Trent, được xác nhận bởi Công đồng Vatican, Đức Giáo Hoàng Lêô viết tiếp: ‘Do đó, không phải là việc gợi ý cho rằng Chúa Thánh Thần sử dụng con người như công cụ của Người để viết, và do đó, mặc dù không có lỗi nào liên quan đến Tác giả chính, nhưng cũng có thể có sai lầm do chính các tác giả được linh hứng. Vì nhờ quyền năng siêu nhiên, Chúa Thánh Thần đã kích thích họ và thúc đẩy họ viết, đã hỗ trợ họ khi họ viết, đến nỗi tâm trí họ chỉ có thể quan niệm đúng những điều và tất cả những điều mà chính Người đã truyền cho họ quan niệm; họ chỉ có thể trung thành cam kết viết những điều như vậy và diễn đạt một cách khéo léo bằng sự thật không sai lầm; nếu không, Thiên Chúa sẽ không phải là Tác giả của toàn bộ Kinh thánh.” (SP 16-17)

Trong hầu hết các tường thuật về lịch sử quan điểm của Giáo hội về Kinh thánh, một bước ngoặt quan trọng đã xảy ra với thông điệp Divino Afflante Spiritu (DAS) năm 1943 của Đức Piô XII. Thông điệp này liên quan nhiều hơn đến vấn đề tính không sai lầm đúng nghĩa, nhưng vấn đề này là khúc dạo đầu cho những vấn đề khác. Vào thời điểm Divino Afflante Spiritu xuất hiện, rõ ràng đã có sự gia tăng trong việc thừa nhận yếu tố con người trong Kinh thánh, và Đức Piô XII, cùng với các cố vấn của mình, đã chấp nhận một kiểu phê bình hình thức hoặc phê bình soạn thảo theo nghĩa là họ nhận ra tầm quan trọng của ý định của tác giả nhân bản, người đã xây dựng rõ ràng các đoạn riêng lẻ (pericopes) để truyền đạt điều gì đó đến một đối tượng độc giả đặc thù, cả bằng hình thức văn chương được tiếp nhận và bằng cách các kỹ thuật văn chương được triển khai để tạo ra một hiệu quả nào đó. Nghĩa đen như nghĩa mà tác giả dự định đã trở thành một điểm nhấn chính của thông diễn học. Và việc mở ra các hình thức văn học cũng mở ra câu hỏi về những bản văn nào trong Kinh thánh được coi là lịch sử và bản văn nào mang một dấu ấn khác.

Divino Afflante Spiritu cũng chắt lọc và phát triển những ý tưởng được đưa ra 50 năm trước đó trong Providentissimus Deus. (Nó được công bố để tưởng nhớ ngày kỷ niệm.) Kể từ Công đồng Trent, bản Phổ Thông bằng tiếng Latinh đã được tuyên bố là bản văn tiêu chuẩn được sử dụng. Giờ đây, Đức Piô XII cho phép nghiên cứu và phân tích các bản văn gốc tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp, trong khi vẫn tôn trọng bản Phổ Thông như một dấu ấn của truyền thống có thẩm quyền. Hơn nữa, giờ đây khi các ngôn ngữ gốc đã được biết đến nhiều hơn và được nghiên cứu rộng rãi hơn, Giáo hội cũng có thể sử dụng khảo cổ học, lịch sử và các ngành khác. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là lời nhắc nhở của Đức Piô, trái ngược với sự chắc chắn của Đức Bênêđictô XV, rằng nhiều điểm trong Kinh thánh rất tối nghĩa và đã vượt quá khả năng của các nhà giải thích trong nhiều thế kỷ.

Hơn nữa, Giáo hội đã thực sự không tuyên bố về ý nghĩa của nhiều đoạn Kinh thánh, và sự đồng thuận của các Giáo phụ có mức độ liên quan hạn chế hơn so với một số tuyên bố trước đây đã đề xuất. Vì vậy, các học giả hiện đại nên được cung cấp một số hiểu biết:

“Hãy để tất cả những người con khác của Giáo hội ghi nhớ rằng những nỗ lực của những người lao động kiên quyết này trong vườn nho của Chúa không những được đánh giá một cách hợp tình hợp lý và công bằng, mà còn với lòng bác ái lớn nhất; hơn nữa, tất cả nên ghê tởm lòng nhiệt thành thái quá tưởng tượng rằng bất cứ điều gì mới đều nên bị phản đối hoặc nghi ngờ vì lý do đó. Trên hết, hãy để họ ghi nhớ rằng trong các quy tắc và quy luật do Giáo hội ban hành, có vấn đề về tín lý liên quan đến đức tin và luân lý; và trong vô số vấn đề chứa đựng trong Sách Thánh—lập pháp, lịch sử, khôn ngoan và tiên tri—chỉ có một số ít bản văn mà ý nghĩa của nó đã được xác định bởi thẩm quyền của Giáo hội, và cũng có nhiều hơn các bản văn mà giáo huấn của các Giáo phụ không nhất trí. Do đó, vẫn còn nhiều điều, và có tầm quan trọng lớn nhất, mà trong cuộc thảo luận và giải thích chúng, kỹ năng và thiên tài của các nhà bình luận Công Giáo có thể và nên được sử dụng một cách tự do, để mỗi người có thể đóng góp phần của mình vào lợi ích của tất cả, vào sự tiến bộ liên tục của tín lý thánh thiêng và vào việc bảo vệ và tôn vinh Giáo hội”. (DAS 47)

Thật khó mà bỏ qua tinh thần đại lượng và giọng điệu ở đây vốn được giải thích một cách đúng đắn như lời mời gọi một sự dấn thân ít đối đầu hơn với những yếu tố tốt nhất trong học thuật hiện đại.

Nhưng trong cùng năm Divino Afflante Spiritu được công bố, hai giáo sư Kinh thánh đã bị chỉ trích và sa thải khỏi các trường đại học Rôma. Và chắc hẳn đã có một số lo lắng sau khi công bố vì khi thông điệp Humani Generis [HG, của nhân loại] xuất hiện vào năm 1950, Đức Piô lại cảnh cáo về những loại học giả tuyên bố những cách giải thích “sai” thông thường đối với các Sách Thánh, đặc biệt chỉ giới hạn sự thật đúng nghĩa của chúng vào các vấn đề thuộc đức tin và luân lý mà thôi. (31) Thay vì việc nhấn mạnh trước đó vào những gì có thể là tốt trong điều mới và đánh giá cao công sức của các học giả hiện đại, Đức Giáo Hoàng dường như một lần nữa nhắm mục tiêu của mình vào toàn bộ các nhà chú giải và trình bày quan điểm của ngài như không thể phân biệt được với các quan điểm của nửa thế kỷ trước:

“23. Hơn nữa, theo những ý kiến tưởng tượng của họ, nghĩa đen của Kinh Thánh và lời giải thích về nó, đã được rất nhiều nhà chú giải lỗi lạc cẩn thận soạn thảo dưới sự giám sát của Giáo hội, giờ đây phải nhường chỗ cho một lối chú giải mới, mà họ thích gọi là lối chú giải tượng trưng hay tâm linh. Bằng cách chú giải mới mẻ này đối với Cựu Ước, mà ngày nay trong Giáo Hội vốn là một cuốn sách được niêm phong, cuối cùng sẽ được mở ra cho tất cả các tín hữu. Họ nói, bằng phương pháp này, mọi khó khăn đều biến mất, những khó khăn chỉ cản trở những ai tuân theo nghĩa đen của Kinh thánh.

“24. Mọi người đều thấy tất cả những điều này xa lạ biết bao đối với các nguyên tắc và chuẩn mực giải thích đã được các vị tiền nhiệm của Ta vốn được tưởng nhớ một cách hạnh phúc, Đức Lêô XIII, trong Thông điệp Providentissimus Deus, và Đức Bênêđictô XV trong Thông điệp Spiritus Paraclitus, cũng như của chính Ta trong Thông điệp Divino Afflante Spiritu, ấn định một cách đúng đắn.” (HG)

Như thế, quan điểm chính thức về việc nghiên cứu Kinh thánh của Công Giáo trong những thập niên trước Công đồng Vatican II dường như dao động giữa một bên là sự khẳng định mang tính tranh đấu và phòng thủ về toàn bộ sự thật của Kinh thánh, và bên kia là quan điểm trung thành nhưng mang nhiều sắc thái tinh tế hơn về sự thật trọng yếu của Sách Thánh, có lẽ không bao gồm mọi đặc điểm lịch sử. Các cách đọc “duy hiện đại” — phải nói vốn là những sự đi trệch đáng kể ra ngoài những sự thật đã được giải quyết của Giáo Hội — không phổ biến hoặc gây ảnh hưởng nhiều, ngay trong số những nhân vật bị “nghi ngờ”. Tuy nhiên, sau Công đồng, mọi sự đã hoàn toàn ra khác. Mọi quan điểm do những người cấp tiến nhất trong số những người duy hiện đại đưa ra đều xuất hiện trong—và đôi khi gây ảnh hưởng lớn đối với—các trường đại học Công Giáo và thậm chí cả các chủng viện, mặc dù không rõ có nên quy những phát triển như vậy cho Công đồng hay cho các diễn giải của các học giả đặc thù hơn.

Công đồng Vatican II



Công đồng Vatican II đã làm hai điều mà thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn với nhau. Một mặt, nó khuyến khích những người Công Giáo bình thường đích thân đọc Kinh thánh, phù hợp với sự thúc đẩy chung của Công đồng hướng tới một tôn giáo mang tính tương quan hơn của trái tim và ít như một Giáo hội luật lệ hơn. Mặt khác, nó cho phép—hoặc ít nhất nhiều người nghĩ rằng nó cho phép—việc áp dụng các phương pháp học thuật tinh vi và đòi hỏi cao, phần lớn được phát triển bởi những người Đức Thệ phản trong hai thế kỷ trước, vào việc giải thích Kinh thánh. Dễ thấy rằng những gì được trao vào tay này của giáo dân dường như bị lấy đi bằng tay kia—và chỉ dành cho các “chuyên gia”. Nhưng Dei Verbum, Hiến chế Tín lý của Công đồng về mặc khải Thiên Chúa, đã mạo hiểm nỗ lực kết hợp cả hai. Và nó bổ sung thêm vai trò của truyền thống trong việc hướng dẫn, tích hợp, và—ít nhất là ở mức tốt nhất—làm ổn định các diễn giải Kinh Thánh để việc đọc Kinh Thánh của người Công Giáo không biến thành một mớ tạp âm của các nền linh đạo bản thân xung đột nhau hoặc các trường phái học thuật đối địch nhau.

Ba yếu tố ở đây - cá nhân tín hữu, học giả, Giáo hội - đều cần thiết và có giá trị trong cách tiếp cận tổng thể của Công Giáo đối với Kinh thánh. Tất nhiên, cuối cùng, toàn bộ mục đích của Kinh thánh, cũng như của tất cả sự mặc khải Kitô giáo, là sự cứu rỗi các linh hồn theo nghĩa rộng nhất, nghĩa là cá nhân và cộng đồng. Tất cả những gì phục vụ mục đích đó đều có thể tìm thấy một vị trí trong việc đọc Kinh thánh Công Giáo, bao gồm cả những phát triển trí thức khác nhau giúp làm phong phú thêm sự hiểu biết về các chiều kích khác nhau và chiều sâu vô tận của các trước tác thánh thiêng. Vấn đề trước đó, trong cả lĩnh vực giáo hội và học thuật, là những ý tưởng về những gì có thể được nói một cách hợp pháp về Kinh thánh đã bị giới hạn một cách không cần thiết bởi một số giả định nào đó.

Về mặt học thuật, không thể phủ nhận rằng một cách tiếp cận chặt chẽ với việc văn bản là gì và nói gì có thể khá có giá trị. Để bắt đầu, cho đến thời gian khá gần đây, chúng ta thậm chí không có các bản văn Kinh thánh tiêu chuẩn hoặc thực sự đáng tin cậy. Ngạc nhiên hơn nữa: đôi khi cả các tác giả Cựu Ước và Tân Ước đều trích dẫn từ các phiên bản của các sách Kinh Thánh mà dường như không phải là bản được chứng thực tốt nhất. Khám phá đáng kinh ngạc vào những năm 1940 và 1950 về 972 bản văn được gọi là Sách Cuộn Biển Chết cho thấy rằng, mặc dù có sự nhất trí lớn trong các bản văn Kinh thánh trong nhiều thế kỷ, thậm chí có thể không có điều mà độc giả hiện đại có thể coi là bản văn Cựu ước tiêu chuẩn cho đến khi các nhà chức trách Do Thái, bị trục xuất khỏi Israel, bắt đầu xác định quy điển của họ vào khoảng năm 100 sau Công nguyên. Nhưng tại sao chúng ta lại mong đợi bất cứ điều gì khác trong các thế kỷ trước khi phát minh ra máy in, điều đã làm cho sách trở nên phổ biến rộng rãi hơn và bằng cách truyền bá việc biết đọc biết viết, đã tạo ra mong muốn về các bản văn có thẩm quyền, không chỉ là bảo tồn của một số chuyên gia, mà là một bản văn phổ biến? Tất nhiên, kết quả không hoàn hảo ngay cả từ quan điểm khoa học thực chứng, bởi vì chúng ta có thể loại bỏ nhiều lầm lỗi, thiếu sót, bổ sung và những sai sót khác của người sao chép bằng cách so sánh các bản thảo. Nhưng những bản viết tay nào có thẩm quyền hơn và những cách đọc nào được ưu tiên hơn—chứ không chỉ những bản phổ biến nhất hoặc cổ nhất trong các ghi chép mà chúng ta hiện có—là những câu hỏi phần nào nằm ngoài khoa phê bình bản văn thuần túy.

Người ta cũng có thể nói một điều tương tự về toàn bộ các phương pháp luận phê bình lịch sử, vốn tự gọi một cách khá tự phụ là Khoa phê bình Cao hơn trong thế kỷ 19. Thí dụ, việc suy gẫm cẩn thận về bản văn Tân Ước đã khiến các học giả hiểu rằng một diễn trình toàn diện, và phần lớn là vô hình, đã diễn ra để tạo ra các bản văn mà ngày nay chúng ta coi là một phần của Kinh thánh. Tất nhiên, Chúa Giêsu đã sống và giảng dạy—bất chấp mọi lập luận ngược lại, cuộc đời của Người được chứng thực trong các tài liệu còn tồn tại tốt hơn là cuộc đời của hầu hết các hoàng đế La Mã hoặc các nhân vật cổ thời lỗi lạc khác. Điều này có nghĩa là một diễn trình - một quá trình văn học - đã diễn ra theo đó việc củng cố những hồi tưởng về Người diễn ra trong hai giai đoạn sau. Đầu tiên, những câu chuyện bằng miệng và bằng bản văn và danh sách các câu nói (một tài liệu Q giả định [Q viết tắt của Quelle tiếng Đức = nguồn]) được lưu hành trong cộng đồng Kitô giáo sơ khai. Sau đó, vào những thời điểm khác nhau, những điều này được tổng hợp và định hình thành các bản văn Tân ước mà chúng ta có ngày nay, được Giáo hội chấp nhận là qui điển. Thực thế, đã có một số diễn trình như vậy mang lại cho chúng ta các bức thư của Thánh Phaolô và các bức thư Tân ước khác, bốn tác giả Tin Mừng (từng cho thấy cả các điểm tương đồng lẫn các điểm khác biệt), và các bản văn khác như Công vụ Tông đồ và Khải huyền. Sự phát triển lịch sử phức tạp này là không thể nghi ngờ, cả đối với bất cứ ai có quan điểm rất khắt khe về “linh hứng” của các bản văn thánh thiêng.

Nhưng các bản văn được soạn thảo theo nhiều cách khác nhau cho các mục đích sử dụng khác nhau của các cộng đồng khác nhau vốn đã trở thành một cộng đồng trong đức tin, chứ không hoàn toàn để truyền tải thông tin như sách giáo khoa vật lý. Chúng nhằm mục đích nhắc nhở và hoán cải liên tục, điều mà không một việc thu thập thông tin đơn thuần nào có thể làm được. Trong thời Cải cách, Công đồng Trent khẳng định cả Kinh thánh lẫn truyền thống chống lại sự tranh luận của Thệ phản về Sola Scriptura [chỉ Kinh thánh mà thôi]. Sự khẳng định đó đôi khi được hiểu theo những cách quá hạn hẹp trong những năm gần đây, điều này thật đáng tiếc gấp đôi, bởi vì Giáo hội đã mất đi một số cách tiếp cận “đa âm” được thừa hưởng từ cổ thời và thời trung cổ. Và do đó, Giáo Hội cũng bỏ lỡ cơ hội giải thích ngay từ đầu rằng các phương pháp phê bình lịch sử hiện đại cũng có thể được sử dụng để chứng tỏ rằng chính Kinh thánh cũng là một phần của truyền thống, chắc chắn là một truyền thống có thẩm quyền và trung tâm, nhưng là một truyền thống đáp lại Đức Kitô dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.

Một sự kiện gây ấn tượng rõ ràng là sau khi Công đồng Vatican II cho phép các học giả Công Giáo sử dụng những phương pháp này, họ đã làm như vậy với những kết quả rất khác nhau. Các nhà chú giải cấp tiến mặc sức múa gậy vườn hoang. Các nhà chú giải ôn hòa hơn thường có thể tìm ra cách dung hòa các nghiên cứu lịch sử với các giáo huấn của Giáo hội, nhưng kết quả là họ ít được chú ý hơn. Ngay bản thân học thuật thế tục cũng bắt đầu chú ý đến phạm vi hạn chế của các câu hỏi được giải quyết bằng phương pháp phê bình lịch sử, và những cách tiếp cận mới như phê bình phản ứng của người đọc và phê bình tường thuật (32) bắt đầu chỉ ra tầm quan trọng không thể tránh khỏi của việc người đọc tham gia vào toàn bộ phức hợp nhà văn-người đọc. Phong trào này bắt đầu trở nên mạnh mẽ đến nỗi một học giả Công Giáo nổi tiếng, Raymond Brown, trong bài phát biểu năm 1981 với tư cách là chủ tịch Hiệp hội Kinh thánh Công Giáo Hoa Kỳ, đã kêu gọi các thành viên gắn bó với các phương pháp phê bình lịch sử cũ. Nhưng trào lưu này không thể bị dừng lại. (33) Tuy nhiên, cũng không phải điều gì cũng được giải quyết. Như Đức Hồng Y Ratzinger đã nhận xét, nếu thông diễn học không đơn giản chỉ là sáng tạo của cá nhân tôi, thì nó phải bắt nguồn từ thực tại của bản văn và các sự kiện mà các bản văn làm chứng cho.

Quan điểm Công Giáo về Kinh thánh khác với cách đọc chính thống cực đoan của Thệ phản ở một số khía cạnh quan trọng. (34) Cách đọc của Thệ phản đó có những mối quan hệ nào đó với quan điểm của người Hồi giáo vốn cho rằng Chúa đã viết Kinh Qur'an bằng cách đơn giản là vận động Môhamét viết những lời đó lên giấy (hay đúng hơn là đọc để người khác viết ra chúng, vì Mohammed không biết chữ - Qur'an có nghĩa là "sự đọc thuộc lòng" trong tiếng Ả Rập). Đối với người Công Giáo, tác giả nhân bản có một vai trò quan trọng hơn thế—thật vậy, các tác giả này là “các tác giả đích thực”, nhưng được thần linh linh hứng. Đồng thời, chính bản văn Kinh thánh dường như cũng chứa đựng những bất nhất và những lỗi lầm lịch sử hoàn toàn. Thí dụ, trong sách Tôbia, vua Xan-khê-ríp (Sennacherib) được mô tả là con trai của San-ma-ne-xe (Shalmaneser) (1:15) mặc dù cha của ông là Sác-gon (Sargon) II, người không có quan hệ họ hàng với San-ma-ne-xe. Tác giả nhân bản dường như chỉ đơn giản là đã được thông tri sai về dòng dõi hoàng gia. Và các học giả Kinh thánh cổ cũng như hiện đại đã ghi nhận nhiều khó khăn tương tự trong bản văn Kinh thánh, nhất là trong việc xác định ngày tháng của những sự kiện đã được chứng thực rõ ràng như Bữa tiệc ly. (35) Như thế, có phải đôi khi Chúa Thánh Thần sai lầm trong việc linh hứng của Người hay có phải sự kiện những sai lầm như vậy làm mất hiệu lực toàn bộ ý tưởng về việc linh ứng, hay có cách nào đó để kết hợp sự linh ứng thần thiêng và giới hạn của con người mà vẫn bảo toàn sự thật của Kinh thánh?

Tại Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý về mặc khải của Thiên Chúa, Dei Verbum, đã nổi tiếng trong việc đặt vấn đề trong một công thức tinh tế một cách thận trọng: “Vì mọi điều được các tác giả linh hứng hoặc các tác giả thánh khẳng định đều phải được tin là được khẳng định bởi Chúa Thánh Thần, nên các sách Kinh Thánh phải được công nhận như là dạy một cách chắc chắn, trung thực và không sai lầm chân lý mà Thiên Chúa đã muốn đặt vào các trước tác thánh thiêng vì mục đích cứu độ” (DV 11, phần nhấn mạnh được thêm vào). Lập trường truyền thống về “tính không sai lầm” của Kinh thánh cả trong các vấn đề lịch sử (in qualibet re religiosa vel profana, trong bất cứ vấn đề tôn giáo hay trần tục nào), một quan điểm được một số Nghị phụ Công đồng bảo vệ, dường như không bền vững do có nhiều khó khăn về lịch sử và sự kiện, vốn đã được thừa nhận ngay trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Nhưng có phải các tác giả thánh—chứ chưa nói đến Chúa Thánh Thần—luôn “khẳng định” những chi tiết như vậy?

Chẳng hạn, liệu tác giả của Tôbia có ngạc nhiên khi biết rằng ông đã nhầm lẫn dòng dõi hoàng gia ở Ba Tư (có lẽ ông viết vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên về các sự kiện năm trăm năm trước đó)? Hay những độc giả sau này nên coi ông là người mất uy tín? Sách Tôbia dường như đang “khẳng định” một thông điệp về sự công chính, lòng thương xót và lòng thành tín thông qua một câu chuyện được kể bởi một con người có thật được linh hứng để viết, nhưng—cũng như tất cả mọi người—bị giới hạn trong kiến thức lịch sử của ông. Ngoài ra, dù có những điều có vẻ thuộc thể loại hư cấu của cuốn sách, người ta vẫn không rõ một bản văn như vậy có khẳng định rằng các nhân vật chính thực sự hiện hữu như những nhân vật lịch sử hay không. Bản văn này là một trong nhiều loại sách kinh thánh quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề luân lý và thần học hơn là lịch sử đúng nghĩa.

Tất nhiên, các bản văn khác - nổi bật trong số đó là các sách Tin Mừng - đưa ra những lời khẳng định “lịch sử” lớn hơn và đúng đắn hơn. Nhìn nhận điều này là đơn giản coi các loại sách khác nhau mà cùng nhau đã tạo nên toàn bộ câu chuyện Kinh Thánh. Giáo hội trong thế kỷ hai mươi bắt đầu chuyển từ quan điểm hẹp hòi và phòng thủ về “tính không sai lầm” sang quan điểm không những mang lại một giải thích thần học tốt hơn cho Kinh thánh và việc cấu tạo ra nó, mà, có lẽ gây ngạc nhiên đối với một số người, còn thực sự được chứng thực rõ ràng trong truyền thống Công Giáo. Tất nhiên, đối với các nhà sử học thế tục theo khuynh hướng thực chứng, “sự thật” của bất cứ tác phẩm viết nào là sự tương ứng được cho là của nó với một thực tại trong quá khứ. Nhưng Kinh Thánh không phải là một cuốn sách—ít nhất không chỉ là một cuốn sách—ghi lại quá khứ. Nó kể một câu chuyện, dựa trên các sự kiện trong quá khứ, sống ở hiện tại và nhìn về tương lai—thực ra là vào cõi vĩnh hằng—một câu chuyện bao gồm tất cả mọi người và mọi tạo vật. Do bản chất của nó, một chủ đề như vậy chỉ có thể được tiếp cận một phần bằng các công cụ lịch sử thực chứng. Những công cụ đó có thể hữu ích cho nhiều mục đích khác nhau, nhưng cách tiếp cận duy thực chứng loại trừ các vấn đề “không thể kiểm chứng” tiên nghiệm như khả năng của Đấng Tạo Hóa lên tiếng trong và với tạo thế và tạo vật của Người ít liên quan đến ý định và mục đích tổng thể của Kinh Thánh.

Do đó, tín hữu đến với Kinh thánh bằng một quan điểm khác với quan điểm của một nhà sử học thuần túy hoặc nhà phê bình bản văn—một quan điểm thần học và đức tin có thể sử dụng các nguyên tắc khoa học nhưng không thể bị chúng quy giản hoặc định nghĩa. Tuy nhiên, thần học cũng không thể ra lệnh cho những bộ môn đó, vốn phải tiến hành theo những tiêu chuẩn và nguyên tắc riêng của chúng. Bằng phương tiện đáng tin cậy của con người, chúng ta có thể biết rằng Sennacherib không phải là con trai của Shalmaneser, bất kể bản văn Kinh thánh nói gì. Nhưng chúng ta cũng có thể nói rằng mỗi trang của Kinh thánh đều hướng đến một tầm nhìn bao quát về Thiên Chúa và tạo vật một điều phải được nghiên cứu và giải thích theo các tiêu chuẩn và nguyên tắc riêng của nó, trong đó phải bao gồm vai trò thích hợp của các ngành khoa học nhưng không giới hạn vào chúng. Thí dụ, rất lâu trước khi có khoa học hiện đại, những độc giả giỏi cổ thời đã nhận thức được rằng thế giới không được tạo ra trong bảy “ngày” theo nghĩa đen, hai mươi bốn giờ, như sách Sáng thế gọi chúng, nếu không vì lý do nào khác thì chỉ là vì mặt trời chỉ được tạo ra vào ngày thứ tư. Và trong mọi thời đại, việc đọc tốt các bản văn thánh thiêng đều bao gồm sự kết hợp tinh vi giữa nghĩa đen và nghĩa bóng.

Tuy nhiên, trong sự phát triển tín lý hiện đại trong Giáo hội, luôn có mối quan tâm lớn để bảo đảm rằng mối quan hệ đúng đắn giữa lời nói và việc làm không dẫn đến sự chia rẽ giữa một bên là các vấn đề đức tin và luân lý và bên kia là các ý nghĩa lịch sử hoặc nghĩa đen. Tuy nhiên, mối quan hệ này rất phức tạp bởi vì “lịch sử” và “theo nghĩa đen” hoàn toàn không giống nhau. Truyền thống Giáo hội và Do Thái, mà nó dựa trên đó, khẳng định một số điều như có tính chất lịch sử, quả thực, câu chuyện trong Cựu Ước phản ảnh một Thiên Chúa không những chỉ là một hữu thể hay nguyên tắc trừu tượng—như trong một số tôn giáo hay triết học khác—mà là một Thiên Chúa hành động trong lịch sử. Tất nhiên, trong Tân Ước, nhân vật Chúa Giêsu và nhiều việc làm và lời nói của Người, bất kể được đọc ra sao với nhiều sắc thái và so sánh cẩn thận các phiên bản khác nhau của cùng một sự kiện, đều có một nghĩa đen (điều được lời trong trang sách nói) và cũng chỉ một điều được nhắc đến có tính lịch sử (a historical referent) (các sự kiện ban đầu không còn có thể nắm bắt được hoàn toàn bằng nghiên cứu lịch sử và có thể bao gồm một số biến thể theo những gì các tác giả của Tin Mừng muốn truyền đạt cho độc giả của họ). Ý định của các tác giả, chắc chắn có mục đích thần học, do đó bắt đầu trở nên quan trọng như một cách dung hòa các chiều kích lịch sử và nghĩa đen.

Sự kiện các yếu tố “lịch sử” không hoàn toàn y như nhau trong nghĩa đen dự định của mỗi tác giả không có gì đáng ngạc nhiên nếu người ta chịu thừa nhận, như lẽ ra họ nên thừa nhận, rằng các tác giả này đã viết về một chủ đề vượt quá khả năng ngôn ngữ của con người trong ý nghĩa bình thường của thuật ngữ. Chính trong chiều kích thần học mà mọi sự đều được khẳng định là cần thiết nostrae salutis causa (“vì phần rỗi của chúng ta”). Công thức này để lại một chút mơ hồ về việc liệu mọi chi tiết lịch sử có nằm trong nhãn quan của những điều cần thiết cho sự cứu rỗi hay không. Như một tiểu luận kinh điển về chủ đề này đã nói: “Thiên Chúa đã tỏ mình ra qua một lịch sử đích thực, lịch sử cứu độ. Nhưng những sự kiện được kể lại trong Kinh thánh không có ở đó để hướng dẫn chúng ta về lịch sử phàm tục của phương Đông cổ thời.” (36) Mặc dù vậy, như Đức Piô XII đã nói trong Divino Afflante Spiritu, Kinh thánh là một hướng dẫn lịch sử đáng tin cậy hơn nhiều so với bất cứ điều gì trong các nền văn hóa xung quanh vào thời của nó. Các sự kiện trong Kinh thánh đôi khi chỉ là như vậy và đôi khi nhằm chỉ ra một số sự thật cần thiết cho sự cứu rỗi theo ý định của tác giả. Và điều này đã được công nhận từ lâu trong truyền thống Công Giáo.

Thánh Phaolô (2Tm 3:15) đã nhấn mạnh rằng Kinh thánh “hữu ích” ở chỗ chúng “có thể dạy dỗ bạn về sự cứu rỗi” (sự nhấn mạnh được thêm vào). Thánh Augustinô đã cẩn thận nói trong cuốn De Genesi ad Litteram [binh luận nghĩa đen về sách Sáng thế] của ngài rằng Kinh Thánh không có ý dạy dỗ chúng ta những điều khác với những điều dẫn đến sự cứu rỗi. Trong một tác phẩm khác, ngài nhận xét, phần nào cay đắng, rằng Chúa Giêsu đã không nói: “'Ta sai Đấng Phù Trợ đến dạy các con cách mặt trời và mặt trăng quay.' Ngài muốn đào tạo các Kitô hữu, không phải các nhà toán học.” (XII, 2). Và, tất nhiên, Galileo lặp lại những quan điểm tương tự để bảo vệ những ý tưởng khoa học mới của mình: “Tôi muốn nói ở đây một điều đã được nghe từ một giáo sĩ [Hồng Y Baronius] ở mức độ lỗi lạc nhất: 'Ý định của Chúa Thánh Thần là dạy chúng ta cách lên thiên đường, chứ không phải cách thiên đường chuyển vần.” (38)

Nói về “tính không sai lầm” của Kinh thánh, được mở rộng một cách đầy tham vọng cho tất cả các vấn đề lịch sử và khoa học, là một phát minh hiện đại rõ ràng tìm cách đáp ứng những thách thức phát xuất từ mô hình chân lý của Phong trào Ánh sáng vốn chỉ giới hạn trong khoa học duy nghiệm. Theo nghĩa đó, đây là một điều đi trệch ra ngoài truyền thống Công Giáo, một truyền thống bắt đầu quay trở lại trong tính viên mãn của nó khi thế kỷ XX đến gần. Cả Vatican I cũng đã nói về Kinh thánh như có tính kinh điển bởi vì chúng “chứa đựng sự mặc khải không sai lầm”, chứ không chỉ đơn giản là không sai lầm về mọi mặt. Và quan điểm Augustinô căn bản này sẽ xuất hiện ngày càng tinh vi hơn khi thế kỷ 20 mở ra. (39)

Trong cuộc tranh luận tại công đồng về Kinh thánh, tổng giám mục Công Giáo nghi lễ Melkite của Edessa, Néophytos Edelby, đã quở trách những người anh em phương Tây của mình vì sự nhút nhát của họ khi chấp nhận các kết quả lịch sử—nói rằng cần phải “chấm dứt nỗi ám ảnh này để một lần nữa chúng ta có thể tham gia vào tính toàn bộ của mầu nhiệm Giáo Hội”. Vào ngày 2 tháng 10 năm 1964, Hồng Y König của Vienna đã thực hiện một đóng góp mang tính bước ngoặt trong đó ngài trích dẫn một số đoạn mà các nghiên cứu hiện đại dường như muốn cho thấy khác biệt với sự kiện lịch sử. Chẳng hạn, Máccô 2:26 nói rằng Đavít đã ăn bánh Tiến dưới thời thượng phẩm Abiatha. Tuy nhiên, 1 Samuên 21tt. nói rằng đó là Abimêléc, cha của Abiatha. Tương tự như vậy, Mátthêu 27:9 đề cập đến cái chết của Giuđa là ứng nghiệm một lời tiên tri trong sách Giêrêmia, trong khi thực tế đoạn văn mà Mátthêu trích dẫn là của Dacaria. Và một số đoạn văn khác đã cho thấy ngày lịch sử sai lầm. Tuy nhiên, không có điều gì trong những trường hợp này hoặc trong những trường hợp khác có vẻ như mâu thuẫn trong Tân Ước, xem như làm giảm giá trị, dù là chút ít, của sự mặc khải mà Thiên Chúa giả thiết đã thực hiện. Và Hồng Y Meyer của Chicago đã lập luận ủng hộ một cách hiểu khác về tính vô ngộ có tính đến “những yếu điểm và hạn chế của con người trong công cụ của con người”, tức những tác giả thánh thiêng mà Giáo hội không coi chỉ là những máng chuyển mà là “những tác giả thực sự”.

Thật vậy, một số Nghị Phụ Công Đồng nghĩ rằng thật nguy hiểm nếu không thừa nhận một cách công khai những đoạn có vấn đề. Thậm chí có thể làm nảy sinh tai tiếng khi hiểu tính không sai lầm như, cách nào đó, đọc chính tả để viết ra những kết quả tiên nghiệm đối với công việc đang diễn ra và có giá trị của các nhà khảo cổ học và học giả trong những vấn đề có đủ lý do và bằng chứng. Đặt đại tin mừng gần như ngang hàng với những vấn đề nhỏ nhặt của sự thật có thể làm mất uy tín của tin mừng với rất ít lý do. Chỉ có một số rất ít Nghị Phụ Công Đồng giữ quan điểm cũ hơn, hy vọng một ngày nào đó những sai sót và mâu thuẫn hiển nhiên có thể được giải quyết. Dù sao, toàn bộ vấn đề đã nhận được những sắc thái bản văn quan trọng khi mỗi bản thảo mới của lược đồ về mặc khải được trình bày để các giám mục tại Vatican II xem xét.