Dei Verbum

Tất cả những điều này và nhiều điều khác đang diễn ra khi các Nghị phụ của Công đồng Vatican II bắt đầu các cuộc thảo luận dẫn đến Dei Verbum, Hiến chế Tín lý về Mạc khải của Thiên Chúa. Lược đồ đầu tiên, hoặc bản thảo sơ bộ, được trình bày cho các ngài dựa trên cách tiếp cận Kinh viện cũ hơn, cách tiếp cận này đã nhanh chóng bị các Giáo phụ loại bỏ, các ngài tìm kiếm một điều mang tính mục vụ và hiện đại hơn. Ngay từ đầu bài bình luận nổi tiếng của mình về tài liệu đó, Joseph Ratzinger đã nhận xét gay gắt rằng lời nói đầu “hầu như không che giấu được những điểm phi luận lý... để lộ sự hồ đồ mà từ đó nó [tài liệu] đã xuất hiện.” (40) Vì ngài là một trong nhóm chuyên gia đã giúp khai triển bản văn mới, nên quan điểm của ngài có sức nặng đáng kể, mặc dù lúc đó ngài còn là một học giả tương đối trẻ. Ngài tiếp tục giải thích rằng mặc dù dòng mở đầu nhấn mạnh đúng vào chính Lời Chúa, nhưng lời nói đầu, phản ảnh bản văn, rơi vào tình trạng không mạch lạc theo hai cách chính.



Thứ nhất, nó trích thư thứ nhất của thánh Gioan: “Chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời, sự sống ấy vẫn ở nơi Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1 Ga 1:2-3). Ratzinger nói rằng điều này hoàn toàn tốt, nhưng ngài phản đối, cho rằng nó đặt một đoạn văn tuyên bố bản thể của đức tin Kitô giáo [nghĩa là chính Chúa Giêsu] ở đầu một tài liệu nhằm giải thích các phạm trù thần học mà nhờ đó đức tin ngày nay được tiếp cận — trong căn bản vốn là mặc khải, truyền thống và linh hứng. Đối với Ratzinger trẻ tuổi, thái độ mơ hồ của toàn thể Công đồng đối với chân lý tín điều một mặt, và mặt khác, các mối quan tâm mục vụ, rõ ràng vẫn chưa được giải quyết ở đây.

Ngài nói, một nguồn có tiềm năng gây nhầm lẫn khác là một cụm từ sau đó trong lời nói đầu: “Do đó, theo bước chân của Công đồng Trent và của Công đồng Vatican I” (Propterea, Conciliorum Tridentini et Vaticani I inhaerens vestigiis.. .). Điều này rõ ràng được đưa vào để xoa dịu nỗi sợ hãi của phe bảo thủ — cũng như để khẳng định điều luôn xảy ra trong đạo Công Giáo, luôn cho rằng sự phát triển là sự kết hợp giữa điều mới trong sự liên tục với điều cũ. Nhưng đối với một số người, nó tạo ấn tượng cho rằng chính Dei Verbum chỉ đơn thuần lặp lại những lập trường trước đó, điều này hoàn toàn không đúng, như sẽ sớm xuất hiện (và điều này nằm trong hiến chế “tín điều” của một công đồng phổ quát). Ratzinger trích lời nhà thần học Thệ phản vĩ đại Karl Barth, người bị bệnh tật ngăn cản không thể có mặt với tư cách quan sát viên tại Công đồng, người đã nói rằng cụm từ có thể được dịch tốt hơn: “tiến tới từ bước chân của những công đồng đó”. Ratzinger minh nhiên nhìn thấy ở đây một điều giống với “sự phát triển tín lý” của Newman, một phát triển vẫn trung thành với mặc khải nguyên thủy nhưng dành chỗ cho một truyền thống năng động bao gồm “một sự chiếm hữu không ngừng đổi mới” đức tin sống động.

Việc chiếm hữu tổng thể mà Vatican II thực hiện, chứ không chỉ trong Dei Verbum, là một sự chuyển dịch từ một cách tiếp cận trừu tượng, trí thức hơn đối với đức tin, vốn nhấn mạnh – theo đường lối Kinh viện – vào các định nghĩa, sang một cách tiếp cận nhân vị hơn liên quan đến mối quan hệ của toàn bộ con người đối với Thiên Chúa: “Thay vì quan điểm pháp lý xem mặc khải phần lớn là việc ban hành các sắc lệnh thần thiêng, chúng ta có quan điểm bí tích, coi luật pháp và ân sủng, lời nói và việc làm, thông điệp và dấu hiệu, con người và lời phát biểu của người đó bên trong sự thống nhất toàn diện duy nhất của mầu nhiệm.” (41) Thực vậy, trong bản văn Latinh, Công đồng Vatican II đã mượn công thức của Công đồng Vatican I về sự mặc khải thần linh: “aeterna voluntatis suae decreta humano generi revelare” [mặc khải các sắc lệnh đời đời của Thánh ý Người cho nhân loại], nhưng đã thay đổi sự nhấn mạnh vào “aeterna voluntatis suae decreta” thành “sacramentum voluntatis suae” (bí tích của Thánh ý Người). Tất nhiên, quan điểm về mầu nhiệm tình yêu giữa Thiên Chúa và dân của Người đối lập với một Thiên Chúa chỉ là một nhà lập pháp vĩnh cửu chính là điều mà nhiều người đánh giá cao nhất về Công đồng. Tuy nhiên, nhiều vấn đề sẽ nảy sinh khi việc quá nhấn mạnh vào các sắc lệnh bị bãi bỏ đến mức đôi khi dường như không còn gì là nội dung trong sự mặc khải hiểu theo đức tin và luân lý truyền thống ngoại trừ mối quan hệ bản thân với Thiên Chúa.

Đây là một sự cân bằng tinh tế cần duy trì. Dĩ nhiên, có những chân lý cố định về đức tin và luân lý, đồng thời, một diễn trình lịch sử trong đó mỗi thế hệ lại một lần nữa tham gia vào vở kịch cứu độ. Trong một vở kịch, sự vật không được xác định trước và có thể diễn ra theo cách này hay cách khác dựa trên các lựa chọn được đưa ra. Trong khi nhiều người ca ngợi sự khẳng định của Công đồng về tầm quan trọng của lời hứa cứu chuộc của Thiên Chúa bất chấp sự Sa ngã, thì Ratzinger—chỉ hai năm sau khi Công đồng kết thúc—đã lớn tiếng tự hỏi “phải chăng Công đồng đã không bắt đầu từ một quan điểm quá lạc quan trong giải trình về mặc khải và lịch sử cứu độ, không lưu ý tới sự kiện này là ơn cứu rỗi thần thiêng, trong yếu tính, xẩy đến như một sự công chính hóa cho tội nhân. Chính ở đây Lề Luật và Tin Mừng cần phải được tích nhập, vì chính Kinh Thánh chứng thực “mầu nhiệm cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”, (42) mà bản văn công đồng phần lớn bỏ qua và do đó dẫn đến việc chỉ trung thành một phần với Kinh Thánh.

Tuy nhiên, có một lợi ích to lớn phát sinh từ sự kiện là Kinh thánh đã được các Nghị phụ Công đồng trình bày chủ yếu không phải là thông tin và quy tắc, mà là sự thống nhất và “biến đổi”. Nhờ sự mặc khải, chúng ta biết được chúng ta là ai—con người có giá trị vô hạn, vượt xa sự nghi ngờ của chủ nghĩa nhân bản thế tục—bởi vì con người tập trung vào Chúa Kitô, Đấng kết hợp Thiên Chúa và con người. Tất nhiên, điều đó đã tiềm ẩn trong các công thức trí thức cũ, nhưng giờ đây chúng được trình bày một cách hấp dẫn như một phần của tổng thể lớn hơn của đời sống bản thân trong Thiên Chúa. Lao động trí thức và thẩm quyền cần thiết của Rôma đã phục vụ cho sự mặc khải đang diễn ra đó; mặc khải không còn được coi là một loại cơ sở duy nhất cho một số đề xuất và thực hành của Giáo hội.

Tất cả những điều này cũng có tác động đến ý tưởng về truyền thống. Trong quá khứ, đã có một sự phân biệt khá rõ ràng giữa Kinh thánh, những điều được viết ra, và truyền thống, những điều bất thành văn, một phần của Giáo hội đích thực do Chúa Kitô khởi đầu (điều này đôi khi được gọi là quan điểm từng phần [partim-partim], một phần là điều này và một phần là điều kia). Không ai có thể thực sự nghi ngờ việc cả hai cùng hiện hữu. Nhiều thói quen và thái độ được coi là đương nhiên là một phần trong hoạt động bình thường của mọi nhóm người, từ gia đình đến quốc gia. Nhìn từ bên ngoài, không ai có thể giải thích dứt khoát tại sao lại như vậy, chẳng hạn như các gia đình ăn một số loại thực phẩm hoặc làm một số việc nhất định vào những ngày lễ nhất định ngoài việc nại chung tới sự mong chờ của các thành viên trong gia đình các thực hành trong quá khứ, những điều có lẽ không bao giờ được giải thích rõ ràng. Và những giả định không được nói ra đó cũng giúp giải thích những điều mà mọi người trong những gia đình như vậy nói, đồng thời giúp hiểu được những điều có vẻ khó hiểu hoặc không chắc chắn.

Nhưng mối quan hệ giữa Kinh thánh và truyền thống đòi hỏi phải làm rõ một số điều tại Công đồng. Không chỉ đơn giản là một số phần của truyền thống là bất thành văn mà bản thân truyền thống đó phát triển khi mọi người thích nghi, sống và do đó hiểu sâu sắc hơn và đầy đủ hơn ý nghĩa của truyền thống. Tất nhiên, đối với một số người Thệ phản, đây chỉ là một việc làm ra sai lạc của Giáo hội nguyên thủy, bị coi là đơn sơ. Mọi bên có thể đồng ý rằng Giáo hội luôn cần được cải cách (Ecclesia semper reformanda), nhưng các nghiên cứu phê bình lịch sử hiện đại đã làm phức tạp mối quan hệ giữa Kinh thánh và truyền thống. Chẳng hạn, người Công Giáo gặp khó khăn trong việc duy trì sự bảo đảm của Kinh thánh đối với các tín điều như Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, vốn chỉ có thể được phát triển từ những gợi ý trong Kinh thánh được khuếch đại bởi kinh nghiệm sống của Giáo hội. Nhưng những người Thệ phản cũng gặp phải những thách thức đối với tầm nhìn về một khởi đầu đơn giản bởi vì các nghiên cứu phê bình lịch sử đã cho thấy rõ ràng rằng chính Kinh thánh là một loại truyền thống, một truyền thống quan trọng và có thẩm quyền, chắc chắn, nhưng chính nó là kết quả của các phát triển đang diễn ra trong Giáo Hội trước khi bất cứ từ ngữ nào được viết ra. Và, như Ratzinger sau này sẽ nói, đó là một giả định—và có lẽ là một giả định sai lầm nghiêm trọng trong phương thức phê bình-lịch sử—khi nghĩ rằng sự xuất hiện của biểu thức tôn giáo vĩ đại nhất trong lịch sử loài người có tính đơn giản và chỉ những gì đến sau mới có tính phức tạp. Thánh Phaolô, một trong những tác giả đầu tiên của Tân Ước, khó đơn giản hơn Thánh Clementê thành Rôma, và các Thư Mục vụ phong phú và phức tạp hơn nhiều so với Didache. (43)

Những cân nhắc mới này đã nêu lên một số vấn đề chưa bao giờ được giải quyết hoàn toàn tại Công đồng. Phần lớn người ta đã nói về truyền thống (số nhiều) tại Trent nhưng nói về truyền thống (số ít) tại Vatican II. Ngay cả những người Thệ phản cũng đã rút lui một số khỏi lập luận sola Scriptura bởi vì các Giáo Hội hoạt động cần nhiều hơn những gì được nêu rõ ràng trong Tân Ước đúng nghĩa, ngay cả trong một vấn đề quan trọng như thờ phượng, vốn phát xuất từ quá khứ. Thậm chí còn có một bảo đảm kinh thánh cho quan điểm đó. “Vậy, hỡi anh em, hãy đứng vững và giữ lấy các truyền thống [paradoseis] mà chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hoặc bằng thư từ” (2 Tx 2:15) cũng như phần kết của Tin Mừng Gioan, để lại một cánh cửa rộng mở: “Còn có nhiều điều khác mà Chúa Giêsu đã làm; nếu mỗi điều cần được viết ra, thì tôi tưởng rằng thế gian không chứa nổi những cuốn sách được viết ra” (Ga 21:25).

Đồng thời, phải có cách phê phán các truyền thống để có thể cải cách. Cách duy nhất để trung thành với toàn bộ mặc khải là xem nó như bao gồm cả Kinh Thánh lẫn truyền thống trong mối liên hệ hỗ tương. Vì đây là mối liên hệ sống động tham dự vào toàn bộ hành động của Thiên Chúa trong lịch sử, nên khó có thể gán cho nó một hình thức chính xác nào khác hơn là nói rằng cả hai phải hoạt động trong đời sống của Giáo hội. Một số độc giả cấp tiến của những cuộc thảo luận này đã cố gắng làm cho nó xuất hiện như thể những định nghĩa không được hoan nghênh về đức tin và luân lý, thậm chí cả những định nghĩa được chứng thực trong chính Kinh thánh, có thể bị làm ngơ nhờ sự thông minh diễn giải hoặc viện dẫn đến các bản văn khác, chẳng hạn như các Tin Mừng Ngộ đạo, (44) vốn bị loại trừ khỏi qui điển Tân ước—bởi các thẩm quyền Giáo hội. Đây là một vấn đề sẽ dai dẳng lâu.

Tuy nhiên, bản văn cuối cùng của Dei Verbum khá ngắn gọn, chỉ có 26 đoạn. Nhưng là một trong những văn kiện phong phú nhất do Công đồng đưa ra. Ngoài những điểm đã đề cập trước đây, nó nhấn mạnh rằng mặc khải bao gồm cả việc làm lẫn lời nói (DV 2) và, với sự cân bằng mà sau này không phải lúc nào cũng được tuân giữ, “qua sự mặc khải thần thiêng, Thiên Chúa đã chọn bày tỏ và thông truyền chính Người và các quyết định vĩnh cửu của thánh ý Người liên quan đến sự cứu rỗi loài người” (DV 6, phần nhấn mạnh được thêm vào). Không những chỉ yếu tố bản vị hiện đại hơn được khẳng định ở đây, mà cả mối quan tâm cũ hơn đối với các sắc lệnh chính thức nữa, mặc dù điều đó, trong yếu tính, mang sắc thái của cùng một phẩm chất được sử dụng trong linh hứng nói chung: đó là vì mục đích cứu rỗi.

Hơn nữa, nó thừa nhận việc truyền bá các sự thật Tin Mừng của các tông đồ và những người khác như bao gồm lời nói, gương sáng và các định chế: “Sự ủy nhiệm cũng được thực hiện bởi các Tông đồ và những người phụ tá của các ngài những người, dưới sự linh hứng của cùng một Chúa Thánh Thần, đã ghi chép sứ điệp cứu độ ra giấy trằng mực đen” (DV 7). Tất nhiên, theo hiến chế, cần có các giám mục để bảo đảm cho giáo huấn được trung thành, nhưng ở đây, người ta dễ dàng khám phá ra việc khẳng định về một diễn trình soạn thảo trước đó bao gồm cả khả thể nghiên cứu phê bình lịch sử và vai trò dành cho truyền thống. Truyền thống, như được trình bày ở đây, có tính động, chứ không tĩnh. Theo thời gian, các tín hữu sẽ biết về nó đầy đủ hơn, và thực tại cụ thể đó đã dẫn đến việc hình thành ra quy điển (DV 8). Nhưng không giống như một số công thức trong quá khứ, theo quan điểm này, Kinh Thánh và truyền thống “một cách nào đó hợp nhất thành một thể thống nhất và hướng về cùng một mục đích” (DV 9). Huấn quyền cũng có một vai trò: “Chức vụ giảng dạy không ở trên lời Chúa, nhưng phục vụ lời Chúa” (DV 10).

Chúng ta đã thấy cách Hiến chế nói về tính bất khả ngộ (DV 11) trong những điều đó “vì mục đích cứu rỗi” và về những sắc thái khả hữu có thể dẫn đến. Trong số các yếu tố cần thiết để giải thích đúng đắn, cùng chương này đã liệt kê việc hiểu được lời nói nhân bản của người viết, việc chú ý đến các hình thức và cách diễn đạt văn chương, hoàn cảnh, thời gian và nền văn hóa, cách nói và cách kể chuyện trong thời kỳ đó, và các quy ước của con người vào thời điểm đó (DV 12). Tất cả những yếu tố này mở ra cơ hội cho phê bình lịch sử, hình thức, biên tập, phản ứng của người đọc và phê bình tường thuật, trong số những cách tiếp cận khác. Nhưng không giống như các cách tiếp cận thuần túy học thuật thường bỏ qua nhiều điều luôn luôn cần thiết trong việc đọc Kinh Thánh, các Nghị Phụ Công Đồng thêm vào ba tiêu chuẩn để sử dụng các phương pháp như vậy nhằm bảo đảm kết quả tổng thể phù hợp với ý định chung của tất cả các tác giả Kinh Thánh:

1. Tư cách tác giả thần thiêng phải được ghi nhận;
2. nội dung và sự thống nhất của tổng thể cũng phải được xem xét;
3. và điều này nhất thiết liên quan đến truyền thống Giáo hội và analogia fidei (loại suy đức tin). (45)

Tất cả những điều này giúp hiểu được điều mà Thánh Giêrônimô đã từng gọi là Lời Chúa trong lời của con người.

Hiến chế khẳng định ngắn gọn tầm quan trọng của Cựu Ước như khúc dạo đầu cho Tân ước nhưng cả giá trị của nó trong chính nó. Về Tân Ước, nó nhìn nhận (DV 19) rằng các tác giả đã chọn lọc, tổng hợp và giải thích có lưu ý đến tình thế của các Giáo Hội, trong khi vẫn bảo tồn sự thật của các nhân chứng tận mắt, vốn là một sự nhìn nhận ngầm khác về những gì có thể tốt trong các nghiên cứu lịch sử. Nhưng nó tiếp tục giải thích rằng những nghiên cứu này phải được sử dụng trong đời sống của Giáo hội bởi vì “giống như chính tôn giáo Kitô, mọi lời rao giảng của Giáo hội phải được Kinh Thánh nuôi dưỡng và điều chỉnh” (DV 21). “Phải tạo điều kiện tiếp cận Sách Thánh một cách dễ dàng đối với mọi Kitô hữu” (DV 22), có nghĩa là đảm nhận việc dịch thuật, có lẽ cả với sự cộng tác của “các anh em ly khai”. Ở bình diện trí thức, “việc nghiên cứu các trang thánh thiêng có thể nói là linh hồn của thần học thánh” (DV 24).

Các Nghị phụ kết luận rằng tất cả những điều này có tầm quan trọng sống còn nhất, bởi vì, như Thánh Giêrônimô đã nói, “Không biết Kinh thánh là không biết Chúa Kitô” (DV 25). Và cũng như việc Rước Lễ thường xuyên nâng cao đời sống trong Thiên Chúa, thì “chúng ta có thể hy vọng có được một kích thích mới cho đời sống của Thần Khí từ việc ngày càng tôn kính lời Chúa, là lời ‘trường tồn’” (DV 26).

Ghi Chú

1 Nó đã được tái bản nhiều lần, trong số đó: trong Walter Hooper, ed., Christian Reflections [các suy tư Ki-tô giáo] (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1994), 152-66; và với tên “Hạt dương xỉ và những con voi”, trong bộ sưu tập có tên đó, ed. Walter Hooper (London: Fount, 1998).

2 Lewis, “Modern Theology” [Thần học hiện đại], trong Christian Reflections [Suy tư Kitô giáo], 154.

3 Cùng nguồn, 162.

4 Ernst Käsemann, New Testament Questions of Today [Những câu hỏi trong Tân Ước ngày nay], bản dịch. W.J. Montague và Wilfred F. Bunge (Philadelphia: Fortress Press, 1969), 29.

5 Johannes Quasten, Patrology [giáo phụ học] (Westminster, Md.: Newman Press, 1950—1986), 4 tập; Frank Sadowski, The Church Fathers on the Bible: Selected Readings [Các Giáo phụ về Kinh thánh: Các bài đọc chọn lọc] (New York: Alba House, 1987); Manlio Simonetti, Biblical Interpretation in the Early Church: An Historical Introduction to Patristic Exegesis [Giải thích Kinh thánh trong Giáo hội sơ khai: Giới thiệu lịch sử về phương pháp chú giải giáo phụ], bản dich của John A. Hughes (Edinburgh: T. & T. Clark, 1994).

6 Xem Henri de Lubac, S.J., Medieval Exegesis: The Four Senses of Scripture [Khoa chú giải Trung cổ: Bốn Ý nghĩa của Kinh thánh], bản dịch của Mark Sebanc (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1998-2009); nguyên bản tiếng Pháp, 1959—1964); cũng như Beryl Smalley, The Study of the Bible in the Middle Ages [Nghiên cứu Kinh thánh thời Trung Cổ], tái bản lần thứ 2. (Oxford: Blackwell, 1952).

7 Joseph Ratzinger, “Biblical Interpretation in Conflict: On the Foundations and the Itinerary of Exegesis Today” [Giải thích Kinh thánh trong xung đột: Về nền tảng và hành trình của việc giải thích Kinh thánh ngày nay], trong José Granados, Carlos Granados, và Luis Sânchez-Navarro, eds., Opening Up the Scriptures: Joseph Ratzinger and the Foundations of Biblical Interpretation [Mở ra Kinh thánh: Joseph Ratzinger và Nền tảng của việc giải thích Kinh thánh] (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 2008), 6. Bài tiểu luận của Ratzinger quay trở lại một hội nghị ở New York được tổ chức vào năm 1988.

8 Bản thân Giáo hội sơ khai không phải là không biết về những khác biệt rõ ràng này. Vì vậy, vào thế kỷ thứ hai, những kẻ dị giáo như Marcion chỉ muốn giữ lại một phiên bản Luca đã được thay đổi; Tatian, một sinh viên chính thống hơn của Justin Martyr, đã tạo ra Diatessaron, một sự kết hợp bốn Phúc âm lại với nhau thành một tường thuật duy nhất nhằm dung hòa những khác biệt rõ ràng mà ông cho là phù hợp; và hơn hai thế kỷ sau, Thánh Augustinô cảm thấy vẫn cần phải thực hiện một nỗ lực tương tự trong cuốn De Consensu Evangelistarum (Về sự hòa hợp của các tin mừng gia) của ngài. Tất nhiên, những người chống đối Ki-tô giáo thời xưa cho rằng những khác biệt này cho thấy Tin mừng là không đáng tin cậy.

9 Trích đoạn của Jefferson từ các Tin Mừng: “The Philosophy of Jesus” [Triết học của Chúa Giêsu] và “The Life and Morals of Jesus”[Cuộc đời và đạo đức của Chúa Giêsu] (Princeton: Nhà xuất bản Đại học Princeton, 1983), 352.

10 George Tyrrell, Christian at the Cross-Roads [Các Ki-tô hữu ở ngã ba đường](London: Longmans, Green, 1909), 44. Kỷ luật Công Giáo chống lại chủ nghĩa hiện đại vào thời điểm đó khắc nghiệt đến nỗi Tyrrell bị từ chối chôn cất theo Ki-tô giáo và Henri Brémond, một người bạn, bị khiển trách chỉ vì làm dấu thánh giá trên mộ.

11 Joseph Ratzinger, sau này là Đức Bênêđíctô XVI, một học giả sắc sảo ngay từ khi còn trẻ, người đã giúp phát triển Dei Verbum tại Vatican II, đã nhiều lần nhận xét rằng sẽ phải mất ít nhất một thế hệ khác để thực hiện nhiệm vụ này. Cf. Ratzinger, “Biblical Interpretation in Conflict” [Giải thích Kinh thánh trong xung đột], 8—trong số những cách diễn đạt khác.

12 Để có bản tường thuật hay và dễ đọc về lịch sử cuộc tìm kiếm, xem Charlotte Allen, The Human Christ: The Search for the Historical Jesus [Chúa Giêsu Nhân bản: Cuộc Tìm kiếm Chúa Giêsu Lịch sử] (New York: Free Press, 1998).

13 Đây là phần chính của bố cục, nhưng ngay cả điều này cũng đơn giản hóa phần nào bởi vì, như chúng ta biết từ sách Cuộn Biển Chết và những khám phá khảo cổ khác, hình thức “cuối cùng” của bản văn có thể vẫn khá linh hoạt trong một thời gian dài, và nó chỉ như thế khi một số nhà chức trách, người Do Thái hay Ki-tô giáo, thiết lập một quy chuẩn dứt khoát để chúng ta biết những cuốn sách nào được đưa vào Kinh thánh và hình thức nào của những cuốn sách đó, mặc dù điều này còn phải chịu nhiều khó khăn và tranh cãi liên quan đến các bản thảo và cách đọc khác nhau.

14 Được trích dẫn trong Nicholas Boyle, Sacred and Secular Scriptures: A Catholic Approach to Culture [Các Sách Thánh thiêng và Trần tục: một cách Tiếp cận Văn hóa của Công Giáo] (Notre Dame, Ind.: University of Notre Dame Press, 2005), 19. Phân tích của tôi về bối cảnh nước Đức đối với học thuật Kinh Thánh hiện đại mang nợ đối với phân tích của Boyle với những khác biệt và bổ sung.

15 Xem Rudolf Bultmann, “Is Exegesis without Presuppositions Possible?”, trong Existence and Faith: Shorter Writings of Rudolf Bultmann, [Có thể thực hiện được việc chú giải không có tiền giả định không?, trong Sự tồn tại và đức tin: Những bài viết ngắn hơn của Rudolf Bultmann], bản dịch của Schubert M. Ogden (New York: Meridian Books, 1960), 289-96.

16 “Vì lời Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ của loài người, đã được thực hiện giống như lời nói của loài người, cũng như Lời của Chúa Cha hằng hữu, khi Người mặc lấy thân xác yếu đuối của con người, thì đã được tạo nên giống loài người về mọi mặt”: Công đồng Vatican II, Dei Verbum, 13.

17 Trích dẫn trong Boyle, Sacred and Secular Scripture, 43.

18 Cụm từ này là của Carl Braaten, từ phần giới thiệu của ông về cuốn The So-Called Historical Jesus and the Historic Biblical Christ [Điều gọi là Chúa Giêsu lịch sử và Chúa Kitô lịch sử trong Kinh thánh của Martin Kähler], bản dịch của Carl E. Braaten (Philadelphia: Fortress Press, 1964), 26.

19 Xem John Ratté, Three Modernists: Alfred Loisy, George Tyrrell, William L. Sullivan [Ba nhà duy hiện đại: Alfred Loisy, George Tyrrell, William L. Sullivan] (New York: Sheed & Ward, 1967).

20 Bối cảnh đầy đủ trong nhận xét của Loisy về sự xuất hiện của Giáo hội có tính soi sáng: “Chúa Giêsu đã báo trước về vương quốc, và chính Giáo hội đã đến; Giáo hội đến, mở rộng hình thức Tin Mừng, một hình thức không thể bảo tồn nguyên trạng, ngay khi Cuộc Khổ Nạn khép lại sứ vụ của Chúa Giêsu. Không có thể chế nào trên trái đất hoặc trong lịch sử mà địa vị và giá trị của nó có thể không bị nghi ngờ nếu nguyên tắc được thiết lập là không có gì có thể tồn tại ngoại trừ ở dạng ban đầu của nó. Nguyên tắc như vậy đi ngược lại quy luật cuộc sống, đó là sự vận động và nỗ lực không ngừng để thích ứng với những điều kiện luôn mới mẻ và không ngừng thay đổi”: Alfred Loisy, The Gospel and the Church [Tin mừng và Giáo hội], bản dịch của Christopher Home (New York: Scribner, 1909), 166. Tất nhiên, Newman nói rằng sự thay đổi đó là một trong những bằng chứng của sự sống, nhưng ý tưởng “phát triển” của ngài có nghĩa là sự thay đổi trong tính liên tục hữu cơ. Giáo hội của Loisy gần như được phát minh từ vải nguyên tấm kể từ Cuộc Khổ nạn “đóng lại” thừa tác vụ của Chúa Kitô.

21 Robert Bruce Robinson, Roman Catholic Exegesis since Divino Afflante Spiritu: Hermeneutical Implications [Khoa chú giải Công Giáo Rô-ma kể từ Divino Afflante Spiritu: Những hàm ý thông diễn] (Atlanta: Scholars Press, 1988), 12-17.

22 London: Longmans, Green, 1907.

23 London: Longmans, Green, 1909.

24 Fergus Kerr, Twentieth-Century Catholic Theologians [Các nhà thần học Công Giáo thế kỷ XX] (Oxford: Blackwell, 2007), 7.

25 Xem Marvin O’Connell, Critics on Trial: An Introduction to the Catholic Modernist Crisis [Các phê bình bị xét xử: Giới thiệu về cuộc khủng hoảng duy hiện đại Công Giáo] (Washington, D.C.: Nhà xuất bản Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, 1994).

26 Bernard Montagnes, The Story of Father Marie-Joseph Lagrange: Founder of Modern Catholic Bible Study [Câu chuyện của Cha Marie-Joseph Lagrange: Người sáng lập Nghiên cứu Kinh thánh Công Giáo Hiện đại],bản dịch của Benedict Viviano (New York: Nhà xuất bản Paulist, 2006). Nguyên bản tiếng Pháp (Paris: Editions du Cerf, 1995).

27 Cuộc thảo luận ở đây thuộc về Robinson, Roman Catholic Exegesis [Khoa chú giải Công Giáo Rô-ma], 19-27.

28 M.-J. Lagrange, La méthode historique [phương pháp lịch sử] (Paris: Librairie Victor Lecoffre, 1904), 105.

29 Trong thư mục tập thứ hai của bộ Jesus of Nazareth [Chúa Giêsu thành Na-da-rét] (San Francisco: Ignatius Press, 2011), 296, Đức Bênêđíctô XVI ca ngợi nghiên cứu lịch sử cẩn thận gồm bốn tập của học giả Công Giáo Mỹ John P. Meier, A Marginal Jew: Rethinking the Historical Jesus [Một người Do Thái Bên lề: Suy nghĩ lại Chúa Giêsu lịch sử] ( New York: Doubleday, 1991-2009): “trong nhiều khía cạnh, một mô hình chú giải phê bình-lịch sử, trong đó ý nghĩa và giới hạn [nhấn mạnh thêm] của phương pháp này nổi lên rõ ràng”. Về cơ bản, công việc của Meier cố gắng thiết lập những điều về Chúa Giêsu mà người Công Giáo, người Tin lành, người Do Thái và thậm chí cả những người không theo đạo có thể chấp nhận như được hỗ trợ bởi học thuật lịch sử tốt nhất gần đây. Rõ ràng, một cách tiếp cận như vậy, dù rất hữu ích, nhưng bằng những lựa chọn phương pháp riêng của nó, đã loại bỏ phần lớn những gì khiến Chúa Giêsu trở nên quan trọng đối với các thời đại sau này.

30 Heinrich Denzinger, Compendium of Creeds, Definitions, and Declarations on Matters of Faith and Morals [Bản tóm tắt các Tín điều, Định nghĩa và Tuyên bố về Các vấn đề Đức tin và Đạo đức], biên tập: Peter Hünermann, người dịch tiếng Anh, biên tập. Robert Fastiggi và Anne Englund Nash, tái bản lần thứ 43. (San Francisco: Ignatius Press, 2012), số 3006, tr. 602.

31 Một số học giả tranh cãi về “Truyền thuyết Vàng” về sự tự do hóa của Rô-ma, thay vào đó lập luận rằng không có sự thay đổi nào trong giáo huấn trước Công đồng Vatican II. Xem Brian W. Harrison, O.S., “On Rewriting the Bible: Catholic Biblical Studies in the ‘60s” [Về việc viết lại Kinh thánh: Nghiên cứu Kinh thánh Công Giáo trong thập niên 60], Christian Order, tháng 3 năm 2002, truy cập trực tuyến tại www.christianorder.com/features/features_2002 /features_mar02.html.

32 Một bản tường thuật rõ ràng về những phát triển này có thể được tìm thấy trong Terence J. Keegan, O.P., Interpreting the Bible: A Popular Discussion to Biblical Hermeneutics [Giải thích Kinh thánh: Một cuộc tranh luận phỏ thông về khoa giải thích Kinh thánh] (New York: Paulist Press, 1985).

33 Quả thực, cách tiếp cận của Raymond Brown đã trải qua một số thay đổi. Vào giữa những năm 1950, ngài viết luận án tiến sĩ về sensus plenior, một cách diễn đạt đề cập đến “ý nghĩa đầy đủ hơn” của Kinh thánh do Thiên Chúa dự định nhưng không nhất thiết phải do các tác giả Kinh thánh. Mặc dù ngài luôn là một linh mục và học giả phục vụ Giáo hội, nhưng một số cuốn sách trước đây của ngài đã gây ra nhiều tranh cãi. Chẳng hạn, The Birth of the Messiah: A Commentary on the Infancy Narratives in the Gospels of Matthew and Luke [Sự ra đời của Đấng Mê-xi-a: Bình luận về những câu chuyện thời thơ ấu trong các Tin mừng Mát-thêu và Lu-ca (Garden City, N.Y.: Doubleday, 1977), đối với một số người Công Giáo được đào tạo theo kiểu cũ, dường như đặt câu hỏi liệu Sự ra đời đồng trinh có thể được chứng minh bằng lịch sử hay không. Một số học giả có thể trả lời rằng điều đó có thể không được chứng minh về mặt lịch sử mà vẫn đúng. Cha Brown đã tuyên bố nhiều lần rằng ngài nghĩ rằng có nhiều bằng chứng chỉ ra, nhưng không thể chứng minh việc ra đời đồng trinh. Nhưng những lời bác bỏ như vậy được nhiều người coi là làm suy yếu nguyên lý then chốt của đức tin Công Giáo có từ những niềm tin cổ xưa (“được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria”). Tuy nhiên, tác phẩm sau này, The Death of the Messiah: From Gethsemane to the Grave, A Commentary on the Passion Narratives in the Four Gospels [Cái chết của Đấng Mê-xi-a: Từ Vườn Diệt-si-ma-ni đến Ngôi mộ, Bình luận về Những câu chuyện Khổ nạn trong Bốn Tin Mừng] của Cha Brown (New York: Doubleday, 1994), hầu như được mọi người coi là một hình mẫu của sự nghiêm khắc phê bình lịch sử kết hợp với giáo huấn lâu đời của Giáo hội về Cuộc Khổ nạn, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô.

34 Phong trào chính thống cực đoan là một phản ứng vào đầu thế kỷ XX, chủ yếu ở Mỹ và Anh, chống lại Ki-tô giáo cấp tiến. Các nhà lãnh đạo của nhiều giáo phái bảo thủ khác nhau đã đồng ý chấp nhận một danh sách ngắn gọn về “những nguyên tắc cơ bản” như thiết yếu cho một Ki-tô giáo chung. Xem George M. Marsden, Fundamentalism and American Culture [Phong trào chính thống cực đoan và nền Văn hóa Hoa kỳ] (New York: Oxford University Press, 1980), để có cái nhìn tổng quan.

35 Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI phải đối diện trực tiếp với khó khăn đặc biệt này trong tập thứ hai của bộ Jesus of Nazareth [Chúa Giêsu thành Na-da-rét] và sau khi xem xét tài liệu học thuật, ngài đã bằng lòng để nó không được giải quyết.

36 Ignace de la Potterie, S.J., “La verité de la Sainte Écriture et l’Histoire du salut d’après la Constitution dogmatique Dei verbum” [chân lý của Kinh thánh và Lịch sử Cứu độ sau Hiến chế Tín lý Dei Verbum], Nouvelle Revue Théologique 88 (1966): 149-69.

37 Thánh Augustino, Against Felix the Manichee [Chống lại Felix Ma-ni-kê-ô], cuốn 1, chương. 10.

38 Được trích dẫn trong James C. Swindal và Harry J. Gensler, eds., The Sheed and Ward Anthology of Catholic Philosophy [hợp tuyển Triết học Công Giáo] (Lanham, Md.: Rowman và Littlefield, 2005), 243.

39 Xem R. F. Collins, “Augustine of Hippo, Precursor of Modern Biblical Scholarship” [Thánh Augustinô thành Hippo, Tiền thân của Nền Học giả Kinh thánh Hiện đại], Louvain Studies 12 (1987): 131-51.

40 Joseph Ratzinger, “Dogmatic Constitution on Divine Revelation: Origin and Background” [Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa: Nguồn gốc và Bối cảnh], trong H. Vorgrimler, ed., Commentary on the Documents of Vatican II [Chú giải các Văn kiện của Vatican II] (New York: Herder and Herder, 1969), 3:167.

41 Như trên, 3:171.

42 Như trên, 173-74.

43 Ratzinger, “Biblical Interpretation in Conflict” [Giải thích Kinh thánh trong xung đột], 13.

44 Điều gọi là Tin mừng Ngộ đạo là nhiều văn bản cổ khác nhau, hầu hết được phát hiện vào năm 1945 tại Nag Hammadi ở Ai Cập, mặc dù những văn bản khác được đưa ra ánh sáng sớm hơn và muộn hơn. chúng trình bày một loại Ki-tô giáo kết hợp với những giáo lý bí truyền dường như thường khiến một Giáo hội có thẩm quyền trở nên không cần thiết. Tất nhiên, những người ủng hộ những Ki-tô giáo “thay thế” hoặc “đã mất” này rút ra bài học từ chúng về thẩm quyền hiện tại của Giáo hội cũng như những lời giảng dạy về đức tin và đạo đức, mà họ cho rằng đang thu hẹp sự đa dạng phong phú về tín ngưỡng trong thế giới cổ thời. Cuốn The Gnostic Gospels [ Các Tin mừng Ngộ đạo] của Elaine Pagels (New York: Random House, 1979) đã có ảnh hưởng lớn, cũng như cuốn Lost Christianities [Các Ki-tô giáo đã mất] của Bart D. Ehrman gần đây (New York: Oxford University Press, 2003).

45 Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo năm 1997 (tái bản lần thứ 2) giải thích thêm về ba nguyên tắc này trong các đoạn 112-14.