Chương 7: Nghiên cứu Kinh Thánh sau Công Đồng



Việc tất cả những điều trên thúc đẩy người Công Giáo nghiên cứu Kinh thánh khó có thể bị phóng đại. Người Công Giáo tham gia dường như với một sự báo thù vào các cuộc tranh luận học thuật trước đây hầu như chỉ dành cho những người không theo Công Giáo. Một số việc làm đó đã tạo ra những đóng góp thực sự cho một công thức Công Giáo giải thích kinh thánh tốt hơn. Một phần không nhỏ trong đó cũng đã đi quá xa, và trong những thập niên sau đó, người ta thường thấy những chủ trương ngông cuồng—và, thậm chí theo quan điểm học thuật, hoàn toàn vô căn cứ— cho rằng các học giả đã “giải quyết” một số câu hỏi bằng cách “chỉ ra” rằng các bản văn gốc trên thực tế không hỗ trợ hoặc thậm chí mâu thuẫn với đức tin và luân lý Công Giáo lâu đời. Sự sinh hạ đồng trinh, phép lạ, Bí tích Thánh Thể, sự chuộc tội của Chúa Kitô trên Thập giá, sự Phục sinh, như tất cả những điều này đã được hiểu từ lâu, thường bị phủ nhận hoặc đôi khi bị bóp méo đến nỗi không còn nhận diện được nữa.



Một cựu giáo sư chủng viện Công Giáo tuyên bố rằng không những Chúa Giêsu không sống lại từ cõi chết, mà thân thể của Người có lẽ đã bị bỏ lại trên Thập giá và bị chim ăn xác hoặc bị ném vào hố chung và bị chó ăn ngấu nghiến. (1) Dĩ nhiên, không có bằng chứng nào, và phần lớn đã bị phủ nhận, nhưng các nghiên cứu lịch sử đã “chỉ ra” rằng đây là một thực hành chung cho những tên tội phạm bị Đế quốc La Mã đóng đinh, vì vậy nó phải được giả thiết đã xảy ra trong trường hợp của Chúa Giêsu. Đương nhiên, một nền “học giả” gây sốc như vậy đã nhận được sự đưa tin rộng rãi của các phương tiện truyền thông đại chúng, điều này đã gieo rắc nghi ngờ cho những người Công Giáo bình thường. Tương tự như vậy, các nhà thần học không phải là chuyên gia về Kinh thánh, chẳng hạn như Cha Hans Küng trong cuốn sách bán chạy nhất của ông On Being a Christian [Về việc làm một Kitô hữu], (2) tin rằng, trong nền học giả hiện đại, họ đã phát hiện ra một Chúa Giêsu lịch sử khác, người dường như đã chống lại chế độ độc đoán — và đúng lúc để phù hợp với với làn sóng cách mạng văn hóa hoàn cầu của các thập niên 1960 và 1970. Một số nhà duy nữ Công Giáo lập luận rằng việc tin Thiên Chúa đã hy sinh Con một của Người trong cái chết khủng khiếp trên Thập giá để tha thứ tội lỗi là một cách giải thích Kinh thánh sai lầm mà trong lịch sử đã khuyến khích lạm dụng phụ nữ và trẻ em. Thomas Sheehan, một người Công Giáo bỏ đạo, đã tranh luận với một số sự nhạy bén học giả mà những người khác, kém thông minh hơn về mặt trí thức, vẫn thường nghĩ: rằng việc nghiên cứu Kinh thánh theo lối phê bình lịch sử vừa làm nổ tung các niềm tin truyền thống vừa lấn át hầu hết các định chế Công Giáo chính thống. (Bản thân Sheehan đã giảng dạy tại Đại học Loyola ở Chicago.) Mặc dù hoài nghi về độ tin cậy của các sách Tin Mừng, nhưng Sheehan, giống như nhiều nhà phê bình trước ông, đã đi đến một kết luận chắc chắn về Chúa Giêsu: rằng Người đến để xóa bỏ tôn giáo. (3)

Một dấu hiệu cho thấy việc nghiên cứu Kinh thánh có tính phê phán hiện đại thậm chí còn nghiêm túc hơn có thể trở nên tồi tệ như thế nào có thể tìm thấy trong tác phẩm của Edward Schillebeeckx, O.P. (1914-2009). Schillebeeckx được đào tạo như một nhà thần học tại quê hương Bỉ và Pháp của ông và nghiên cứu về thánh Tôma Aquinô theo cách mà hầu hết các sinh viên đã làm trong tiền bán thế kỷ XX, nghĩa là ông đã dành nhiều năm để đọc các sách giáo khoa và các giải trình viết sao cho dễ hiểu về vị thánh Đa Minh vĩ đại trước khi ông thực sự được dẫn nhập vào chính các bản văn. Cũng giống như nhiều người khác, ông nhận thấy cách tiếp cận lịch sử không thỏa đáng và—tại một số học viện dưới sự hướng dẫn của các giáo sư như Congar, Chenu và Gilson—ông bắt đầu áp dụng cách tiếp cận nhân vị chủ nghĩa hơn đối với Thánh Tôma mà chúng ta đã xem xét trong các chương đầu tiên của tác phẩm này, kết hợp với quan tâm hiện tượng học. Là một người trung thành theo chủ nghĩa cấp tiến, ông đã tranh luận về quyền độc thân tùy chọn của linh mục ngay cả trước Công đồng Vatican II và đã ảnh hưởng đến Công đồng cũng như việc thực hiện nó sau đó, đặc biệt là ở Hoà Lan, mặc dù ông đã bị các đối thủ ở Rôma ngăn cản không cho phục vụ với tư cách là chuyên viên cho các giám mục Hoà Lan.

Sau Công đồng, Schillebeeckx chuyển sang nghiên cứu Kinh thánh - lĩnh vực mà ông không được đào tạo chính thức - bởi vì ông tin rằng Kitô học theo mô hình cũ của các kinh tin kính, công đồng và tín điều cần phải được đổi mới theo các điều kiện bản vị và trải nghiệm hơn. Luôn luôn là một học giả đáng gờm và siêng năng, ông đã thực hiện một chương trình nghiên cứu đồ sộ về các phương pháp phê bình lịch sử hiện đại và cho ra đời ba tập sách đáng chú ý vào thập niên 1970, đặc biệt là cuốn sách có ảnh hưởng lớn và gây nhiều tranh cãi của ông, Jesus: An Experiment in Christology [Chúa Giêsu: Một thực nghiệm trong Kitô học], (4) đã nêu ra những câu hỏi sâu sắc, không những nơi những người bảo thủ mà cả những nhà thần học cấp tiến ôn hòa. Hai tập tiếp theo, Christ: The Experience of Jesus as Lord [Chúa Kitô:Trải nghiệm Chúa Giêsu như là Chúa] và Church: The Human Story of God [Giáo hội: Câu chuyện nhân bản của Thiên Chúa], (5) đã phần nào rút lui khỏi chủ nghĩa cấp tiến của cuốn đầu tiên—hoặc đặt nó vào một bối cảnh rộng lớn hơn, như chính Schillebeeckx có thể đã lập luận. Nhưng ấn tượng rằng ông đã hoàn toàn lật ngược niềm tin vào các sự kiện lịch sử như Nhập thể và Phục sinh vẫn còn, mặc dù không rõ việc đây là điều ông đã làm, chính tác giả đã phủ nhận điều đó. Tuy nhiên, Schillebeeckx đã bị Bộ Giáo lý Đức tin chất vấn nhiều lần, nhưng chưa bao giờ bị chính thức kiểm duyệt, có lẽ vì sự phức tạp và mơ hồ trong công trình của ông.

Có một cái gì đó bi thảm trong câu chuyện của Schillebeeckx. Mặc dù ông đã vật lộn rất nhiều với nền học giả Kinh thánh hiện đại và dường như đã tạo ra sự tổng hợp ban đầu của riêng mình nhằm củng cố niềm tin hiện đại trên cơ sở kinh nghiệm, nhưng người ta thấy dễ xem ông như một phần của con đường mòn dẫn vào ngõ cụt trong thế kỷ XX. Giống như các học giả khác, ông coi Mác là biểu thức sớm nhất và do đó, là biểu thức căn bản nhất của các sự thật lịch sử mà cộng đồng Kitô giáo sơ khai từng biết. Và Tin Mừng Máccô được ông chấp thuận trong vai trò này kết thúc với việc những người phụ nữ tìm thấy ngôi mộ trống, chứ không phải “đoạn kết dài” bao gồm những lần hiện ra sau Phục sinh của Chúa Kitô. Do đó, đối với ông, cũng như đối với Máccô, lịch sử thực sự bắt đầu với việc Chúa Giêsu đến để được Thánh Gioan làm phép rửa và kết thúc với điều bí ẩn được trình bày bởi ngôi mộ trống. Tóm lại, cuộc đời của Chúa Giêsu cũng giống như bất cứ cuộc đời nào khác, ngoại trừ sức lôi cuốn phi thường mà Người biểu lộ trong việc thu hút các môn đệ và làm mọi người cảm động.

Nhưng chính sau khuôn khổ chung này, mọi điều trở nên phức tạp. Theo lời kể của Schillebeeckx, “kinh nghiệm” của các môn đệ một thời gian sau cái chết của Chúa Giêsu và “sự hiển dương” Người đã khiến họ hiểu rằng Người đến từ Thiên Chúa một cách độc đáo (Chúa Giêsu đã có “kinh nghiệm Abba” của riêng Người) và thực hiện một số nhiệm vụ đặc biệt trong cái chết và sau đó hiện diện với các môn đệ của Người. Chắc chắn, kinh nghiệm sau này không có nghĩa là việc Truyền Tin và Sinh Hạ Đồng Trinh, như cách hiểu theo truyền thống, xảy ra vào lúc bắt đầu cuộc đời của Đấng Kitô, hay sự chết và Sự Phục Sinh thể xác của Người, cũng như cách hiểu thông thường, đã xảy ra. Như đã được gợi ý trong công trình của nhiều học giả Kinh thánh hiện đại khác, những nguyên lý này của các tín điều ban đầu — đã được đưa vào chính là để loại trừ thuyết Ngộ đạo và cách giải thích “duy linh” khác vốn làm giảm giá trị sự hiện hữu thực sự của Chúa Giêsu trong tư cách một con người bằng xương bằng thịt — là những bồi đắp sau này.

Tuy nhiên, ở Schillebeeckx, một lý thuyết giải thích phức tạp dường như gợi ý rằng mối liên hệ của Đấng Kitô với Thiên Chúa như Cha và sự Phục sinh của Người là có thật, nhưng không có tính lịch sử hay thể lý. (Ông thậm chí còn trích dẫn câu nói cũ của Thánh Tôma, “Quidquid recitur ad modum receiveris recitur” [bất cứ điều gì được tiếp nhận đều được tiếp nhận theo lối của người tiếp nhận], để củng cố ý niệm cho rằng kinh nghiệm của các môn đệ đầu tiên và việc tiếp nhận kinh nghiệm đó phải bị giới hạn bởi khả năng tiếp nhận sự mặc khải mới của chính họ.) Người ta thường nói rằng ông đã lật ngược đầu Bultmann và cho rằng đức tin sau này của các môn đệ không độc lập với sự thật lịch sử (sola fide [chỉ do đức tin]) nhưng cách nào đó đã cho thấy sự thật đó sau sự kiện, mặc dù không hề có, chẳng hạn, biến cố thể lý như một máy ảnh có thể đã ghi lại lúc Phục sinh.

Mặc dù hai cuốn sách sau này về Chúa Kitô và Giáo hội đã đặt lý thuyết này vào bối cảnh kết nối nó với các nguyên tắc Công Giáo khác, nhưng thật khó hiểu làm thế nào cách hiểu riêng tư như vậy có thể dung hòa được với niềm tin Công Giáo lâu đời. Thật vậy, cách hiểu như vậy dường như tuân theo vòng cung chú giải hiện đại thông thường coi các tường trình phép lạ trong Tân ước — điều mà chính các tác giả và độc giả ban đầu hiểu rõ ràng là một điều khác thường — như một chuyện gây bối rối cho thế giới khoa học hiện đại. Hầu như mọi phúc trình đều coi Schillebeeckx như một người có đức tin sâu sắc; một người như thế khi chấp nhận những giới hạn như vậy đối với câu chuyện được kể trong các sách Tin Mừng, tất nhiên sẽ tìm cách dung hòa những điều dường như bất khả trong mong muốn tìm thấy một ý nghĩa nào đó trong những điều bất khả có thể làm nó trở thành hợp lý.

Bi hài kịch nơi Schillebeeckx là toàn bộ dự án giống như một nhiệm vụ khổng lồ của người Teutonic nhằm cứu vãn một đức tin mong manh khỏi một thế giới quan khiến nó ít được tìm kiếm trên thế giới. Nhưng giống như nhiều dự án như vậy, dù có tính học giả ra sao, nó thực sự không có nền tảng chắc chắn như hàng chục dự án khác từng đạt tới những kết luận rất khác nhau. Có lẽ Bộ Giáo lý Đức tin đã không biết chắc đủ về ý nghĩa cuối cùng của dự án, nên đã không lên án Schillebeeckx. Nhưng cảm tình không tốt đã cuốn xoáy quanh ông — và quanh lý lẽ ông đưa ra — trong nhiều năm. Ngay từ năm 1968, Karl Rahner, người được Vatican chỉ định để bênh vực riêng cho Schillebeeckx khỏi những lời buộc tội ban đầu, đã phá vỡ lời thề giữ bí mật mà ngài đã thề lấy cớ là đã làm một cuộc “kiềm chế ý nghĩa” (mental reservation] và gửi cho Schillebeeckx hồ sơ chống lại ông. (6) Loại thập tự chinh tự do hành nghề này—và sau lời tuyên thệ—càng làm trầm trọng thêm những căng thẳng hiện có.

Các cuộc phỏng vấn sau đó của Schillebeeckx với Bộ Giáo Lý Đức Tin vào những năm 1980 đã không còn bị lên án nữa, và công việc của ông tiếp tục gây ảnh hưởng rộng rãi, tuy có gây bất ổn, trong phần còn lại của thế kỷ XX. Ở nhiều định chế Công Giáo, việc tranh luận phức tạp về việc “thân thể vinh hiển” của Chúa Kitô sau khi phục sinh, như thể thân thể của Người, như được một người trung bình hiểu, từng là... Chà, chuyện gì đã xảy ra với thân thể đó thì thật khó nói. Như Raymond Brown, một ông ba bị [bogeyman] cấp tiến đối với một số người bảo thủ, có lần đã nghĩ rằng cần phải nói về những lý thuyết như thế này hay lý thuyết của Crossan: “Hãy để tôi mạnh dạn tuyên bố: không hề có bằng chứng nào cho thấy bất cứ ai trong Tân Ước tự coi mình là Kitô hữu lại nghĩ rằng thi thể của Chúa Giêsu có thể vẫn đang tan rữa trong mộ.” (7)

Trong cùng một cuốn sách mà ông đưa ra tuyên bố đó, Brown cũng bảo vệ phương pháp phê bình-lịch sử khỏi cả những người bóp méo cấp tiến và bảo thủ của nó (những người bảo thủ có xu hướng trở thành “những người cực kỳ bảo thủ” trong bản văn đó). Nhưng có sự bất đối xứng về tác dụng của họ trong cả lý thuyết lẫn thực hành. Những người bóp méo bảo thủ hoặc cực bảo thủ đưa ra lời biện hộ không thể đứng vững về việc một số học thuyết Công Giáo có liên quan như thế nào với việc mạc khải của Kinh thánh dưới ánh sáng các phát triển trong nhận thức, nhưng ít nhất họ bảo vệ đức tin được phát biểu trong các kinh tin kính. Những người bóp méo cấp tiến, ít nhất đồng ý với những người bảo thủ về điều này, dường như thường tin rằng, nếu các tín lý không bắt nguồn trực tiếp từ những đoạn Kinh thánh rõ ràng, thì họ - giống như những người Thệ phản trước họ - được biện minh khi coi chúng như không được hỗ trợ và do đó, có thể cải cách được theo hướng của chủ nghĩa cấp tiến hiện đại.

Brown, trong tư cách một học giả Công Giáo tự xưng là trung dung (một mô tả bị nhiều người khác tranh cãi), nói rằng ông và các đồng nghiệp của mình phản đối quan điểm đó và coi đó là sai lầm khi không đánh giá các “quỹ đạo” dẫn ra khỏi Kinh thánh. Mặc dù có thể không có bằng chứng bản văn trong Tân ước hoặc bằng chứng lịch sử ở những nơi khác cho các tín điều đã được định tín, nhưng điều này không phải lúc nào cũng là trở ngại đối với niềm tin vào khả năng của Giáo hội có thể biện phân và xác định - theo quan điểm hạn chế của các tác giả thế kỷ thứ nhất - những sự thật thuộc về đức tin, ngay cả đối với những vấn đề trọng tâm như Đức Trinh Nữ Maria và thẩm quyền Phêrô. (8) Điều này đúng và là một cách giải thích sự việc, mặc dù nó rất gần với quan điểm của George Tyrrell. Nhưng ngoài điểm lý thuyết này, trong thực tế rộng rãi, các cách tiếp cận như của Brown đã dẫn đến sự bất đồng và không chắc chắn giữa các tín hữu bình thường. Những tác động này, như Brown đã nói một cách đúng đắn, không phải là lỗi của các học giả, những người mà tác phẩm của họ đang bị lạm dụng. Nhưng đồng thời, một vấn đề mục vụ nảy sinh, có lẽ bắt nguồn từ quan điểm trước đó của Thệ phản và Công Giáo về Kinh thánh như một loại bản văn xây nền, hơn là một điểm quy chiếu trung tâm, tuy nhiên, bản thân nó lại là một phần của truyền thống. Chính Brown, chẳng hạn, đã lập luận rằng những lời thiết lập Bí tích Thánh Thể (“Đây là Mình Ta... Đây là... Máu Ta”), một điểm trung tâm trong kinh nghiệm phụng vụ của mọi người Công Giáo, được hầu hết các nhà chú giải coi như là một sự phát triển sau này, không phải là những lời thực sự của Chúa Giêsu (mặc dù chúng xuất hiện lần đầu trong thư 1 Côrintô, một trong những bản văn đầu tiên của Tân Ước). Các nhà chú giải “ôn hòa” cho rằng những lời như vậy có thể phi lịch sử nhưng lại là một biểu thức chân thực về đức tin sơ khai của Giáo hội; nhưng, như C. S. Lewis đã cảnh cáo, sự ôn hòa này có tác dụng thực tế đối với hầu hết tín hữu cho rằng chúng không có thật chút nào.

Bản thân Schillebeeckx chiếm một vị trí mơ hồ trong quan điểm này, chính vì sự liên lụy của ông vào các chính nghĩa cấp tiến phần nào không liên quan đến công việc của ông trong Kinh thánh. Sau sự phấn khích ban đầu, tên tuổi của ông giảm dần sự nổi bật, và các học giả chuyển sang các mối quan tâm khác, mặc dù toàn bộ hình thức của các vấn đề ông nêu ra vẫn còn đó. Và điểm quan trọng nhất vẫn còn đó là: liệu niềm tin vào tính độc đáo của Chúa Kitô và Cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục sinh của Người có thể sống còn việc lên công thức lại như dựa trên “kinh nghiệm Vượt qua” thay vì niềm tin vào các sự kiện có thật, như trong Kitô giáo chính thống,— theo một cách hiểu đơn giản hơn, mặc dù không ngây thơ—đã thực sự diễn ra trong thế giới của chúng ta và thay đổi quan niệm về thế giới đó và thế giới mai sau mãi mãi.

Tranh luận “Cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu”

Một trong những sự hiện hữu công khai khét tiếng nhất của nền học giả kinh thánh thế kỷ 20 là điều gọi là “Cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu” [Jesus Seminar], được thành lập vào năm 1985 bởi một nhóm nhỏ các học giả cấp tiến, Công Giáo và Thệ phản, những người đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông bằng cách tự cho mình là tiếng nói của nền học giả hiện đại. Trên thực tế, không phải tất cả họ đều là học giả—một người là nhà sản xuất phim—và là các “học giả” nói chung không mấy xuất chúng. Nhưng trong số những mánh lới quảng cáo trên phương tiện truyền thông của họ là tổ chức việc bỏ phiếu chọn những câu nói của Chúa Giêsu, bằng cách sử dụng các hạt màu khác nhau để cho biết liệu chúng có khả năng xác thực, tức là có nguồn gốc từ chính Chúa Giêsu hay không. (Họ tuyên bố rằng chỉ có khoảng 20 phần trăm những lời được ghi lại của Chúa Kitô rất có khả năng là của Người.) Các học giả chân chính đã thực hiện một công việc đáng tin cậy là chỉ trích cả hình thức lẫn vấn đề của gánh xiếc giao tế này. Nhưng bất chấp sự thiếu nghiêm túc của cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu - ngoại trừ theo nghĩa các phương tiện truyền thông hiện đại được dùng như cái loa phóng thanh cho mọi điều xem ra tồi tệ và đối đầu, và do đó có thể thu hút khán giả - nó vẫn được dùng như một thí dụ khá có mầu sắc cho một số vấn đề khá nghiêm túc về phần lớn các nghiên cứu kinh thánh đương thời.

Luke Timothy Johnson, một học giả Kinh thánh Công Giáo và là một trong những người thực hành cân bằng nhất về phê bình Kinh thánh hiện đại, đã xác định ba cặp nhận thức nằm sau phần lớn cuộc xung đột về ý nghĩa của Kinh thánh. Tóm tắt rất ngắn gọn, các giả định đằng sau các phương pháp có thể được trình bày như sau:

I. Những Tri Nhận Khác Nhau Về Kitô Giáo

A. như dựa trên và được làm sống động bởi việc Thiên Chúa tự biểu lộ hoặc mặc khải

B. như chỉ là một tôn giáo khác trên thế giới, là công trình xây dựng của con người về thế giới biểu tượng

II. Những Hiểu biết Khác nhau về Giáo hội

A. Như một định chế được đo lường bằng mức độ trung thành với các nguồn cung cấp danh tính của Giáo Hội

B. Như một tổ chức xã hội được đánh giá theo các tiêu chuẩn của xã hội đương thời

III. Những cách hiểu khác nhau về Tân Ước, đặc biệt là các sách Tin Mừng

A. như những hướng dẫn đáng tin cậy để nhận biết Chúa Giêsu thật trong kinh nghiệm liên tục của các tín hữu và Giáo hội

B. như những văn bản cổ xưa phải được thanh lọc khỏi bất cứ quan điểm đức tin nào, thậm chí có thể được giải cấu trúc để đạt được thực tế đằng sau các bả văn. (9)

Johnson ngay lập tức nói thêm rằng những gì dường như là các chia rẽ trí thức rõ ràng giữa cách tiếp cận đức tin và cách tiếp cận duy lý, tuy nhiên, không phải là các tách biệt xã hội cũng rõ ràng như vậy giữa Giáo hội và học thuật. Một trong những nét gây tranh cãi nhất của Kitô giáo hiện đại không hẳn là sự chia rẽ truyền thống giữa Công Giáo và Thệ phản (mặc dù điều đó vẫn còn gây phiền lòng) mà là sự hồ đồ bên trong chính các Giáo Hội về cách Kinh thánh nên hướng dẫn cuộc sống của các tín hữu ra sao.

Tất nhiên, ở một mức độ nào đó, sự chia rẽ này tiếp tục phản ảnh sự chia rẽ cũ hơn giữa các phương thức tư duy của Phong trào Ánh sáng và Trước Phong trào Ánh sáng, mà chúng ta đã gặp trên đây. Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn thận khi phân biệt điều này, vì nhiều người hiện đại cho rằng đó là vấn đề của đức tin như chống đối với lý trí. Trên thực tế, đức tin luôn sử dụng lý trí—và sử dụng nó suốt lịch sử. Do đó, câu hỏi không phải là liệu Kitô giáo có xem xét một cách hợp lý các văn bản mà họ luôn coi là có thẩm quyền hay không. Câu hỏi thực sự là điều gì được coi là hợp lý. Có phải lý trí chỉ được đồng nhất với những tiền đề duy tự nhiên của một số loại tư duy đã trở thành một lực lượng văn hóa mạnh mẽ ở thế giới phương Tây trong thế kỷ thứ mười tám và kể từ đó. Hay có những hình thức lý trí nào đi trước và đi sau phiên bản của Phong trào Ánh sáng có giá trị riêng của chúng? Theo quan điểm thứ nhất, như Johnson đã nói một cách đúng đắn, người ta cho rằng tâm trí con người - và tâm trí con người vận hành trong một lý thuyết khá thô thiển và hạn chế về thế giới và nhận thức, như các nhà phê bình hậu hiện đại sau này sẽ chỉ ra - là thước đo của thực tại, chứ không phải Thiên Chúa hay mặc khải. Hố phân cách giữa hai quan điểm cuối cùng không thể lấp đầy được nữa. Chẳng hạn, rõ ràng là các công cụ được áp dụng để tiếp cận “Chúa Giêsu lịch sử” không bao giờ có thể khám phá ra nhân vật được các Kitô hữu tin tưởng hay, cần phải nói thêm, bất cứ hữu thể thiêng liêng tương tự nào, vì tất cả những công cụ này, trong căn bản, đã bị loại trừ trước bởi các giả định của các nhà sử học được cho là trung lập.

Tuy nhiên, hầu hết các Giáo Hội Kitô Giáo không chỉ đơn thuần bác bỏ toàn bộ tư tưởng hiện đại đã hấp thụ một số thành tựu và thủ tục thực sự của Phong trào Ánh sáng. Và đối với hầu hết các Kitô hữu, những người cam kết theo đuổi mọi sự thật như là sự phản ảnh của Thiên Chúa, đây là một quá trình cần thiết, dù đôi khi gây bối rối. Vấn đề trong tất cả các nhóm tín ngưỡng, bao gồm cả Giáo Hội Công Giáo, có hai mặt. Đầu tiên, việc chấp nhận một số cách tiếp cận nào đó sẽ tự động dẫn đến những kết quả không thể không mâu thuẫn với đức tin sống động của Giáo hội đến mức nào? Và thứ hai, những cách tiếp cận hữu hiệu về mặt văn hóa nào khác đối với việc giải thích Kinh thánh lúc đó có thể được nêu ra một cách trung thành hơn với những sự thật mà những cách tiếp cận duy lý hơn, tự bản chất, không thể đánh giá đúng đắn được—những sự thật rất quan trọng đối với sự sống còn của Kitô giáo? Johnson nhấn mạnh rằng điều này đặc biệt quan trọng đối với các chủng viện nơi các linh mục tương lai đang được đào tạo và việc chống lại mô hình tự do học thuật như được thực hành trong học thuật không nên được coi chỉ là sự mù quáng độc đoán. (10)

Nhưng thách thức là một thách thức lớn hơn khi liên quan đến toàn thể Giáo hội, vì bất cứ Giáo hội nào không trình bày một cách mạnh mẽ và thuyết phục một lối sống khác với lối sống của nền văn hóa xung quanh thì rất ít thu hút được sự chú ý của người ta ngoại trừ trong các dịp lễ nghi long trọng. Và điều này giải thích rất nhiều sự suy sụp của các Giáo Hội Thệ Phản cấp tiến chính dòng cũng như sự trỗi dậy của trào lưu chính thống cực đoan. Nhìn theo quan điểm xã hội học, Giáo Hội Công Giáo vốn nhìn Kinh thánh từ một vị trí đâu đó giữa chủ nghĩa cấp tiến của chính dòng Thệ Phản và chủ nghĩa bảo thủ của những người theo trào lưu chính thống cực đoan. Và điều đó đã dẫn đến sự tranh cãi bất tận về việc đâu là những sự thật kinh thánh đã ổn định và không thể thay đổi và đâu là các cách diễn đạt đơn thuần có điều kiện về mặt văn hóa dành cho một số cộng đồng trong quá khứ nhưng không thể áp dụng được hiện nay (hoặc, tệ hơn nữa, một số phát minh sơ khai của Giáo hội). Chính cách thức lên khuôn lập luận này đã giải thích cho một số sự chua cay thấy rõ trong Công Giáo kể từ Công đồng Vatican II, thậm chí sau bốn thập niên và hai vị giáo hoàng—Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI—những người đã có một cách tiếp cận rất tinh vi để thu hút thời hiện đại. Ngay từ những năm 1970, một nhân vật không kém gì Karl Rahner vốn đã cảnh cáo: “Giáo hội không thể là một xã hội tranh luận: Giáo hội phải có khả năng đưa ra các quyết định ràng buộc tất cả mọi người trong đó. Một đòi hỏi như vậy không thể là một trái ngược tiên thiên với phẩm giá của con người nếu... họ thực sự là một hữu thể xã hội. Và lúc đó, một điểm tối cao mà tại đó tất cả các suy tư và thảo luận dân chủ được biến thành các quyết định mang tính ràng buộc phổ quát không thể không có ý nghĩa.” (11)

Việc tìm kiếm Chúa Giêsu lịch sử (cố ý không viết hoa ở đây có nghĩa là nghiên cứu lịch sử đang diễn ra, chứ không chỉ là kết quả của một giai đoạn nào đó) có giá trị trí thức thực sự. Không có gì sai—và rất đúng—khi sử dụng bất cứ công cụ nào chúng ta có trong tay để cố gắng hiểu rõ hơn về con người vốn là nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử loài người. Nhưng trớ trêu thay, đã có một sự ngây thơ và thậm chí là đầu óc đơn giản nào đó trong việc tìm kiếm như nó đã được các học giả thực hành. Để bắt đầu, khi chúng ta đang làm việc với một nhân vật có ảnh hưởng lớn của công chúng, ngay cả khi chúng ta có tài liệu lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta có về Chúa Kitô, thì không thể tránh khỏi những phức tạp nào đó mà, trong bản chất sự vật, không thể loại bỏ được. Thí dụ, Abraham Lincoln được nhiều người tôn kính như một con người đã trở thành một biểu tượng gần như tôn giáo trong quá trình thâm hậu hóa dần dần tâm trí khi ông cố gắng vật lộn với cả việc bảo tồn Liên minh lẫn ý nghĩa của cuộc đấu tranh cho cả hai bên trong Nội chiến. Tuy nhiên, cho đến nay, một mặt, có nhiều người thấy nơi ông một sự phát sinh tự do mới, mặt khác, nhiều người coi ông là một nhân vật độc tài cuồng tín, người đã khơi mào một cuộc chiến dẫn đến cái chết của hàng trăm nghìn người khi có sẵn các phương tiện ít quyết liệt hơn để đạt được các mục tiêu tương tự. Tất cả các nhân vật lịch sử vĩ đại đều để mình rơi vào những cách giải thích khác nhau. Và Chúa Giêsu Kitô—như chúng ta có thể thấy từ lịch sử Kitô giáo và thế giới hậu Kitô giáo—không phải là một ngoại lệ, theo quan điểm hoàn toàn tự nhiên.

Các nhà sử học có giá trị nhận thức rõ những khó khăn như vậy, những khó khăn này càng phức tạp hơn khi bằng chứng tài liệu trở nên ít ỏi. Nhìn chung, các học giả kinh thánh hiện đại đã từ bỏ quan điểm cho rằng lịch sử của Giáo hội như nó xuất hiện trong Công vụ Tông đồ là không đáng tin cậy. Điều đó có thể đúng hoặc có thể không, nhưng câu hỏi đặt ra ngay lập tức là: Nếu chúng ta từ bỏ câu chuyện đó, vốn phải bắt đầu từ năm 70 đến năm 100 Công nguyên, nghĩa là, vào thời điểm gần với các sự kiện ban đầu hơn là chúng ta, và do đó sẽ phải đối đầu với sự soi xét của nhiều người vốn biết các tông đồ và những người theo họ, chúng ta sẽ thiết lập tiêu chuẩn nào thay cho tiêu chuẩn đó để giúp chúng ta hiểu cuộc đời của Chúa Kitô? Trong một sự phát triển tương tự, người ta từng cho rằng Tin Mừng Gioan, với quan điểm vũ trụ bắt đầu bằng "Ban đầu là Ngôi Lời" là "thần học thuần túy", như đôi khi nó được gọi như thế. Sau đó, người ta nhận thấy rằng, trong số các nhà truyền giáo, Thánh Gioan dường như có kiến thức chính xác nhất về Palestine cổ thời cũng như tường thuật chi tiết về cuộc đời của Chúa Giêsu — và điều này từ Tin Mừng được cho là mới nhất và do đó ít đáng tin cậy nhất.

Có một câu hỏi khởi đầu trong tất cả các nghiên cứu định niên biểu như vậy (trước đây các học giả đã đẩy niên biểu ngày càng xa hơn vào thế kỷ thứ hai Công nguyên để giải thích cho “các phát triển” sau khi các nhân chứng tận mắt và những người biết họ đã chết; giờ đây dường như có sự đồng thuận cho rằng tất cả các sách Tin Mừng đều được viết trong thế kỷ thứ nhất, khiến thời gian dành cho “sự phát triển” thêm tương ứng ít hơn). Nếu chúng ta có bài Diễn văn Gettysburg của Lincoln mà không có phần mở đầu nổi tiếng “Bốn hai chục [four score] và bảy năm trước”, và thay vào đó, bản văn bắt đầu bằng câu thứ hai, “Bây giờ chúng ta đang tham gia vào một cuộc nội chiến vĩ đại”, thì làm sao chúng ta xác định được niên biểu của nó? Một số nhà sử học sẽ hiểu "Bây giờ" như có nghĩa là Lincoln hẳn đã phát biểu ngay từ đầu cuộc xung đột, khi những người nghe ông phải được nhắc nhở rằng họ đang có chiến tranh "bây giờ". Những người khác có thể hoài nghi hơn. Nhưng bất cứ ai xem bài phát biểu ngắn gọn đó mà không có tham chiếu chính xác ngay từ đầu, ngay cả ngày nay khi chúng ta biết rất nhiều chi tiết về lịch sử của Nội chiến, sẽ gặp khó khăn nếu không có bằng chứng bên ngoài để biết Lincoln có thể nói điều đó khi nào.

Phần lớn các kết quả của phương pháp phê bình lịch sử, mặc dù không phải là tất cả, đều gặp phải khó khăn sâu xa này và cả những khó khăn khác nữa. Một trong những giả thuyết ban đầu của nền học giả hiện đại là tuyển tập những câu nói của Chúa Giêsu (logia), được các học giả người Đức chỉ định là tài liệu Q, được lưu hành độc lập. Các học giả đưa ra giả thuyết rằng các tác giả Tin Mừng hẳn đã lồng những câu nói này vào các bối cảnh khác nhau với những động cơ khác nhau, bởi vì những lời của Chúa Giêsu không phải lúc nào cũng xuất hiện trong cùng một bối cảnh trong tất cả các sách Tin Mừng. Nhưng ngay cả giả thuyết đôi khi hữu ích này cũng bộc lộ ngay những khó khăn khác nhau. Để bắt đầu, tại sao chỉ là những câu nói mà không phải là một tập truyện? Hầu hết các hữu thể nhân bản, huống hồ một nhân vật từng đưa ra một số tuyên bố công khai ở những nơi khác nhau, trong đó không có phương tiện truyền thông hiện đại, lặp lại chính chúng. Đôi khi tôi có thể kể một câu chuyện trong một ngữ cảnh cho một mục đích này và trong một ngữ cảnh khác cho một mục đích khác. Khi đó, một trong những giả định căn bản nhất của nền học giả hiện đại, mặc dù không có nghĩa là hoàn toàn vô căn cứ, cho thấy những sai sót nghiêm trọng cả trong việc lên khái niệm và sử dụng nó.

Hơn nữa, nếu những câu nói đó là một tập hợp phi ngữ cảnh như đã được lên lý thuyết, thì bất cứ nỗ lực nào sau này nhằm gán cho chúng một bối cảnh lịch sử, trong căn bản, cũng sẽ chịu số phận bi đát, giống như việc xác định niên biểu của bài Diễn văn Gettysburg phi ngữ cảnh. Nhiều điều chỉ đơn giản là đánh lừa chúng ta. Thí dụ, chúng ta biết cộng đồng Qumran đọc rất nhiều loại bản văn; có phải mỗi sách Tin Mừng chỉ được hướng dẫn hoặc đọc bởi một cộng đồng Kitô giáo — nói cách khác, Sitz-im-Leben [ngữ cảnh] đơn giản hay phức hợp? Nỗ lực giả thiết mỗi yếu tố trong các yếu tố rất không chắc chắn xét chung liên quan ra sao với yếu tố khác có thể chỉ làm tăng thêm sự hiểu lầm khi dự đoán này chồng lên dự đoán kia, và dự đoán kia này lại chồng lên một dự đoán kia khác nữa, v.v. Không hề có tiêu chuẩn nào để nhờ đó mà phán đoán ngoại trừ các tiêu chuẩn được du nhập từ bên ngoài cả Tân Ước như chúng ta đã có lẫn bộ sưu tập các trích dẫn được cho là đang lưu hành, tức tài liệu Q. Bất cứ kết quả nào có thể đạt được đều có thể thu hút sự quan tâm nào đó đối với các học giả đang cố gắng nắm bắt các bản văn phức tạp mà chúng ta hiện có. Và chúng có thể dẫn chúng ta đi tìm những phương hướng có thể giúp chúng ta giải thích một số điều. Nhưng chúng không phải là nền học giả khoa học theo bất cứ ý nghĩa thực sự nào của thuật ngữ này.

Và hơn nữa, những loại tiêu chuẩn nào sẽ được sử dụng - vì phải có cách nào đó để sắp xếp các điều được coi như các mảnh này. Nhìn chung, các học giả có xu hướng bác bỏ bằng chứng do các nhà quan sát tôn giáo liên hệ cung cấp, chẳng hạn như Thánh Luca trong Công vụ. Thật vậy, các tín hữu của Chúa Giêsu, đặc biệt là những tín hữu chính thống, bị nghi ngờ nhiều nhất. Một dấu hiệu cho thấy bản chất của việc bác bỏ này là các bản văn tôn giáo khác—các tài liệu ở Qumran, Thư viện Nag Hammadi, đặc biệt là các tài liệu như điều gọi là Tin Mừng Tôma, dù còn kém tin cậy hơn các Tin Mừng theo bất cứ đánh giá lành mạnh nào, thường được coi là có giá trị tương đương hoặc thậm chí lớn hơn các bản văn được “chấp thuận”. Từ tất cả những điều này, thật khó mà không kết luận rằng nỗ lực đáng khen ngợi khác nhằm thử nghiệm nhiều giả thuyết khác nhau để xem liệu chúng có giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Kitô giáo sơ khai hay không, tự tâm điểm, đã cho thấy một sự thiên vị chống lại truyền thống cổ điển và được chứng thực tốt nhất xung quanh Chúa Giêsu. Đã nảy sinh việc cam kết đối với quyền tự chủ diễn giải hơn là tính chính xác, coi mối đe dọa chính của nó phát xuất từ niềm tin tôn giáo và thẩm quyền của Giáo hội. (12)

Dù sao, một số lượng lớn các linh mục và giám mục trong Giáo hội trong thế kỷ XX đã được dạy một là bác bỏ hai là nhiệt tình chào đón những phát triển mới, nghĩa là các xung đột giữa những người đã được huấn luyện theo quan điểm này hay quan điểm khác ở những thời điểm và địa điểm khác nhau sẽ là điều không thể tránh khỏi.