1. Caritas và hầu hết các tổ chức Công Giáo bị coi là 'đặc vụ nước ngoài' tại Georgia

Chủ tịch quốc hội Georgia đã ký ban hành luật 'đặc vụ nước ngoài' vào hôm thứ Hai, 03 Tháng Sáu, sau khi Tổng thống nước này đã phủ quyết dự luật gây tranh cãi này.

Luật mới, rập khuôn theo luật của Nga, bắt buộc các tổ chức nhận được hơn 20% vốn tài trợ từ nước ngoài phải ghi danh với tư cách là 'đặc vụ nước ngoài'.

Luật này, vốn đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Nam Caucasus trong những tuần gần đây và thu hút sự chỉ trích gay gắt từ các đồng minh phương Tây.

Theo luật mới này, Caritas và hầu hết các tổ chức Công Giáo bị coi là 'đặc vụ nước ngoài' tại Georgia.

Phe đối lập Georgia lên kế hoạch liên minh với nhau khi luật 'đặc vụ nước ngoài' được thông qua. Các đảng đối lập ở Georgia đã cam kết thành lập một liên minh “thân Liên Hiệp Âu Châu” khi dự luật “đặc vụ nước ngoài” gây tranh cãi của chính phủ bắt đầu có hiệu lực.

Những người chỉ trích luật này, bao gồm cả Tổng thống Salome Zourabichvili, nói rằng luật này phá vỡ tham vọng gia nhập Liên minh Âu Châu của Georgia. Họ nhấn mạnh rằng đảng Giấc mơ Georgia cầm quyền đang tìm cách đưa đất nước đến gần Nga hơn. Các cuộc biểu tình rầm rộ đã kêu gọi bãi bỏ dự luật. Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ cũng đã chỉ trích dự luật này.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Shalva Papuashvili đã ký dự luật thành luật hôm thứ Hai sau khi Quốc hội bỏ phiếu vào tuần trước để vượt qua quyền phủ quyết của tổng thống, vốn phần lớn chỉ mang tính biểu tượng.

Cùng ngày, hãng tin AFP đưa tin Tổng thống Zourabichvili đã thuyết phục được hầu hết các đảng đối lập ký hiến chương về chính sách ủng hộ Âu Châu.

Trước cuộc bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 26 tháng 10, các đảng đã đồng ý theo đuổi các cải cách sâu rộng về bầu cử, tư pháp và thực thi pháp luật thông qua một chính phủ lâm thời đa đảng, nếu họ giành được đủ số ghế trong quốc hội để chiếm đa số.

Kế hoạch này sẽ bao gồm việc bãi bỏ luật “đặc vụ nước ngoài” và một số điều luật khác mà phe đối lập cho là “có hại cho lộ trình Âu Châu của Georgia”.

Các cuộc bầu cử sớm sau đó sẽ được tổ chức vào năm tới.

Đạo luật này, mà các nhà phê bình cho rằng giống với luật pháp của Nga được sử dụng để trấn áp những người bất đồng chính kiến, yêu cầu các tổ chức nhận được hơn 20% nguồn tài trợ từ nước ngoài phải ghi danh với tư cách là “đặc vụ nước ngoài” và đưa ra các mức phạt đối với các vi phạm cũng như các yêu cầu tiết lộ nghiêm ngặt..

Một nhóm các tổ chức phi chính phủ của Georgia cho biết họ sẽ thách thức đạo luật này tại tòa án hiến pháp và đang chuẩn bị đệ trình lên Tòa án Nhân quyền Âu Châu.

Hàng trăm người cũng cam kết sẽ không tuân theo luật mới và hỗ trợ nhau nộp phạt.

Những người phản đối dự luật trong hơn một tháng đã tổ chức một số cuộc biểu tình lớn nhất ở Georgia kể từ khi giành độc lập khỏi Mạc Tư Khoa vào năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ.

Trong số các bên đã ký cam kết hợp tác có lực lượng đối lập chính của đất nước, Phong trào Dân tộc Thống nhất nhiệt thành ủng hộ phương Tây.

Tina Bokuchava, một trong những lãnh đạo của phe đối lập, nói với AFP: “Cử tri Georgia mong đợi phe đối lập thể hiện sự đoàn kết trong thời gian chuẩn bị bầu cử”.

Nga không được lòng nhiều người Georgia vì ủng hộ các khu vực ly khai Abkhazia và Nam Ossetia, trong khi dư luận rộng rãi ủng hộ tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu và NATO. Nga đã đánh bại Georgia trong cuộc chiến kéo dài 5 ngày vào năm 2008.

Washington đã đe dọa trừng phạt các quan chức Georgia đã bỏ phiếu cho dự luật. Chính phủ Georgia, của đảng cầm quyền Giấc Mơ Geogia thân Nga, đã cáo buộc các nước phương Tây tống tiền và cho rằng luật này là cần thiết để ngăn chặn họ lôi Georgia vào một cuộc chiến khác với Nga.

2. Gia tăng phản đối nơi các tín hữu về phúc trình của các giám mục Đức

Có sự gia tăng phản đối nơi các tín hữu Công Giáo Đức đối với phúc trình của các giám mục nước này, gửi về Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục để chuẩn bị cho khóa họp thứ hai, vào tháng Mười năm nay. Trong tường trình, các giám mục khẳng định rằng: “Các tín hữu Công Giáo tại Đức đồng thanh xác tín về những cải tổ do Tiến trình Công nghị tại nước này đề ra”.

Trong một thư gửi đến Đức Sứ thần Tòa Thánh tại Đức, Phong trào giáo dân Công Giáo Đức, tên là “Neue Anfang”, Bắt đầu lại, phản đối sự phổ quát hóa như thế, đồng thời khẳng định rằng Tiến trình Công nghị không hề đại diện cho dân Chúa tại Đức, trái lại, bộ máy hành chánh cồng kềnh của Giáo hội tại Đức không giúp ích gì cho điều quan trọng nhất đối với Giáo hội ngày nay, là tái truyền giảng Tin mừng.

Thư của Phong trào “Bắt đầu lại” nhấn mạnh rằng từ “Synodaet”, tính hiệp hành hay đồng hành được dùng trong toàn bản phúc trình, có nghĩa là một thứ nghị viện dân chủ từ hạ tầng, được tổ chức theo kiểu mẫu hiệp hành trong các Giáo hội Tin lành mỗi bang ở Đức.

Phong trào “Bắt đầu lại” nhắc đến lá thư dài 19 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi dân Chúa ở Đức, trong đó ngài cảnh giác chống lại sự hao mòn đức tin tại Đức và kêu gọi hãy tái truyền giảng Tin mừng. Lá thư của Đức Thánh Cha được các tín hữu nồng nhiệt chào mừng, nhưng những người tổ chức “Tiến trình Công nghị” hoàn toàn bác bỏ lá thư của Đức Thánh Cha.

Một số ký giả Công Giáo tại Đức cũng vạch rõ sự cách biệt giữa phúc trình của các giám mục Đức và thực tế. Họ nhắc lại rằng ba năm thảo luận và tiến hành Tiến trình Công nghị không hề diễn ra trong sự đồng thanh, như phúc trình gửi về Tòa Thánh khẳng định. Thực tế, đã có những lúc xôn xao và tranh cãi lớn, một số thành viên rời bỏ Công nghị này và bốn giám mục giáo phận đã ngưng cộng tác vào việc thành lập Ủy ban Tiến trình Công nghị, một cơ quan gồm giám mục và giáo dân cùng cai quản Giáo hội tại Đức.

3. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thăm dò trả lại Thần học viện cho Chính thống giáo

Theo báo chí, sau 53 năm đóng cửa (1971) và trưng thu, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang thăm dò việc trả lại Thần học Chính thống giáo, tại đảo Chalki ở Istanbul.

Trang mạng “Orthodox Times”, Chính thống Thời báo, truyền đi ngày 04 tháng Sáu vừa qua, dựa vào báo Karat của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết mới đây Bộ trưởng giáo dục Yusuf Tekin của Thổ đã viếng thăm Thần học viện và gặp gỡ các cộng tác viên của Tòa Thượng phụ Chính thống ở Constantinople. Việc mở cửa lại cơ sở giáo dục này nằm trong “đợt sóng cải tổ thứ hai” mà chính phủ Thổ muốn thực hiện, sau cuộc bầu cử hành chánh mới đây tại nước này.

Vấn đề cho mở cửa lại Thần học viện cũng được bàn đến trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis của Hy Lạp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ở Ankara cách đây ba tuần. Trước đó, Tổng thống Thổ cũng đã nói với một tờ báo Hy Lạp rằng: “Chúng tôi đang làm việc để mở lại Thần học viện ở Chalki. Chúng tôi chờ đợi phía Hy Lạp cũng có những biện pháp xây dựng về vấn đề mà thiểu số dân Thổ ở Hy Lạp gặp phải trong lãnh vực giáo dục”.

Thần học viện Chính thống ở Chalki, cho đến khi bị chính phủ Thổ đóng cửa năm 1971, là một trong những cơ sở quan trọng nhất của Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople và đứng hàng đầu trong các thần học hiện Chính thống trên thế giới. Nhiều thần học gia, giám mục và Thượng phụ đã xuất thân từ học viện này, trong đó có Đức Thượng phụ Bartolomaios, 84 tuổi, Giáo chủ Chính thống Constantinople và Giáo chủ danh dự chung của toàn Chính thống giáo.

Thần học viện Chalki bị chính phủ Thổ đóng cửa, dựa vào luật của nước này cấm các đại học tư. Mỹ và Liên hiệp Âu châu, từ nhiều năm nay, đã vận động yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ cho mở cửa lại Thần học viện này. Liên hiệp Âu châu đặt vấn đề tự do tôn giáo trong các cuộc thương thảo về việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn xin gia nhập Liên hiệp. Cho đến nay, các yêu cầu trên đây đều không có kết quả.