1. Nọc Rắn – Suy tư của linh mục Vũ Đình Tường
Ba Muống là tên làng nước đặt cho hắn. Ba, vì nó thương con Ba Tém; Muống í chỉ nó không phải dân địa phương chính tông mà đến từ phía Bắc nước Việt. Chính Ba Muống cũng không rõ tên hắn. Hắn lưu lạc tứ phương trước khi định cư tại làng này. Hỏi đến tuổi hắn cũng ậm ờ, đoán chừng thế này, thế nọ. Cái tuổi ướm chừng hiện tại là 17, 18 hay 20 gì đó. Hắn định cư tại làng này bởi hắn thích con Tém. Cha mẹ Tém còn tư lự vì cái lai lịch nghe thì đơn giản, nhưng lại bao la, rộng rãi như biển khơi. Ba Muống mê con Tém như kén với tằm và con Tém thích hắn như gió vờn mây. Tém có tài câu cá, bắt cua. Xách cần câu ra khỏi nhà thế nào cũng có cá mang về. Đeo giỏ ra đi, lúc về là có bị cua.
Ba Muống thích phiêu lưu; nó xin phép cha mẹ cho đi theo người cậu học nghề mộc. Cậu nhận nuôi nó, hứa dậy nghề cho cháu. Tin lời cậu, cha mẹ đồng í. Làm đầu làng, cuối xóm ít lâu; hết việc. Hai cậu cháu đi tìm chân trời mới. Có đi mới biết cái làng cậu ở nghèo mạt. Ở làng khác người ta giầu sụ; nhà cao, cửa lớn. Có nhà còn bảnh lắm nhưng có tiền phá đi làm lại cho mới. Người thuê mướn, cậu nhận việc với điều kiện họ phải cung cấp nơi ăn, chốn ở không phải cho một mà cho cả hai cậu cháu. Cả hai đều không mảnh giấy tùy thân. Ở thời đó lính làng nào dám thắc mắc, hoạch hoẹ khi họ biết cả hai cậu cháu đang làm việc cho nhà ông chánh, ông lí, ông hương. Họ là người có thế giá, vai vế trong làng. Ai dám hạnh hoẹ đến con ăn, đầy tớ của họ là tự chuốc khổ vào thân. Cả làng đều tránh né đụng chạm đến ông lớn, tuy ngồi nhà nhưng tai mắt khắp đầu đường, xó chợ. Họ là thành phần không những có của, còn có thế, có lực. Hai cậu cháu cất nhà cho ông Đốc. Công việc đang xuôi chảy thì người cậu bị sét đánh té xụi đơ. Một hôm hai cậu cháu nâng cây cột cho mấu vào đầu xà. Đặt cây xà vừa xong, chưa kịp đóng chốt; trời đổ mưa. Cậu bảo đi trú mưa đã, chờ mưa xong sẽ chốt sau cũng không muộn. Ai ngờ, tiếng sét nổ sát sạt, điếc tai; độ rung của sét đánh bật cây cột đầu xà, nó rơi chấn ngang người khiến cậu té xỉu tại trận. Cháu thì tai ù, mắt loá vì ánh chớp.
Một mình cháu đảm trách, xốc vác công việc. Mấy thang thuốc vừa uống vừa đắp, tiền thì hết mà bệnh thì không. Dù cậu không ra công trường được, nhưng bao nhiêu kinh nghiệm cậu truyền lại cho cháu. Cuối cùng căn nhà hoàn tất. Ngày mừng tân gia, tiếng cháu nổi đình đám, ai cũng khen tay nghề của người thợ trẻ. Sau đó một ông đốc khác thuê hai cậu cháu đến làm căn nhà mới cho con trai ông sắp lập gia đình. Cậu muốn về quê nhưng ông đốc hứa thuốc thang, để hai cậu cháu bắt tay vào việc ngay. Suy đi, tính lại, vì sức khoẻ. Hơn nữa, đi lâu ngày về quê mà không có quà cho thì coi sao được. Tiền dành dụm cúng ông lang băm hết nhẵn. Vì lí do đó mà cậu đồng í ở lại; cháu làm, cậu dưỡng bệnh. Vùng đất lạ, khí hậu mới, phong thủy khác thường, nước uống không hợp; bệnh cậu ngày giảm, ngày tăng, khó lường. Ông đốc mời thầy lang quanh vùng bốc thuốc. Người nào cũng cho vài ba thang rồi lắc đầu; thua, đầu hàng. Cậu ốm nhom; da bệu như gốc tre già; mất trong đêm. Cháu không thể bỏ ông đốc; thứ nhất không nơi ăn, chốn ở, thứ hai không biết về đâu. Cháu làm ngày đêm cho quyên nỗi nhớ, mệt đến độ, lên giường lăn ra ngủ, sáng hôm sau lại bắt tay vào việc. Cái chết của cậu chôn gốc rễ, quê hương cháu.
Mê con Tém, Muống lén theo Tém đi câu. Luồn gốc cây bị rắn cắn. Muống hãnh diện, giơ cao con rắn khoe. Tém hoảng hồn, hết vía, ra lệnh: phải về ngay chữa nọc rắn. Muống đáp: Rắn chết rồi, nọc gì nữa. Tém than trời. Khờ khạo quá Muống ơi là Muống. Rắn chết chứ nọc nó có chết đâu. Nếu không trị, sẽ chết vì nọc rắn. Muống dơ tay đập ngực thình thịch đáp: Muống còn mạnh lắm mà, trong người thấy có sao đâu. Tém đáp: Ừ, chút nữa thì biết. Con hổ chì đó mà cắn không cứu lẹ là bỏ mạng đó. Còn đứng đó nữa, theo tui về nhà, tui van lậy cha tui trị nọc cho. Nghe nói đến gặp cha Tém, Muống vừa lo, vừa mừng; theo chân người tình nhỏ. Đi hơn nửa đường Muống thấy mệt; gắng gượng thêm một đoạn nữa, nó hết sức, mắt hoa, mồ hôi vã ra, người thấy lạnh, mặc dù trời nắng chang chang. Muống đi không vững, té xụi bờ mương. Tém phóng đến quàng vai Muống lôi đi. Muống ngọng cứng lưỡi. Nhờ thuốc chữa nọc rắn thần tài nên Muống tránh lưỡi hái tử thần. Mấy ngày đầu, Muống ngủ li bì. Mười ngày vẫn chưa bình phục, lại sức.
Bị đau Muống ráng chịu, không rên la. Cha Tém để í thấy Muống khiêm nhường, thật thà, biết người trên, kẻ dưới, đàng hoàng, siêng năng chăm chỉ, làm việc gọn gàng, cuộc sống đơn giản, nếp lang trật tự, ông đổi í, cho Tém làm bạn với Muống. Trước kia ông đòi phải có người lớn mang trầu cau tới nói chuyện, bây giờ ông bỏ qua, không chấp nhất đến yêu cầu đó nữa bởi ông biết nó một thân, một mình, sống côi cút, đòi người lớn nói chuyện, nó kiếm đâu ra.
Sau lần sống sót, Muống ngộ ra ít điều. Thứ nhất, nọc độc có thể sống độc lập khỏi con vật tạo ra nó. Nọc kiến, nọc ong, bọ cạp, rắn, khi chích vào người nó hành cho phải biết. Con vật chết nhưng nọc nó sống. Thứ hai, nọc độc sống lâu hơn con vật tạo ra nó. Thứ ba, nọc càng độc sống càng lâu. Bị kiến cắn nhức vài ba giờ; ong chích, tuỳ loại, nhức ít giờ hay vài ngày. Bồ cạp chích thì khỏi nói, có thể gây sốt rét. Thứ tư, nọc độc sống nhờ vào sự sống của sinh vật nọc độc bám vào.
Muống chưa nhập đạo, nhưng siêng đi nhà thờ với gia đình Tém. Một hôm, Muống nghe đọc sách đoạn ma quỉ núp dưới hình con rắn dụ dỗ ông bà Adong Evà ăn trái cấm. Muống hiểu rõ hơn ai hết. Kinh nghiệm bản thân. Trước khi bị rắn cắn, Muống cứ nghĩ giết chết con rắn là xong; đâu ngờ rắn chết, nọc nó không chết. Nếu không có Tém dìu về nhà kịp thời Muống đã chết mất thây nơi cánh đồng. Nếu cha Tém không ra tay, tận tình chữa trị, Muống đã chết vì nọc rắn. Vì thế Muống rất thích câu chuyện trong sách Sáng Thế Kí. Ma quỉ cũng có nọc độc và nọc của nó độc ác hơn tất cả các loại độc trên trần gian vì thế bị nọc độc ma quỉ hành, tâm thần người đó rối loạn; hành động bất chính; ăn nói gian tà, sống thác loạn.
Suốt tuần đó, Muống nghiền ngẫm câu chuyện thần kì. Ma quỉ dưới dạng con rắn dụ dỗ người ta ăn nọc của nó. Nọc rắn trong Kinh Thánh còn đáng sợ hơn nọc rắn hổ chì. Cái nọc rắn do ma quỷ truyền đạt là loại nọc chuyên nghề dối trá, lừa phỉnh chính mình, trước khi lừa phỉnh người khác và cuối cùng tin chính điều mình lừa phỉnh. Muống biết Satan dùng hình ảnh con rắn để dụ dỗ người ta, và Muống tin cái nọc độc Satan sống mãi trong tim người. Đức Kitô đánh bại ma quỉ, nhưng không tiêu diệt nọc độc của nó. Nọc độc Satan sống, ẩn nấp sâu trong tim con người.
Nọc độc ma qủi đặt trụ sở chính trong tim người. Vì thế nơi đâu có mặt con người, nơi đó nọc độc ma quỉ ẩn hiện. Trụ sở trong tim người, nhưng nọc độc ma quỉ lại lưu hành trong dân gian, bởi con người luôn di chuyển. Nọc ma quỉ lưu hành trong dân gian, mà dân gian thì bao la nên khó nhận ra nọc độc chúng mà chỉ nhận ra qua sinh hoạt của con người. Nọc độc ma quỉ có độ truyền nhiễm cao nên dễ dàng lây bệnh. Thời covid người ta khuyên siêng rửa tay, đeo khẩu trang, tránh nơi đô hội, tụ họp đông người. Nọc độc ma quỷ lây qua mắt nhìn hình ảnh xấu, đọc sách báo tồi. Nọc độc ma quỉ lây qua miệng, kháo chuyện thiên hạ, dùng từ tục tĩu. Nọc độc ma quỉ lây qua tâm hồn lười biếng cầu nguyện. Tránh những cơ hội đó là tránh nọc độc ma quỉ.
Một khi nhiễm nọc độc của nó thì cần đến thần dược. Thuốc Đức Kitô ban chính là Lời Ngài và Mình và Máu Cực Thánh.
'Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy' Lc 22:19;
'Đây là Máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội' Mt 26:28.
Đón nhận Lời Chúa họ trở thành con cái Thiên Chúa.
'Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại' Lc 20:27
Đón nhận Lời Ngài là đón nhận bí tích Thánh Thể. Đón nhận nguồn sống thật. Đón nhận sức mạnh tâm linh. Đón nhận nguồn sinh lực chống lại nọc độc satan. Đón nhận nguồn sống trường sinh.
2. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 9/6
Chúa Nhật, 09 Tháng Sáu, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 10 Mùa Quanh Năm. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, Chúa nhật vui vẻ!
Tin Mừng phụng vụ hôm nay (x. Mc 3,20-35) cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu, sau khi bắt đầu sứ vụ công khai của Người, đã phải đối mặt với một phản ứng gồm hai mặt: thứ nhất là những người thân của Người, những người lo lắng và sợ hãi Người hơi điên, và thứ hai của các nhà chức trách tôn giáo, những người đã buộc tội Ngài hành động dưới ảnh hưởng của tà thần. Trên thực tế, Chúa Giêsu đã rao giảng và chữa lành người bệnh bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần. Và chính Chúa Thánh Thần đã làm cho Người được tự do một cách thiêng liêng, nghĩa là có khả năng yêu thương và phục vụ không giới hạn hay điều kiện. Tự do. Chúng ta hãy dừng lại một chút để chiêm ngưỡng sự tự do này của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu tự do đối với sự dính bén của cải: vì thế, Người đã rời bỏ sự an toàn của làng Nazareth, để ôm lấy một cuộc sống nghèo khó đầy bấp bênh (x. Mt 6:25-34), tự nguyện chăm sóc các bệnh nhân và bất cứ ai đến cầu xin Người để được giúp đỡ mà không bao giờ đòi hỏi đổi lại bất cứ điều gì (x. Mt 10:8). Tính chất nhưng không của sứ vụ của Chúa Giêsu là thế. Và đó cũng là tính nhưng không của mọi thừa tác vụ.
Ngài tự do đối với quyền lực: quả thực, mặc dù kêu gọi nhiều người theo Ngài, Ngài không bao giờ bắt buộc ai phải làm như vậy, cũng không bao giờ tìm kiếm sự ủng hộ của kẻ có quyền lực, mà luôn đứng về phía kẻ cuối cùng, dạy các môn đệ của Ngài phải hãy làm như Chúa đã làm (x. Lc 22:25-27).
Cuối cùng, Chúa Giêsu thoát khỏi việc tìm kiếm danh tiếng và sự chấp nhận, và vì lý do này, Ngài không bao giờ từ bỏ việc nói lên sự thật, ngay cả khi phải trả giá là không được thông cảm (x. Mc 3:21), trở nên không được ưa chuộng, thậm chí đến mức chết trên thập giá, không để mình bị đe dọa, không bị mua chuộc, không bị bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai làm hư hỏng (x. Mt 10:28).
Chúa Giêsu là một người tự do. Ngài tự do trước sự giàu có, tự do trước quyền lực, tự do trước sự truy tìm danh vọng. Và điều này cũng quan trọng đối với chúng tôi. Quả thực, nếu chúng ta để mình bị điều kiện hóa bởi việc tìm kiếm thú vui, quyền lực, tiền bạc hoặc sự đồng thuận, chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho những thứ này. Thay vào đó, nếu chúng ta để cho tình yêu được Chúa ban cho một cách tự do tràn ngập chúng ta và mở rộng trái tim chúng ta, và nếu chúng ta để nó tràn ngập một cách tự nhiên, bằng cách trao lại cho người khác, bằng cả chính mình, mà không sợ hãi, tính toán hay điều kiện, thì chúng ta sẽ lớn lên trong tự do, và lan tỏa hương thơm tốt lành của nó xung quanh chúng ta.
Vì vậy chúng ta có thể tự hỏi: tôi có phải là người tự do không? Hay tôi để mình bị giam cầm bởi những huyền thoại về tiền bạc, quyền lực và thành công, hy sinh sự thanh thản và bình yên của mình cũng như của người khác cho những điều này? Ở những nơi tôi sống và làm việc, tôi có lan tỏa luồng không khí trong lành của sự tự do, chân thành và tự phát không?
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống và yêu thương như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, trong sự tự do của con cái Thiên Chúa (x. Rm 8:15,20-23).
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Ngày mốt, tại Jordan, một hội nghị quốc tế sẽ được tổ chức về tình hình nhân đạo ở Gaza, do Quốc vương Jordan, Tổng thống Ai Cập và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc triệu tập. Trong khi tôi cảm ơn họ vì sáng kiến quan trọng này, tôi khuyến khích cộng đồng quốc tế hãy hành động khẩn trương, bằng mọi cách, để trợ giúp người dân Gaza đang kiệt sức vì chiến tranh. Viện trợ nhân đạo phải đến được với những người cần giúp đỡ và không ai có thể ngăn cản được.
Hôm qua đánh dấu kỷ niệm 10 năm lời kêu gọi hòa bình tại Vatican, với sự tham dự của cố Tổng thống Israel, Shimon Peres và Tổng thống Palestine Abu Mazen. Cuộc gặp gỡ đó cho thấy rằng việc chung tay là có thể, và cần có lòng dũng cảm để tạo nên hòa bình, lòng dũng cảm hơn nhiều so với việc gây chiến. Vì vậy, tôi khuyến khích các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các bên, mặc dù chúng không hề dễ dàng, và tôi hy vọng rằng các đề xuất hòa bình, ngừng bắn trên mọi mặt trận và giải phóng con tin sẽ được chấp nhận ngay lập tức vì lợi ích của người Palestine và người Israel.
Và chúng ta đừng quên những người dân Ukraine đang bị dày vò, họ càng đau khổ thì càng khao khát hòa bình. Tôi chào nhóm người Ukraine cầm cờ ở đằng kia. Chúng tôi ở gần các bạn! Đó là lòng khao khát, lòng khao khát hòa bình, vì vậy tôi khuyến khích mọi nỗ lực đang được thực hiện để hòa bình có thể được xây dựng càng sớm càng tốt, với sự giúp đỡ của quốc tế. Và chúng ta đừng quên Miến Điện.
Tôi xin chào anh chị em, người Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia, đặc biệt là các giáo viên từ Nhà “Thánh Gioan Phaolô II” ở Kyiv, Ukraine – Slava Isusu Khrystu! (Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô) – Đấng mà tôi khích lệ trong sứ vụ của họ trong thời điểm khó khăn và đau đớn này. Tôi xin chào các giáo viên và học sinh của trường giáo phận “Cardenal Cisneros” thuộc giáo phận Sigüenza-Guadalajara ở Tây Ban Nha, cũng như các tín hữu của Assemini, Cagliari, các em học sinh của Trường “Giovanni Prati” ở Padua, và các bạn trẻ từ giáo xứ Sant'Ireneo của Rôma.
Tôi nhắc lại lời chào mừng của tôi tới các ca viên đã đến Rôma từ khắp nơi trên thế giới để tham gia Đại hội Quốc tế lần thứ tư của các Ca đoàn. Các bạn thân mến, với tiếng hát của mình, các bạn sẽ luôn có thể tôn vinh Thiên Chúa và truyền tải niềm vui Tin Mừng!
Tôi chúc tất cả các bạn một ngày Chúa Nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.