Hình ảnh người khai phá mở đường

Trong đời sống xưa nay luôn hằng có biết bao nhiêu vị kỹ sư, nhà nghệ thuật, nhà đạo đức, vị Sáng lập mở đường có những sáng kiến nuôi tâm huyết muốn xây dựng những công trình to lớn, như lâu đài, biệt thự, Thánh đường, Tu Viện… có những vị hạnh phúc may mắn được nhìn thấy kết qủa do công trình mình đề nghị đưa ra cùng đốc công xây dựng thành hình, ngay lúc còn sinh tiền.

Ước vọng được nhìn thấy thưởng thức kết qủa công trình mình xây dựng nên là niềm mong ước của con người xưa nay trong mọi lãnh vực đời sống.

Nhưng cũng có những người lại không có được may mắn như thế. Vì giữa đường đời sống công trình đang xây dựng dở dang, họ đã ra đi về thế giới bên kia. Những trường hợp như thế xưa nay luôn hằng có trong lịch sử đời sống con người. Như nhiều cha mẹ sinh thành, nuôi dậy xây dựng cho đời sống con mình khôn lớn thành người trưởng thành, nhưng khi người con công thành danh toại, thì họ không còn được nhìn thấy, thưởng thức kết qủa của công trình mà mình đã đầu tư năng lượng bỏ công sức xây dựng cho con mình. Họ đã ra đi thành người thiên cổ trước đó rồi!

Có hình ảnh như thế trong nếp sống tinh thần đạo giáo đức tin không?

Những hình ảnh như thế không là luật trừ cho trong cả lãnh vực tinh thần đức tin.

Hình ảnh này ngay từ thời Chúa Giêsu còn trên trần gian cũng đã diễn xẩy ra với Ông Thánh Gioan tiền hô, mà hằng năm Giáo Hội Công Giáo, cũng như một số nơi trong Chính Thống, Tin lành, Anh giáo, mừng kính ngày sinh nhật vào ngày 24.06.

Theo Phúc âm thuật kể lại ( Lc1, 5-38 ) Thánh Gioan là con của Thầy cả thượng phẩm Dakaria và bà Elisabeth, người chị em họ hàng với Đức Mẹ Maria. Thiên Thần Chúa, Gabriel đến truyền tin cho Maria, cũng cho hay người chị họ Elisabeth mang trong cung lòng bào thai Gioan được sáu tháng rồi.

Và cũng theo phúc âm thuật lại, Ông Gioan khi lớn lên đã từ gĩa gia đình vào sa mạc sống khắc khổ ăn chay hãm mình loan báo mở đường cho Chúa Giêsu, người anh em họ của ông, đến loan tin mừng rao giảng nước Thiên Chúa ( Lc 3,1/18).Vì thế Ông được gọi là vị tiền hô, người khai sáng dọn đường,, như Chúa Giêsu đã nói về sứ mạng của ông: “Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến!”( Lc 7, 27)

Và chính Gioan đã khẳng định về vai trò của mình : “ Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người. ( Ga 3,29). Và khi đã làm xong nhiệm vụ người khai phá mở đường cho Chúa Giêsu đến, Ông Gioan sống lòng khiêm nhượng không đứng giữa đường cản lối nữa, mà sống rút lui vào đàng sau: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” ( Ga 3, 30)

Ông Thánh Gioan tiền hô đã đi trước khai phá mở dọn con đường tâm linh cho Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đến thực hiện công trình ơn cứu độ của Thiên Chúa giữa trần gian cho con người. Nhưng chính ông, sau đó đã phải chịu cảnh tù tội, rồi bị chết tử vì đạo trong ngục tù ( Lc 3,19-20, 9,7-9) không còn được nhìn thấy kết qủa, mà ông trước đó đã khai phá mở đường cho Chúa Giêsu đến thực hiện những phép lạ, loan báo tin mừng tình yêu nước Thiên Chúa.

Trong dòng lịch sử của Giáo hội Chúa xưa nay trên trần gian cũng luôn hằng diễn xảy ra những trường hợp tương tự như của Thánh Gioan tiền hô.

“Ngày 15 tháng 12 năm 1625, một tàu buồm Bồ Đào Nha bỏ neo ở vịnh Đà Nẳng, không cập bến được vì sợ bão. Một chiếc thuyền rời cảng đi đến chiếc tàu, Pina lên tàu để lấy những hàng hóa cần thiết như rượu vang và bột lúa mì để dâng lễ. Khi trở lại bờ, một cơn gió mạnh làm thuyền bị chìm; bị vướng bởi chiếc áo dòng, Pina chết đuối, trong khi những người khác của thủy thủ đoàn được cứu. Cái chết của Pina là một cái tang cho dân chúng địa phương cũng như cho cơ sở truyền giáo. Một chiếu chỉ trục xuất các nhà truyền giáo bị đình chỉ thi hành, cho phép cư tang trong 3 tháng. Nhà chép sử Dòng Tên Bartoli viết về linh mục Pina: "Linh mục Pina là người Bồ Đào Nha, thọ 40 tuổi. Ngài được người ngoại giáo mến chuộng vì ngài nói tiếng của họ như chính ngài là người bản xứ Đàng Trong vậy."

Pina có ghi chép về công việc của ông có liên quan tới tiếng Việt: "Về phần con, con đã soạn một tập nhỏ về chữ viết và về các cung điệu của ngôn ngữ này; con hiện đang bắt tay vào ngữ pháp. Tuy nhiên, mặc dù con cũng đã tập hợp những câu chuyện thuộc nhiều thể loại khác nhau để ghi trích dẫn của các tác giả hầu xác định ý nghĩa của các từ ngữ và các mẹo luật ngữ pháp, thì cho đến giờ này con vẫn còn phải nhờ một người đọc để con ghi ra bằng mẫu tự Bồ Đào Nha, hầu cho những người của chúng ta sau này có thể đọc và học thuộc lòng..." (Thư của Francisco de Pina)” …

…Alexandre de Rhodes đã kể về người thầy của mình: "Ngay từ đầu, tôi đã học với cha Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha, thuộc giáo đoàn Dòng Tên rất nhỏ bé của chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người đầu tiên bắt đầu giảng giáo lý bằng phương ngữ mà không cần phiên dịch." ( Huỳnh Duy Lộc, Francisco De Pina, Alexandre De Rhodes và chữ quốc ngữ).

Cha Pina như sử sách ghi chép lại là người khai sáng mở đường bỏ công sức năng lượng sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ, Cha Alenxandre De Rhodes là người cùng đầu tư công sức năng lượng góp công vào xây dựng cho hoàn chỉnh thêm, để cùng đóng góp vào việc rao truyền tin mừng đức tin vào Chúa cho dân tộc Việt Nam thuở thế kỷ thứ 17.. Nhưng cả hai vị khai sáng mở đường cho khoa ngôn ngữ này đã không được nhìn thấy kết qủa công trình mình đã mở đường xây dựng trong dòng lịch sử thời gian văn hóa xã hội đất nước Việt Nam, như thấy ngày nay.

Các ngài đã được Thiên Chúa, nguồn đời sống ban cho năng lượng trí óc sáng tạo, nhưng đã sắp đặt con đường đời sống các vị cách khác: Cha Pina qua đời lúc còn trẻ ( 40 tuổi) ngay trên nước Việt Nam, lúc chữ Quốc Ngữ do ngài nghĩ sáng chế ra đang trong giai đoạn phôi thai thành hình. Cha Alenxandre De Rhodes bị trục xuất không được phép ở lại tiếp tục đầu tư vào công trình xây dựng phát triển Chữ Quốc Ngữ nữa.

Như thế có thể nói được các Vị này là người khai sáng mở đường gieo hạt giống, nhưng không là người được đi gặt hái thu hoạch mùa màng!

Mùa Euro 2024 ( 14.06 - 14.07.) diễn xảy ra những trận đấu bóng đá trên sân cỏ sôi nổi hấp dẫn cả triệu con người mọi tầng lớp không chỉ bên Âu Châu, nhưng còn cả trên thế giới nữa theo dõi qua màn ảnh trực tiếp truyền hình. Hình ảnh vị huấn luyện viên đội tuyển đi lại hay chạy theo mép đường biên giới sân cỏ la hét kêu gọi, giơ tay ra hiệu chỉ dẫn các học trò mình dàn trận, điều chỉnh đi theo như kế hoạch đã tập luyện, hoặc thay đổi đội hình chiến thuật…làm liên tưởng nhớ đến hình ảnh Thánh Gioan tiền hô ngày xưa vào sa mạc rao giảng kêu gọi dọn đường cho Chúa Giêsu đến, như phúc âm Thánh Markus thuật lại

“Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con.3 Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.5 Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.” ( Mc 1,2-5)
Tiếng la hét rao giảng đanh thép của Thánh Gioan tiền hô được Thánh gíao phụ Hieronimus (348- 420), người đã sống ẩn dật hằng chục năm trong một hang đá ngay bên cạnh đền thờ Chúa giáng sinh ở Bethlehem, nghiên cứu dịch Kinh Thánh từ tiếng Hylạp sang tiếng Latinh, còn gọi là bản Vulgata, đã dựa theo phúc âm Thánh Markus thuật lại, sắp xếp ví như tiếng sư tử gầm thét trong sa mạc. Vì thế phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh sử Markus có hình con sư tử làm biểu tượng. Vì ngay chương đầu Thánh sử Markus đã tường thuật về nếp sống Gioan tiền hô rao giảng hô to trong sa mạc.

Rồi ngón tay vẫy chỉ của vị huấn luyện viên nơi mép sân cỏ cũng tương tự như hình ảnh ngón tay của Thánh Gioan chỉ hướng giới thiệu Chúa Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa “ Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” ( Ga 1,29). Và vì thế có hình tượng vẽ khắc Thánh Gioan tiền hô với ngón tay chỉ lên trời phía trước như người chỉ dẫn đường đi.

Đi vào sa mạc Thánh Gioan tiền hô rao giảng - Ông còn có danh hiệu Gioan Tẩy giả, vì Ông đã rửa tội cho nhiều người và cho cả Chúa Giêsu Kitô ở bờ sông Jordan nữa - trong tư cách sứ mạng của vị sứ gỉa loan báo về Nước Thiên Chúa.

“Thánh Gioan tẩy gỉa không chỉ là người sống cầu nguyện trong tương quan liên lạc chặt chẽ với Thiên Chúa, nhưng ông còn giới thiệu chỉ đường hướng về mối tương quan đó nữa”. ( Giáo hoàng Benedictô 16.)

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long