1. Các nữ tu Tây Ban Nha ly giáo có cơ hội cuối cùng để tránh bị vạ tuyệt thông chính thức
Tổng Giáo phận Burgos ở Tây Ban Nha đã gia hạn cho các Dòng Thánh Clara Khó Nghèo ở Belorado, cho họ thời hạn mới là Thứ Sáu, ngày 21 tháng 6, để trình diện trước tòa án giáo hội và rút lại tuyên bố chính thức rằng họ sẽ rời bỏ Giáo Hội Công Giáo, là một tội theo giáo luật liên quan đến sự ly giáo, đòi hỏi phải bị vạ tuyệt thông.
Theo tờ báo ABC của Tây Ban Nha, ba trong số các Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo, bao gồm nữ tu Isabel de la Trinidad, bề trên của tu viện, cũng như Nữ tu Sión và Nữ tu Paz – đã phải ra hầu tòa án giáo hội của Tổng giáo phận Burgos muộn nhất là vào ngày Chúa Nhật, 16 tháng 6. Tuy nhiên, qua email, các vị đã yêu cầu gia hạn.
Bảy vị Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo khác không còn công nhận thẩm quyền của Giáo Hội Công Giáo và coi “Đức Giáo Hoàng Piô XII là Giáo hoàng tối cao hợp lệ cuối cùng”, cũng phải đối mặt với một thủ tục giáo luật với thời hạn ban đầu khác nhau nhưng bây giờ là cùng ngày 21 tháng Sáu.
Theo nguồn tin của ABC, tổng giáo phận Tây Ban Nha cho biết “tùy thuộc vào những gì mỗi người nói riêng và khi thời hạn trôi qua, việc đánh giá sẽ được thực hiện và chúng tôi sẽ tiến hành theo đó”.
Các Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo của các tu viện ở Belorado và Orduña – dưới quyền của các tổng giáo phận Burgos và Vitoria của Tây Ban Nha – đã tuyên bố vào ngày 13 tháng 5 rằng họ không còn công nhận thẩm quyền của các giám mục Công Giáo và của Đức Thánh Cha Phanxicô nữa và rằng họ đang tự đặt mình vào dưới quyền của một giám mục bị vạ tuyệt thông giả tên là Pablo de Rojas.
Tòa án giáo hội của Tổng Giáo phận Burgos gần đây đã tuyên bố rằng các hành động của các Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo Tây Ban Nha cấu thành “tội ly giáo, được định nghĩa trong Bộ Giáo luật phù hợp với Điều 751, hình phạt cho tội này được quy định trong Điều 1364 triệt 1, và nó kèm theo việc trục xuất khỏi đời sống thánh hiến.”
Điều 751 của Bộ Giáo luật của Giáo Hội Công Giáo định nghĩa tội ly giáo là “việc từ chối phục tùng Đức Giáo Hoàng hoặc không chịu hiệp thông với các thành viên của Giáo hội”.
Điều 1364 triệt 1 cảnh báo rằng những người ly giáo - cũng như những kẻ bội giáo hoặc lạc giáo - phải chịu vạ tuyệt thông “latae senentiae” nghĩa là tiền kết, đến mức tiến trình giáo hội được mở ra chống lại những Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo này có thể chỉ đơn giản là chính thức hóa tình trạng vạ tuyệt thông của họ hoặc ban cho họ một cơ hội để rút lại các tuyên bố của mình.
Theo Bộ Giáo luật, ngoài việc bị rút phép thông công, các Nữ tu Dòng Thánh Clara khó nghèo sẽ bị cấm “cư trú tại một địa điểm hoặc lãnh thổ cụ thể” và không được “mặc áo dòng”, có nghĩa là họ sẽ bị buộc phải rời khỏi tu viện nơi họ đang sống.
2. Tổng thống Joe Biden gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hội nghị thượng đỉnh G7 để thảo luận về chính sách đối ngoại, biến đổi khí hậu
Tổng thống Joe Biden đã gặp riêng Đức Thánh Cha Phanxicô vào sáng sớm thứ Sáu tại Apulia, Ý, nhân hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy cường quốc, gọi tắt là G7, để thảo luận về chính sách đối ngoại và biến đổi khí hậu.
Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G7, cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo chính phủ đến từ Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Ý. Liên minh Âu Châu cũng tham gia nhưng không phải là thành viên chính thức.
Trong một tuyên bố sau cuộc gặp, Tòa Bạch Ốc cho biết cả hai nhà lãnh đạo “nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về lệnh ngừng bắn ngay lập tức và thỏa thuận con tin” ở Gaza cũng như sự cần thiết phải “giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng”.
Tuyên bố nói thêm rằng “Tổng thống Biden cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì công việc của Vatican nhằm giải quyết các tác động nhân đạo của cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga, bao gồm cả nỗ lực của Đức Thánh Cha nhằm giúp trả lại những đứa trẻ Ukraine bị bắt cóc về với gia đình của chúng”.
Theo tuyên bố, “Tổng thống Biden cũng tái khẳng định sự đánh giá cao sâu sắc của ông đối với sự ủng hộ không mệt mỏi của Đức Giáo Hoàng đối với người nghèo và những người bị đàn áp, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và xung đột trên khắp thế giới”.
Vào buổi sáng, trước cuộc họp, một quan chức cao cấp của chính quyền Tổng thống Biden cho biết trong cuộc họp báo qua điện thoại rằng Tổng thống Biden dự định thảo luận các vấn đề ở Trung Đông và Ukraine với Đức Giáo Hoàng. Về Ukraine, quan chức này cho biết “Tòa thánh đã tích cực tham gia” vào vấn đề này.
“Đặc biệt, Đức Hồng Y Matteo Zuppi đã là một đặc phái viên làm việc để trao trả những đứa trẻ Ukraine bị cưỡng bức bắt cóc qua biên giới, bị tách khỏi gia đình của chúng,” quan chức này nói thêm. “Tất nhiên, đó là một trong những bi kịch lớn của cuộc chiến này. Và Tòa Thánh cũng đã tham gia vào việc cố gắng thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình.”
Quan chức này cho biết Tổng thống Biden cũng sẽ thảo luận về biến đổi khí hậu, “vấn đề gần gũi và thân thiết với cả hai nhà lãnh đạo”.
“ Tất nhiên, kế hoạch thích ứng và phục hồi của tổng thống, được đưa ra vào tháng 11 năm 2021, là một nỗ lực quan trọng nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, cũng như Quỹ Tổn thất và Thiệt hại đa phương mà Hoa Kỳ đã đóng góp 17,5 triệu Mỹ Kim, một quỹ quan trọng đối với nỗ lực giảm thiểu một số tác động của biến đổi khí hậu”.
Trước cuộc họp dự kiến, Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo khác đã chào ngắn gọn Đức Phanxicô khi ngài đến hội nghị thượng đỉnh để phát biểu trước các quan chức về những lo ngại liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Đức Giáo Hoàng, người đã kêu gọi các quy định toàn cầu về Trí Tuệ Nhân Tạo, bày tỏ lo ngại về việc Trí Tuệ Nhân Tạo sẽ trở thành một công cụ chiến tranh và cảnh báo không nên phụ thuộc quá nhiều vào Trí Tuệ Nhân Tạo mà không có sự can thiệp của con người trong bài phát biểu của ngài. Đức Phanxicô đã thúc đẩy các quy định toàn cầu để bảo đảm Trí Tuệ Nhân Tạo được sử dụng nhằm thúc đẩy lợi ích chung.
Quan chức chính quyền cao cấp cho biết trong cuộc hội thảo qua điện thoại rằng Tổng thống Biden cũng thảo luận về Trí Tuệ Nhân Tạo với Đức Phanxicô – một vấn đề rất quan trọng đối với Đức Giáo Hoàng trong năm qua.
Quan chức này cho biết: “Tôi chỉ nói về Trí Tuệ Nhân Tạo, tôi nghĩ cả hai vị đều quan tâm đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm, bảo vệ phẩm giá con người và nhân quyền”. “Và vì vậy họ có cơ hội tham gia vào lĩnh vực đó.”
Tuy nhiên, tuyên bố của Tòa Bạch Ốc sau cuộc họp không đề cập đến Trí Tuệ Nhân Tạo.
Trước đó, Tổng thống Biden đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 10 năm 2021 trong khoảng 75 phút để thảo luận về tình trạng nghèo đói, biến đổi khí hậu và các vấn đề khác. Đó là cuộc gặp trực tiếp với Đức Giáo Hoàng đầu tiên của Tổng thống Biden trên cương vị tổng thống, nhưng hai nhà lãnh đạo cũng đã nói chuyện qua điện thoại ngay sau cuộc bầu cử tổng thống. Tổng thống Biden và Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói chuyện qua điện thoại vào tháng 10 năm 2023 để thảo luận về xung đột giữa Israel và Gaza. Tổng thống Biden đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô ba lần trước khi trở thành tổng thống.
Tổng thống tuyên bố vào năm 2021 sau khi hai người gặp mặt trực tiếp rằng Đức Phanxicô đã nói với ông rằng ông “là một người Công Giáo tốt và tôi nên tiếp tục rước lễ”. Vatican từ chối bình luận về việc Đức Phanxicô có đưa ra những bình luận đó hay không. Tuy nhiên, vào tháng 7 năm 2022, Đức Phanxicô đã chỉ trích Tổng thống Biden vì việc tổng thống ủng hộ việc phá thai, nói rằng việc một người Công Giáo ủng hộ việc phá thai hợp pháp là một “sự thiếu nhất quán”.
Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã bất đồng với chính quyền Tổng thống Biden về các vấn đề liên quan đến phá thai và ý thức hệ giới tính. Các giám mục cũng chỉ trích các biện pháp an ninh biên giới gần đây của tổng thống.
3. Đức Thánh Cha kêu gọi tái lập hòa bình tại Cộng hòa Dân chủ Congo
Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ đau buồn vì các cuộc thảm sát tại miền Đông Congo Dân chủ và kêu gọi tái lập an bình tại miền này.
Lên tiếng trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa Chúa nhật, ngày 16 tháng Sáu vừa qua, ngài nói: “Các tin tức đau buồn về những vụ đụng độ và tàn sát tại miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo tiếp tục được gửi về Tòa Thánh. Tôi kêu gọi chính quyền quốc gia và cộng đồng quốc tế, làm sao để có thể ngưng bạo lực và cứu vãn sinh mạng của các thường dân. Trong số các nạn nhân, có nhiều tín hữu Kitô bị giết vì sự oán ghét đức tin. Họ là những người tử đạo. Sự hy sinh của họ là hạt giống làm nảy sinh hoa trái, và dạy chúng ta can đảm làm chứng về Tin mừng trong sự nhất quán”.
Hôm mùng 10 tháng Sáu vừa qua, hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng cho biết, theo thống kê chính thức của chính phủ Congo, có 41 người bị giết trong một loạt các vụ tấn công, xảy ra ngày 07 tháng Sáu trước đó, do các nhóm du kích Liên minh các lực lượng dân chủ, gọi tắt là ADF, tại tỉnh Beni, ở miền Bắc tỉnh Kivu thuộc miền Đông Congo Dân chủ.
Theo chính phủ nước này, có ba mươi chín người bị giết tại các làng Masala và Mahibi, hai người bị giết tại làng Keme. Có chín người khác bị thương.
Các lực lượng ADF từ hàng chục năm nay trú đóng tại miền Đông Congo Dân chủ, đặc biệt tại tỉnh Bắc Kivu. Năm 2019, ADF đã tuyên bố gia nhập Nhà nước Hồi giáo, gia tăng các đặc tính như một lực lượng thánh chiến Hồi giáo. Ngày 04 tháng Sáu mới đây, chúng thực hiện các cuộc tàn sát tại Masau, ở vùng biên giới giữa Bắc Kivu và tỉnh Ituri. Trước đó, cuộc tàn sát đã diễn ra hồi tháng Tư và tháng Năm, dường như do cuộc hành quân Shujaa, do quân đội Congo và Uganda cùng phát động để truy lùng các thành phần thánh chiến Hồi giáo ADF.
Cuộc hành quân đó được phát động hồi tháng Chín năm 2021, nhưng đã mang lại hậu quả là đẩy các thành phần ADF chuyển về hướng tây để trốn tránh các nhóm quân Congo và Uganda, và chúng tiến về vùng Mangina cũng như lãnh thổ Mambasa thuộc tỉnh Ituri. Trong những vùng này, quân ADF đã cướp bóc các nguồn tài nguyên của dân địa phương, như cacao và khai thác các mỏ khoáng sản trong vùng để tái tổ chức lực lượng hầu tiếp tục các hoạt động chết chóc của chúng.