Hôm Thứ Hai, 15 Tháng Bẩy, người sáng lập ứng dụng này cho biết ứng dụng Công Giáo nổi tiếng Hallow có trụ sở tại Hoa Kỳ đã bị xóa khỏi Apple App Store ở Trung Quốc vì bị nhà cầm quyền coi là chứa nội dung “bất hợp pháp”.

Alex Jones, người sáng lập Hallow, đã đăng trên mạng xã hội vào chiều thứ Hai rằng ứng dụng này “vừa bị đuổi khỏi App Store ở Trung Quốc”.

Ông nói thêm: “Hãy cầu nguyện cho tất cả các Kitô hữu ở Trung Quốc”.

Hallow là một ứng dụng cầu nguyện cung cấp nội dung thờ phượng Công Giáo dựa trên âm thanh. Kể từ khi ra mắt vào năm 2018, Hallow cho biết ứng dụng của họ đã được tải xuống hơn 14 triệu lần “trên hơn 150 quốc gia”. Vào tháng 2, lần đầu tiên số lượt tải xuống của Hallow đã đứng đầu cửa hàng ứng dụng trên tất cả các danh mục.

Jones nói với CNA trong một email hôm thứ Ba rằng Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, gọi tắt là CAC, đã thông báo cho ông rằng Hallow “nội dung của ứng dụng là bất hợp pháp ở Trung Quốc và do đó phải bị xóa”, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Ông cho biết số lượng người dùng ứng dụng Công Giáo ở Trung Quốc “lên tới hàng ngàn người”, mặc dù họ không có con số chính xác. Theo một nghiên cứu, người Công Giáo ở Trung Quốc đạt đỉnh điểm là 12 triệu người vào năm 2005.

Jones nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng phục vụ anh chị em trong Chúa Kitô ở Trung Quốc tốt nhất có thể thông qua trang web, ứng dụng web, nội dung mạng xã hội, nhưng chủ yếu là bằng lời cầu nguyện của chúng tôi”.

Ông từ chối suy đoán về thời điểm hành động của CAC. Một loạt băng ghi âm mới quan trọng về cuộc đời của Thánh Gioan Phaolô II, “Nhân chứng cho niềm hy vọng,” được ra mắt vào tuần này và đề cập đến việc thánh nhân chống lại chủ nghĩa cộng sản.

Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc chính thức là những người vô thần, mặc dù một số tôn giáo “chính thức” vẫn được chấp nhận, bao gồm cả Công Giáo. Giáo hội ở Trung Quốc bị chia rẽ giữa Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc do bọn cầm quyền kiểm soát và một Giáo Hội Công Giáo “ngầm” đang bị đàn áp và trung thành với Rôma.

Vatican vào năm 2018 đã ký một thỏa thuận gây tranh cãi với chính phủ Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục, điều mà Trung Quốc đã nhiều lần thách thức bằng cách bổ nhiệm những người trung thành của mình vào các vị trí giám mục.

Bọn cầm quyền Trung Quốc từ lâu đã kiểm soát và giám sát chặt chẽ mạng internet và mạng xã hội trong nước, đồng thời cũng gây áp lực buộc các tín hữu tôn giáo phải tuân theo ý thức hệ Cộng sản. Trong số những điều khác, luật pháp Trung Quốc yêu cầu giáo dục tôn giáo và các địa điểm thờ phượng phải được chính phủ phê duyệt và ghi danh chính thức.

Đây không phải là lần đầu tiên CAC sử dụng luật mạng của Trung Quốc để gây áp lực buộc loại bỏ các ứng dụng tôn giáo. Vào năm 2021, một công ty Kinh thánh kỹ thuật số đã bị xóa ứng dụng của họ khỏi các dịch vụ của cửa hàng ứng dụng Apple ở Trung Quốc trong khi chính Apple cũng xóa ứng dụng Kinh Qur'an khỏi cửa hàng Trung Quốc, theo yêu cầu của các quan chức Trung Quốc.

Sự kiểm duyệt của CAC cũng không chỉ giới hạn ở các ứng dụng tôn giáo: Vào tháng 4, CAC đã ra lệnh cho Apple xóa WhatsApp, Signal và Telegram – ba trong số những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất thế giới, tất cả đều cung cấp tính năng nhắn tin riêng tư, được mã hóa, trích dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia.


Source:Catholic News Agency