1. Công bố chương trình chính thức Đức Thánh Cha viếng thăm Luxembourg và Bỉ
Hôm 19 tháng Bảy năm 2024, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chính thức chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Luxembourg và Bỉ, từ ngày 26 đến ngày 29 tháng Chín tới đây.
Đức Thánh Cha sẽ rời Roma lúc 8 giờ 5 phút, sáng ngày thứ Năm, 26 tháng Chín và bay tới Luxemburg, gần hai tiếng sau đó. Ngài sẽ viếng thăm Đại Quận công và gặp gỡ thủ tướng, trước khi gặp gỡ chính quyền và các đại diện xã hội dân sự cùng với ngoại giao đoàn.
Ban chiều, Đức Thánh Cha gặp gỡ cộng đoàn Công Giáo tại nhà thờ chính tòa Đức Bà Luxembourg, rồi trở lại phi trường quốc tế Luxembourg/Findel. Tại đây, sau nghi thức từ biệt, lúc quá 6 giờ chiều, ngài đáp máy bay đến Căn cứ không quân Melsbroek của Bỉ và được đón tiếp tại đây.
Ngày hôm sau, thứ Sáu, ngày 27 tháng Chín, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Quốc vương Bỉ, rồi hội kiến với thủ tướng, trước khi gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự vào lúc 10 giờ sáng.
Ban chiều cùng ngày, lúc 4 giờ 30, Đức Thánh Cha gặp gỡ các giáo sư Đại học Leuven, ở vùng nói tiếng Flamand, nhân kỷ niệm 600 năm thành lập đại học Công Giáo này.
Sáng thứ Bảy, ngày 28 tháng Chín, lúc 10 giờ sáng, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ, tại Vương cung thánh đường Thánh Tâm ở Koekelberg.
Ban chiều, lúc 4 giờ 30 cùng ngày, Đức Thánh Cha gặp gỡ các sinh viên, tại Đại thính đường của Đại học Công Giáo Louvain, ở vùng nói tiếng Pháp. Sau đó, lúc 6 giờ 15, Đức Thánh Cha gặp riêng các tu sĩ Dòng Tên, ở Học viện thánh Micae.
Sau cùng, lúc 10 giờ sáng, Chúa nhật, ngày 29 tháng Chín, ngày cuối trong chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại Sân vận động “Quốc vương Beaudoin”. Sau thánh lễ, lúc quá 12 giờ, sẽ có nghi thức từ biệt tại Căn cứ không quân Melsbroek và Đức Thánh Cha rời nước Bỉ để bay trở về Roma, dự kiến sẽ tới nơi vào lúc gần 3 giờ chiều.
2. Quốc hội Ukraine chuẩn bị cấm Giáo hội Chính thống gốc Mạc Tư Khoa
Mặc dù có những phê bình từ nước ngoài, Quốc hội Ukraine chuẩn bị thông qua luật cấm Giáo hội Chính thống, vốn thuộc Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa không được hoạt động tại Ukraine nữa.
Trước đây, Giáo hội Chính thống tại Ukraine phần lớn thuộc Giáo hội Chính thống Mạc Tư Khoa. Nhưng từ sau khi được độc lập khỏi Liên Xô hồi năm 1990, Chính thống Ukraine ngày càng lớn mạnh và năm 2018 được Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople nhìn nhận quyền độc lập. Sau vụ này, Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa đã xóa bỏ sự hiệp thông với Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople.
Sau khi Nga tấn công Ukraine hồi tháng Hai năm 2022, nhiều tín hữu cựu Chính thống Nga đã ngả theo Giáo hội Chính thống Ukraine độc lập và tuyên bố không tùy thuộc Tòa Thượng phụ ở Mạc Tư Khoa nữa. Nhưng vẫn còn nhiều tín hữu không theo Chính thống Ukraine độc lập. Hôm thứ Năm, ngày 18 tháng Bảy vừa qua, Ủy ban về nhân đạo và chính trị thông tin thuộc Quốc hội Ukraine tuyên bố ủng hộ dự luật hoàn toàn cấm Chính thống cựu Mạc Tư Khoa không được hoạt động. Mục đích luật này là để bảo vệ an ninh quốc gia và tự do tôn giáo.
Hồi tháng Mười năm ngoái, Quốc hội Ukraine đã cứu xét dự luật này lần đầu tiên và đã thông qua với đại đa số phiếu. Nay ủy ban đặc nhiệm muốn thêm vào dự luật câu này: “Xét vì Giáo hội Chính thống Nga là một sự tiếp tục ý thức hệ của chế độ của một quốc gia xâm lăng, đồng lõa với những tội ác chiến tranh và những tội ác chống lại nhân loại mà Liên bang Nga đã vi phạm, theo ý thức hệ của thế giới Nga, nên từ nay tuyệt đối cấm mọi hoạt động của Giáo hội Chính thống Nga tại Ukraine”.
Dự luật này nhắm chống lại Giáo hội Chính thống Nga truyền thống tại Ukraine, hiện còn khoảng 10.000 cộng đoàn giáo xứ. Giáo hội này bị tố cáo lợi dụng tôn giáo và tuyên truyền lập trường của Nga. Chính quyền Ukraine nghi ngờ, không tin nơi sự tách biệt của Giáo hội này khỏi Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa hồi tháng Năm năm 2022 và tiếp tục tùy thuộc Chính thống Mạc Tư Khoa.
Sự kiện có hàng chục vị lãnh đạo hàng giáo sĩ Chính thống Nga ở Ukraine ủng hộ chiến tranh xâm lược của Nga chống Ukraine đã tạo nên sự phẫn nộ tại Ukraine. Nhiều giám mục và linh mục của Giáo hội này đã bị kết án tù và một số đã được trục xuất sang Nga trong khuôn khổ trao đổi tù nhân. Như giới lãnh đạo Giáo hội Chính thống này cầu nguyện cho sự bảo vệ đất nước chống lại quân đội Ukraine và còn lạc quyên tiền bạc cho mục đích đó.
Nga mạnh mẽ tố giác Ukraine bách hại các Chính thống Nga và vi phạm tự do tôn giáo. Cả Liên hiệp Âu châu và Mỹ cũng phê bình chính phủ Ukraine và cảnh giác Ukraine về vấn đề này.
Luật sư ở Luân Đôn của Giáo hội Chính thống Nga, ông Robert Amsterdam, tuyên bố trong bản tin truyền đi qua mạng X rằng việc Quốc hội Ukraine thông qua dự luật chống Chính thống Nga tại Ukraine sẽ ngăn cản việc Ukraine gia nhập khối Nato và Liên hiệp Âu châu, cũng như làm thương tổn những tương quan với bất kỳ chính phủ mới nào tại Mỹ.
Đáp lại, Yehor Cherniev – một thành viên quốc hội Ukraine và là phó chủ tịch ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo Ukraine nói rằng tuyên bố của Robert Amsterdam cũng không khác bao nhiêu so với tuyên bố của Medvedev đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Ukraine gia nhập NATO.
3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật
Chúa Nhật, 21 Tháng Bẩy, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 16 Mùa Quanh Năm. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, Chúa Nhật vui vẻ!
Tin Mừng phụng vụ hôm nay (Mc 6:30-34) cho chúng ta biết rằng các tông đồ tụ tập quanh Chúa Giêsu sau khi trở về từ sứ mạng của các ngài. Họ kể cho Ngài nghe những gì họ đã hoàn thành. Rồi Người bảo họ: “Các con hãy đi đến nơi hoang vắng và nghỉ ngơi một lát”.. Tuy nhiên, dân chúng nhận ra đang đi đâu và khi họ xuống thuyền, Chúa Giêsu thấy đám đông đang đợi Ngài. Ngài cảm thương họ và bắt đầu giảng dạy.
Vì vậy, một mặt là lời mời nghỉ ngơi, mặt khác là lòng thương xót của Chúa Giêsu đối với đám đông. Thật tuyệt vời khi dừng lại để suy ngẫm về lòng thương xót của Chúa Giêsu. Đây có vẻ như là hai điều không tương thích với nhau, nhưng thực ra chúng lại đi cùng nhau: nghỉ ngơi và từ bi. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn.
Chúa Giêsu quan tâm đến sự mệt mỏi của các môn đệ. Có lẽ Ngài nhận thức được mối nguy hiểm cũng có thể liên quan đến cuộc sống và hoạt động tông đồ của chúng ta. Mối nguy hiểm này có thể đe dọa chúng ta, chẳng hạn khi sự nhiệt tình của chúng ta trong việc thực hiện sứ mệnh hoặc công việc của mình, cũng như các vai trò và nhiệm vụ được giao phó, khiến chúng ta trở thành nạn nhân của một kiểu hoạt động quan tâm quá mức đến những việc phải làm và quá bận tâm đến kết quả, và đây là một điều xấu. Chúng ta trở nên quá bận tâm đến những việc phải làm, quá bận tâm đến kết quả. Khi đó, chúng ta trở nên kích động và đánh mất điều gì là thiết yếu. Chúng ta có nguy cơ cạn kiệt năng lượng và rơi vào tình trạng mệt mỏi về thể xác và tinh thần. Đây là một lời cảnh báo quan trọng đối với cuộc sống và xã hội của chúng ta vốn thường bị giam cầm bởi sự vội vàng, nhưng cũng đối với Giáo hội và việc phục vụ mục vụ: thưa anh chị em, chúng ta hãy cẩn thận với chế độ độc tài của việc làm! Và điều này cũng có thể xảy ra do sự cần thiết, trong gia đình chúng ta, chẳng hạn khi người cha phải đi làm xa để kiếm sống, do đó phải hy sinh thời gian lẽ ra ông có thể dành cho gia đình. Thông thường, cha mẹ rời đi vào sáng sớm khi bọn trẻ vẫn đang ngủ và trở về muộn vào buổi tối khi chúng đã đi ngủ rồi. Và đây là một sự bất công xã hội. Trong gia đình, người cha, người mẹ phải có thời gian chia sẻ với con cái, để tình yêu thương lớn lên trong gia đình và không rơi vào sự độc tài của việc làm. Chúng ta hãy nghĩ xem chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ những người bị buộc phải sống theo cách này.
Đồng thời, sự nghỉ ngơi được Chúa Giêsu đề xuất không phải là một lối thoát khỏi thế gian, một sự rút lui vào một hạnh phúc cá nhân đơn thuần. Ngược lại, khi đối mặt với đám người hoang mang, Ngài cảm thấy thương xót. Và vì vậy, từ Tin Mừng, chúng ta biết rằng hai thực tế này – nghỉ ngơi và có lòng thương xót – có mối liên hệ với nhau: chỉ khi chúng ta học cách nghỉ ngơi thì chúng ta mới có lòng thương xót. Thật vậy, chỉ có thể có một cái nhìn cảm thông, biết đáp ứng nhu cầu của người khác, nếu tâm hồn chúng ta không bị hao mòn bởi nỗi lo làm việc, nếu chúng ta biết dừng lại và biết cách đón nhận Ân Sủng của Thiên Chúa, trong sự im lặng của sự thờ phượng.
Vì vậy, anh chị em thân mến, chúng ta có thể tự hỏi: liệu tôi có thể dừng lại trong những ngày của mình không? Tôi có khả năng dành một chút thời gian để ở với chính mình và với Chúa không, hay tôi luôn vội vàng, thường xuyên vội vàng làm những việc phải làm? Liệu chúng ta có thể tìm thấy một loại “sa mạc nội tâm” nào đó giữa những ồn ào và hoạt động thường ngày không?
Xin Đức Trinh Nữ Chí Thánh giúp chúng ta “nghỉ ngơi trong Chúa Thánh Thần” ngay cả trong mọi hoạt động hàng ngày, và sẵn sàng và cảm thông với người khác.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến!
Tuần này, Thế vận hội Olympic sẽ bắt đầu ở Paris và tiếp theo là Thế vận hội Paralympic. Thể thao cũng có sức mạnh xã hội to lớn và nó có thể đoàn kết mọi người từ các nền văn hóa khác nhau một cách hòa bình. Tôi hy vọng rằng sự kiện này có thể là ngọn hải đăng của một thế giới hòa nhập mà chúng ta muốn xây dựng và các vận động viên, với chứng ngôn thể thao của họ, có thể trở thành những sứ giả hòa bình và những hình mẫu đích thực cho giới trẻ. Đặc biệt, như phong tục của truyền thống cổ xưa này, ước gì Thế vận hội Olympic là một dịp để kêu gọi ngừng bắn trong các cuộc chiến tranh, thể hiện lòng mong muốn hòa bình chân thành.
Tôi chào tất cả anh chị em, người Rôma và khách hành hương đến từ Ý và nhiều quốc gia. Đặc biệt, tôi xin chào Notre Dame Équipe từ giáo phận Quixadá ở Brazil, và Hiệp hội “Trung tâm Khoa học Assumpta Ofekata”, đang thực hiện các dự án liên đới cho Phi Châu.
Tôi cũng chào các Công nhân Thập giá Thầm lặng và Trung tâm Tình nguyện Chịu đau khổ, tụ tập để tưởng nhớ vị sáng lập của họ, Chân phước Luigi Novarese; những thỉnh sinh và các tập sinh của Dòng Nữ tu Truyền giáo Chúa Kitô Vua; các bạn trẻ thuộc nhóm ơn gọi của Tiểu Chủng viện Rôma, những người đã đi trên con đường của Thánh Phanxicô từ Assisi đến Rôma.
Anh chị em chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình. Chúng ta đừng quên Ukraine, Palestine, Israel, Miến Điện và nhiều quốc gia khác đang có chiến tranh. Chúng ta đừng quên, chúng ta đừng bao giờ quên, chiến tranh là một thất bại!
Tôi chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.