Vài năm trước, Thày Phó Tế (Thày Sáu Vĩnh Viễn) Ronnie Lastovica bất ngờ đọc được tin về một dòng tu kín (nữ) vừa được thành lập ở vùng Waco, TX.

Dòng Sisters of Mary Morning Star (Dòng Đức Mẹ Maria Sao Mai) là một dòng chiêm nghiệm tương đối trẻ có nguồn gốc từ Tây Ban Nha và hiện có 25 tu viện trên toàn thế giới, họ vừa kỷ niệm 10 năm thành lập vào tháng 7 vừa qua, và địa điểm của tu viện mới của họ ở Waco chỉ cách nhà tù Patrick L. O'Daniel Unit ở Gatesville khoảng 40 phút, đó là nơi giam giữ bảy nữ tử tù của tiểu bang.

Sau khi tìm hiểu rõ hơn về nhà dòng Sao Mai, Thày Sáu Lastovica không thể gạt ra khỏi tâm trí mình một câu hỏi táo bạo như sau: “Cuộc sống của các nũ tu kín thì có gì giống với cuộc sống trong tù của các nữ tử tù không?”

Và Thày đã bị ấn tượng bởi những tương đồng giữa hai cuộc sống, một nhà tù và một nhà dòng, nghĩa là họ đều sống cô lập trong các phòng nhỏ đơn sơ (cell), làm việc và nghỉ ngơi theo một thời khóa biểu rõ ràng, và không tương tác với thế giới bên ngoài.

Và Thày Lastovica, vốn là điều phối viên chăm sóc mục vụ nhà tù của Giáo phận Austin TX đã phục vụ các nữ tử tù ở Gatesville hơn 10 năm; đã nảy ra một ý nghĩ là bởi vì có nếp sống tương đồng cho nên các nữ tu sẽ rất thích hợp cho việc mục vụ cho các phụ nữ đợi ngày bị hành quyết này.

Nhưng có hai trở ngại, một là các nữ tu dòng kín thì không ra ngoài, đặc sủng của họ là cuộc sống chiêm nghiệm chứ không phải làm việc xã hội; và hai là liệu Nhà Tù có cho phép họ đi thăm các tử tội, và được bao nhiêu lần?

Lúc đầu, thày Lastovica nói, “Bà Mẹ Bề Trên đã do dự vì không chắc rằng mục vụ nhà tù là phù hợp với đặc sủng chiêm nghiệm của dòng. Nhưng sau khi trao đổi với dòng Mẹ ở Tây Ban Nha thì Nhà Dòng đã quyết định tạo ra một ngoại lệ, lý do chính bởi vì những người phụ nữ trong tù không thể đến nhà dòng, vì vậy các nữ tu phải là những người đi đến với họ.”

Và mọi chuyện diễn ra rất tốt đẹp, thày Lastovica cho biết — đến mức các nữ tu ở Waco được phép đến thăm hàng tháng.

Đọc tới đây thì chắc hẳn nhiều độc giả sẽ tự hỏi, cuộc du hành của các nữ tu hiền lành như những con chiên mà đi vào một nơi được cho là nguy hiểm nhất của nhà tù để gặp gỡ với một nhóm phụ nữ đã phạm phải những tội ác ghê tởm, không thể nói nên lời, thì có khác chi là tự nộp mình vào một hang sói?

Đó cũng là sự lo ngại của Sơ Bề Trên Pia Maria, theo bản tin của CNA ngày 4 tháng 8 năm 2024 kể lại; “Sơ ấy sẽ nói gì với họ? Liệu Sơ ấy có thể thoát hiểm mà ra về được không?”

Nhưng cuối cùng, khi Sơ Pia và các nữ tu khác từ Dòng Sao Mai thực sự đối mặt với những người phụ nữ tội phạm, “ mọi rào cản đã đều sụp đổ”.

“Giống như chúng tôi là những người thân thiết, chúng tôi là bạn bè, chúng tôi trò chuyện, chúng tôi cười đùa và chúng tôi chỉ thấy bình yên,” Sơ Pia kể lại với CNA.

“Có một sự hiện diện tâm linh, và chúng tôi đã có thể kết nối và gắn kết ngay từ lần ghé thăm đầu tiên. Đó phải là nhờ vào ân điển của Chúa — thật là tuyệt vời.”

...

Trong vài năm sau, các nữ tu đã đều đặn mỗi tháng một lần đến thăm những người bạn đang ở trong dãy nhà tù gọi là Hành Lang Chết (Dead Row)- mà các nữ tu bây giờ gọi là "Hành Lang Ánh Sáng" (Light Row)-, xây dựng tình bạn thực sự với những người phụ nữ đó và đã khiến sáu trong số bảy người theo đạo Công Giáo.

Ngoài ra, các tù nhân đã cam kết trở thành “tu sĩ”, nghĩa là họ là những giáo dân sống bên ngoài cộng đồng các nữ tu nhưng vẫn cam kết hỗ trợ cộng đồng thông qua lời cầu nguyện.

Truyền thống tận hiến (Oblate)— một từ bắt nguồn từ tiếng Latin có nghĩa là “dâng hiến” —được Thánh Benedict thiết lập trong Luật Dòng để các người nam và nữ ở bên ngoài dòng tu có thể liên kết với công việc và lời cầu nguyện của nhà dòng.

“Họ là những giáo dân sống trên thế gian và muốn cống hiến cho cộng đồng của chúng tôi,” Sơ Pia giải thích.

“Họ có mối liên hệ với cộng đồng của chúng tôi, giống như Dòng Ba Phanxicô hay dòng Cát Minh… sống tinh thần của cộng đồng chúng tôi trên thế giới, nhưng với tư cách là một giáo dân.”

Sơ Pia cho biết mặc dù ban đầu có chút do dự và lo lắng, nhưng Sơ cho biết chính Sơ bây giờ nhận được nhiều cảm hứng từ tấm gương cải đạo và sự tin cậy vào Chúa của những người phụ nữ bị giam cầm, là những người coi tình trạng bị giam cầm của họ giống như cuộc sống tu hành của một nữ tu.

Sơ Pia cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta nhận được từ họ nhiều hơn là những gì chúng ta cho họ”.

Texas là một trong những tiểu bang có nhiều án tử hình nhất trên toàn quốc, đã thực hiện gần 600 vụ hành quyết cấp tiểu bang và sáu vụ hành quyết cấp liên bang kể từ năm 1976, theo Trung tâm thông tin về án tử hình. Theo cùng nhóm này, Texas đã hành quyết nhiều phụ nữ hơn — sáu — so với bất kỳ tiểu bang nào khác.

Không có phụ nữ nào trong dãy hành lang tử tội ở Texas hiện có lịch trình về ngày hành quyết, nhưng Sơ Pia cho biết Sơ và các chị em khác đã chuẩn bị tinh thần và cầu nguyện về khả năng nhà nước có thể quyết định kết liễu mạng sống của bất kỳ người bạn nào vào bất cứ lúc nào.

“Đó là điều chúng tôi cầu nguyện… chúng tôi cầu nguyện rằng mình sẽ mạnh mẽ,” Sơ nói.

“Sẽ rất khó khăn cho chúng tôi vì chúng tôi ở gần họ. Chúng tôi hy vọng điều đó không xảy ra. Chúng tôi cầu nguyện rằng sẽ có một phép màu, rằng cuộc hành quyết của họ sẽ được hoãn lại… nhưng chúng tôi phó thác trong tay Chúa, rằng sẽ có sự bình an và ân sủng mà họ nhận được khi thời điểm đó đến.”