Rafael Liciani, một nhà thần học giáo dân người Venezuela, thành viên của Ủy ban Thần học Thượng Hội đồng Giám mục, đã chỉ trích Giáo hội ở Hoa Kỳ, mô tả Giáo hội này “về cơ bản là rối loạn chức năng” và đối lập Giáo Hội Hoa Kỳ với Giáo hội ở Đức và Mỹ Châu Latinh.

Liciani cũng chỉ trích Giáo hội ở Á Châu và Phi Châu, cũng như các triều đại giáo hoàng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Giáo hoàng Bênêđíctô XVI.

“Bất cứ ai nhìn sang Phi Châu, Á Châu hay Bắc Mỹ sẽ nhận ra rằng việc tiếp nhận Công đồng Vatican II đã không diễn ra bằng phương pháp giáo hội học về hình ảnh dân Chúa,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với katholisch.de, là cơ quan thông tấn của các giám mục Đức. “Ở Phi Châu hay Trung Đông, khái niệm về cộng đồng giáo hội, trong đó tiếng nói của giáo dân ngang bằng với tiếng nói của các giám mục, vẫn chưa được biết đến”.

Liciani nói thêm rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “có một nhiệm vụ kép phải hoàn thành: ngài phải thúc đẩy sự thay đổi trong cách hiểu về Giáo hội và cũng phải bảo đảm rằng sự đổi mới này đến được với tất cả các giáo hội địa phương”. “Nếu, vào cuối Thượng Hội đồng, chúng ta có một tài liệu thực hiện bước nhảy vọt về giáo hội học này và thiết lập sự hiểu biết về Giáo hội với tư cách là dân Chúa, thì sẽ có những bước phát triển hơn nữa trong các lĩnh vực mục vụ và giáo lý”.

Liciani được nhiều người biết đến là một kẻ cực đoan cổ vũ cho cái gọi là Thần học giải phóng. Thật thế, các nghị phụ của Công đồng Vatican II đã thảo luận về Giáo hội với tư cách là dân Thiên Chúa ở một trong tám chương của Lumen Gentium, Hiến chế Tín lý về Giáo hội. Trong chương tiếp theo, các nghị phụ công đồng nhấn mạnh đến bản chất phẩm trật của Giáo hội. Không nơi nào tài liệu kêu gọi các cơ quan giáo hội trong đó “tiếng nói của giáo dân ngang bằng với tiếng nói của các giám mục” trong việc thiết lập những thay đổi trong “các mục vụ và giáo lý”.


Source:katholisch.de