1. Chính phủ Pháp đã cảnh báo mối đe dọa khủng bố 'rất cao' đối với lễ trọng của Công Giáo
Chính phủ Pháp đã kêu gọi “cực kỳ cảnh giác” trước mối đe dọa khủng bố “rất cao” đối với các cuộc rước kiệu tôn giáo và nơi thờ phượng nhân dịp lễ Đức Mẹ Lên Trời, một trong những ngày thiêng liêng nhất trong lịch Công Giáo.
Gérald Darmanin, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, đã cảnh báo các quan chức khu vực trong một tin nhắn hôm thứ Ba thông qua ứng dụng nhắn tin Telegram rằng đất nước này đang ở trong “mối đe dọa khủng bố ở mức độ rất cao”. Theo hãng tin BFMTV của Pháp, ông nói rõ rằng “các buổi lễ, tụ tập, rước kiệu và hành hương” tại các địa điểm có truyền thống gắn liền với lòng sùng kính Đức Mẹ phải đối mặt với mối nguy hiểm đặc biệt.
Darmanin thông báo với các quận trưởng trong khu vực rằng “phải duy trì sự cảnh giác cao độ, đặc biệt đối với các cuộc biểu tình và địa điểm có tính chất tôn giáo”. Ông khuyên các quan chức chính phủ nên liên lạc thường xuyên với các địa điểm tôn giáo và triển khai thêm lực lượng an ninh đến những địa điểm “nhạy cảm hơn”.
Theo BFMTV, Bộ trưởng Nội vụ Pháp đã chỉ thị cho quan chức địa phương tư vấn cho các lãnh đạo Kitô giáo về các biện pháp an ninh phòng ngừa nhằm phát hiện những cá nhân hoặc phương tiện khả nghi trước các nơi thờ tự.
Chính phủ Pháp cũng được cho là có khả năng triển khai lực lượng Opération Sentinelle chống khủng bố tại các địa điểm hành hương quan trọng, chẳng hạn như Đền thờ Đức Mẹ Lộ Đức, nơi dự kiến có hơn 30.000 tín hữu quy tụ trong lễ Đức Mẹ Lên Trời.
Ở Pháp, một trong những quốc gia Công Giáo lâu đời nhất trên thế giới, lễ Đức Mẹ Lên Trời là một ngày nghỉ lễ. Nó thường được đánh dấu bằng Thánh lễ và các cuộc rước công cộng.
Darmanin nói rằng mức cảnh báo cao một phần là do Pháp đang tiếp tục xuất hiện trên trường quốc tế với tư cách là chủ nhà của Thế vận hội 2024 và Thế vận hội Paralympic sắp tới cũng như do “căng thẳng mạnh mẽ ở cấp độ quốc tế, đặc biệt là ở Trung Đông”.
Do các mối đe dọa khủng bố tiếp tục diễn ra, Pháp đang ở trong tình trạng an ninh bị đe dọa cao nhất kể từ ngày 24 Tháng Ba.
Theo nhóm nhân đạo Nhân quyền không biên giới quốc tế, đã có gần 1.000 hành động khủng bố và đe dọa chống lại Kitô hữu ở Pháp vào năm 2023. Lễ Phục sinh vừa qua, chính phủ Pháp đã triển khai 13.500 cảnh sát và lực lượng chống khủng bố đến hàng ngàn địa điểm Công Giáo và Tin lành trên toàn quốc. thờ phượng trên khắp đất nước, theo Radio France Internationale.
Vào tháng 7, một loạt các cuộc tấn công đốt phá phối hợp đã tạm thời làm tê liệt các chuyến tàu đến Paris, ảnh hưởng đến khoảng 800.000 du khách ngay trước khi Thế vận hội bắt đầu. Không ai bị thương trong các cuộc tấn công.
Source:Catholic News Agency
2. Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại Ba Lan
Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15 tháng Tám là một trong 13 ngày quốc lễ trong một năm của Ba Lan. Ngay cả trong thời kỳ cộng sản, ngày 15 tháng Tám vẫn là một ngày quốc lễ, mặc dù bọn cầm quyền cộng sản lúc đó gọi là ngày Các Lực Lượng Vũ Trang Ba Lan để kỷ niệm cuộc chiến tại Warsaw vào năm 1920.
Thông tấn xã KAI của Công Giáo Ba Lan cho rằng giải thích của bọn cầm quyền cộng sản chỉ là một lối giải thích miễn cưỡng. Cộng sản không muốn gọi ngày 15 tháng Tám là ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, nhưng cũng không dám mừng ngày Các Lực Lượng Vũ Trang Ba Lan một cách trọng thể vì sợ mất lòng Liên Sô. Cho nên, trong suốt thời cộng sản, ngày 15 tháng Tám, ngày cộng sản gọi là ngày Các Lực Lượng Vũ Trang Ba Lan, không có các cuộc diễn binh, diễn hành trên đường phố, dân chúng được nghỉ ngơi đi nhà thờ, không phải tham gia các cuộc mít-tinh nào cả.
Năm 1920, hồng quân Liên Sô tấn công Ba Lan. Quân Ba Lan liên tục rút chạy tán loạn trước sức tấn công vũ bão của đối phương. Trước đại họa đất nước bị chìm trong họa vô thần, hàng giáo sĩ Ba Lan kêu gọi anh chị em cầu nguyện đặc biệt với Đức Mẹ nhất là khi gần đến ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Ngày 12 tháng Tám, 1920, hồng quân Liên Sô do Nguyên Soái Mikhail Tukhachevsky lãnh đạo tạo thành 2 gọng kềm tiến đánh thủ đô Warsaw và thành phố Modlin Fortress. Tình thế gần như tuyệt vọng đối với người Ba Lan.
Tuy nhiên, một ngày sau Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, là ngày 16 tháng Tám, 1920, tướng Józef Piłsudski của Ba Lan mở cuộc phản công từ phía Nam thủ đô Warsaw. Hồng quân Liên Sô đại bại, rút chạy tán loạn về phía Đông liều lĩnh bơi qua sông Neman để thoát thân. Trong một ngày duy nhất, hơn 10,000 quân Liên Sô tử trận, 500 bị mất tích dưới dòng sông Neman đang chảy như thác lũ, 30,000 quân nhân bị thương và trầm trọng nhất là 66,000 quân nhân bị bắt sống tại mặt trận. Tướng Józef Piłsudski, một quân nhân chuyên nghiệp, đã tạo ra một chiến công hiển hách lưu danh hậu thế. Nhưng ông là một người khiêm nhường, và đầy đức tin. Ông cho rằng chính nhờ Đức Mẹ và niềm tin vào Đức Mẹ mà quân Ba Lan từ tình trạng đang xuống tinh thần trầm trọng đã có thể đánh một trận oai hùng như vậy.
Thừa thắng xông lên, quân Ba Lan lần lượt thắng hết trận này sang trận khác, quét sạch quân Liên Sô ra khỏi bờ cõi đất nước. Cuối năm đó, Lênin đã phải nuốt nhục ký hiệp ước với Ba Lan.
Đại sứ Anh quốc tại Ba Lan là ông Edgar Vincent nhận xét rằng cuộc chiến ngày 16 tháng Tám, 1920 là cột mốc lịch sử. Nhờ cuộc chiến đó, phần còn lại của Âu Châu đã thoát khỏi mưu đồ bành trướng chủ nghĩa cộng sản của Lênin.
3. Đức Hồng Y Tổng giám mục Köln viếng thăm liên đới tại Ukraine
Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng giám mục Giáo phận Köln, là giáo phận lớn nhất tại Đức, bắt đầu chuyến viếng thăm liên đới trong sáu ngày, từ ngày 14 tháng Tám đến ngày 19 tháng Tám tới đây, tại Ukraine.
Đức Hồng Y sẽ dừng lại tại các thành phố Lviv và thủ đô Kyiv để thăm các dự án bác ái, gặp gỡ các vị lãnh đạo và sinh viên, cũng như cử hành các buổi lễ. Ngài sẽ thăm các địa điểm, như Irpin, Butscha và Hostomel, là những nơi mà khi quân Nga rút khỏi sau khi xâm lược, người ta tìm thấy tử thi của hàng trăm người bị giết. Tại các nơi đó, Đức Hồng Y sẽ gặp gỡ và nói chuyện với những người sống sót.
Tại Kyiv, Đức Hồng Y Köln sẽ gặp Đại sứ Đức. ông Martin Jaeger, cũng như gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương. Trong chương trình, Đức Hồng Y sẽ viếng thăm nghĩa trang quân đội và gặp gỡ thân nhân các tử sĩ.
Đức Hồng Y Woelki đã từng kêu gọi những người đã gây nên chiến tranh hãy để võ khí im tiếng: “Hãy hoán cải và trở về cùng Thiên Chúa, là Chúa của sự sống và hòa bình!” Đức Hồng Y muốn thức tỉnh viễn tượng hy vọng từ đức tin và nói rằng “Thiên Chúa không bỏ rơi ai một mình trong cảnh lầm than. Điều quan trọng là tín thác nơi Chúa và kiên nhẫn. Cầu nguyện không phải là thuốc phiện, nhưng là việc chúng ta phó thác cho Thiên Chúa điều gì đó”.
Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki đã viếng thăm Ukraine hồi năm 2018, trước chiến tranh. Từ khi xảy ra chiến tranh ở Ukraine, hồi tháng Hai năm 2022, Tổng giáo phận Köln đã thiết lập ba quỹ đặc biệt, mỗi quỹ nửa triệu Euro để mau lẹ đáp ứng những tình trạng khẩn cấp. Tính đến cuối tháng Bảy vừa rồi, giáo phận Köln đã tài trợ 50 dự án, với hơn một triệu 200.000 Euro.
4. Xe tải cứu trợ của Bộ Bác ái đến Ukraine
Bốn ngày sau khi khởi hành từ Roma, từ ngày 08 tháng Tám, xe tải chở các đồ cứu trợ của Đức Thánh Cha Phanxicô, trợ giúp nhân dân Ukraine, từ Roma đã đến thành phố Kharkiv ở miền đông nước này, hôm 12 tháng Tám vừa qua, một miền đã bị bom đạn của Nga đánh phá rất nhiều trong những năm tháng qua.
Xe tải chở lương thực khô, quần áo và thuốc men cho dân chúng ở Ukraine. Đặc biệt, lần này xe chở nhiều đồ hộp và lương thực để được lâu ngày, như các linh mục và giám mục tại nước này thỉnh cầu. Một toán vệ binh Thụy Sĩ đã đến nhà thờ thánh Sofia của các tín hữu Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương để giúp chất các đồ cứu trợ lên xe tải.
Đến nơi, các đồ cứu trợ được chuyển giao cho Đức Cha Vasyl Tuchapet, Giám mục Giáo phận Kharkiv sở tại. Đức Cha đã nhiệt liệt cám ơn Đức Thánh Cha và Đức Hồng Y Krajewski, cũng như các cộng tác viên.
Về phần Đức Hồng Y Krajewski, ngài cám ơn lòng quảng đại của dân chúng ở Roma và cha Marco Semehen, người đã tổ chức quyên góp các đồ cứu trợ này.
Đức Cha Tuchapets ở địa phương cho biết dân chúng di tản từ các vùng gần biên giới Nga, đặc biệt là từ Vovchansk và Lyptsi, nơi xảy ra các cuộc giao tranh. Khi chạy đến Kharkiv, họ thường gõ cửa nhà xứ và các cơ quan bác ái của Giáo hội để xin giúp đỡ. Họ xin hỗ trợ lương thực và cả các vật dụng thiết yếu khác, vì nhiều người đã bỏ lại gia sản để chạy thoát thân.
Theo Đức Hồng Y Krajewski, cho đến nay đã có 240 xe tải từ nhà thờ Santa Sofia, ở Roma chuyên chở phẩm vật trợ giúp nhân đạo của Đức Thánh Cha tới Ukraine.