NẺO ĐƯỜNG CỦA NHỮNG KHÁT KHAO
“Làm sao Ngài lại biết tôi?”.
“Chúa sẽ không tìm con, nếu Ngài đã không biết con!” - Blaise Pascal. Thiên Chúa luôn yêu thương những con người tiến về phía Ngài; vậy mà, chuyển động của Ngài về phía con người luôn luôn đi trước việc nó hướng đến Ngài. Ngài đã có mặt ‘nơi tâm điểm khát khao’ của nó; Ngài biết rõ nó, ngay trên nẻo đường của những khát khao!
Kính thưa Anh Chị em,
Ý tưởng của Pascal được đọc thấy nơi vị thánh ‘biệt phái Barthôlômêô’ - Nathanael - Giáo Hội kính nhớ hôm nay; đặc biệt, qua cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và con người độc đáo này. Với Gioan, thoạt tiên, Chúa Giêsu không hề xuất hiện như một nhà thuyết giáo nhưng như một con người sống động, dễ gặp, để ai cũng có thể gặp Ngài trên những nẻo đường của họ, ‘nẻo đường của những khát khao!’.
Điều đánh động trước tiên, trong những lần gặp đó, là tính giản dị đáng kinh ngạc của chúng. ‘Tính giản dị’ là cách thức tác giả kể lại những lần gặp sớm sủa của những con người đầu tiên đến với Đấng mà họ sẽ là môn đệ của Ngài. Chẳng hạn, với hai môn đệ Gioan, “Các anh tìm gì?”; “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”; “Hãy đến mà xem!”. Tính giản dị của trình thuật khiến độc giả hụt hẫng! Thế mà, cũng ngày hôm ấy, một điều gì đó mang tính quyết định đã xảy ra; để rồi, “Chúng tôi đã gặp Ngài!”. Cuộc gặp đó không là một cuộc gặp qua quýt, xã giao… cũng không là một cuộc gặp thân thiện thường ngày. Một điều gì đó hoàn toàn khác; họ đã gặp Ngài ngay trên ‘nẻo đường của những khát khao!’.
Chuyển động của cuộc gặp gỡ trở nên sâu sắc hơn với Nathanael, người đã mỉm cười ngờ vực khi nghe Philipphê bảo, mình đã gặp Đấng Thiên Sai nơi con người có tên Giêsu Nazareth, “Từ Nazareth, làm sao có cái chi hay?”; Philipphê đơn sơ đáp, “Cứ đến mà xem!”. Kìa, con người sống trong hoài mong Đấng Thiên Sai ấy - những “ước ao thấy Ngày của Ngài” - đã đến và đã xem. Cả hữu thể ông khát khao sự tỏ mình của Thiên Chúa giờ đây đã phải lặng trân khi nghe lời chào của người thanh niên không mấy quen biết, “Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối!”. Ôi! Một lời bộc phát như sấm rền khiến Nathanael nghẹt thở, “Làm sao Ngài lại biết tôi?”. Qua câu hỏi này, toàn bộ hữu thể của ông ‘tan chảy’, bộc lộ trong sáng như vàng ròng!
Anh Chị em,
“Làm sao Ngài lại biết tôi?”. Chúa Giêsu tỏ mình cho Nathanael không như cho một người xa lạ; Ngài biết Nathanael cách thấu đáo, cá vị. Đúng thế, “Chúa sẽ không tìm con, nếu Ngài đã không biết con!”. Chính cái biết và sự thấu hiểu của Chúa Giêsu đã khiến Nathanael hoàn toàn ‘tê liệt’; vì giờ đây, nỗi chờ mong của ông đã được đáp đền một cách ứa trào! Phần chúng ta, chúng ta phải đến với Chúa Giêsu trên những nẻo đường nào? Đức Phanxicô nói, “Hãy đến với Ngài trên nẻo đường của những tội nhân. Hãy đến với Ngài với sự tự tin cũng như với niềm vui mà không cần trang điểm. Đừng bao giờ trang điểm trước mặt Chúa! Hãy đến, mang theo tất cả sự thật!”. Đừng ngần ngại cùng Ngài thổ lộ tâm can, những kín ẩn trong nơi sâu thẳm của lòng mình. Đó chính là tâm điểm khát khao của mỗi người mà Ngài biết rõ.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa biết con hơn con biết con. Không khát khao Chúa, con sẽ khát khao các thứ ‘ít Chúa’ và ‘không phải Chúa’; cho con khao khát chỉ một mình Ngài!”, Amen.
(Tgp. Huế)
“Làm sao Ngài lại biết tôi?”.
“Chúa sẽ không tìm con, nếu Ngài đã không biết con!” - Blaise Pascal. Thiên Chúa luôn yêu thương những con người tiến về phía Ngài; vậy mà, chuyển động của Ngài về phía con người luôn luôn đi trước việc nó hướng đến Ngài. Ngài đã có mặt ‘nơi tâm điểm khát khao’ của nó; Ngài biết rõ nó, ngay trên nẻo đường của những khát khao!
Kính thưa Anh Chị em,
Ý tưởng của Pascal được đọc thấy nơi vị thánh ‘biệt phái Barthôlômêô’ - Nathanael - Giáo Hội kính nhớ hôm nay; đặc biệt, qua cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và con người độc đáo này. Với Gioan, thoạt tiên, Chúa Giêsu không hề xuất hiện như một nhà thuyết giáo nhưng như một con người sống động, dễ gặp, để ai cũng có thể gặp Ngài trên những nẻo đường của họ, ‘nẻo đường của những khát khao!’.
Điều đánh động trước tiên, trong những lần gặp đó, là tính giản dị đáng kinh ngạc của chúng. ‘Tính giản dị’ là cách thức tác giả kể lại những lần gặp sớm sủa của những con người đầu tiên đến với Đấng mà họ sẽ là môn đệ của Ngài. Chẳng hạn, với hai môn đệ Gioan, “Các anh tìm gì?”; “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”; “Hãy đến mà xem!”. Tính giản dị của trình thuật khiến độc giả hụt hẫng! Thế mà, cũng ngày hôm ấy, một điều gì đó mang tính quyết định đã xảy ra; để rồi, “Chúng tôi đã gặp Ngài!”. Cuộc gặp đó không là một cuộc gặp qua quýt, xã giao… cũng không là một cuộc gặp thân thiện thường ngày. Một điều gì đó hoàn toàn khác; họ đã gặp Ngài ngay trên ‘nẻo đường của những khát khao!’.
Chuyển động của cuộc gặp gỡ trở nên sâu sắc hơn với Nathanael, người đã mỉm cười ngờ vực khi nghe Philipphê bảo, mình đã gặp Đấng Thiên Sai nơi con người có tên Giêsu Nazareth, “Từ Nazareth, làm sao có cái chi hay?”; Philipphê đơn sơ đáp, “Cứ đến mà xem!”. Kìa, con người sống trong hoài mong Đấng Thiên Sai ấy - những “ước ao thấy Ngày của Ngài” - đã đến và đã xem. Cả hữu thể ông khát khao sự tỏ mình của Thiên Chúa giờ đây đã phải lặng trân khi nghe lời chào của người thanh niên không mấy quen biết, “Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối!”. Ôi! Một lời bộc phát như sấm rền khiến Nathanael nghẹt thở, “Làm sao Ngài lại biết tôi?”. Qua câu hỏi này, toàn bộ hữu thể của ông ‘tan chảy’, bộc lộ trong sáng như vàng ròng!
Anh Chị em,
“Làm sao Ngài lại biết tôi?”. Chúa Giêsu tỏ mình cho Nathanael không như cho một người xa lạ; Ngài biết Nathanael cách thấu đáo, cá vị. Đúng thế, “Chúa sẽ không tìm con, nếu Ngài đã không biết con!”. Chính cái biết và sự thấu hiểu của Chúa Giêsu đã khiến Nathanael hoàn toàn ‘tê liệt’; vì giờ đây, nỗi chờ mong của ông đã được đáp đền một cách ứa trào! Phần chúng ta, chúng ta phải đến với Chúa Giêsu trên những nẻo đường nào? Đức Phanxicô nói, “Hãy đến với Ngài trên nẻo đường của những tội nhân. Hãy đến với Ngài với sự tự tin cũng như với niềm vui mà không cần trang điểm. Đừng bao giờ trang điểm trước mặt Chúa! Hãy đến, mang theo tất cả sự thật!”. Đừng ngần ngại cùng Ngài thổ lộ tâm can, những kín ẩn trong nơi sâu thẳm của lòng mình. Đó chính là tâm điểm khát khao của mỗi người mà Ngài biết rõ.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa biết con hơn con biết con. Không khát khao Chúa, con sẽ khát khao các thứ ‘ít Chúa’ và ‘không phải Chúa’; cho con khao khát chỉ một mình Ngài!”, Amen.
(Tgp. Huế)