Đức Giáo Hoàng Phanxicô được chào đón bởi những đứa trẻ nhảy múa khi ngài đến Sân bay quốc tế Changi Singapore, thứ Tư, ngày 11 tháng 9 năm 2024.(Nguồn: Ảnh AP/Gregorio Borgia.)


Elise Ann Allen của tạp chí Crux, ngày 12 tháng 9 năm 2024, cho hay trong ngày đầu tiên tham gia các sự kiện tại Singapore, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với các nhà chức trách quốc gia rằng họ có vai trò trong việc giúp làm trung gian chấm dứt các cuộc xung đột hoàn cầu, đồng thời ca ngợi cam kết của họ đối với chủ nghĩa đa phương và thúc đẩy lợi ích chung.

Phát biểu trước các nhà chức trách quốc gia và các thành viên của đoàn ngoại giao tại Singapore vào ngày 12 tháng 9, Đức Giáo Hoàng cho biết thị quốc này có "vai trò chuyên biệt cần đóng trên bình diện quốc tế, nơi đang bị đe dọa bởi xung đột và chiến tranh đã đổ nhiều máu", ngài nói thêm một cách ngẫu hứng, "chúng ta đừng quên điều này".

Đức Phanxicô bày tỏ sự cảm kích trước sự ủng hộ của Singapore đối với chủ nghĩa đa phương, một ưu tiên địa chính trị quan trọng của vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đến từ thế giới đang phát triển, và "một trật tự dựa trên luật lệ được tất cả mọi người chia sẻ".

"Tôi khuyến khích quý vị tiếp tục làm việc vì sự thống nhất và tình anh em của nhân loại và lợi ích chung của tất cả mọi người và mọi quốc gia, theo cách không loại trừ những người khác hoặc hạn chế lợi ích quốc gia của quý vị", ngài nói.

Mặc dù Đức Giáo Hoàng không đề cập chuyên biệt đến bất cứ cuộc xung đột nào, nhưng người ta tin rằng ngài đang ám chỉ đến cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm cả vai trò tiềm năng của Singapore trong việc thu hút Trung Quốc vào việc xác định con đường dẫn đến hòa bình.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn giữ thái độ trung lập về cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, đã kiềm chế không lên án cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, đồng thời cũng bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc về cuộc xung đột này.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nỗ lực hết sức để thu hút chính quyền Trung Quốc vào các nỗ lực nhân đạo và gìn giữ hòa bình, cử phái viên hòa bình cá nhân của mình tới Ukraine, Hồng Y người Ý Matteo Zuppi, đến Bắc Kinh vào năm ngoái để thảo luận về các khả năng đạt được hòa bình.

Do mối quan hệ song phương chặt chẽ giữa Singapore và Trung Quốc, nhiều nhà quan sát tin rằng Singapore có khả năng trở thành một bên trung gian quan trọng.

Đức Phanxicô cũng đề cập đến cuộc khủng hoảng môi trường, nói rằng Singapore cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đưa mọi thứ đi đúng hướng nhờ vào các nguồn lực và sự đổi mới của họ.

"Cam kết của quý vị đối với sự phát triển bền vững và bảo tồn thiên nhiên là một tấm gương để noi theo, và việc quý vị tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để giải quyết các thách thức về môi trường có thể khuyến khích các quốc gia khác làm như vậy", ngài nói.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phát biểu với chính quyền Singapore sau khi đến thăm xã giao Tổng thống Tharman Shanmugaratnam và có cuộc gặp riêng với Thủ tướng Lawrence Wong vào ngày thứ hai tại đất nước này.

Chuyến thăm Singapore của ngài là chuyến thăm thứ hai của giáo hoàng đến thành phố này, sau chuyến dừng chân ngắn ngủi của Thánh Gioan Phaolô II vào năm 1986.

Hôm thứ Năm, Tổng thống Shanmugaratnam đã ca ngợi Tòa thánh dưới thời Đức Phanxicô là "người ủng hộ mạnh mẽ và có nguyên tắc cho tình anh em giữa con người và tính bền vững của môi trường".

Ông chỉ ra nhiều thách thức hoàn cầu khác nhau, nói rằng, "Trật tự hoàn cầu đang suy yếu, xung đột và xâm lược vẫn không hề suy giảm".

“Đã có sự gia tăng không khoan dung trong chính các xã hội. Đồng thời, chúng ta đang chứng kiến biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn, khiến thế giới trở nên kém an toàn hơn đối với nhân loại”, ông nói, đồng thời cho biết cộng đồng quốc tế phải “nỗ lực kiên quyết và thẳng thắn hơn để giải quyết từng thách thức này”.

Bản thân Tổng thống Shanmugaratnam đã đề cập đến vấn đề chiến tranh, nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô là “một tiếng nói hoàn cầu đầy nhiệt huyết” phản đối chiến tranh, liên tục kêu gọi hòa bình.

Ông cũng ca ngợi Đức Giáo Hoàng vì những nỗ lực của ngài trong việc thúc đẩy sự hòa hợp và đối thoại liên tôn và liên văn hóa.

“Đã có một thời điểm trong lịch sử của chúng ta khi những thực tại này làm nảy sinh căng thẳng giữa các cộng đồng. Do đó, đối với chúng ta, sự đoàn kết và hòa hợp là cốt lõi và sẽ vẫn là những đặc điểm cốt lõi trong quá trình phát triển quốc gia của chúng ta”, ông nói.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi Singapore là “một ngã tư thương mại có tầm quan trọng hàng đầu và là nơi gặp gỡ của nhiều dân tộc khác nhau”.

Ngài nhắc lại cuộc đấu tranh giành độc lập của Singapore khỏi Malaysia, mà họ đã đạt được vào tháng 8 năm 1965, lưu ý rằng trong những thập niên kể từ đó, thị quốc nhỏ này đã trở thành một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới, với nền kinh tế thị trường tự do phát triển cao và quan hệ thương mại quốc tế mạnh mẽ.

Câu chuyện của Singapore, Đức Giáo Hoàng nói, “là câu chuyện về sự tăng trưởng và khả năng phục hồi. Từ khởi đầu khiêm tốn, quốc gia này đã đạt đến một trình độ phát triển tiên tiến, điều này chỉ có thể bắt nguồn từ những quyết định hợp lý chứ không phải ngẫu nhiên”.

Phát triển thành công, ngài nói, là kết quả của cam kết vững chắc trong việc thúc đẩy các dự án và sáng kiến “được cân nhắc kỹ lưỡng và phù hợp với các đặc điểm chuyên biệt của nơi này”.

Đức Phanxicô ca ngợi cam kết của Singapore không chỉ đối với sự thịnh vượng kinh tế mà còn thúc đẩy công lý xã hội và lợi ích chung, và chỉ ra các sáng kiến chuyên biệt, chẳng hạn như các chính sách nhà ở bền vững, đầu tư giáo dục và hệ thống chăm sóc sức khỏe hiệu quả.

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng cảnh báo rằng có một rủi ro “khi chỉ tập trung vào chủ nghĩa thực dụng hoặc đặt công trạng lên trên hết thảy”.

“Tức là hậu quả không mong muốn của việc biện minh cho việc loại trừ những người ở bên lề khỏi việc hưởng lợi từ sự tiến bộ”, ngài nói.

Để đạt được mục đích này, ngài thừa nhận nhiều dự án nhằm hỗ trợ những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là người nghèo và người già, cũng như người lao động nhập cư. Ngài nói rằng những người lao động này “đóng góp rất nhiều cho xã hội và cần được đảm bảo mức lương công bằng”.

Đức Phanxicô chỉ ra sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ hiện đại, bao gồm trí tuệ nhân tạo, nhưng cảnh báo về sự suy giảm tương tác cá nhân, nói rằng những bước tiến trong lĩnh vực này “không được khiến chúng ta quên đi nhu cầu thiết yếu là vun đắp các mối quan hệ thực sự và cụ thể giữa con người”.

“Những công nghệ này nên được sử dụng để đưa chúng ta lại gần nhau hơn bằng cách thúc đẩy sự hiểu biết và liên đới, và không bao giờ tự cô lập mình trong một thực tại vô hình và sai lầm nguy hiểm”, ngài nói.

Đức Phanxicô ám chỉ đến sự đa dạng văn hóa, sắc tộc và tôn giáo rộng lớn của Singapore, lưu ý rằng bất kể xuất thân khác nhau, người dân vẫn chung sống hòa bình với nhau. Ngài cho biết tính bao gồm này “được tạo điều kiện thuận lợi bởi sự công bằng của các cơ quan công quyền tham gia đối thoại mang tính xây dựng với tất cả mọi người”.

Ngài cho biết, sự sẵn sàng đối thoại giúp “mọi người có thể đóng góp riêng cho lợi ích chung và ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan và sự không khoan dung phát triển mạnh mẽ hoặc gây nguy hiểm cho sự hòa hợp xã hội”.

Lời kêu gọi chấm dứt chủ nghĩa cực đoan của ngài được đưa ra sau lời kêu gọi tương tự được đưa ra trong chuyến thăm Jakarta, nơi ngài đã gặp Đại Imam của Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal nổi tiếng của thành phố và kêu gọi các nhà chức trách Hồi giáo áp dụng thái độ ôn hòa và đối thoại liên tôn.

Lời kêu gọi này cũng được đưa ra vào ngày sau lễ kỷ niệm vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Hoa Kỳ nhằm vào Tòa tháp đôi ở New York và Lầu Năm Góc ở Arlington, Virginia, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người.

Đức Giáo Hoàng cho biết, “Sự tôn trọng lẫn nhau, hợp tác, đối thoại và quyền tự do thực hành đức tin của một người trong khuôn khổ của luật pháp là những điều kiện cho phép Singapore thành công và ổn định”.

Những phẩm chất này, ngài nói, “là cần thiết để tránh xung đột và hỗn loạn và thay vào đó cung cấp một sự phát triển cân bằng và bền vững”.

Đức Phanxicô chỉ ra sự đóng góp của giáo hội cho xã hội Singapore, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục, và thừa nhận vai trò của các nhà truyền giáo trong việc đặt nền móng cho sự thành công của những sáng kiến này.

Ngài nhấn mạnh tới Nostra Aetate, tuyên bố năm 1965 của Công đồng Vatican II về quan hệ với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, nói rằng giáo hội đã liên tục thúc đẩy đối thoại liên tôn và hợp tác giữa tất cả các cộng đồng tôn giáo.

Ngài nói rằng Giáo hội đã làm như vậy “với tinh thần cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đây là những yếu tố cơ bản để xây dựng một xã hội công bằng và hòa bình”.

Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò của gia đình, lưu ý rằng nền tảng của cuộc sống gia đình “đang bị thách thức bởi các điều kiện xã hội hiện tại và có nguy cơ bị suy yếu”.

“Các gia đình phải được phép truyền tải những giá trị mang lại ý nghĩa và hình thành nên cuộc sống, đồng thời dạy cho những người trẻ cách xây dựng các mối quan hệ vững chắc và lành mạnh”, ngài nói, đồng thời kêu gọi thúc đẩy các sáng kiến “thúc đẩy, bảo vệ và hỗ trợ sự đoàn kết của gia đình thông qua hoạt động của nhiều tổ chức khác nhau”.