Lm Nguyễn Trung Tây
Góa Phụ trong Kinh Thánh


Một người phụ nữ trong văn hóa Do Thái khi trở thành góa phụ và nếu không có con trai, bà trở thành công dân hạng hai. Nói một cách khác, bà không còn vị thế và tiếng nói trong xã hội nữa. Mặc dù khía cạnh văn hóa này có thể xa lạ với độc giả Kinh Thánh, nhưng đó là một thực thể trong xã hội Do Thái thời Đức Giêsu.

Để hiểu lý do tại sao người Do Thái đối xử với góa phụ không có con trai như vậy, độc giả cần phải hiểu đất đai trong văn hóa Do Thái không chỉ là tài sản vật chất, mà còn là nguồn gốc để xác định danh tính và địa vị của một người trong xã hội.

Vùng đất mà người Do Thái chinh phục và định cư thật ra không phải là tài sản riêng của họ. Thiên Chúa mới là chủ nhân đích thực của vùng đất hứa này. Người Do Thái chỉ là những tá điền, được giao phó nhiệm vụ quản lý chăm sóc đất đai cho Ngài. Bên cạnh nét thần học này, đất đai trong xã hội Do Thái chỉ được truyền lại cho người con trai trưởng trong gia đình. Trong thực tế, việc mất đất vào tay người khác không phải là một điều hiếm khi xảy ra. Bởi thế, để khôi phục địa vị cho những người đã mất đi tài sản đất đai thừa kế, Môisê đã thiết lập Năm Toàn Xá, được tổ chức mỗi 50 năm một lần. Vào năm Toàn Xá, tất cả đất đai đều phải được trả lại cho nguyên chủ. Phong tục này được ghi trong Sách Levi 25:10: “Năm thứ năm mươi là năm thiêng liêng, thời kỳ tự do và mừng rỡ khi mọi người nhận lại tài sản ban đầu của mình, và những người nô lệ trở về với gia đình của họ.”

Bởi thế, nếu người góa phụ có con trai, mặc dầu chồng đã mất, địa vị xã hội của bà vẫn được bảo đảm qua sự hiện hữu của người con trai thừa kế. Tuy nhiên, nếu người con trai của bà qua đời, như trong trường hợp của bà Naomi trong Sách Ruth, hoặc bà góa thành Nain (Luke 7:11-17), cả hai người này đều đối mặt với một tương lai không lối thoát trong xã hội Do Thái. Bởi thế, nhiều người dân thành Nain đã tham dự đám tang người con trai duy nhất của người góa phụ (v.11). Riêng Đức Giêsu, Ngài đã động lòng thương, và quyết định can thiệp (v.13). Khi làm phép lạ hồi sinh người con trai, Đức Giêsu không chỉ trả lại người con trai duy nhất tới người góa phụ, nhưng Ngài còn trả lại danh dự và địa vị của bà góa thành Nain.

Trong Marcô 12:41-44, khi đang ở trong Đền Thờ, Đức Giêsu quan sát đám đông dâng cúng. Nhiều người giàu có đã nộp những khoản tiền lớn, nhưng Ngài đặc biệt chú ý đến một bà góa nghèo, chỉ góp hai đồng lepta, đơn vị tiền tệ nhỏ nhất vào thời đó. Mặc dù số tiền của bà rất ít, Đức Giêsu đã công khai khen ngợi bà, vì bà góa nghèo này đã dâng tất cả những gì mình có, trong khi những người khác chỉ dâng phần dư thừa của họ.

Hiểu được bối cảnh văn hóa này, người đọc dễ dàng nhận thấy các góa phụ trong Kinh Thánh rất dễ bị tổn thương vì họ không có chồng hoặc con trai bảo vệ và đại diện cho họ. Chính vì vậy, Thiên Chúa đã nhắc nhở với dân Do Thái: “Chớ ức hiếp người góa phụ, trẻ mồ côi, khách lạ hoặc người nghèo” (Zachariah 7:10). Và cũng rất nhiều lần trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã lên tiếng can thiệp cho quyền lợi của người góa phụ trong xã hội Do Thái.